TÓm tẮt kỲ 2:  Hoài An hồi tưởng lại kỷ niệm của thơ ấu, trong đó đứa bé con lên sáu nhận được niềm cảm thông với người cha trẻ quay trở về thành phố Huế với vợ con. Chiếc phong cầm là gạch nối cho hai cha con nói chuyện với nhau.

Trong Kỳ 3, bé Hoài An bắt đầu “một cuộc nghiên cứu quy mô về người bố “kỳ lạ” của cô bé. Cuộc nghiên cứu của bé Hoài An đưa độc giả về với thành phố Huế của đầu thập niên sáu mươi, đối chiếu với những gì người thiếu phụ mang tên Hoài An tìm thấy ở nước Việt Nam mới, sau ngày mở cấm vận, năm 1994.

KỲ 3

Tôi còn nhớ rõ mồn một. Nó đẹp vô cùng. Những phím trắng nho nhỏ màu ngà, đục mà lại sáng bóng. Màu ngà còn đẹp hơn những thẻ “xâm hường” (****) điểm son của bà ngoại tôi. Khác với đàn piano, những phím đen của phong cầm chỉ là những hạt nhỏ, nằm thẳng đều đặn, cũng sáng bóng như răng hạt huyền của người đẹp Bắc Ninh xưa. Ở giữa những phím trắng với những phím đen là một khoảng huyền bí. Những nếp xếp kéo đi kéo lại, co vào, dãn ra, huyền hoặc và lôi cuốn!

Trong công cuộc nghiên cứu về bố tôi từ ngày ông ở Paris về nước, ngay buổi đầu tôi đã chú ý đến chiếc phong cầm. Buổi chiều khi đi học ở Jeanne d’Arc về, tôi hay bắt gặp bố tôi đứng đánh đàn bên cửa sổ trong trời mưa phùn xứ Huế. Mặt ông chăm chú không giống ai, môi chu lại một cách rất say sưa, vì ông phải tập trung tinh thần mà “thả hồn vào âm điệu.” Những ngón tay nhịp nhàng bấm phím, hai bàn tay kéo ra kéo vô, cái đàn nằm trên ngực bố tôi lắc lư theo âm điệu. Tôi thích bố tôi đánh đàn, lý do giản dị là vì ông ham đánh đàn không bắt buộc tôi học tiếng Pháp, “C’est une chaise…C’est le chèvre de Mr. Seguin,” một điệp khúc vô cùng nhàm chán.

Xin lưu ý độc giả, bố tôi không phải là một nhạc sĩ. Tiếng đàn của ông có lúc rè rè, có lúc êm ái mê ly, tùy theo cái hứng nghệ sĩ của bố tôi. Ông cũng không phải là ca sĩ, dù có lúc ông hát ong ỏng theo tiếng đàn. Thế nhưng tiếng đàn tiếng hát của bố tôi đã tạo dựng nên repertoire những bản nhạc Việt đầu tiên mà tôi ưa thích mãi cho đến bây giờ. (Bài Những Ðồi Hoa Sim không kể, đó là kết quả của sự tuyên truyền và tẩy não của bà vú tôi, vốn mang tâm hồn rất bình dân… học vụ!)

Thuở ấy, Trịnh Công Sơn, một thanh niên ốm o, đeo kính cận là hàng xóm của chúng tôi.  Thời điểm đó, Trịnh Công Sơn vừa làm xong bài Lời Buồn Thánh. Cái da diết, ủ ê của Lời Buồn Thánh cần phải được diễn tả bằng tiếng sắc-xô-phôn. Không có kèn, bố tôi xài đỡ chiếc phong cầm. Tôi thuộc lòng Lời Buồn Thánh từ đó.

“Chiều Chủ Nhật buồn,

nằm trong căn gác đìu hiu

Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều

Bạn bè rời xa chăn chiếu

Ô hay mình vẫn cô liêu ….

…Ô hay còn đến bao giờ??? ”

Thắm Nguyễn

Mãi về sau, năm ba mươi hai tuổi, tôi bắt đầu để lại tóc dài thẳng đuột. (Trước đó, tôi uốn quăn theo kiểu Donna Summers cho thiên hạ lầm tôi là người Nam Mỹ. Tôi xin thú thực tôi cũng có tinh thần “vọng ngoại” như vài người cùng xứ sở với tôi, thích ăn bơ hơn nước mắm). Có lần, với mái tóc như thế, tôi mặc áo gypsy giấu mai-crô-phôn dưới tóc, gập người lại mà rên rỉ Lời Buồn Thánh theo kiểu jazz, kiểu blue trước đám thực khách Mỹ. Họ mải ham ăn, không ai để ý xem tôi hát cái tiếng…nước… non gì!!!

