Takahashi là một kỹ sư nông nghiệp người Nhật nhỏ hơn tôi hai tuổi, đã học xong thạc sĩ và đang làm nghiên cứu sinh. Cậu tình nguyện đến một số vùng nông thôn Việt Nam dạy kỹ thuật canh tác đồng thời thu thập dữ liệu cho đề tài nghiên cứu sinh.

Dì Hai không chắc tên cậu có phải là Takahashi hay không, dì bảo những cái tên tiếng Nhật thật khó nhớ. Tôi cũng không chắc có phải dì đã kể rằng cậu tên là Takahashi không, hay đó chỉ là cái tên tôi tự bịa ra mà thôi. Takahashi cũng là tên nhân viên nhà ga chết khi đang làm việc vì bị trúng độc trong vụ giáo phái Aum rải chất độc sarin trên tàu điện ngầm làm chấn động Nhật Bản năm 1995.

Ðó là Takahashi mà tôi biết qua cuốn Ngầm của Murakami, một cái tên có thật, trong một sự kiện có thật. Trong lớp tiếng Anh tôi đang phụ trách có một học viên cũng tên là Takahashi, anh hơn tôi hai tuổi, là kỹ sư cơ khí. Tôi thường tưởng tượng, không biết Takahashi kỹ sư nông nghiệp mà dì Hai kể có giống Takahashi kỹ sư cơ khí tôi thường gặp trong lớp tiếng Anh không.

Mặc dù internet đã phủ sóng đến quê nhà và tôi đã mua cho dì Hai một chiếc smartphone tương đối tốt, dì vẫn không quen với việc gọi điện thoại đường dài hay các dạng video chat. Thay vào đó, dì viết thư tay cho tôi hai lần một tháng.

Từng là giáo viên tiểu học, không có gì ngạc nhiên khi những lá thư tay của dì được viết bằng nét chữ sạch sẽ nắn nót, những câu chuyện được kể có trình tự lớp lang với chấm phẩy đúng chỗ nhịp nhàng. Nếu muốn theo dõi thay đổi ở quê nhà, chỉ cần đối chiếu các bức thư theo trình tự thời gian.

Bức thư kể chuyện tiệm tạp hóa đông khách hơn vào giờ cao điểm nhưng rất vắng vào buổi tối. Có một con bướm đen xuất hiện thường xuyên đậu trên bàn làm việc cũ của ông ngoại, không biết có phải linh hồn ông trở về thăm nhà không. Có một trường đại học tư thục mở gần nhà nhưng chưa thu hút được mấy sinh viên, nhiều phòng học vẫn bỏ trống. Trường có mở những lớp tại chức hoặc dạy nghề vào ban đêm dành cho người đi làm. Nhưng nhìn chung người trẻ vẫn thường bỏ quê lên phố đi học hoặc kiếm việc. Thành phố lúc nào cũng hứa hẹn nhiều cơ hội hơn cho tương lai. Có một lớp nông nghiệp hữu cơ và lớp trồng rau thủy canh dạy miễn phí cho bà con nông dân.

Dì cũng tham gia những lớp học đó. Ðứng lớp là một giáo viên trẻ người Nhật, phụ giúp cậu có một trợ giảng người Việt. Giáo viên trẻ đó là Takahashi. Ngoài giờ học, dì gặp Takahashi, mà dì thường gọi là “cậu người Nhật” vài lần trong bếp ăn tập thể. Cậu cũng ăn những phần cơm khiêm nhường như tất cả mọi người, chỉ có những món mắm nặng mùi là cậu bỏ lại. “Cậu người Nhật” được miêu tả là chững chạc hơn tuổi, trông rất thông minh, khiêm tốn, hòa đồng và đáng mến. Cậu ta được nhắc đến nhiều như vậy, có vẻ như không phải chỉ bởi niềm cảm mến thông thường.

Thắm Nguyễn

Hạnh là chị họ tôi, mới xin được việc làm trong một nhà hàng ở phía Tây Tokyo. Mỗi sáng Hạnh ra khỏi nhà lúc bảy giờ, bắt tàu điện ngầm và đổi tuyến hai lần để đến chỗ làm. Mỗi tối Hạnh ra khỏi cửa hàng lúc mười giờ, bắt tàu điện ngầm và đổi tuyến hai lần để về chỗ ở. Khí hậu và không khí khô trong bếp ăn nhà hàng làm đôi bàn tay tuổi đôi mươi của Hạnh khô sần như tay một bà lão.

Hạnh bảo rằng chương trình giáo dục ở Nhật về nhiều mặt có thể không tiên tiến bằng Úc hay các nước Bắc Âu, nhưng Nhật nổi tiếng về việc đào tạo con người trong môi trường làm việc.

