Tôi và Huy học chung lớp, về chung đường, ở chung xóm nhưng mãi đến quá nửa niên học, hai đứa mới chính thức kết bạn với nhau. Tại vì tánh tôi nhút nhát nên chỉ kết bạn với hai thằng ngồi bên trái và bên phải; còn Huy thì ngồi tuốt tận cuối lớp, xa cách ngàn trùng. Chưa kể nó to cao, mặt thì “ngầu ngầu”, nói thật, có cho vàng tôi cũng không dám làm quen. Nên tuy chung đường nhưng kẻ trước người sau, phần đông là tôi đi trước vì tôi ngồi bàn trên cứ chuông reng là phóng cái vù đã ra tới cổng. Hôm nay gần về đến đầu ngõ tôi nghe tiếng chân chạy huỳnh huỵch đằng sau:

– Hà, Hà ơi, bạn để quên bình mực nè.

Nghe gọi tôi quay đầu nhìn lại, Huy chạy tới trên tay cầm bình mực tím. Vì nắp không đóng kỹ nên khi chạy nhanh mực văng đầy tay. Nhìn bàn tay tím lè và nụ cười hớn hở của Huy khi trao được bình mực cho “khổ chủ”, tôi hối hận đã đặt cho nó biệt danh Huy ngầu. Cái mặt nó lúc đó dễ thương gì đâu, nụ cười thân thiện giọng nói thật nhẹ:

– Tui đi ngang bàn thấy bình mực bạn bỏ quên nên ráng chạy theo đưa bạn nè.

– Cám ơn bạn nhiều lắm.

– Có gì đâu mình cùng chung đường mà.

Nhờ bình mực bỏ quên mà hai đứa tôi quen nhau. Nhà tôi ngay đầu ngõ, nhà Huy thì phải đi sâu vô thêm chừng hai chục căn nữa. Từ đó sáng nào tôi cũng đợi nó đi ngang rồi tháp tùng, phần quà sáng đem theo bẻ đôi hai đứa chia nhau lúc thì củ khoai, gói xôi, ổ bánh mì, trái bắp. Trưa tan học trời nắng nóng hôm nào tôi có tiền mẹ dúi cho thì mua một cây cà rem hai đứa liếm chung.

Bảo Huân

Nhà Huy có vẻ không khá giả, ba nó là phóng viên nhà báo, mẹ ở nhà chăm nom ba đứa con cộng thêm hai con heo to tướng lúc nào cũng đói ăn, kêu eng éc và đàn gà chừng chục con chạy nghịch khắp sân. Sau khi học xong bài vở ở trường, tôi hay xách xô nước vo gạo cho mẹ Huy nấu cám heo rồi ở chơi đến giờ cơm chiều mới về. Vô chơi với anh em Huy vui hơn là ở nhà quanh quẩn với mấy cái đồ chơi bằng nhựa. Bữa cơm trưa tôi hay cất lại phần trái cây tráng miệng, hôm thì trái chuối già, hôm thì vài trái chôm chôm, bòn bon, trái ổi xá lị, trái điều… Ðem vô nhà Huy chia đều làm bốn, mỗi đứa được một miếng nhỏ xíu chưa đủ nhét kẽ răng nhưng ai cũng say sưa thưởng thức, ngon ơi là ngon. Có lần tôi ngu quá, cắt trái điều làm bốn khoanh tròn thay vì cắt theo kiểu bổ cau, thằng Huy bốc nhằm khoanh ngay cuống ăn chát xít nó phun phèo phèo, la oai oái. Cái hột thì nướng nhờ trong ổ than của nồi cám heo. Tám con mắt cứ hau háu nhìn cái hột nhỏ xíu từ từ cháy sém đến khi thơm lừng, lấy ra đập vỏ than bên ngoài lòi ra hột điều to chừng gấp đôi hột đậu phộng. Lại đập ra mỗi đứa nhón một miếng nhỏ tí mà đã gì đâu. Có lần tôi cất được tám viên chocolat M&M, định là mỗi đứa hai viên, nắm chặt trong tay sợ rớt, tôi chạy một mạch vô nhà Huy. Nắng trưa hè tháng Tư, đến nơi chocolat chảy lẹp nhẹp trong lòng bàn tay. Thế là bốn đứa lấy ngón tay quẹt rồi mút đến lúc lòng bàn tay tôi sạch bóng thiếu điều không cần đi rửa. Vậy nên thằng Hoàng và bé Na thích tôi lắm cứ khoảng sau giờ cơm trưa là ngồi bên hiên nhà nhìn chằm chằm cánh cổng rào thấy bóng tôi là nhảy cẫng lên reo hò.

