Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đối với Ty là ngày vui nhất đời từ khi lọt lòng mẹ. Không phải Ty thích chế độ cộng sản, cũng không phải Ty thuộc phe phản chiến yêu chuộng hoà bình, chỉ đơn giản là ngày ấy Ty được từ bỏ cái tên gọi “thằng con hoang”. Ty chính thức có ba và lần đầu tiên được gọi hai chữ “Ba ơi”

Suốt thời thơ ấu mặc dù có tên hẳn hòi nhưng lũ trẻ trong xóm và cùng lớp cứ giả vờ không biết chẳng bao giờ gọi bằng tên mà chỉ gọi “thằng con hoang”. Chỉ vì Ty mang họ mẹ và trong khai sinh tên cha là “vô danh”. Ngày nào Ty cũng mách mẹ nhưng mười lần như một mẹ chỉ bảo:

– Con nít mà kệ chúng nó, nhịn đi con một sự nhịn chín sự lành.

– Nhưng mà con có ba không hở mẹ, ba đâu rồi?

– Thằng khờ này ai mà chẳng có ba, khi nào con lớn mẹ sẽ kể về ba cho con nghe. Bây giờ con còn nhỏ mẹ nói con không hiểu đâu.

Phải kệ và chờ thôi, chính Ty còn không biết ba mình huống chi bọn trẻ con, chúng nó cũng chỉ thấy sao nói vậy người ơi thôi mà. Bọn trẻ thấy Ty nhịn hoài thì làm tới, càng ngày càng quá đáng. Còn Ty đã mấy vạn lần nhịn mà chưa thấy sự lành gì xảy ra bắt đầu nản và chả thèm tin vào cái trò một đổi chín mẹ vẫn hay dạy nữa. Hôm đó tan trường về Ty buồn vô hạn vì mấy hôm trước cô giáo cho làm văn kể về người cha trong gia đình. Bản thân vì không có cha nên chẳng biết viết gì, mà lại không muốn viết những lời dối trá nên Ty nộp giấy trắng. Đến khi phát bài cô giáo đã tế nhị giấu tờ giấy trắng không phát ra. Đám học trò chờ coi điểm của Ty mãi không thấy nhao nhao lên hỏi, không thể nói dối cô đành nói:

– Ty nộp giấy trắng nên cô để riêng qua một bên chờ giờ ra chơi tìm hiểu lí do.

– Lí do là Ty là con hoang không có cha đó cô ha ha ha.

Một số đông đồng thanh trả lời rồi cùng nhau cười hô hố hả hê, chúng nó ghét Ty chỉ vì bao nhiêu năm nay lúc nào Ty cũng được bảng danh dự đầu lớp chưa ai qua mặt được nên cơ hội này thật là ngàn năm một thuở. Như sợ cô giáo nghe chưa rõ chúng cứ lập đi lập lại và lăn ra cười như bầy khỉ đột. Cô giáo phải đập bàn gần chục lần mới ổn định được trật tự lớp học để bắt sang bài giảng mới. Giờ ra về nán lại chờ Ty đi ngang qua bàn cô nói:

– Ty em đừng buồn cố gắng học thật giỏi thì không ai có thể khi dễ chuyện mình không có cha được.

– Dạ con cám ơn cô, chào cô con về.

Là người cuối cùng rời lớp nhưng khi ra đến cổng trường thấy một đám cả chục đứa cùng lớp vẫn chưa về đang đứng chụm đầu vào nhau bàn tán chuyện gì đó. Khi Ty đi đến chúng rống lên:

– Một, hai, ba “Thuở ấy xa xưa có một thằng, một thằng con hoang. Tuổi sắp trăng tròn mà chưa biết, chưa biết cha mình. Người đợi gọi Ty là con hoang, con hoang….”

