Sau tám tiếng đồng hồ lái xe, Nam đã đến Houston, thành phố mà chàng đã có dịp ghé thăm cách nay vài năm trong một chuyến nghỉ phép. Lần này Nam đến Houston không phải để nghỉ phép mà chàng đến Houston để định cư ở đây luôn. Sau khi liên lạc và nói chuyện với vợ chồng Hải – Phượng nhiều lần, nghe những lời “dụ dỗ đường mật” của đôi vợ chồng này, cuối cùng Nam đã quyết định thay đổi chỗ ở.

Nam cư ngụ tại một thành phố nhỏ có tên Pauls Valley của tiểu bang Oklahoma trong suốt hơn mười năm, một thành phố xưa là lãnh địa của người da đỏ và là nơi định cư của một số dân người Âu Châu đến từ thế kỷ 19 với hơn sáu ngàn cư dân. Trong chuyến nghỉ phép cách nay ba năm, Nam tình cờ gặp lại vợ chồng Hải Phượng là hai người bạn thân thiết, cả hai đều học trên Nam một lớp từ dạo còn theo học ở đại học Ðà Lạt. Nhiều lần vợ chồng Hải Phượng rủ Nam về Houston để sống cho có bạn có bè và hơn thế nữa, nơi đây người Việt tập trung sinh sống khá đông nên Nam có thể tham gia sinh hoạt vào những tổ chức của người Việt ở đây nếu thích. Chần chờ mãi, giờ đây Nam mới dứt khoát mang hành lý xuôi nam.

Nam ghé vào một tiệm tạp hóa đổ xăng và gọi điện thoại cho vợ chồng Hải Phượng. Thay vì báo cho vợ chồng Hải Phượng biết chàng đã đến Houston thì Nam lại nói rằng chàng đang ở Oklahoma và ngày hôm sau chàng mới có mặt tại Houston. Chàng mỉm cười với sáng kiến đột ngột của mình. Cầm ly cà phê lên xe, vừa uống vừa lái, Nam tìm đường chạy thẳng xuống thành phố biển Galveston. Ðến nơi thì trời đã sụp tối, thành phố đã lên đèn sáng choang, chàng quay kiếng xe xuống cho gió thổi lồng vào mát rượi.

Trong hơn mười năm sống ở thành phố buồn tẻ Pauls Valley. Chưa bao giờ Nam có cái cảm giác thảnh thơi, hạnh phúc như giờ này chàng đang được hưởng. Thay vì ghé ngay đến nhà vợ chồng Hải Phượng rồi với những lời chào hỏi hàn huyên, ăn uống tiệc tùng thì chàng muốn có một khoảng thời gian thật tự do thoải mái. Nam cũng muốn quên đi những công việc, những tính toán đã bám theo chàng bao nhiêu năm nay. Nam bỏ lại đằng sau căn phòng bất động mà mỗi ngày chàng phải chui vào chui ra, mở cửa, bật đèn, mở tủ lạnh, bấm tivi, ăn ngủ, thức giấc, tắm rửa, lái xe và lao đầu vào công việc như một cái máy vô hồn đã được “set up” sẵn.

Uống hết ly cà phê có vị chua chua, Nam nhấn ga tăng tốc độ và khi đến một khách sạn nằm sát ngay bãi biển, chỉ cách một con đường hai chiều thì đồng hồ đã chỉ chín giờ tối. Lên phòng khách sạn, sau khi tắm rửa thay quần áo, không thấy đói, Nam thả bộ ra biển. Bãi biển vắng người. Bước xuống mấy bực đá, chàng đi chầm chậm. Nam cho tay vào túi áo lấy gói thuốc, đứng lại châm lửa. Chàng thóp bụng hít một hơi dài cho khói vào ngực rồi thở ra khoan khoái. Sau lưng chàng là cả một vùng ánh sáng muôn màu muôn sắc, một thứ ánh sáng nhiều phen đã làm cho chàng hoa mắt, nhức đầu, kèm theo những âm thanh hỗn tạp lạ lẫm…