Xem thêm:   Thư cho Thao

Vào chơi mỗi ngày nhưng tôi chỉ gặp ba Huy vài lần vì ông đi làm sớm và trở về nhà rất trễ. Công việc lấy tin dầm mưa dãi nắng nên trông ông khô cằn và đen nhẻm. Mẹ Huy thì trái ngược hoàn toàn. Bà rất hiền, nụ cười lúc nào cũng nở trên môi. Công việc bận rộn, chân tay không ngừng nghỉ khiến bà cứ quay tròn như con vụ. Vì vậy, đứa em trai 5 tuổi, bé út 2 tuổi và đàn gà con là công việc của Huy, thằng nhóc vừa tròn 7 tuổi trông coi. Thật ra, cũng chẳng phải cực khổ gì vì căn nhà nhỏ xíu trống hốc, hai đứa nhỏ chẳng leo trèo nghịch ngợm gì được ngoài tòng teng trên võng hoặc nằm lăn trên hiên nhà chờ tôi đến cõng chạy quanh sân và chơi ô quan, chơi xếp giấy…

Khi hai đứa nhỏ bắt đầu đi học, không phải trông nữa thì chúng tôi như chim sổ lồng tha hồ quậy phá xóm làng. Nói thế thôi chứ quậy trong thời đó chỉ là làm ná bắn xoài non, chui rào ăn cắp nhãn, cởi giày chọi me. Chiều nào về đến nhà quần áo cũng lấm lem như nông dân chính hiệu. Một hôm Huy bảo:

– Ngày mai sau giờ học tao đến toà soạn của bố tao làm việc.

Tin như sét đánh ngang tai, tôi hụt hẫng nghĩ đến những ngày không có đồng minh, mặt đần ra.

– Làm gì buồn vậy mình vẫn cùng nhau đi học mà.

– Nhưng sau buổi học tao lại ngồi xếp hình, đẩy mấy cái xe hơi bằng nhựa chạy tới chạy lui một mình chán lắm. Hay mày nói bố xin việc cho tao luôn được không?

– Mày chưa xin phép gia đình mà nói hăng thế, lỡ ba mẹ không cho thì sao?

– Ðương nhiên là ba mẹ tao không cho rồi, nhưng mình giấu. Tao nghĩ cứ cố gắng học không bị tụt điểm thì chả bao giờ mẹ tao cấm đoán tao việc gì cả.

Cũng may mẹ tôi là cô giáo trường tiểu học gần nhà, sau bữa cơm là đã vội vã qua trường, việc nhà đã có hai bà chị lo nên tôi có thể trốn nhà đi vài tiếng không bị lộ. Công việc ở toà soạn, ai sai gì làm nấy lau chùi, dọn dẹp, xếp báo, đóng thùng mà hai đứa làm nên mau xong, ngày nào tôi cũng có mặt trước bữa cơm chiều nên chẳng ai nghi ngờ gì. Tháng lương đầu tiên hai đứa chở nhau ra chợ Tân Ðịnh mỗi đứa xơi sạch ba chén chè ba loại khác nhau. Tiện thể tôi mua tặng bé Na cái nón vải bé bé xinh xinh.

Năm cuối trung học, chuẩn bị thi tú tài hai chúng tôi đồng xin nghỉ việc để dành hết thời gian cho việc học. Nhưng từ sau Tết, tình hình chiến sự không ổn định, ngày nào báo chí cũng đăng chiến tranh đang tiến dần vào thành phố. Sự lo âu hằn rõ trên từng khuôn mặt ông bà, cha mẹ, thầy cô. Lâu lâu lại thấy vắng vài ông thầy vì lịnh tổng động viên, những giờ trống đó chúng tôi leo rào đi ciné hoặc lang thang trên phố vắng mà đầu óc trống rỗng, tâm trạng những người đứng ngoài cuộc chiến. Một chiều thứ Sáu Huy rủ:

– Ngày mai mình đi ra ngoại ô chơi, chứ ở nhà không có chuyện gì làm chán quá.