Tôi xin được việc làm trong một công ty dược phẩm mới thành lập. Mỗi sáng tôi ra khỏi nhà lúc bảy giờ, vượt qua năm ngã tư kẹt xe để đến chỗ làm. Mỗi chiều tôi ra khỏi công ty lúc năm rưỡi, vượt qua năm ngã tư kẹt xe để về nhà. Trong công ty có một anh phụ trách truyền thông bụng phệ mê nhậu thích nói về khởi nghiệp, có một anh dược sĩ gầy đét nghiện cà-phê thích nói về triết học và khai phóng, có một tay giám đốc trẻ miệng mồm láu lỉnh trông bảnh bao mê bóng đá và thích nói về Bayern Munich. Hình như có một mẫu số chung nào đó cho tất cả đàn ông trí thức thành thị bọn họ.

Ba buổi tối một tuần, tôi làm thêm công việc trợ giảng cho một trung tâm tiếng Anh. Trong lớp tiếng Anh dành cho người đi làm mà tôi phụ trách, học viên tạm được chia thành ba đối tượng, đối tượng thứ nhất gồm những người trẻ biếng nhác, đối tượng thứ hai gồm những người lớn tuổi cần cù bù khả năng, đối tượng thứ ba là Takahashi. Nhiệm vụ của tôi là mỗi buổi học xáo trộn tên học viên thành những nhóm nói chuyện ngẫu nhiên sao cho ba đối tượng kể trên tương tác với nhau chứ không tách biệt.

Xem thêm:   Thư cho Thao

Hạnh và tôi là hai chị em họ nhưng sinh vào cùng một ngày và ngoại hình giống nhau như hai chị em ruột. Hai chị em học cùng lớp từ cấp một, lên tới cấp hai rồi cấp ba, cùng rớt đại học và đậu vào trường cao đẳng ở quê nhà. Hai chị em cao ngang nhau, mái tóc cùng chấm vai và cùng cận thị. Sau khi mẹ mất ba đi bước nữa, tôi về ở với ông ngoại và dì Hai. Ở chung một nhà, hai chị em họ hay bị lầm tưởng là hai chị em sinh đôi thật sự. Trong khi Hạnh là con người suy tư, tôi nghĩ mình là con người hành động. Cả hai đều dấn thân xa nhà, đến những nơi mà tương lai mở ra cánh cửa rộng lớn hơn.

Takahashi kỹ sư nông nghiệp và Takahashi kỹ sư cơ khí không có liên hệ gì với nhau, nhưng nếu kỳ duyên là có thật thì biết đâu trong gia đình chuyên nghề trồng cải sẽ có hai thành viên ngoại quốc, biết đâu ông ngoại quá cố của chúng tôi sẽ có hai đứa cháu rể người Nhật trùng tên.

Trong những ngày nghỉ hiếm hoi khi cửa hàng tạm đóng cửa, Hạnh thường khoác ba lô một mình về miền quê thăm những ngôi đền Shinto dù Hạnh không biết nhiều về thần đạo. Tôi thường đi chùa một mình vào Chủ Nhật dù tôi không biết nhiều về Phật Pháp. Gần nhà tôi có một ngôi chùa nhỏ rất vắng, có thể nghe văng vẳng tiếng chuông chùa và tiếng tụng kinh mỗi sáng. Không phải Phật tử, tôi không biết khấn vái, không mua hoa sen, không cúng trái cây cũng chẳng ăn chay ngày rằm mùng một. Tôi vào chùa như người ta đi thư giãn ở quán cà-phê, kiếm cho mình một ghế đá không người dưới một bóng cây đại thụ để tìm chút bình yên ít ỏi trong chốn thị thành vốn quá đỗi xô bồ.

Takahashi kỹ sư nông nghiệp dành phần lớn thời gian sau giờ dạy để lang thang trong những vườn cải, những ruộng bắp ngô hay những rẫy cà phê. Cuối tuần Takahashi mang máy ảnh đi quanh thị trấn chụp hình nông dân và cây cỏ. Cậu có một vẻ điềm đạm, hơi lầm lũi.

Takahashi kỹ sư cơ khí thường đến thư viện trung tâm vào ngày nghỉ, anh nói trong một bài tập đàm thoại tiếng Anh, anh tìm thấy ở đó một số sách chuyên ngành hữu ích. Takahashi nói tiếng Anh khá tốt, nhưng rất thận trọng và chỉ trả lời khi câu hỏi hướng đến đích danh mình. Anh có vẻ trầm tĩnh, kín đáo, rất khó đoán ra anh thuộc tuýp người nào.