Ôi trời ơi máu nóng chạy khắp người không nhịn được nữa rồi Ty quăng cặp nhào vô như thằng điên đấm đá liên hồi quyết chiến một sống một còn. Sau một hồi mệt nhừ tả tơi như chiếc mền rách thành tích thu hoạch được là hai cái răng cửa của thằng Minh còi. Nhẽ ra còn nhiều hơn thế nữa nhưng mấy thằng lớn con thấy tình hình không ổn đã nhanh chân tẩu thoát, chỉ có Minh còi ốm yếu chạy cà rịch cà rang bị ở lại lãnh đạn. Dĩ nhiên với thành tích vẻ vang như thế mẹ Minh còi dễ gì bỏ qua. Thế là mẹ Ty phải kéo thằng con đến nhà lạy lục năn nỉ xin lỗi, bồi thường tiền thuốc men. Nhìn mẹ bị các bà hàng xóm xúm vô xỉ vả thậm tệ không biết dạy con mà chẳng dám hé răng nửa lời chỉ nước mắt tuôn thành dòng Ty thương mẹ và hối hận vô cùng. Vừa về đến nhà Ty quì ngay xuống khóc như mưa xin lỗi, nhưng mẹ không nói gì chỉ leo lên giường nằm quay mặt vào vách bỏ cả cơm chiều.

Chẳng biết quì như thế bao lâu, sáng hôm sau giật mình thức giấc thấy nằm trên giường với chiếc mền mỏng đắp hờ trên người. Nghĩ rằng hôm qua mẹ mệt nên chưa đánh, hôm nay sẽ trị tội và xử trảm Ty lạnh toát mồ hôi nằm im không nhúc nhích như đang ngủ say. Khi mọi việc chuẩn bị gần xong mẹ lại giường lay nhẹ:

Xem thêm:   Arkhom

– Ty dậy đi học trễ rồi.

Nghe giọng mẹ nghèn nghẹn không như bình thường Ty biết đêm qua mẹ khóc nhiều và mất ngủ, hối hận dâng trào Ty ôm mẹ khóc như mưa:

– Con xin lỗi Mẹ, con xin lỗi đã làm Mẹ buồn và khóc vì con.

– Thay quần áo đi học kẻo trễ.

Mẹ chỉ nói thế. Trên đường ra chợ, cặp sách đeo vai, tay trái xách xô nước để lâu lâu rưới lên rau cho khỏi héo, tay phải xách cái ghế đẩu Ty chạy lon ton theo mẹ. Ty cầu mong mẹ hỏi chuyện hôm qua để có cơ hội giải thích nhưng mẹ không hỏi vì thật ra hôm qua khi qua nhà Minh còi xin lỗi Ty cũng đã trình bày nguyên do rất chi tiết và đầy đủ. Đến khi đặt cái ghế và xô nước xuống, chào mẹ để đi học thì mẹ mới nói:

– Đánh nhau không giải quyết được vấn đề đâu con, ai nói gì kệ họ. Mẹ khẳng định con không phải con hoang, ngày nào đó mẹ sẽ cho con biết về ba của con.

– Dạ con hứa từ nay sẽ không bao giờ đánh nhau nữa. Trưa nay mẹ chờ con đi học về ngang rồi mình về chung nhé.

Từ hôm đó bọn trẻ sợ Ty ra mặt chúng không dám nói gì nữa mặc dù vẫn xầm xì to nhỏ sau lưng. Nhưng bọn trẻ im thì người lớn bắt đầu tiếp nối sự nghiệp. Trưa nào về đến đầu ngõ các bà hàng xóm cũng xầm xì nho nhỏ nhưng phải đủ cho hai mẹ con nghe thấy:

– Đấy cái thằng nhìn mặt thế mà hung, hôm nọ đánh Minh còi con chú Vạn gẫy hai cái răng cửa.

– Chắc giống tính khí thằng bố.

– Mà khổ nỗi có ai biết mặt bố nó là ai nên lũ trẻ nói cũng không sai?

Mẹ không nói gì sải bước thật dài để nghe càng ít càng tốt những lời cay nghiệt. Ngày nào cũng nghe riết đâm thuộc lòng đến chán, cuối tháng mẹ quyết định trả căn nhà cho chủ dọn về tận Hốc môn. Ngày dọn nhà buồn muốn khóc vì dầu gì Ty cũng sinh ra từ chốn này, mọi người trong xóm cũng tương đối tốt với hai mẹ con, chỉ mới sau vụ đánh nhau “xin tí răng” thì vì binh con mới thay đổi thái độ thôi. Khi chuyển gần xong mọi thứ lên xe Ty cầm lòng không đặng chạy vụt qua nhà Minh còi, nó cũng đang đứng vịn tay vào cửa hàng rào nhìn qua nhà Ty đôi mắt đỏ hoe. Thật ra trong lòng Minh cũng muốn qua nói lời chia tay với Ty nhưng vì sau ngày bị đánh rụng răng mẹ nó cấm không cho bén mảng qua khu vực có quân ác ôn côn đồ. Ty thò tay qua thanh chắn hàng rào, hai đứa nắm chặt tay nhau:

– Tao xin lỗi đã đánh mày gãy răng.