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

Thế là sáng sớm hai xe đạp xuất phát, Huy chở Hoàng, tôi chở bé Na. Con bé vẫn hồn nhiên ôm eo tôi chặt cứng, may là nó ngồi sau nên không thấy tôi mắc cỡ, mặt đỏ như ông mặt trời. Qua khỏi Hốc Môn thì bình minh thức giấc, ánh nắng yếu ớt nhẹ nhàng lướt trên những cánh đồng rau xanh ngắt trông thật mát mẻ và thanh bình. Thằng Huy thật có lý, nhìn cảnh này chiến tranh đã bị bỏ quên sau lưng. Chạy đến khi đói thì tắp vô bụi cây ăn bánh mì và sau đó thay người đạp. Nhưng để con bé mười ba tuổi ốm nhom chở thì còn mắc cỡ hơn là để nó ôm eo cứng ngắc nên tôi cứ cắm đầu mà đạp. Nắng lên cao mồ hôi ướt đẫm, chiếc áo dính sát vào người bé Na cầm vạt áo tôi căng ra miệng thổi phù phù cho khô, đúng là con nít thật hồn nhiên. Ðến gần trưa thì tới Củ Chi, Huy bảo vào nhà dân trú nắng và xin nước uống. Ba đứa tôi ngại ngùng nên chỉ ngồi lọt thỏm giữa vườn khoai mì lấy cơm nắm ra ăn trưa. Huy thì có vẻ như đã quen biết từ trước nên tự nhiên và rất thân thiện, cứ má má con con ngọt xớt. Nó còn xách cái ba lô đeo lưng theo bà má vào nhà ngồi nói chuyện gì cả tiếng đồng hồ. Thế mà có thành quả, khi trở ra ba lô căng phồng những quà bánh má cho để đem về thành phố cho ba mẹ nó. Lượt về bé Na nhất định chở, ngồi đằng sau đôi tay tôi thật thừa thãi hết buông thõng lại để trên đùi. Những lúc nó lách cục đá hay ổ gà sợ đo đường đến tím cả mặt nên sau cùng lấy hết can đảm tôi vịn lên vai con bé. Cũng may chỉ đạp được khoảng nửa tiếng, nó thở hồng hộc giao nhiệm vụ “cua rơ” lại cho tôi. Ừ thôi, hy sinh cái eo cho nó ôm còn hơn ngồi đằng sau mà phải đưa hai tay lên trời, vịn vai nó nhìn như bại tướng đầu hàng.

Buổi ra ngoại ô đầu tiên thật vui nên từ đó thứ Bảy nào chúng tôi cũng đi. Mỗi tuần một địa điểm khác nhau nhưng đến đâu thằng Huy cũng vác ba lô vào nhà tâm sự với các má, chúng tôi ngồi ngoài sân nắng nướng đỏ như con tôm luộc. Khi đi ba lô căng phồng quà cho má, khi về thì quà má cho con, đôi lần tôi đùa:

– Tao có cảm tưởng mày đi buôn hoặc trao đổi hàng hoá chứ không phải đi chơi.

Câu nói vô thưởng vô phạt mà nó xanh mặt cãi văng nước bọt, sau lần đó nó dè dặt hơn trong việc trao đổi quà.

Thế rồi điều lo sợ nhất của dân miền Nam đã xảy ra, ngày 30 tháng 4, toàn dân đau buồn ngơ ngác hoảng loạn. Ngây ngô như tôi còn biết chảy nước mắt khi nhìn ba mẹ khóc rưng rức, lo cuống cuồng đào đất chôn của, đốt giấy tờ có liên quan đến chính quyền cũ.

Ngày trở về trường, nhìn thầy cô buồn và tiều tụy, không có vẻ gì vui mừng hớn hở khi được giải phóng. Trái lại có vẻ dè dặt trong giao tiếp với đám học trò có khăn đỏ quấn ngang bắp tay. Chẳng hiểu ở đâu ra thằng Huy cũng có và nó tự tay quấn cho tôi một cái. Tôi cũng ngây thơ hăng hái chạy dọc chạy xuôi theo nó họp hành, ca hát, đốt lửa trại nối vòng tay lớn.