Thắm Nguyễn

Nhiều lần Nam muốn chạy xa khỏi vùng ánh sáng và tiếng động đó nhưng rồi ngày lại ngày, hết năm này qua năm khác chàng vẫn chưa bỏ trốn nó được. Những âm thanh và ánh sáng đó đã theo đuổi chàng như những bóng ma quái dị mà chàng thấy nó, nghe nó ở khắp mọi nơi, chúng là hiện thân của một cỗ máy khổng lồ vô hồn nuốt chửng hết cả những tình cảm, những suy tư của con người, chàng là một phiến đá nằm trong cỗ máy xay của thời gian bất tận.

Nam cũng cảm nhận ra một điều là trong cái xã hội chàng cho là “quái đản” đó mà chàng chưa biến thành một người điên thì cũng  khá lạ. Nhiều lúc chàng cũng quẫn trí và cảm thấy cô đơn cùng cực. Sống một mình, không thân nhân, không bè bạn. Suốt ngày chỉ nói một thứ ngôn ngữ của người ta, suốt tháng chỉ thấy dăm ba người đồng hương nhưng rồi chẳng có thì giờ để trò chuyện, ngay chỉ để hỏi một vài câu xã giao.

Giờ thì Nam đang đứng trước biển. Biển mênh mông trước mặt chàng với tiếng sóng ầm ì. Gió biển từ khơi xa thổi phả vào mặt chàng, vào toàn thân chàng và vào cả trong tâm trí của chàng. Tâm não của chàng giờ đây đang được dần dần tẩy xóa những màu sắc âm thanh hỗn loạn của những ngày quá khứ. Chàng đang hít thở làn không khí mát của trời của biển một cách có ý thức, đồng thời chàng đang ý thức về sự có mặt của mình nơi đây và lúc này. Nam muốn la lên cho thật lớn rồi ùa chạy xuống biển, ngụp lặn trong nước, đùa với sóng, giỡn với cát và sẽ bơi ra xa thật xa, nơi đang có những vì sao sáng lung linh và nơi đó chàng sẽ gặp lại những  dấu hình ngày cũ những đôi mắt của những người con gái mà chàng đã mang theo trong suốt hành trình cô đơn tuyệt vọng.

Nam châm một điếu thuốc khác, mắt nhìn ra biển thẫm. Ðột nhiên chàng gọi khẽ… Tôn Nữ Hồng Nghi… Lê Khắc Ðông Nghi…

o O o

Vì tham dự một buổi họp để chuẩn bị cho kỳ trại công tác xã hội sắp tới nên Nam về hơi trễ. Vừa lách mình ra khỏi cổng trường Nam thấy hai người con gái che dù đang chậm bước dưới mưa lất phất. Xuống khỏi một đoạn đường dốc hai người con gái dừng lại và cùng nhìn vào bên vệ đường, nơi có những bụi hoa ngũ sắc, hoa dã quỳ, hoa cánh bướm mọc lẫn lộn. Biết là hai người con gái này đang muốn hái mấy hoa cánh bướm màu trắng đang lung linh trước gió, Nam bước vội đến, vạch mấy bụi dã quỳ bên ngoài rồi ngắt năm sáu cành hoa cánh bướm, quay lại đưa cho một cô có mái tóc đen nhánh. Hai người con gái cười và nói nhỏ lời cám ơn. Nam thoáng nhìn người con gái có mái tóc thề và chàng cũng nhận ra rằng, ngoài mái tóc đen mượt ngang vai, người con gái ấy còn có đôi mắt to và đen trên khuôn mặt  trái xoan. Tự dưng Nam thấy mình hơi lóng cóng, vội bước lên phía trước, bỏ hai người con gái thong thả bước chậm dưới mưa.

Xem thêm:   Bên bờ ly biệt

Về nhà trọ, Nam thay quần áo rồi cuốc bộ ra bến xe ở đầu đường Hàm Nghi ăn một dĩa cơm tấm, sau đó chui vô một góc trên gác cà phê Tùng nhìn đêm xuống với mưa bay trên thành phố.