Dưới ánh đèn, trong khói thuốc của một quán ăn nhỏ ở Adams Morgan, Washington, DC, như một kẻ trá hình cố tình bỏ quên quá khứ, tôi cố nuốt nước mắt mà vẫn nhớ lại những buổi chiều mưa phùn xứ Huế, bố tôi đứng trầm ngâm bên khung cửa mà đếm tiếng mưa, cái đàn phong cầm đeo ở ngực.

Thế là tôi, vừa mới để lại tóc dài thẳng đuột theo kiểu Việt Nam, chợt vứt cái mai-crô-phôn đi, mà hát gào cho quá khứ, cho chiếc phong cầm của bố tôi:

Xem thêm:   Chút ân tình cũ

Chiều Chủ Nhật buồn, lặng nghe gió đi về…

Chiều Chủ Nhật buồn, lặng nghe gió đi về…

Gió đưa tôi về căn phố Nguyễn Trường Tộ, Huế, nơi mà Trịnh Công Sơn viết Lời Buồn Thánh, và bố tôi đã dùng chiếc phong cầm nói lên Lời Buồn Thánh. Hết Lời Buồn Thánh, chiếc phong cầm của bố tôi lại nỉ non điệu nhạc Phạm Duy. Và khi khôn lớn tôi mới biết rằng trong ký ức tôi, những âm điệu này đi đôi với cặp mắt Sơn Tây của bố tôi, cặp mắt Sơn Tây của chất thơ Quang Dũng.

Ai có nghe tiếng hát hành quân xa

Mà không nhớ thương người mẹ già

Chờ con lúc đêm khuya

Người con đã ra đi vì nước

Nhớ thương con oán thù loài giặc kia

Lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng

Bóng dáng người hùng anh

Về ấm lũy tre xanh

Khi khôn lớn, tôi lẩn thẩn suy nghĩ: Làm sao chiếc phong cầm Tây phương đó, xuất thân từ nước Ý (nơi bố tôi đã mua nó từ một ông cố đạo), lại có thể đem tôi đến với núi rừng Việt Bắc, với con người Quang Dũng, với tiếng hát hành quân xa, nếu không có tâm hồn rung cảm của bố tôi và sự đồng điệu trong máu huyết giữa bố con tôi. Những năm đó, tôi chẳng biết gì hết, chỉ biết yêu thích cách bố tôi lắc lư, cái đàn kéo ra kéo vào, và âm điệu da diết của tiếng đàn.

Và đó là cách hai bố con tôi nói chuyện với nhau, qua chiếc phong cầm, trước khi tôi biết thế nào là thân phận con người trở thành con lừa kéo gỗ…

Chao ơi, tôi thương xót làm sao tiếng phong cầm của bố tôi!

o O o

Không nói ngoa với độc giả, tôi tự hào mình là con bé “thông minh vốn sẵn tính trời…”  Vì là con nhà giáo, tôi biết đọc năm lên bốn. Và ở tuổi lên sáu, tôi đã rất khoa học trong công trình nghiên cứu về bố tôi. Tôi lục lọi trong cái rương cũ, tìm thấy thông tín bạ của ông hồi ông học trường Bưởi, Hà Nội. Trang đầu thông tín bạ có những dòng chữ sau đây:

Tên họ học sinh: TRẦN Quốc Ngữ

Quê quán: Sơn Tây

Tên cha/hoặc giám hộ: TRẦN Quốc Nho

Nghề nghiệp: Làm ruộng

Bố tôi đó, một thiếu niên, con cụ Tổng Nho, tổ tiên lập thân từ đồng ruộng làng Bún, miền Bắc, phía tây thành Thăng Long của nước Việt Nam hình chữ S. Tổ tiên tôi từ đời Trần đã quen nghề cày ruộng lấy thóc bán nuôi con cái đi học.

Ðiển hình là ông nội tôi, cụ Tổng Nho, nuôi đàn con trai ăn học, dâng gạo nuôi quân cho Việt Minh đánh Pháp để rồi trở thành nạn nhân của cuộc cải cách ruộng đất bắt nguồn từ bên Tàu với ông lãnh tụ quái gở Mao Trạch Ðông.

Năm 1993, Goldman Sachs, Merril Lynch, Bank of America, cùng bao nhiêu cơ quan kinh tài quốc tế khác tổ chức một cuộc du hành các nước đang phát triển ở Á Châu để nghiên cứu vấn đề thiết lập thị trường chứng khoán theo kiểu kinh tế thị trường, nhằm “tư vấn” cho Việt Nam. Dĩ nhiên là nhân viên của Goldman Sachs, tôi cũng xách cặp đi theo. Cuộc viễn du này cho tôi có dịp về thăm Hà Nội. Tôi thuê xe đi về Hà Tây (Sơn Tây cũ), cùng với hai đồng nghiệp người Anh vì hiếu kỳ mà tình nguyện đi với tôi. Tôi đi về làng Bún, đôi mắt tròn lên, lạ lùng, bỡ ngỡ:

Tôi đứng bên bờ đê, lặng nhìn những mẫu ruộng nho nhỏ, giữa ruộng có những ngôi mộ nằm trong nước. Tôi nhìn con bò, gầy ơi là gầy!