– Không, bọn tao có lỗi với mày trước. Tao phải xin lỗi mày vì bọn tao mà mẹ mày phải dọn nhà, mày chuyển lời tao xin lỗi đến mẹ nhé. Khi nào có dịp đi ngang qua đây nhớ ghé vào thăm tụi tao nha.

Ty gật đầu quay bước. Khi chiếc xe lam chở hai mẹ con ngang qua,  Minh còi một tay vẫy vẫy tay kia quẹt nước mắt thấy cảnh đó bao nhiêu giận hờn tan biến Ty thầm trách mình sao không nhịn được như đã từng nhịn. Xe ra đến đầu ngõ các bà mẹ hôm trước xầm xì hăng hái, quay nhanh bước vào nhà, một bác chạy theo ném vào xe cái mũ lưỡi trai:

– Bác tặng Ty nè, khi nào rảnh nói mẹ dắt về xóm cũ chơi nhé.

Mẹ ôm Ty vào lòng:

– Hy vọng qua nhà mới con sẽ được yên thân để học hành tử tế.

Thật vậy qua nhà mới chả ai biết thân thế nên Ty thoát khỏi cái tên “thằng con hoang”, nhưng hàng xóm láng giềng cứ thấy suốt ngày chỉ hai mẹ con ra vào với nhau nên cũng đoán già đoán non và tụi trẻ lại đặt cho Ty tên mới “con mồ côi”. Ừ thì nghe  cũng thấy tội nghiệp đáng thương nên con gà đen (ô kê) vui vẻ chấp nhận. Tưởng Ty là trẻ mồ côi nên hàng xóm thương và tử tế lắm, cứ có gì ngon cũng ơi ới chia cho hai mẹ con cùng ăn lấy thảo.

Nhà mới xa thành phố nên tương đối rộng rãi, trước sân có cây vú sữa già tàng lớn che phủ gần hết mái nhà nên mùa nắng nóng mà trong nhà vẫn mát rượi. Bà chủ nhà còn bảo cây vú sữa thuộc sở hữu người thuê vì bà theo con ra Sài gòn ở nên không đến hái. Ty sướng mê tơi như vậy từ nay ăn vú sữa trừ cơm đã luôn.

Xem thêm:   Khóc một chút rồi thôi

Trường học của Ty nằm cạnh trại lính, phần lớn các bạn cùng lớp đều là con của quân nhân trong khu gia binh nên những ngày nghỉ tụi nó hay dắt Ty vào nhà chơi. Ăn ngủ thoải mái còn được cắt tóc miễn phí theo tiêu chuẩn con quân nhân nữa chứ. Số là mẹ thằng Hà có bộ tonder hớt tóc, cứ ngày cuối tuần đầu tháng bà đem ra hành nghề, xởn hết cho già trẻ lớn bé cả khu miễn phí. Ha ha ha nhờ mái tóc độc nhất vô nhị này mà ra đường ai cũng nhận diện ra là người của khu gia binh. Ngược lại đến mùa vú sữa chín rộ tụi nó lại đến nhà Ty cả đám trèo hết tòn ten trên cây như Tarzan ăn thả cửa. Khi về còn quảy theo một bọc to tướng cho gia đình.

Yên ổn với đời sống mới giữa tình thương yêu đoàn kết của làng xóm, bè bạn chưa được bao lâu thì biến cố 30 tháng 4 sập đến. Ai cũng hoang mang hoảng lọan nhưng Ty thì vui quá vì một ngày nọ mẹ đi bán rau về dắt theo một người đàn ông già nua khắc khổ đen như cột nhà cháy, mẹ nói:

– Ty ơi ba con về nè.

Nhìn Ty ngơ ngác mẹ nói:

– Đây là ba con, bấy lâu nay mẹ chưa nói thân thế của con vì ba theo kháng chiến làm cách mạng. Nay cách mạng thành công ba về gia đình mình xum họp rồi.