Những ngày sau đó Nam tìm biết người con gái có mái tóc thề đen và đôi mặt to đó tên là Tôn Nữ Hồng Nghi, nàng học bên văn khoa. Nàng không phải là dân Ðà Lạt hoặc dân Sài Gòn lên học mà nàng là người con gái của miền sông Hương núi Ngự. Theo nàng kể thì lúc còn nhỏ, cha nàng từ Huế vào Ðà Lạt để thăm người em ruột có dắt nàng theo. Chuyến đi hai tuần lễ được mấy người em đưa đi chơi, đi thăm nhiều nơi ở Ðà Lạt, khi trở về Huế, hình ảnh một Ðà Lạt thơ mộng, buổi sáng có sương mù, buổi chiều có mưa, những hàng hoa anh đào hai bên đường, những khóm hoa penseé đủ màu, nhà Thủy Tạ màu trắng in trên mặt hồ Xuân Hương trong xanh… đã khiến cho nàng tương tư Ðà Lạt từ đó. Nhiều lần nàng xin cha mẹ vô Ðà Lạt học nhưng đợi mãi khi nàng đậu tú tài toàn phần xong, cha mẹ nàng mới gửi cho vào Ðà Lạt học đại học và ở với người cô ruột trên đường Hoàng Diệu.

Trong kỳ trại công tác xã hội ở Ðơn Dương, Nam rũ được Hồng Nghi tham dự. Ðêm lửa trại hôm ấy nàng là người được tán thưởng nhiều nhất vì giọng hát liêu trai tuyệt vời của nàng. Cũng suốt đêm ấy Nam và Hồng Nghi quấn quýt bên nhau như một cặp tình nhân đã yêu nhau lâu ngày. Bên ánh lửa bập bùng, Hồng Nghi tựa đầu vào vai Nam, hai người hầu như thức suốt đêm chuyện trò cho tới sáng.

Sau kỳ trại hai người lại càng khăng khít nhau hơn. Bạn bè của Nam và cả Hồng Nghi nhìn hai kẻ đang yêu nhau với vẻ thèm thuồng hạnh phúc mà họ đang có và đôi khi với ít nhiều ganh tị. Buổi sáng họ cùng sánh bước đến trường.Trưa chiều họ đợi nhau về chung một lối. Hồng Nghi yêu cầu Nam đưa nàng đi thăm những nơi mà nàng có dịp thăm khi nàng còn là một cô bé. Nam cũng đưa nàng đến nhiều nơi khác mà nàng chưa bao giờ đặt chân tới.

Trong những lúc đi chơi như vậy nhiều lần Nam tỏ tình với Hồng Nghi nhưng nàng chỉ cười, lấy tay che miệng chàng lại rồi hôn lên má chàng thật thắm thiết.

o O o

Trước Tết âm lịch hai tuần, Nam và Hồng Nghi chia tay nhau. Nàng về Huế, Nam về Sài Gòn ăn Tết với gia đình. Họ hẹn nhau gặp lại vào ngày nhập học sau Tết. Buổi sáng Hồng Nghi đáp máy bay về miền Trung, tối hôm trước Nam lén ra sau vườn của nhà trọ cưa trộm mấy cành đào đem giấu để hôm sau mượn xe gắn máy của một người bạn chạy xuống tận phi trường Liên Khương trao cho Hồng Nghi. Nàng hết sức cảm động và không quên gửi lại cho chàng một chiếc hôn nồng nàn.

