Tôi được tiếng hiền hậu từ thuở bé. Ngay cả khi trái đạn pháo kích rớt vào nhà hàng xóm lúc tôi chạy ra sân ngóng cổ lên trời khi nghe tiếng máy bay, tiếng nổ inh tai và trời đất tối mù, tôi vẫn không oán hận kẻ bắn trái hỏa tiễn ấy vào xóm tôi.

Bởi dù sao thì cũng hết chiến tranh rồi.

Ánh lửa lóa con mắt. Âm thanh lùng bùng hai tai nhưng tôi vẫn nghe được tiếng gào thét inh ỏi chung quanh. Ai đó lay tôi dậy. Bàn tay nào lật cho tôi nằm ngửa lên. Chị tôi, mẹ tôi, bố tôi, em gái tôi. Chừng ấy khuôn mặt đan vào nhau, che kín khung trời xanh xám. Tiếng gọi của bố, tiếng la của chị, tiếng gào khản cổ của mẹ, tiếng khóc của em gái lẫn vào tiếng súng nổ lác đác. Có cả tiếng đạn xé gió bay trên không. Bụi tre trước nhà trúng những viên đạn lạc kêu lên tanh tách.

Những bàn tay nắm lấy cánh tay tôi, bàn tay nào đó đỡ lấy đầu tôi, bàn tay nào khác nữa níu lấy hai chân tôi. Tôi được khiêng lên. Thân xác nhơm nhớp tôi nặng nề tuột xuống. Tôi được kéo lê vào nhà. Những mặt người nhập nhòe lẫn vào nhau. Trời đất tối sầm. Vết thương nào đó làm mắt tôi tối lại, hay tại mọi người khiêng tôi vào nhà nên tôi không còn thấy bầu trời vây quanh, tôi cũng không biết nữa.

Ngay phút giây kinh hoàng ấy tôi vẫn không thù ghét ai. Tôi được tiếng hiền hậu từ thuở bé.

Trong đời, tôi chỉ gian ác có mỗi một lần. Ấy là lúc tôi “dọa ma” cái đứa làm việc trong phòng cấp cứu, nơi tôi nương náu. Tôi không biết hắn bắt đầu làm ở đó từ hồi nào, nhưng chắc là sau cái ngày máu lửa ấy. Bởi lúc bố tôi cõng tôi trên vai, mẹ tôi nhùng nhằng chạy theo sau để đỡ cho tôi khỏi tuột xuống đất theo mỗi bước chân cao thấp của bố trên nền đất nhấp nhô, và chị tôi, em gái tôi tất tả chạy theo sau; nhúm giấy tờ tùy thân trong tay chị, cái chăn nhỏ trên cánh tay con em gái, cái chăn mà tôi vẫn cuộn quanh mình khi ngủ – ngay cái lúc ấy đấy tôi đã nửa mê nửa tỉnh rồi.

Cả nhà khiêng tôi ra đường. Bố xốc tôi trên lưng. Mẹ và chị, và con em gái mười một tuổi vẫy xe. Ba người vẫy rụng rời những cánh tay. Người và xe xuôi ngược hoa cả mắt. Tiếng gào thét, tiếng réo gọi, tiếng khóc, tiếng chửi rủa, tiếng máy xe, tiếng súng, tiếng đạn rin rít tước gió trên đầu. Mùi khét từ những đám cháy, mùi chua vữa, tanh nồng từ những thân người ướt sũng nước cống và máu me, và cái mùi gây gây của gió mùa Xuân cay nồng sống mũi. Những bà mẹ ở đâu ra mà nườm nượp phố phường. Gánh gồng lủng lẳng trên vai, tay kéo đứa trẻ, và đứa trẻ này nắm tay đứa trẻ khác. Bầy đoàn dắt díu nhau chạy xuôi chạy ngược. Những con mắt láo liên, những tia nhìn dáo dác. Lẫn lộn giữa rừng người xớn xác là những cánh tay đeo băng đỏ, tóe lửa những tia nhìn. Ngón tay táy máy cò khẩu súng nhặt được bên vệ đường. Những chiếc xích lô máy rầm rộ chạy vút qua. Những chiếc xe gắn máy lạng lách vằn vèo trong lòng đường san sát người và xe cộ. Những chiếc xe lam phành phạch tiếng máy. Những chiếc xe díp gầm rú, xô vào cả hàng giậu trước nhà. Và tiếng súng vang động khắp chốn như tiếng pháo ngày mồng một Tết. Người tôi trơn tuột máu me và tôi tuột dần xuống trên lưng bố. Bố cố xốc tôi lên. Tôi nghe hơi thở tôi òng ọc trong cổ họng.

