Một tiếng mười lăm phút, tôi đã đợi chừng đó thời gian. Thật ra thì tôi đến sớm một tiếng. Nên K mới trễ mười lăm phút mà thôi.

Mùa hè, đến giờ tan sở mà trời còn rất sáng. Cái nóng đặc quánh đông lại trong không khí nén người ta vào một khối vô hình ngột ngạt. Hơi hầm hập bốc lên từ mặt đường nóng như chảo rang. Ai nấy nhớp nháp mồ hôi, hối hả và cáu bẳn. Tôi cố tình xin về sớm đến trước giờ hẹn khá lâu để tránh cái ấn tượng tất tả. Người ta bảo rằng phụ nữ nên đến trễ một chút để có vẻ cao giá. Phụ nữ cao giá đừng hấp tấp quá, đừng nồng nhiệt quá. Phụ nữ cao giá nên kiêu kỳ một chút, lãnh đạm một chút, ơ thờ một chút. Cô ta nên tỏ ra một buổi hẹn hò coi mắt có gì đâu mà quan trọng. Với tôi những quan niệm kiểu này đã rất lỗi thời. Tôi thích chỉn chu và chủ động.

Quán cà-phê cách công ty tôi vài trăm mét, được sửa lại từ một biệt thự cổ. Tôi chỉ cần đi bộ băng qua một công viên nhỏ, ngang mấy cửa hàng thời trang, lách qua những hàng xe máy để chật vỉa hè, leo lên một cầu thang bộ có tay vịn lung lay, rồi mở cửa, bước vào. Ở đó, một thế giới khác mở ra. Quán cà-phê thiết kế bên trong kiểu Indo-Chine, cửa sổ lá sách xanh lơ, sàn gạch hoa đen trắng, mấy cái đèn chùm màu đỏ Trung Hoa toả ra ánh sáng dịu trên những mặt bàn gỗ chạm trổ. Bàn ghế sắp xếp thoáng đãng. Mỗi lần ngồi ở quán cà-phê này, tôi để lòng mình được thả trôi trong dòng kỷ niệm. Tôi nhớ căn nhà của ông tôi, những cửa sổ lá sách xanh lơ, những bậc tam cấp bằng gạch, lan can có các hoa văn trang trí nhỏ, và một cây bàng lớn trước sân. Nghe nói ngôi nhà trước đây thuộc về một gia đình Hoa Kiều nay đã di cư. Sau này tôi mới biết ngôi nhà đó chính là nơi K từng sống, trước khi cả nhà anh vượt biên sang Philippines rồi đến Mỹ.

Tôi chọn bàn gần cửa sổ nhìn xuống công viên bên dưới. Ðó là một công viên nhỏ nhưng lâu đời, nhiều cổ thụ. Dưới tán những cây cổ thụ là khung cảnh quen thuộc của các địa điểm công cộng nói chung ít khi được chăm sóc. Ðá lát lối đi tróc lở. Rác tràn ra khỏi các thùng chứa. Cỏ dại úa vàng trên đám đất hoang. Mấy xe hàng rong bày bán đồ ăn vặt trong các tủ kính lưu động. Trẻ con bán vé số đi lòng vòng chào khách, đôi khi chúng đùa giỡn hoặc gây gổ với nhau. Dưới một gốc cây có một chị trung niên trong bộ quần áo hoa sặc sỡ. Nhìn càng lâu, dáng vẻ cam chịu của chị càng làm tôi chú ý. Tôi tự hỏi chị chờ ai hay chờ điều gì đến với mình?