Nam đứng tần ngần nhìn máy bay chuyển bánh ra phi đạo cho đến khi máy bay mất hút cuối bầu trời xám đục chàng mới lủi thủi trở lại lấy xe chạy về trong niềm hạnh phúc của kẻ đang yêu. Ánh mắt, nụ cười, chiếc hôn… Nam thấy mình hạnh phúc hơn bao giờ. Trên đường về trời mưa bất chợt nhưng chàng vẫn thấy trong người ấm áp lạ thường…

Sau biến cố Mậu Thân, hơn một tháng Nam mới trở lại Ðà Lạt. Rất nhiều sinh viên, nhất là sinh viên ở các tỉnh miền Trung, có người kẹt lại ngoài đó đến hai tháng hoặc hơn nữa. Nam nóng lòng đợi tin tức của Hồng Nghi. Khi còn ở Sài Gòn chàng theo dõi tình hình chiến sự ở Huế, nơi trong mấy ngày Tết đã có hàng ngàn người dân vô tội bị quân gọi là “giải phóng” cùng đám nằm vùng giết chết bằng đủ mọi cách rất dã man.

Chàng trách mình sao không lấy địa chỉ của Hồng Nghi. Mấy người bạn ở Ðà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang cũng lần lượt vào Ðà Lạt nhưng tin tức của Hồng Nghi và vài người ở Huế thì không một ai biết. Nam lo sợ cho tính mạng của Hồng Nghi. Thế rồi trong hơn hai tháng với tâm trạng đứng ngồi không yên, Nam đã nhận được tin tức của Hồng Nghi từ một người bạn học cùng lớp mà trước đây Nam không biết là dân Huế. Người này đã thoát chết trong Tết Mậu Thân, chạy vào Ðà Nẵng và khi bình yên mới trở lại Huế rồi mới vào Ðà Lạt.

Người này biết Nam và Hồng Nghi là bồ bịch với nhau nên rủ chàng đi uống cà phê để kể cho chàng nghe những gì đã xảy ra. Anh bạn kể rằng trong biến cố Mậu Thân anh đã thấy Tôn Nữ Hồng Nghi và đám sinh viên học sinh ở Huế cùng mấy ông thầy dạy học cũ của họ mang súng đi tìm giết những người mà họ cho là phản động, có nợ máu với nhân dân.

Xem thêm:   Khóc một chút rồi thôi

Sau khi Huế được lấy lại thì Tôn Nữ Hồng Nghi và đám người hiếu sát đã biến mất vô mật khu. Nam bàng hoàng và toát mồ hôi khi nghe anh bạn kể một số chi tiết các vụ thảm sát kinh hoàng. Nam nhớ lại có một lần chàng đưa cho Hồng Nghi mượn cuốn “Tự Do Ðầu Tiên và Cuối Cùng” và khi trả lại, về nhà giở ra Nam thấy có một tờ truyền đơn của MTGPMN. Nam không dám nghi Hồng Nghi đã bỏ truyền đơn vào sách, chàng vội thảy nó vào bếp lửa và không bao giờ dám hé môi chuyện này với ai.

Sau biến cố trên, Nam cứ thẫn thẫn thờ thờ quên ăn biếng ngủ. Lúc nào hình bóng Hồng Nghi cũng lảng vảng trước mặt chàng, đâu đâu cũng có hình ảnh người con gái Huế xuất hiện. Chàng yêu Hồng Nghi tha thiết mặc dầu lúc nào Hồng Nghi cũng chỉ ỡm ờ nửa đùa nửa thật với chàng. Nam vẫn hy vọng câu chuyện do người bạn cùng lớp kể cho chàng nghe là không có thật. Chàng vẫn nuôi hy vọng trong vòng năm ba tuần nữa Hồng Nghi sẽ trở lại Ðà Lạt.

Nhưng rồi hình bóng Hồng Nghi càng ngày càng mất hút. Nam chẳng có một tấm ảnh nào của Hồng Nghi, thậm chí một vài dòng chữ hay một kỷ vật nhỏ cũng chẳng có.