Thắm Nguyễn

Sau cùng một chiếc xe lam dừng lại.

“Bệnh viện Nguyễn Văn Học, làm ơn…” Bố tôi nói không ra hơi.

Xe chạy. Tôi lắc lư như thằng người làm bằng vải vụn.

Tiếng động cơ gào thét. Nền đất rung chuyển. Tôi cố nghểnh cổ nhìn.

“Máy bay…” tôi thều thào. Tôi thích nhìn máy bay. Ban nãy có chiếc khu trục cơ bốc cháy. Tôi đã lo lắng bởi không thấy chiếc dù nào bung ra.

Bàn tay mẹ che lấy mắt tôi, “Không phải máy bay con ạ.”

“Xe tăng chúng nó đấy.” Tiếng em gái tôi thì thào.

Tôi lắc lư, vật vã cho đến khi xe ngừng.

“Bác cho tôi gửi tiền xe.” Giọng mẹ khản đặc.

“Khỏi!” Người tài xế xe lam lắc đầu và bẻ lái cho xe chạy vút đi, ném lại phía sau một cụm khói mờ đục.

Tôi nhướng mắt nhìn. Tôi nghe loáng thoáng tiếng còi xe cấp cứu. Bố tôi cõng tôi một đoạn đường dài. Tôi mụ mẫm trên đôi vai xương xẩu của bố.

Lúc bố tôi, mẹ tôi, chị tôi và em gái tôi tất tả đưa được tôi vào phòng cấp cứu, tôi mở mắt nhìn quanh. Căn phòng chật ních người. Tiếng la khóc rên rỉ râm ran như khúc trường ca bất tận của địa ngục. Ví von vậy thôi chứ dạo ấy tôi mới mười lăm tuổi. Tôi không nghĩ đến thiên đàng hay địa ngục. Tôi chỉ thích máy bay, tôi chỉ thích vẽ hình Batman và tôi mới chỉ biết âm thầm dõi mắt theo bước chân con bé tóc dài học chung trường. Nghĩa là tôi chưa bao giờ làm điều gì sai trái. Thành ra tôi xa lạ với địa ngục. Tôi không biết địa ngục thực sự ra sao, nhưng cái cảnh máu me ngập ngụa lối đi, lênh láng trên nền xi măng phòng cấp cứu hôm ấy đúng là cảnh địa ngục. Tôi đã được khiêng vào địa ngục ấy. Tôi sẽ chẳng bị ném vào chốn nào khác có thể kinh hoàng hơn nơi ấy được nữa.

Xem thêm:   Con nhỏ khờ dễ sợ

Bố cõng tôi luồn lách giữa những thân người nhầy nhụa. Mùi tanh của máu xoáy nồng lỗ mũi. Tôi bật ho. Và máu từ cổ họng văng ra theo những tiếng ho. Mẹ kéo cái chăn bông từ tay con em gái chùi máu đang trào ra ở miệng tôi. Tiếng lao xao làm tôi tỉnh hẳn. Tôi muốn bố đặt tôi xuống. Chắc tôi còn đi được. Nhưng tôi không nói được.

Một thanh niên mặc áo choàng trắng, chạy ra đón chúng tôi. Những ngón tay mảnh dẻ chạm nhẹ vào cổ tôi. Tôi nhướng mắt nhìn. Tầm mắt tôi nằm ngang ngực áo người thanh niên ấy. Mắt tôi đọc được cái tên và những ngôi sao thêu bằng chỉ đỏ trên mép túi áo. Anh sinh viên y khoa ấy dẫn chúng tôi len lỏi giữa những xác người nằm la liệt trên nền xi măng loang máu.