Trong một lá thư trả lời dì Hai tôi có nhắc đến Takahashi kỹ sư cơ khí người Nhật, dì bảo trùng hợp thật, ở đây cũng có một cậu kỹ sư nông nghiệp người Nhật tên là Takahashi.

Dì Hai chủ động làm thân với Takahashi, người giờ đây đã là khách quen của tiệm tạp hóa. Dì không quên quảng cáo Hạnh, cô con gái thông minh giỏi giang đang đi làm xa. Âm mưu cho một cuộc mai mối đã rõ ràng. Tuy vậy, nỗ lực làm thân từ cả hai phía gặp trở ngại không nhỏ. Những chủ đề thường không đi xa lắm vì vốn tiếng Anh của cả hai không đủ phong phú, dì Hai không biết tiếng Nhật, Takahashi biết tiếng Việt rất ít.

Trong khi đó tôi cũng nỗ lực cho một cuộc làm thân khác. Là con người hành động, dĩ nhiên không chịu làm cọc chờ trâu. Ðiện thoại của Takahashi có trong danh sách học viên, thậm chí cả email và địa chỉ liên lạc. Nhưng cuộc làm thân không được phép quá lộ liễu, phải tế nhị.

Ðầu tiên, tôi đầu tư cho việc xuất hiện thật chỉn chu trong những ca tiếng Anh buổi tối, diện loại đầm suông quá gối cổ thuyền tay dài qua khuỷu, thường màu xanh rêu, màu thanh thiên, màu vỏ sò hay màu cà-rốt, trang điểm nhẹ theo tông màu quần áo. Giày không phải loại bệt nhưng không quá cao, kín mũi, nâu hoặc đen không bóng. Trang sức là hoa tai nhỏ loại đơn giản. Tóc được chải thẳng nếp mượt mà.

Tiếp theo tôi nhúng tay vào việc xếp nhóm, tránh không xếp Takahashi vào nhóm những cô gái trẻ xinh xắn, thay vào đó xếp anh chung nhóm với nam giới hoặc phụ nữ đứng tuổi đã có gia đình. Trong những chủ đề tiếng Anh được đưa ra thảo luận, tôi chú ý quan điểm của Takahashi và những lỗi ngữ pháp anh thường gặp. Với phương pháp tìm hiểu có tính khoa học như vậy, không khó để có được một bức chân dung tương đối đầy đủ về đối tượng tiềm năng.

Xem thêm:   Vợ cũ

Takahashi chưa lập gia đình, quê ở vùng Aomori, lên Tokyo học đại học sau đó đến Ðông Nam Á làm việc. Anh thích một số món Việt Nam như phở và bún chả, nhưng không thích các món muối chua. Anh thích bóng đá, đặc biệt thích câu lạc bộ Bayern Munich.

Về bình đẳng giới, anh cho rằng phụ nữ và nam giới cần được trao cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và tìm kiếm việc làm. Nhưng tạo hóa cho mỗi giới những ưu điểm riêng. Anh vẫn nghĩ rằng đàn ông nên là trụ cột kiếm tiền và phụ nữ nên chăm sóc tổ ấm. Về biến đổi khí hậu, anh cho rằng cần có chế tài từ các chính phủ để kiểm soát khí thải nhà máy thay vì chỉ trông chờ vào thay đổi nhận thức của người dân.

Về ngữ pháp tiếng Anh, Takahashi thường phạm lỗi lẫn lộn danh từ đếm được và không đếm được. Tóm lại, về mọi mặt, Takahashi không có gì đặc sắc trong lối sống lẫn quan điểm. Anh giống như mọi đàn ông thành thị học thức khác. Dường như có một mẫu số chung cho tất cả bọn họ. Ðiểm khác biệt duy nhất là anh lịch thiệp, từ tốn, nhã nhặn hơn hết thảy những người tôi từng gặp. Và anh cũng lạnh lùng, cho dù tôi nỗ lực gây ấn tượng bao nhiêu, chẳng có một tia nồng nhiệt nào le lói trong ánh mắt Takahashi. Ðiều đó khiến chiến lược làm thân của tôi bị thách thức hơn là làm tôi thấy nản lòng.

Kế hoạch mai mối của dì Hai hầu như không thành công. Hạnh giờ ở một nơi xa, bận rộn với quá nhiều áp lực mỗi ngày trong môi trường làm việc khắc nghiệt, hình như không dành chút chú ý nào cho nhân vật lãng mạn tên Takahashi xuất hiện trong những câu chuyện ở quê nhà.