Những năm học kế tiếp Nam cũng dần dà nguôi ngoai. Chàng tốt nghiệp ra trường và về làm việc ở Sàigòn. Mùa Hè đỏ lửa chàng vào Thủ Ðức, sau đó được biệt phái về làm ở Bộ Thông Tin. Tháng Tư năm bảy lăm miền Nam sụp đổ, chàng phải đi vào trại tù. Khi làm việc tại Sài Gòn Nam có quen với một người con gái khác – cũng người miền Trung xứ Huế. Tên nàng là Lê Khắc Ðông Nghi. Ðã nhiều lần Nam có suy nghĩ rằng có phải cuộc đời tình ái của chàng gắn liền với những người con gái xứ Huế. Lạ lùng hơn nữa là hai cái tên, thật kỳ ảo khó hiểu. Hồng Nghi và Ðông Nghi…

Từ trại tù ra vài tháng, cha mẹ Nam xin gia đình Ðông Nghi cho làm lễ đính hôn để sau đó cùng đi vượt biên với chàng. Sau mười chín ngày tàu lạc hướng lênh đênh trên biển, với đói và khát, Ðông Nghi đã chết vì kiệt sức. Chàng lang thang ở đảo gần một năm rồi người ta cho chàng đi Mỹ, ở trong một thành phồ buồn tênh. Nhưng Nam chẳng thiết tha gì nữa, chàng thụ động, chán chường, bạn bè của chàng ở nhiều nơi trên đất Mỹ  rủ Nam về những nơi có đông người Việt, có bạn có bè mà ở. Nhưng chàng cứ lần lữa hết năm này qua tháng nọ.

Bốn năm theo học tiếp ở đại học Nam có việc làm khả dĩ tương đối tốt. Mấy người Mỹ thân với Nam nhiều lần hỏi về gia cảnh chàng  nhưng chàng chỉ trả lời đại khái là còn một mẹ già ở Việt Nam. Có một dạo Nam cặp bồ với một cô gái Mỹ làm chung sở nhưng chỉ được hơn một năm thì hai người bình thản chia tay nhau như chưa bao giờ quen biết.

o O o

Mấy chiếc xe vụt chạy qua bóp còi inh ỏi cùng với tiếng la hét của đám thanh niên ngồi trên xe khiến Nam giật mình. Chàng định thần lại và thấy mình đang đứng trước biển mênh mông. Ðiếu thuốc trên tay đã tắt tự lúc nào. Chàng vất mẩu đầu lọc xuống cát rồi châm một điếu khác, quay gót bước lên mấy bậc đá, băng qua đường để trở về khách sạn.

Sáng hôm sau thức dậy muộn, Nam nằm lì trong phòng xem tivi. Buổi chiều Nam đi dạo dọc theo bãi biển. Ðầu óc miên man nghĩ về Hồng Nghi rồi nhớ đến Ðông Nghi, người vợ chưa làm đám cưới với chàng, nghĩ đến con thuyền bé nhỏ mong manh trước những đợt sóng lớn của biển khơi, chòng chành lạc hướng, tiếp theo là những ngày đêm đói khát vật vã. Những kẻ xấu số đã nằm im dưới lòng biển cả, trong số đó có Ðông Nghi, cũng nói giọng Huế nhẹ nhàng trong trẻo như nước sông Hương – chàng từng ví von như thế mặc dầu chưa một lần chàng nhìn thấy dòng sông Hương. Nam cảm thấy cô đơn cùng cực. Một gã đàn ông gần năm mươi tuổi như chàng giờ đây vẫn còn đơn thân độc mã giữa cảnh đời xa lạ. Không bạn bè bà con thân thích, cũng chẳng có tình yêu.

Chàng tự hỏi trên cõi đời này đàn ông cũng có những cuộc tình nghiệt ngã đắng cay như vậy sao! Chàng những tưởng những nghiệt ngã đắng cay chỉ dành cho phụ nữ thôi! Nỗi buồn ập đến với chàng như con sóng thần phủ chụp lên con thuyền mong manh vô phương tránh né. Chàng buồn bã quay gót về khách sạn thu dọn đồ đạc để về Houston với vợ chồng Hải Phượng. Chàng cần phải có người để chuyện trò tâm sự.