Xem thêm:   Tự thú

Một hôm trong lần họp lớp, Huy phê bình bạn này tư tưởng đồi trụy nói chuyện toàn dẫn chứng sách báo. Bạn kia tư tưởng tiểu tư sản lúc nào cũng áo trắng phau phau, quần là thẳng nếp. Bạn nọ gia đình khá giả nhưng không có tinh thần đóng góp cho cách mạng… Nhìn nó, tôi liên tưởng đội quân đấu tố trong phim “Chúng tôi muốn sống” rất là hung hăng. Tôi lên tiếng hoà giải:

– Huy à, chúng mình chỉ là học sinh biết gì ngoài chuyện sách vở nên thằng Tâm nói chuyện dẫn chứng sách báo đâu có gì sai. Còn áo thằng Nam trắng không lẽ nó phải đi nhuộm tím hay nâu cho bớt vẻ tiểu tư sản. Nhà thằng Tú giàu nhưng đó là của cha mẹ nó làm ra chứ có phải của nó đâu mà nó lấy để đóng góp được. Mày bắt nó đóng góp chẳng khác gì xúi nó ăn cắp của nhà đi cho cách mạng.

Bất ngờ vì tôi binh các bạn khác Huy giận đỏ mặt:

– Ðề nghị đồng chí Hà gọi tôi là đồng chí cho có văn hoá.

– Chúng ta đồng tuổi là bạn cùng lớp, mười mấy năm trời nay vẫn gọi nhau là mày tao mà.

– Khi xưa, chưa có ánh sáng cách mạng soi đường thì vậy. Nhưng nay đã có đoàn và đảng chỉ bảo dẫn dắt ta phải thay đổi tư duy, biến mình thành người có tư cách, có văn hoá.

– Nói như mày thì mười mấy năm nay chúng ta là cả một lũ vô văn hoá à! Mà tao thấy ngay cả cha mẹ mình những lúc gặp bạn thâm giao từ thuở nhỏ vẫn mày tao chi tớ. Không lẽ mày cũng xếp cha mẹ mình vào loại vô văn hoá?

Cả lớp nhao nhao cãi qua cãi lại, một chọi cả lớp thì sao thắng được cuối cùng Huy quát lớn:

– Các bạn khác xưng hô sao tôi không tính nhưng đồng chí Hà người đã sát cánh cùng tôi trong công tác giao liên, góp công rất lớn cho cuộc cách mạng này. Cấp trên đã đồng ý cho đồng chí Hà tham dự khoá học để kết nạp đoàn viên thanh niên kỳ này. Ðồng chí đừng vì những phát biểu vô văn hoá mà đánh mất cơ hội vàng.

Thì ra những lần đi ngoại ô trong gói quà biếu các má là tin đưa đi, và những gói quà đem về thành phố là chỉ thị đưa về. Vì sau ngày giải phóng ba Huy đã tậu được cái nón cối và đôi dép làm bằng vỏ xe. Ông đã tử tế gánh vác giùm công việc của chủ toà soạn để bác ấy có thời gian đi học tập trong trại cải tạo. Sau này ông còn làm chủ tịch hiệp hội này nọ nữa. Té ra, cha nó nằm vùng, giao công tác cho con đi giao liên. Nó kéo tôi theo để che mắt an ninh, nhìn vào ai cũng nghĩ đám học sinh cùng nhau đi cắm trại hoặc mấy anh em về quê thăm dì, thăm ngoại. Không ngăn được cơn giận tôi nắm cổ áo Huy lôi ra sân đấm đá túi bụi như kẻ tử thù.

– Tao không ngờ tao coi mày như anh em mà mày lừa tao. Tao đi với mày trong công tác giao liên vì bị lừa chứ nếu biết trước thì tao đã không đi vì về tư tưởng cách mạng thì hai ta không đồng chí hướng. Tao không phải là kẻ ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản. Nếu mày muốn thì tao chỉ có thể gọi mày là đồng lừa, kẻ phản thầy lừa bạn.

LK