“Cẩn thận kẻo giẫm lên bệnh nhân,” người thanh niên nói, hụt hơi.

Tôi thấy con mắt trợn trừng sắp rách toang hai mí của mẹ. Một cô gái khác cũng mặc áo choàng trắng chạy ra tiếp tay đẩy những hình người nằm san sát nhau trên nền nhà sang hai bên, chừa ra một khoảng trống vừa đủ để bố đặt tôi nằm xuống.

Mẹ quỳ xuống phía trên đầu tôi, cuống quýt, “Ðừng ngủ con ơi, đừng ngủ. Thức với mẹ. Thức với mẹ.”

Mấy hôm trước những người chạy loạn từ miền Trung về đã kể cho mẹ nghe. Bao nhiêu kiểu chết. Bao nhiêu cách chết. Nhưng khi người ta bị thương, mất máu, đừng để người ta mê đi. Mê đi là sẽ chẳng bao giờ tỉnh lại nữa.

Một người đàn ông khoác áo choàng trắng xớn xác chạy ra chỗ tôi nằm.

“Tôi là bác sĩ Phước,” Ông ta nói vội. Cô gái túi áo có một ngôi sao chạy tới chỗ tôi, cái kéo sáng loáng trong tay. Họ cắt áo tôi ra. Cái áo chị tôi mới đơm lại hàng cúc ngày hôm trước. Cái loa ống nghe đặt trên ngực tôi. Bàn tay vạch mắt tôi. Ánh đèn pin chói lòa. Tôi khục khặc trong cổ họng. Tôi tức ngực, tôi không thở được nữa rồi. Tôi há hốc miệng như con cá đớp nước, nhưng không hớp được ngụm không khí nào.

“Lấy thêm vỏ bút BIC.” Giọng hốt hoảng của ông bác sĩ. Ông ta bóp chặt bờ vai tôi. “Ðừng ngủ nhé, con trai. Cố lên. Cố lên.”

Cô gái áo choàng trắng luồn lách – giữa những thân người ngổn ngang – đến bên tôi, “Thêm ba người nữa, bác sĩ ơi…”

Tôi không hiểu cô nói gì. Ðầu óc tôi liệt bại. Tôi hít thở vất vả như người bám trên vách núi dựng đứng, cố leo lên đỉnh, cố đừng tuột xuống vực sâu. Thêm ba người nữa, bác sĩ ơi. Thêm ba người mới vào phòng cấp cứu. Hay là lại có thêm ba người mới chết. Ý nghĩ làm tôi giật mình. Tôi đang không thở được. Và phòng cấp cứu vừa có thêm ba người mới chết.

“Em đi tìm thêm bút nguyên tử,” cô gái nói vội và bật người dậy, len lỏi bước đi giữa những hình người nhàu nát.

“Chạy lên lầu, lục hết mấy văn phòng. Gom hết xuống.” Ông bác sĩ hét vọng theo. Tiếng hét của ông trộn lẫn tiếng rên la gào thét của những hình người chồng chất cả lên nhau trên nền gạch hoa loang máu.

Tôi há hốc miệng hớp gió. Gió không luồn vào được cổ họng tôi. Bố tôi lắc nhẹ đầu tôi, xoay đầu tôi qua bên này rồi qua bên kia. Lúc xoay đầu, tôi nhận ra những hình người san sát nằm cạnh tôi. Người đàn ông nằm bên phải tôi nhìn lên trần nhà. Hai con mắt thao láo, biết bao lâu không chớp.  Người đàn bà nằm bên trái tôi, nhắm nghiền hai mắt. Cái miệng há hốc, phơi ra hàm răng vẩu vàng khè. Và những thân người nằm bên cạnh bà ta, xa hơn, xa hơn nữa. Từng người, từng người. Tất cả đều nằm ngửa, và tất cả đều có một vỏ bút BIC cắm vào cổ họng. Tôi nghe được chùm tiếng khò khè từ những đầu vỏ bút BIC ấy. Âm thanh rối nhịp, quyện vào nhau thành tiếng gió gào trong cơn bão rớt. Cơn bão nhập nhằng, rối rắm. Những vỏ cây bút BIC chĩa lên trần nhà thành một rừng chông chặn đứng bước đi của Thần Chết.

