Tôi là con bé, bị mẹ chê vụng về. Chẳng bao giờ làm nổi một ổ bánh, vì sau khi làm xong bánh nào cũng xấu xí, méo mó.

Vậy mà từ khi còn học tiểu học (dù dốt và dở), tôi vẫn thích sau này làm bác sĩ. Chẳng phải vì danh vọng, tiếng tăm – lúc còn nhỏ đâu biết danh vọng là gì! Tôi chỉ biết khi mẹ dẫn đi nhổ răng, tôi quên cả đau, vì cứ đăm đăm nhìn cô nha sĩ xinh đẹp, dịu dàng trong áo blouse trắng. Tôi thích y khoa nên các nhà văn gốc thầy chích, tôi đọc gần hết, dù Tàu, Tây hay Ta.

Mộng y khoa của tôi tan tành khi học ở Ðại học Khoa học Saigon, lúc thực tập tìm nhóm máu, tôi đã bủn rủn tay chân, lạnh toát người, ngã quỵ xuống. Ðã thế, bài thực tập cấy trùng, chẳng bao giờ tôi làm được, vì vi trùng bị chôn quá sâu dưới lớp thạch, thay vì chỉ lướt nhẹ trên lớp mặt thạch (lỏng như nước).

Chưa kể khi học dự bị Lý-Hóa-Vạn vật (SPCN), tôi cắt phẫu thức thực vật dầy như tấm thớt, không thể nhìn được dưới kính hiển vi. Người ta chỉ cắt 1 lớp tế bào. Tôi là đứa chém to kho mặn như lời mẹ nói, nên tôi chém phẫu thức dày như miếng giò, thiệt là rầu.

Bạn bè sau khi học xong chứng chỉ dự bị, ai cũng thi vào trường Y. Hết Hè, lại thấy đầy đủ ở sân trường Khoa học. Tôi đố:

– Vách tường trường Y xây bằng vật liệu gì?

Dĩ nhiên, ai cũng nói: “Bằng xi măng”.

Tôi nói:

– Sai, vách trường Y làm bằng… cao su, nên mình “húc” đầu vô, bị dzăng trở lại trường Khoa học.

Xem thêm:   Vượt biên đường bộ

Tôi học xong chuyên khoa Sinh-Lý Sinh-Hóa, ra trường năm 1977.

Hôm tập trung ở Sở Giáo dục (70 Lê Thánh Tôn), mọi người chờ phân công. Các bạn ra trước, đa số được đi làm ở các hãng, xưởng như xí nghiệp thuốc sát trùng, thuốc lá Mic, Sở Nông Nghiệp, công ty đồ hộp… gọi là kỹ sư sinh hóa. Nhưng năm này thiếu giáo viên, gần như ai cũng “bị” đi dạy, bất kể môn gì.

Nói tóm lại, dạy học là nghề bạc bẽo, chẳng có gì chấm mút được. Chưa kể phải xa thành phố (hãng xưởng thường ở quanh SG), đi về các trường đèo heo hút gió trên cao nguyên, học trò thì “nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”.

Bảo Huân

Mà quả thật, các bạn tôi đi dạy ở những nơi phải đi đò tới trường. Không có điện buổi tối, phải soạn bài dưới ánh đèn dầu tù mù. Trong bụng tôi rầu thúi ruột, phập phồng chờ giấy bổ nhiệm, chắc mẩm không Năm Căn, thì cũng xứ Chắc Cà Ðao nào đó.

Ai dè, tôi “bị” về dạy ở ngôi trường cách nhà 5 phút đi bộ. Thế là nghiệp đã chọn nghề cho tôi, như số trời đã định. Chạy đâu cho thoát!

Có thiệt nghề nào cũng vinh quang không, chứ sao thấy tương lai xám xịt, không rực rỡ như những chỗ béo bở, nhiều bổng lộc: hải quan, thu thuế… chỉ đi làm ít lâu, là đã có xế nổ đời mới, chạy ầm ầm. Thiệt là chán, ngày nào cũng như ngày nấy. Một ngày (đói) như mọi ngày!