Hạnh có ý định ở lại Nhật lập nghiệp, trong khi Takahashi có ý định gắn bó với Việt Nam. Dì Hai cũng bế tắc trong kế hoạch sắp xếp một cuộc gặp mặt giữa hai người trẻ xa nhà đang sống ở hai đất nước cách nhau hàng ngàn cây số. Dù vậy, tất cả trở ngại đó chỉ làm dì thêm quyết tâm hơn là thấy nản lòng.

Về phần mình, chiến thuật tiếp cận của tôi cũng tỏ ra không hiệu quả, tôi thấy mình là tiền đạo vô duyên hầu như không tiến lại gần khung thành mang tên Takahashi thêm được một bước nào. Trong phiếu thăm dò cuối khóa học, anh đánh giá khóa học khá tốt, anh cũng tự chấm cho mình điểm tiến bộ cao, tuy nhiên anh không ghi tên khóa học tiếp theo.

Dù lý do là gì, tôi sẽ không có cơ hội gặp lại Takahashi nữa. Tôi có số điện thoại của anh, cả email công việc và địa chỉ nhà riêng. Nhưng tôi không bao giờ đủ bạo dạn để sẵn sàng tấn công trực diện, dù tình thế hiện giờ đã ở phút chín mươi trong trận cầu tình cảm mà cơ hội đã gần như khép lại.

Chiến thuật của tôi là hẹn riêng từng học viên nán lại mười phút sau bài kiểm tra vấn đáp cuối cùng để trao đổi thêm về lỗi phát âm họ cần khắc phục. Trong mười phút cuối cùng với Takahashi, tôi hỏi anh có muốn đi đâu đó uống nước vào cuối tuần không, tôi có chị họ đang làm việc ở Nhật, muốn tìm hiểu vài điều và học vài câu tiếng Nhật cơ bản trước khi sang thăm chị, tôi cần Takahashi giúp, nếu anh không phiền. Ðúng như tôi dự đoán về tính cách lịch sự của người Nhật, Takahashi vui vẻ nhận lời.

Tôi chuẩn bị cho buổi hẹn với Takahashi như chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn. Ðầu tiên câu chuyện bịa về chuyến du lịch Nhật phải tỏ ra thật sinh động. Tôi liệt kê mười hai câu tiếng Nhật cơ bản muốn học, những địa điểm muốn đến, những món ăn muốn thử. Xem lại “hồ sơ” của Takahashi, tôi tìm trong đó một chi tiết để có thể bắt đầu cuộc trò chuyện tự nhiên. Bình đẳng giới? Biến đổi khí hậu? Câu lạc bộ Bayern Munich?

Sửa soạn sẵn sàng để đến điểm hẹn, tôi cân nhắc khá lâu trước khi chọn mặc một chiếc áo vest mỏng màu tro bên ngoài đầm liền thân màu rượu vang. Bộ đồ làm tôi hơi già hơn tuổi, nhưng hấp dẫn. Tôi vừa bước chân khỏi cửa thì có chuông điện thoại.

Ban đầu tôi tưởng là cuộc gọi từ Takahashi, nhưng không phải, là dì Hai. Chẳng cớ gì, dì Hai bỗng than dì buồn quá, buồn đến mức không viết vào thư được, buồn đến mức cần nghe giọng ai đó. Ông ngoại đã mất, các con đều đi xa, còn lại dì với tuổi già và quán tạp hóa thông thốc gió. Dì thấy cô đơn. Dì hối hận, sao lúc trẻ hơn không tìm cho mình một người đàn ông làm chỗ dựa. Giọng dì não nề quá, tôi chẳng đủ bất nhẫn để ngắt lời. Tôi không biết an ủi thế nào cho phải, dì cũng chẳng chờ đợi gì. Rồi kết luận lại, dì bảo buồn buồn gọi vậy thôi chứ không có gì đâu, đừng lo. Dì gác máy rồi, tôi cứ tần ngần mãi.

Xem thêm:   Tự thú

Quán cà-phê điểm hẹn nằm bên kia cầu mà cầu hôm nay bỗng kẹt xe, người ta bu đông đặc hai bên thành cầu chờ xem một người chết trôi. Có ai đó nói là cô gái thất tình tự tử, người khác kêu thanh niên đỏ đen vỡ nợ nhảy cầu, lại có người bảo ông già bán vé số trúng gió vô tình té.