Hai cha con mừng tủi ôm nhau nước mắt như mưa, bây giờ Ty đã hiểu vì sao mẹ không dám kể chuyện về ba trong bao năm nay. Những ngày sau đó Ty đeo ba như sam mọi lúc, mọi nơi, cùng ba chung vai lo việc đại sự. Việc trước mắt là đi tiếp thu các cơ quan chính phủ cũ, hai cha con mỗi người vác một cây súng dài như cây chổi. Lần đầu được vác súng Ty thích lắm thấy mình lớn hẳn mặc dù chả biết bắn làm sao và không biết bên trong có đạn không hay chỉ là súng kiểng vác chơi cho oai hù thiên hạ. Đi tiếp thu là lục soát thấy gì thích cứ dồn vô túi dết, mà phần đông cái gì cũng thích hết nên túi ai cũng căng phồng nặng trĩu, rút tỉa kinh nghiệm hôm sau lại mang túi to hơn. Ty thấy có người còn rút cả cuộn giấy toilette đang xài dở dang treo tòn ten trên cái móc cho vào túi cười hớn hở nói:

– Cái này đem về làm giấy thấm tốt phải biết (giấy chậm).

Sau đó thì qua sở Mỹ, hãng xưởng. Có ông thuê cả xe ba gác đẩy vào tận cửa để khuân tủ lạnh, tivi và máy đánh chữ mặc dù ……mù chữ. Một hôm chú bộ đội trẻ miền Bắc thấy trong ngăn kéo bàn làm việc phong kẹo chewing gum, chú cầm ngắm nghía mãi rồi đưa lên mũi ngửi hít hà:

– Cái quái gì thế này, bọn Mỹ ngụy này rắc rối thật văn phòng phẩm mà thơm phưng phức thế này.

– Chú ơi đó là kẹp sinh gum chứ không phải văn phòng phẩm.

Bao nhiêu cái miệng cùng ồ lên tròn xoe mắt nhìn. Ty cầm phong kẹo kéo mũi tên mở ra chia mỗi người một tép:

– Các chú cứ nhai hoài cho đến khi nào hết ngọt thì nhả ra chứ không được nuốt vì nó là cao su đó.

– Ôi tội nhỉ nghèo đến nỗi phải nhai cao su cho đỡ đói à, thế nhai bao lâu thì hết ngọt?

– Tùy theo nhai nhanh hay chậm, có khi cả nửa ngày.

– Thích nhỉ, bọn nhà nghèo này thế mà sướng.

Bảo Huân

Từ đó các chú bộ đội miền Bắc khâm phục sự hiểu biết của Ty lắm cái gì không biết cũng tìm hỏi, ba thấy con mình giỏi vô cùng hãnh diện. Đến khi không còn gì để tịch thu thì nhà Ty thành kho hàng, của hôi về chất cao tận nóc thậm chí trưng thu luôn cả cái giường để những đồ nhẹ và quí hiếm. Ty được giải phóng từ trong nhà ra ngoài hiên, mà cũng hay nhờ thế Ty mới có những đêm lãng mạn nằm đếm sao trời làm thơ con cóc.

Quay lại trường với lý lịch con nhà cách mạng Ty nghiễm nhiên được bầu làm ban cờ đỏ. Suốt ngày hội họp tuyên truyền đường lối cách mạng vì dân phục vụ, rồi chủ nghĩa Mác Lê, ơn bác, ơn đảng nên Ty bận rộn hơn cả thầy cô giáo. Đám bạn khu gia binh dạo này cũng ít gặp, và rồi công việc cứ cuốn hút Ty chẳng có thời gian vào khu gia binh tìm chúng nó. Ngay cả tóc đã dài gần chấm vai trông như tướng cướp mà vẫn không có thời gian tìm mẹ Hà nhờ xởn. Ừ nhỉ trước khi quay trở lại trường Ty cũng đã cùng ba làm cướp chứ như với nhị gì.

Xem thêm:   Chút ân tình cũ

Tới khi nhà nước bắt đầu đánh tư sản mại bản thì ba Ty ít về nhà vì bận đi đóng chốt. Một hôm đi học về thấy ba ngồi trước một núi tiền loay hoay đếm, phân ra từng xấp đưa mẹ cột giây thun:

– Ba tiền đâu nhiều vậy?