Trong trường có thầy Lưu Ngọc Linh dạy học đã lâu, rất vui tính, nghe tôi than vãn. Thầy cắc cớ hỏi lại:

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

– Cô thử tìm xem, có nghề nào mà không “ngày nào cũng như ngày nấy”?

Ca cẩm vậy thôi, chứ thật ra trong suốt 15 năm đi dạy tôi đã tích lũy cả ngàn chuyện vui. Học trò “mê” cô giảng hay, nhưng không thể gian lận (quay phim) khi làm bài thi. Chúng tưởng cô không biết, thật ra đứng trên bục cao, có thể nhìn rất dễ dàng, tới tận bàn chót.

Cô (ranh mãnh) nhắc chừng:

– Trước khi đứng (được) ở chỗ này (bục giảng), cô đã ngồi ở dưới lâu lắm rồi đó nghen.

Chúng gào lên:

– Cô thông cảm.

Ừ, cô chỉ giúp chút xíu: nhắc công thức. Chứ không cho quay cóp.

Kiến thức là hành trang để các em vào đời, khi kiến thức đã in sâu trong đầu không ai lấy được. Dẫu có cả túi vàng cũng là vật ngoại thân. Chỉ có kiến thức ở lại với chúng ta mà thôi.

Và thế là tôi thành cô giáo. Dĩ nhiên nghèo, vì lúc đó đã có câu: Cô giáo húp cháo, thầy giáo tháo giày.

Dẫu sao tiếp xúc với đám con nít nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò, mọi người cũng vui theo tính hồn nhiên của học sinh.

Bạn không thể tưởng tượng học trò “tinh quái” như thế nào! Chỉ cần 30 giây là chúng có thể nghĩ ra được ngay điều không ai ngờ.

Trường tôi dạy, chỉ có một khu vệ sinh cho cả nam lẫn nữ. Lối vào là một con hẻm dài, vô trong mới chia đôi 2 ngả, nam nữ riêng. Ngay chỗ rẽ có gắn vòi nước (trong), đầu ngõ vô thêm vòi nước khác (ngoài).

Xem thêm:   Thư cho Thao

Buổi sáng khi thấy có học trò lác đác tới, thầy Nguyễn Ðức Chính (ở nội trú trong trường) viết một mảnh giấy, máng vô cái vòi ở lối vào: Vòi NGOÀI hư, dùng vòi TRONG. Viết xong, thầy vừa quay lưng là đã thấy thêm chữ QUẦN kế bên chữ TRONG.

Khi bà Hiệu trưởng dẫn thầy dạy thể dục mới đến nhận việc, tới giới thiệu từng lớp. Cả lớp đứng yên phăng phắc chào, chưa kịp ngồi xuống, đã nghe tiếng thì thào cuối lớp “Mì ăn liền”, vì tóc thầy quăn tít, chẳng khác nào những cọng mì ăn liền. Qua lớp khác, mì ăn liền đổi thành xà lách xoong.

Học trò ít gọi tên cúng cơm, mà gọi thầy cô theo môn dạy.

Cô Ngọc Lan dạy môn Ðịa Lý, dáng người thấp thấp, hơi tròn, bị học trò gọi là “cô Ðịa”. Cô cứ cằn nhằn (với đồng nghiệp), tên NL đẹp vậy, mà thành “bà địa” (giống ông địa tròn vo).

Cuộc đời ai cũng trải qua giai đoạn từ ấu thơ cho đến trưởng thành và những gì chung quanh đều lưu lại trong ký ức. Mà ký ức là kỷ niệm, kỷ niệm buồn, vui, kinh hoàng hay êm đềm cũng đều khó quên. Trong đó, có lẽ trường học và bạn bè thường được nhớ tới nhiều nhất. Với tôi, trường học bao giờ cũng mang nhiều kỷ niệm sống động khi nhớ đến: đi học, đi dạy, đưa con đi học, dẫn cháu đến trường.

Thật hạnh phúc thay khi mãi mãi còn được đến trường. Bây giờ thì tôi thấy đi dạy vẫn là nghề tôi yêu thích nhất.

LTM