Trước khi rời thành phố biển, Nam gọi cho Hải Phượng biết là trong vòng một tiếng đồng hồ nữa chàng sẽ có mặt tại Houston. Dĩ nhiên là Nam cho Hải Phượng hay là chàng đi từ Oklahoma. Khi bước vào nhà thì Nam đã thấy cơm nước bày sẵn trên bàn. Vừa cơm nước vừa trò chuyện, họ nhắc lại những kỷ niệm xưa cũ, những buồn vui ngày trước. Nam nghe Hải kể về bạn bè ai còn ai mất, những ai bây giờ ở đâu làm gì… Cơm xong, Phượng pha cho Nam một tách cà phê đặt ngay trước mặt và nói:

Xem thêm:   Chút ân tình cũ

Cà phê Tùng đấy! Thưởng thức đi ông tướng…

Nam nhìn Phượng rồi nhìn Hải cười:

– Cám ơn Phượng và Hải lắm lắm, có lẽ bạn bè cũ chỉ còn lại Phượng và Hải nhớ đến mình thôi. Hơn mười năm nay mình ở nơi khỉ ho cò gáy chẳng ai liên lạc với mình cả…

Hải nhìn Nam thông cảm, chàng đưa cả hai tay bưng tách cà phê  rồi nói:

Ðã lâu lắm chưa thưởng thức hương vị cà phê Việt Nam, nghe mùi cà phê nhớ Ðà Lạt quá chừng…

Nam đưa tách cà phê vào miệng uống một ngụm nhỏ xong để tách xuống bàn. Chờ cho Nam nuốt hết hương vị đắng chát của cà phê năm nào, Hải nhìn Phượng nháy mắt như ra dấu một điều gì, xong nhìn sang Nam và nói:

Tối nay Thứ Năm, ngày mai Thứ Sáu, cả hai vợ chồng mình còn đi làm, bạn ở nhà nghỉ xả hơi cho khỏe. Ðến Thứ Bảy bọn này sẽ đưa bạn đi thăm vài người bạn thân cũ, thời trung học có, thời đại học cũng có.

Hải lại nhìn Phượng mà cười rồi nói tiếp:

Ðến tối Thứ Bảy này sẽ đưa bạn đi dự một buổi họp mặt thân hữu để thưởng thức một giọng hát hết sức đặc biệt.

Nam chậm rãi hỏi:

Giọng hát nào mà đặc biệt thế? Khánh Ly hay Khánh Hà, Ý Lan?…

Nãy giờ ngồi yên mỉm cười ra điều bí mật, bây giờ Phượng mới xen vào:

Không phải Khánh Ly Khánh Hà, cũng chẳng phải Ý Lan, giọng hát này bảo đảm bạn nghe rồi sẽ mê mẩn cả người và không chừng còn lạc lối cả đường về nữa đó…Nhưng cũng có thể bạn chưa nghe hát mà đã ngất ngây rồi cũng nên…

Nam buột miệng:

Chắc là một ca sĩ phù thủy chứ gì?

Phượng tiếp:

Bạn thử đoán xem đi nào. Ðừng có đoán tầm bậy.

Giọng Nam thờ ơ:

Ở hải ngoại có cả trăm ca sĩ thì bố khỉ ai mà đoán cho được.

  Phượng nhìn thẳng vào mặt Nam cười và tiếp:

– Nhưng ca sĩ này bạn biết rất rành.

– Mình chỉ thích vài giọng hát thôi, số còn lại chỉ eo éo cò cưa rên rỉ nghe mà phát mệt. Hơn nữa dạo này mình cũng chẳng có thì giờ để nghe nhạc nghe nhiếc gì nữa…

Phượng lại cười ra vẻ bí mật:

Thế bọn này nói tên ca sĩ này ra bạn có mê không?