Xem thêm:   Arkhom

Bỗng dưng tôi thấy lạnh khắp người. Mắt tôi mờ đi. Tôi không hớp được ngụm không khí nào. Cổ họng tôi nghẹn cứng. Tôi cố nhai, tôi cố nuốt nhưng không khí quanh tôi keo đặc, nhùng nhằng dính bết vào nhau. Không một sợi không khí nào luồn được vào cổ họng tôi.

Anh sinh viên y khoa ban nãy ra tới, cái vỏ bút BIC trong tay này, con dao mổ nhọn hoắt trong tay kia.

“Phải đặt ống khí quản mới thở được,” anh quay qua nói với bố tôi. Mẹ và chị với em gái tôi đứng sát vách tường nhướng những con mắt kinh hoàng chờ đợi. Bởi quanh tôi không còn chỗ nào để chen chân vào. “Hết thuốc tê,” anh sinh viên có ba ngôi sao trên ngực áo nói.

Và anh đâm mũi dao vào cổ tôi. Tôi không nhớ ánh mắt bố tôi lúc ấy ra sao bởi hình ảnh bố đã nhòe trong khoảng trần nhà trắng đục. Tôi cũng không thấy đau. Nhưng tôi nghe một tiếng động ngầu đục phát ra từ trong thân thể tôi, như có vật gì đó vừa xuyên thủng lớp màng gân cơ cứng chắc. Và bỗng dưng tôi thở được. Tôi ham hố hít căng lồng ngực. Khung vuông trần nhà rõ dần. Tôi thấy dường như ngay chỗ trần nhà trên đầu tôi, có một con nhện chăm chỉ giăng tơ.

Ðêm đầu tiên của tôi ở chốn ấy là như thế. Và từ đêm ấy cho đến vô số những đêm sau này tôi vẫn nhớ nét khốn khó trên mặt ba người áo trắng đã vất vả tìm cho ra cái vỏ bút BIC để thọc sâu vào khí quản giúp tôi thở được, giúp bố, giúp mẹ, giúp chị, giúp em gái tôi yên lòng trong phút giây. Giúp niềm hy vọng dấy lên, như ngọn nến tàn bừng sáng một lần – trước khi tắt ngấm; thứ hy vọng hão huyền rằng đã hết chiến tranh.

Từ hôm ấy tôi không rời xa nơi ấy nữa. Và tôi không bao giờ quên hình ảnh ba người áo trắng đã ở bên tôi những giây phút lạ lùng nhất, giây phút tôi bước vào thế giới bên kia.

Hắn, cái kẻ mà tôi “nhát ma” ấy là người được nhận vào làm sau này. Tôi vẫn nhớ cái hôm kỷ niệm cuộc đổi đời mà người ta ca ngợi là ngày đại thắng, dự lễ về, hắn mắng cô y tá làm chung là ôm đồm quá khứ.

“Hôm ấy trong phòng cấp cứu này, có hàng trăm người chết.” Giọng cô y tá thấm chút ngậm ngùi. Thường thì tôi không để ý đến chuyện của bất kỳ ai, nhưng vì cô y tá ấy nói đến hai chữ “người chết” thành ra tôi lắng nghe.

Hắn ngắt lời cô, “Lỗi tại chúng nó, giải phóng rồi, hòa bình rồi, thống nhất rồi, việc chó gì phải theo nhau chạy ra bến tàu để tìm đường trốn đi. Chết là phải rồi!”

Câu nói của hắn xoáy vào đầu óc tôi. Hồi ấy tôi còn bé. Tôi mới mười lăm tuổi. Tôi thích máy bay. Tôi ngưỡng mộ những anh phi công. Tôi mơ ước lớn lên sẽ vào Không Quân. Hôm ấy có chiếc máy bay khu trục chao xuống sát mái nhà kéo theo sau vệt khói đen lập lòe ánh lửa. Tôi chạy ra sân nghểnh cổ nhìn. Nhưng đó cũng là lúc trái hỏa tiễn người ta ném vào thành phố để dọn đường. Tôi không có lỗi gì hết. Tôi không ra bến tàu cũng chẳng chạy theo ai hết. Nhà tôi ở đây mấy mươi năm rồi, việc gì tôi phải chạy đi đâu.