Gió muộn thổi tung mái tóc dài chải tươm tất của tôi và làm tắt ngấm mọi rạng rỡ. Quá giờ hẹn đã lâu nhưng Takahashi vẫn đợi. Dù vậy, cuộc nói chuyện vụng về và phần nhiều thời gian chìm trong im lặng. Chẳng chủ đề nào bắt đầu mà không gượng gạo. Từ cửa sổ quán cà-phê nhìn ra một khoảng đất trống có những bụi cây nhỏ, phía xa trăng rằm vành vạnh. Chợt nhớ sáng nay cửa chùa gần nhà tấp nập hơn thường lệ với nhang đèn và những bó sen.

Takahashi kê ly nước lên một miếng khăn giấy anh lấy ra từ trong cặp để hơi nước từ đá tan ra không làm mặt bàn lênh láng. Khi uống hết ly nước, anh nhìn quanh tìm thùng rác nhưng không thấy. Takahashi cuộn mẩu khăn giấy đã ướt lại, cất vào cặp.

Takahashi làm tôi nghĩ tới tên nhân viên nhà ga trong cuốn Ngầm của Murakami. Cuốn sách kể lại cuộc phỏng vấn các nạn nhân trong vụ xả hơi độc sarin trên các chuyến tàu điện ngầm ở Tokyo năm 1995. Vụ khủng bố nhắm vào dân thường vô tội thực hiện bởi giáo phái Aum, một tổ chức ra đời những năm tám mươi, có hàng ngàn tín đồ gồm cả những trí thức hàng đầu Nhật Bản. “Con người trên khắp thế giới tìm đến tôn giáo để được cứu rỗi. Nhưng khi tôn giáo gây tổn thương và tàn phá thì họ tìm đến đâu để được cứu rỗi đây?”. Ðó là câu hỏi của Murakami trong cuốn Ngầm, nhưng Takahashi cứ tưởng đó là câu hỏi của tôi, anh lúng túng. Cả hai lại rơi vào im lặng.

Tôi chợt nhớ tới một Takahashi khác, ở quê nhà mình cũng có một thanh niên người Nhật tên Takahashi đến nghiên cứu thực địa và dạy nông dân kỹ thuật canh tác mới. Nghe vậy, Takahashi ồ lên thích thú. Takahashi kỹ sư cơ khí hỏi thăm Takahashi kỹ sư nông nghiệp. Anh cũng hỏi tôi đã từng nghe qua về cuốn Cách mạng một cọng rơm.

Giờ thì chẳng cần vỏ bọc mười hai câu tiếng Nhật cơ bản nữa, âm mưu thả thính của tôi dường như đã bại lộ hoàn toàn. Ngay lúc này, tôi bỗng nhận ra rõ hơn bao giờ hết, Takahashi ngoài phẩm chất lịch thiệp có được do giáo dục thì phần còn lại cũng giống y như bao nhiêu thanh niên trí thức thành thị khác. Dường như có một mẫu số chung cho tất cả bọn họ.

Dì Hai chuẩn bị khá nhiều món ăn công phu cho giỗ đầu ông ngoại. Takahashi kỹ sư nông nghiệp được mời đến ăn đám giỗ. Takahashi kỹ sư cơ khí cũng được mời. Ðó lẽ ra là dịp quan trọng để bốn người tôi, Hạnh và hai chàng Takahashi cùng gặp nhau. Ðám giỗ cách Tết Nguyên đán chỉ vài ngày.

Nhưng Hạnh không về do vừa được thăng chức cửa hàng phó, trách nhiệm nhiều hơn. Ở Nhật, các cửa hàng ăn không nghỉ trong dịp Tết Nguyên đán. Takahashi kỹ sư cơ khí cũng không đến, anh bận đưa cha mẹ đi thăm Việt Nam trong dịp nghỉ lễ này. Trong đám giỗ, một con bướm đen bay tới đậu rất lâu trên bàn làm việc cũ của ông ngoại.

Tôi không làm lâu ở công ty dược phẩm. Trung tâm tiếng Anh mở thêm nhiều lớp thiếu nhi và tôi trở thành giáo viên chính thức làm toàn thời gian phụ trách các lớp này. Nghe nói Hạnh vẫn thường du lịch một mình đến thăm những ngôi đền Shinto. Một thời gian sau cả hai chàng Takahashi đều về nước, chúng tôi giữ liên lạc một thời gian ngắn rồi thôi.

Ký ức về hai Takahashi sớm phai nhạt, chỉ còn Takahashi trong sách là tôi nhớ rất lâu, một người có thật mà tôi chưa từng gặp mặt. Chiều Chủ Nhật tôi vẫn hay đi chùa, tiếng mõ và tiếng chuông chùa làm tôi dễ chịu, hơn rất nhiều những âm thanh khác vẫn ngày ngày đan vào nhau trong biết bao nhiêu kiếp vô thường.

ĐNT