– Thì ai nói ra đi. Danh ca nào mà làm lụy lòng người dữ vậy? Nam vừa nói vừa bưng tách cà phê uống liền mấy ngụm. Phượng liếc nhìn Hải biểu đồng tình rồi nói từng tiếng với Nam:

– Ðó…là..ca…sĩ…Tôn…Nữ…Hồng…Nghi…

Nam không tin ở tai mình. Chàng hỏi lại:

Cái gì? Nói lại coi…

– Tôn Nữ Hồng Nghi. Phượng trả lời rõ từng tiếng một.

Tôn Nữ Hồng Nghi! Nam thảng thốt.

Bây giờ Phượng xuống giọng:

Phải! Tôn Nữ Hồng Nghi văn khoa năm nào của bạn không sai chạy vào đâu được. Tụi này vừa khám phá ra vài tháng nay nhưng chưa tiện cho bạn hay trước đó thôi…

Nam đứng lên rồi ngồi xuống tần ngần nhìn Hải và Phượng bán tín bán nghi:

phải Hồng Nghi có dính dáng tới vụ thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế không?

– Ðúng vậy! Hải dứt khoát và tiếp:

Chuyện này đúng trăm phần trăm và bây giờ người đẹp đang ở trong thành phố Houston này, cách đây khoảng hai mươi phút lái xe… Nam vẫn nghi ngờ:

Nhưng sao nàng ta có thể qua Mỹ được chớ? Nghe nói sau vụ Mậu Thân nàng vào mật khu và nếu bảy lăm trở về thì cũng cán này cán nọ… làm thế nào mà qua Mỹ được!

Phượng đưa tay lên:

Bảo đảm với bạn là Tôn Nữ Hồng Nghi – người em xứ Huế của bạn một trăm phần trăm, còn chuyện nàng qua Mỹ bằng cách nào, với ai thì bọn này chưa tìm hiểu. Chà… hồi xưa mê người sông Hương núi Ngự như điếu đổ… mừng đi là vừa…

Mới chỉ nghe chừng ấy, đầu óc Nam cũng cũng thấy choáng váng, mặt mày không thấy vui như Hải và Phượng đã tưởng. Họ biết Nam xúc động nên không muốn kéo dài câu chuyện, để hạ hồi rồi sẽ tán vào tán ra thêm nữa… Hải đề nghị:

Thôi được rồi! Lái xe cả ngày chắc khá mệt, bạn đi nghỉ đi, tối Thứ Bảy mọi chuyện sẽ rõ trắng đen…

Sau đó họ chúc nhau đi ngủ. Nam nằm trong một căn phòng khá rộng, chàng không sao chợp mắt được. Hình ảnh Hồng Nghi cứ chờn vờn trước mặt với bao nhiêu điều thắc mắc mà chàng không thể nào lý giải được. Ðầu óc chàng căng thẳng, mệt mỏi rồi ngủ thiếp đi…

Sáng hôm sau hai vợ chồng Hải Phượng đi làm sớm. Họ không quên để lại một mẩu giấy dặn dò nơi lấy cà phê và thức ăn trong ngày cho Nam.

Buổi chiều khi hai vợ chồng Hải Phượng về nhà thì không thấy Nam đâu cả. Trong phòng không còn đồ đạc gì của Nam. Chiếc xe của Nam đậu phía sau cũng biến mất. Họ nghĩ chắc là Nam đi đâu đó rồi sẽ quay về. Họ hơi bối rối, lục lọi trong nhà cũng chẳng thấy dấu vết gì cả. Khi Phượng bước lại phía bếp thì thấy mẩu giấy nhỏ để bên tách cà phê chưa uống hết. Nàng gọi Hải đến xem mẩu giấy có ghi vỏn vẹn mấy chữ:

Cám ơn Hải Phượng

Mình phải rời Houston

Chìa khóa để dưới thùng thư.

Hải vội tìm số điện thoại để gọi đi Oklahoma. Bên kia đầu dây giọng của một nữ operator trả lời: số 405-745-2901 không còn sử dụng nữa.

Hải bần thần nhìn Phượng lắc đầu:

Cái ông Nam này chắc là điên tới nơi rồi…

PC