Tôi nhớ mặt cái kẻ nói lên câu ấy. Và tôi theo chân hắn.

Một lần nọ trong phiên trực đêm của hắn, tôi gạt cái chậu đựng nước tiểu bằng nhôm xuống nền nhà phòng chứa dụng cụ y khoa. Tiếng động vang vọng dọc dãy hành lang. Hắn hối hả đi tìm. Chờ hắn vào hẳn trong  phòng y cụ, tôi đóng sập cửa lại. Nghe tiếng động hắn xoay người lại và thấy tôi đứng đó. Nguyên vẹn tôi của cái hôm được bố cõng vào phòng cấp cứu. Máu đỏ loang khuôn mặt. Cái miệng há hốc. Và cái vỏ bút BIC mọc chồi ra từ cổ họng. Tôi rên rỉ, “Cứu tôi với, cứu tôi với.”

Hắn hét lên một tiếng, cuống cuồng xoay người tuông chạy, và đâm sầm vào vách tường rồi ngã vật xuống, ngất đi.

Ðấy là lần duy nhất tôi “nhát ma” người khác.

Tôi được tiếng hiền hậu từ thuở bé. Tôi bước qua cõi khác ở ngay cái phòng cấp cứu này và tôi không muốn bỏ đi.

Sau lần ấy, hắn đổi giọng. Những năm sau hắn không đi dự lễ kỷ niệm chiến thắng của bọn họ nữa. Hắn cũng thôi mỉa mai những người đã chết trong phòng cấp cứu này. Cú đập mặt vào tường và ngã xuống những dao kéo, dụng cụ phòng mổ ngày hôm ấy khiến hắn gẫy mất hai cái răng cửa và đeo một vạch sẹo dài trên má.

Xem thêm:   Chút ân tình cũ

Mỗi lần thấy cái vạch dài ấy tôi lại áy náy ít nhiều. Nhưng tôi biết tôi không ác ý. Tôi hiền thật sự. Tôi có lòng nhân ái. Tôi vẫn nhớ từng chi tiết cái đêm hôm Ba Mươi tháng Tư ấy.

Ðến quá nửa đêm thì tôi tắt thở.

“Cậu ấy mất máu nhiều quá! Bệnh viện hết máu, hết nước biển, hết thuốc tê…” Ông bác sĩ ngậm ngùi nói với bố tôi. Giọng ông lẫn vào tiếng khóc ngằn ngặt của mẹ, của chị và em gái tôi. “Chúng tôi đã hết cách…” Ông bác sĩ thì thầm.

Ông già nằm bên cạnh tôi cũng ra đi trước tôi ít phút. Cô cháu gái của ông. Cái cô có con mắt đẹp. Tôi sắp lìa bỏ thế gian nhưng tôi vẫn nhận ra cô gái trần gian ấy có đôi mắt đẹp. Khi cô ta khóc, đôi mắt ấy đẹp thêm cả ngàn lần. Lúc ông cụ tắt thở, cô cháu gái ông đã níu cổ áo anh sinh viên y khoa, cái người có ba ngôi sao thêu trên ngực áo, kêu nài, “Bác sĩ cứu giùm ông ngoại tui.”

Anh sinh viên y khoa nhìn cô gái, ánh mắt buồn và tuyệt vọng. Môi anh mấp máy.

Bỗng dưng cô gái giằng giật cổ áo anh như người đàn bà đi đánh ghen, như chủ nợ vừa nắm được cái tên giật nợ, “Bác sĩ ác lắm, bác sĩ hổng cứu ông ngoại tui, bác sĩ hổng có lương tâm!”