Xem thêm:   Con nhỏ khờ dễ sợ

Ban đầu quán chỉ có mình tôi. Một lúc sau có hai người đàn ông mặc đồ công sở đến ngồi ở bàn bên cạnh. Cả hai đều cao, rất ưa nhìn. Một người thanh mảnh thư sinh đeo kính trắng. Người còn lại da ngăm, vóc dáng thể thao. Họ nói chuyện say mê, giọng sang sảng, thỉnh thoảng vung tay lên hoặc cười rổn rảng. Tiếng họ lan đến bàn tôi, nhấc hẳn tâm trí tôi ra khỏi dòng suy tư của riêng mình. Họ bàn về chứng khoán, mã cổ phiếu nào đang xuống. Họ bàn về bất động sản, giá khu đất nào đang lên. Họ nói về thể thao, về một cây vợt tennis loại tốt, về chiếc xe đạp đua mới mua và về giải chạy bộ sắp tổ chức ở một khu du lịch hạng sang nào đó. Rồi họ nói về đàn bà. Họ nói đàn bà thời nay khó chiều và ngạo mạn. Họ nói đàn bà thời nay tinh ranh và thực dụng. Rồi từ đàn bà nói chung, họ nói về những người đàn bà cụ thể. Họ nói về đám đồng nghiệp nữ, về một cô hay mặc áo cổ khoét sâu, về một cô khác luôn mặc váy ngắn trên đầu gối. Ðến đây giọng họ nhỏ xuống thành những tiếng rì rầm khúc khích. Một lúc sau âm lượng của họ quay lại như cũ. Họ nói tới người đàn bà trung niên đứng dưới công viên. Một trong hai người đàn ông là khách quen của quán này. Anh ta thậm chí lui tới đây đủ lâu để quen với cảnh người đàn bà trung niên chiều nào cũng đứng đợi ở gốc cây cho đến khuya thậm chí rạng sáng. Hồi còn trẻ chắc chị ta cũng thuộc hàng nhan sắc. Người kia suy đoán. Tuổi này mà còn làm nghề đó thì đời nát lắm rồi. Họ bình luận. Khách của chị thường là thợ hồ hay xe ôm, những người đàn ông sống xa quê lớn tuổi. Tôi tự hỏi K là người thế nào? Anh có giống hai người đàn ông kia không? Rồi tôi tự trả lời. Không! Chắc chắn là anh không giống.

Thắm Nguyễn

K hiền, nhỏ người, kiệm lời, hơi nhút nhát, tôi nghe nói vậy. Miêu tả về K không giống chút nào với tưởng tượng của tôi về một Việt kiều Mỹ. Gia đình anh vượt biên khi anh chừng bảy tám tuổi. Cả nhà sống trong một trại tị nạn ở Philippines thêm vài năm trước khi đến Mỹ. Giờ anh là kỹ sư ngành hàng hải. Một người bạn giới thiệu tôi cho K. Ðúng là tôi đã bước vào tuổi mà phụ nữ chịu nhiều áp lực từ xung quanh khi vẫn còn độc thân khó tính. Nhưng tôi không khao khát có chồng đến mức phải tìm hiểu một người qua lối mai mối gượng gạo này. Tuy vậy, càng nghe nhiều về K tôi càng muốn gặp anh, nhất là khi biết K từng sống ở villa số 13 đường X, ngôi nhà tuổi thơ tôi từng sống.

Xem thêm:   Tự thú

Hai người đàn ông bàn bên nói về di trú, một người muốn tìm đường định cư Mỹ, người còn lại thấy sống ở Việt Nam là thiên đường. Người muốn đi Mỹ than môi trường Việt Nam ô nhiễm. Người còn lại chê Mỹ thiếu an toàn. Quán cà-phê có một giá sách nhỏ bày tạp chí, trên kệ trưng một đoá hoa khô. Nắng chiều làm các song cửa hắt bóng lên bậc thềm. Nắng phai đi và bóng nhạt dần. Tôi nhìn qua cửa sổ xuống công viên bên dưới, thấy người ta tất tả ngược xuôi, và chị trung niên mặc áo hoa vẫn đứng đợi dưới gốc cây bất động.

Tháng Tư năm đó một biến cố xảy ra, gia đình K phải bỏ lại ngôi nhà mà đi xa còn gia đình tôi vài năm sau chuyển đến chính ngôi nhà đó. Người ta có cần vòng qua những hố bom quá khứ để tiến lại gần nhau và tiến lên phía trước? Tôi không chắc. Tôi chỉ biết rằng người ta có thể là kẻ thù của nhau nhưng không thể là kẻ thù của một nơi chốn, một ngôi nhà, một hàng hiên, một cây bàng, một chiều phai nắng. Tôi không chuẩn bị sẵn những điều sẽ nói với K. Nhưng ngay lúc này tôi bỗng sợ cảm giác ngượng ngùng khi phải đối diện với một người lạ, một người không có điểm chung gì đặc biệt với mình, một người nói tiếng Việt không sõi đến từ bờ bên kia đại dương. Ðiểm chung duy nhất giữa tôi và K chỉ là một ngôi nhà thơ ấu nay đã không còn. Villa số 13 đường X trong ký ức tôi là những ngày tuổi thơ yên bình ngồi trên thềm tam cấp ngắm nắng chiều xuyên qua tán cây bàng. Villa số 13 đường X trong ký ức của K có thể chỉ là những kỷ niệm đau buồn của một tuổi thơ đã mất. Hoặc thậm chí anh không có ký ức gì.