– Đóng cửa lại ngay, khe khẽ cái mồm lỡ khi hàng xóm nghe thấy. Cấm có được bép xép cho ai hay nghe chửa.

– Nhưng mà tiền ở đâu ba có nhiều vậy?

– Của bọn tư sản bóc lột ăn cướp của nhân dân.

– Thế rồi ba cướp lại của họ à?

– Ơ cái thằng phản động này, sao laị gọi ba mày là cướp. Ba chỉ thay mặt nhân dân tịch thu những tài sản bất nghĩa chứ cướp bóc gì.

– Thế sao ba không trả lại cho nhân dân mà đem về nhà làm của riêng?

– Nhân dân có cực khổ nằm gai nếm mật kháng chiến không mà đòi chia? Tao ăn rừng ngủ bụi mấy chục năm bao nhiêu đây coi như lương cũng chưa đủ nữa là.

Sau khi lùng sục khắp thành phố tìm chỗ đi tiếp thu, đánh tư sản mại bản chấm dứt thì ba bắt đầu quay về quậy xóm làng. Ông cứ mặc bộ đồ xanh lè như con cắc kè, mang đôi dép râu mòn vẹt mỏng như tàu lá đi từ đầu làng đến cuối xóm kêu người dân đi họp để ông tuyên truyền chính sách mới. Tối nào ông cũng huyên thuyên rao giảng mà chà ai hiểu gì kể cả vợ ông. Rồi thì ba cũng được cách mạng phân công cho chức chủ tịch phường, lên chức việc đầu tiên ba thay đổi là mẹ không đi bán rau muống mỗi sáng nữa ở nhà giúp chồng lo việc đại sự quốc gia.

Lúc này thiên ha bắt đầu vượt biên ồ ạt, cứ sáng thức dậy là có tin vài nhà đã ra đi. Ba Ty vui lắm cùng các đồng đội đi làm biên bản tịch thu nhà mỏi cả chân, đi mãi ông cũng chấm cho mình được một căn biệt thự nằm thọt lỏm giữa một rừng cây ăn trái đủ loại. Thế là ông chiếm ngay, trong nhà tất cả đồ đạc còn nguyên nên vào là ở được ngay. Đống đồ ba hôi được không cần chuyển qua nhà mới cứ tạm thời khóa cửa để đó, lâu lâu Ty ghé về nhà cũ leo lên cây vú sữa ngồi vắt vẻo nhớ những thằng bạn xưa. Một hôm Ty thấy nhà bị cậy cửa, ăn trộm vào lấy một số đồ, Ty chạy về nhà báo cho ba biết, ông chửi toáng lên:

– Tiên sư cái quân ăn cướp, không lo làm ăn chân chính mà lại học thói trộm cắp. Ông mà bắt được ông cho học tập mút mùa.

Cả xóm túa ra nghe ông chửi, ai cũng nhảy tưng lên phụ họa:

– Bác chủ tịch nói chí phải, cái quân ăn cướp đó phải cho học tập mới sáng mắt ra

Nhìn trong ánh mắt ai cũng hả hê, không hiểu được!!!!!!!!!

Vài tháng sau ba dắt về nhà một đồng chí gái và đứa con trai khoảng 10 tuổi giới thiệu với mẹ và xin cho ở chung cùng nhà. Ba nói đồng chí gái chăm lo cho ba rất nhiều  trong suốt thời gian kháng chiến nên tình cảm nẩy sinh và hai người đã được đoàn thể tác hợp. Và còn đe dọa nếu mẹ chống đối không chấp nhận thì coi như phản động cố tình chống đối chỉ thị của đảng, của nhà nước cách mạng. Mẹ con Ty nhìn nhau ê chề chán cho thế thái nhân tình của người cách mạng không nói một lời thu dọn quần áo trở về ngôi nhà cũ. Ba vui mừng kêu xe ba gác phụ dọn.

Thế là sau một năm sống trong cảnh gia đình đoàn tụ mẹ con Ty trở về cuộc sống cũ, sáng gánh rau ra chợ bán nuôi Ty vào đại học. Khi rảnh rỗi hai mẹ con ngồi ngắm trăng tâm sự, Ty ôm mẹ nói:

– Con muốn thời gian quay ngược để trở lại cuộc sống ngày xưa. Thà là con hoang mà vui.

LK.
Montreal, Canada.