Cái đầu của anh sinh viên y khoa lắc lư theo cánh tay giằng giật của cô gái. Lúc cô ấy buông cổ áo anh sinh viên ra, tôi thấy rõ vệt đỏ lòe của mười ngón tay trên nếp áo choàng trắng đã loang  những máu.

Tôi nằm cạnh ông già. Tôi thấy tất cả. Tôi thấy anh sinh viên có ba ngôi sao và cô sinh viên có một ngôi sao trên ngực áo chạy lên chạy xuống, chạy ra chạy vào, thoăn thoắt như hai chiếc bóng. Hai chiếc bóng nhập nhòe thành hàng trăm chiếc bóng. Nhiều lúc những chiếc bóng trắng phau ấy ngồi sụm xuống nền nhà loang máu, ôm ngực mình, thở dốc. Tôi thấy ông bác sĩ mở tung những cánh cửa tủ với vô số ngăn trống rỗng, cố tìm bọc nước biển mà chẳng phép lạ nào giúp hiện lên trong ngăn tủ.

Tiếng khóc, tiếng rên, tiếng gào thét của những người đang chết và những oan hồn vừa mới chết làm rung chuyển bốn vách tường phòng cấp cứu. Tất cả đều chết oan trong giây phút cuối cùng của chiến tranh.

Bố ra đứng sát vách tường nhường chỗ cho mẹ ở bên tôi. Mẹ sụt sùi nắm chặt bàn tay tôi. Những giọt nước mắt nhỏ xuống mặt tôi lành lạnh.

“Hết vỏ bút BIC rồi,” anh sinh viên nói như thở hắt ra. Con mắt đỏ sọng nhìn ông bác sĩ như mong chờ một phép lạ.

Phép lạ không xảy ra. Phép lạ không bao giờ xảy ra. Một trái đạn đi lạc. Mảnh thủy tinh rụng như mưa rào trong phòng cấp cứu. Giây phút kinh hoàng ấy cả đấng quyền năng với phép lạ căng đầy túi áo cũng phải tìm nơi ẩn náu.

Tôi muốn gào lên rằng hãy tháo cái vỏ bút BIC từ cổ họng tôi để dùng cho bệnh nhân khác. Tôi không cần đến nó nữa nhưng tôi không nói được nữa rồi. Tôi không còn ở trong cái thế giới đậm mùi tanh của máu và rền rĩ tiếng kêu la, than khóc này nữa.

Từ đó tôi quanh quẩn trong phòng cấp cứu này. Tôi lưu luyến nó bởi nó là chốn mẹ tôi nắm tay tôi, chốn bố tôi xoa đầu tôi, chị tôi bóp vai tôi, em gái tôi bấu lấy cánh tay tôi – lần cuối cùng. Ðó là nơi tôi bước qua cõi khác. Bao nhiêu người ra đi ngày hôm ấy chẳng ai muốn ở lại cái phòng cấp cứu này. Nhưng tôi sẽ còn ở lại đây thật lâu, dù hành lang máu đã được lau sạch, dù những vỏ bút BIC đã được rút ra từ cổ họng những người thở hơi cuối cùng trong phút sinh thì của cả một quê hương, dù tên tuổi họ đã bị bôi xóa nhập nhằng bởi những khúc khải hoàn nhem nhuốc.

Tôi phải ở đây để thỉnh thoảng “nhát ma” những kẻ cả gan bảo rằng hôm ấy là ngày vui của cả nước. Cái ngày Ba Mươi tháng Tư ấy!

Bố tôi mất ít lâu sau đó ở tận miền thượng du xứ Bắc. Mẹ tôi thành gốc củi khô vô hồn, cằn cỗi trong khu kinh tế mới miệt Ðồng Xoài. Ít lâu sau đó, chị tôi bặt tông tích ngoài biển khơi. Và vài năm sau, em gái tôi chết vì băng huyết sau khi sanh ngay trong bệnh viện này.

Tôi chẳng còn nơi nào để nương náu. Tôi đành ở lại đây. Tôi phải ở đây để nhắc chúng nó rằng cái hôm 30 tháng Tư ấy là ngày bắt đầu cái thời mạt vận của cả một quê hương.

HC (02 tháng Tư 2021)