Hai người đàn ông ồn ào bàn bên bỗng trùng xuống. Một khoảng im lặng ngắn ngủi. Tưởng như họ bỗng cạn kiệt chủ đề. Quán có thêm vài khách nữa. Một người đàn ông mặc đồ thể thao đi một mình. Anh ta quá cao và trông quá tự tin. Tôi biết đó không phải là K. Lúc sau lại có thêm một cậu thanh niên cũng đi một mình. Cậu quá trẻ và quá rụt rè. Tôi biết cậu cũng không phải là K. Quán mở nhạc Trịnh. Tất cả chỗ ngồi bắt đầu được lấp đầy, ai nấy dường như đắm chìm trong thế giới hoài niệm của riêng mình.

Xem thêm:   Vợ cũ

Trên bức tường màu kem nhạt người ta trang trí vài bức ảnh chụp tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn, Nhà thờ Ðức Bà. Một chiếc đồng hồ quả lắc giả cổ treo phía trên cửa sổ. Ðồng hồ hình như hết pin. Kim không nhúc nhích. Thời gian chỉ còn là một món trang trí vô hồn. Cô phục vụ nhỏ bé đều đặn đi qua các bàn châm thêm nước. Hai người đàn ông bàn bên gọi tính tiền. Họ ra về, để lại một khoảng yên ả. Từ chỗ ngồi sát bên cửa sổ, tôi nhìn thấy họ lấy xe, ngụp lặn trong dòng người đông nghẹt. Hôm nay cuối tuần, kẹt xe kéo dài. Có thể vậy nên K đến trễ. Nhưng cũng có thể anh không đến, vì lý do nào khác. Tôi không thể biết được. Tôi ngồi thêm một lúc nữa trong quán cà-phê, không hẳn để chờ K, mà chờ qua giờ tan sở. Dù K không đến, tôi nghĩ thật tốt vì tôi đã cho mình một cơ hội. Nếu K đến, tôi sẽ nói về những series đang nổi trên HBO và Netflix. Tôi có thể nói về tiểu thuyết của Việt Thanh Nguyễn và thơ của Ocean Vương. Tôi có thể nói về sở thích và công việc của mình. Tôi sẽ hỏi anh thích mèo hay thích chó, thích cà phê hay trà, thích trekking hay du lịch nghỉ mát. Tôi sẽ hỏi anh thích làm gì và không thích làm gì những khi rảnh rỗi. Thế giới đang hoá lỏng, chắc chắn chúng tôi phải có chung mối quan tâm nào đó của riêng thế hệ mình.

Tôi thích quán cà-phê này, đặc biệt là chỗ ngồi bên cửa sổ. Từ cửa sổ tôi thấy được khung cảnh phố xá, khói đen từ những ống pô xe máy xả vào mấy quầy ăn vặt bày tạm trên vỉa hè. Bọn trẻ con bán vé số chờ đèn đỏ để túa ra ngã tư, chìa những sấp vé số còn nguyên mời chào đoàn người xe không thể làm gì hơn ngoài chôn chân nhẫn nại. Không một ai, không một chiếc xe nào dừng lại chỗ chị trung niên đứng dưới gốc cây cổ thụ hỏi giá. Gương mặt chị nhoà trong ánh đèn đường vàng vọt, nhìn không rõ.

Quán cà-phê mở máy lạnh mát dịu, ánh sáng êm đềm toả xuống từ những chùm đèn kiểu Trung Hoa, loa nhạc phát đi bài “Ðêm thấy ta là thác đổ”. Và tôi tự hỏi K có kinh ngạc không khi biết quán cà-phê này chính là villa số 13 đường X năm xưa được sửa đổi lại? Hay là anh cũng chẳng quan tâm?

ĐNT