Con bò Việt Nam, nó gầy cũng như bố tôi gầy trong tấm hình chụp năm 1954. Rồi tôi nhìn cái xe bò, cái xe bò Việt Nam cộc kệch cuối thế kỷ hai mươi. Và tôi nhìn hai người đàn bà đứng tát nước còn gầy ốm hơn con bò. Tôi tìm ra ngôi mộ của cô tôi, chị ruột bố tôi, chết trẻ trong cuộc chiến tranh Việt Pháp. Ngôi mộ nằm giữa ruộng. Tôi nghĩ thịt xương tổ tiên tôi đã tan vào đất, từ đó mọc lên những hạt gạo “xuất khẩu” của Việt Nam. Khi ăn hạt gạo xuất khẩu, tôi có bao giờ nghĩ là đang ăn thịt xương của tổ tiên tôi? Tôi ngửa mặt lên trời tìm vừng mây trắng. Xa xa kia là sông Ðà, núi Tản của Nguyễn Khắc Hiếu. Ðâu đây là nét “vời vợi buồn Tây Phương” của Quang Dũng. Tôi mỏi mắt nhìn cho ra một nét quen thuộc nào đó, lắng nghe cho thấy “tiếng hát hành quân xa” và tự hỏi: nơi chốn này có yêu tôi không, hay đang nhìn tôi xoi mói, tôi con người đi về quê cha trên đôi giầy Reebok?..

Xem thêm:   Khóc một chút rồi thôi

Bên bờ ruộng, tôi quay lại nhìn “con đường cái quan” hẹp đầy ổ gà.  Lúc ngồi xe về làng, tôi cứ va bên này, chạm bên kia giữa hai đồng nghiệp người Anh to lớn. Tôi nhìn sang bên kia đường là “Nghĩa Trang Liệt Sĩ Xã Phụng Thượng Trong Cuộc Chiến Tranh Chống Mỹ.” Bên này đường là “Quán Thịt Chó Thơm Ngon.” Ðây, Con Ðường Cái Quan của Phạm Duy từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, con đường mà bà nội tôi đã đội nón lá đi bộ dưới nắng chang chang trốn ra Hà Nội ngày ông bà phải bỏ làng vô Nam để tránh thảm trạng Ðấu Tố Ðịa Chủ.

Trước “con đường cái quan,” tôi nhắc đi nhắc lại như người mất hồn với hai đồng nghiệp:

– “Sao mà nó nhỏ thế, con đường này, đồng ruộng này, đường chân trời này!” (How come everything is so small?)

– “Ông nội tôi bị kết tội địa chủ vì có chút đồng ruộng này sao?” (My grandfather got a death sentence because of these little paddies?)

Hai người đồng nghiệp nhún vai, không nói. Tôi không thể trông chờ họ hiểu. Tôi cũng không nghe tiếng linh hồn cô tôi đón chào trong gió.  Quanh tôi chỉ có hai đồng nghiệp người Anh im lặng đứng nhìn.

Tất cả không giống như trí tôi tưởng tượng. Khi tôi đã quen nhìn xa lộ thênh thang của nước Mỹ, những vườn táo mênh mông ở Illinois, những vườn cam bát ngát ở Florida. Tôi cứ hỏi đi hỏi lại, ông tôi suýt nữa bị dẫn ra đình làng chịu đấu tố chỉ vì ít mẫu ruộng này ư? Trong bao nhiêu năm nghe ông bà tôi kể chuyện, không hiểu sao tôi cứ tưởng tượng ruộng đất phải bao la cò bay thẳng cánh như tiểu bang Arizona.  Phải nhiều lắm, lớn lắm thì mới bị tố địa chủ chứ?

Bây giờ sau chuyến về thăm đó, tôi mới biết thế nào là sự nho nhỏ, con con, như cái nước Việt Nam trên bản đồ thế giới, như cái số phận nho nhỏ, con con của con bò, của cái xe bò, của hai người đàn bà tát nước. Ngay cả đến ruộng đất phì nhiêu đã gây nên cái án địa chủ cho ông bà nội tôi cũng nho nhỏ, con con. Cái thảm khốc của nhân loại lại nằm ở trong những gì nho nhỏ, con con?

o O o

Trong công trình nghiên cứu về bố tôi năm lên sáu, tôi bắt gặp tấm ảnh 4 x 6 của một cậu con trai, dán trên thông tín bạ. Cậu có hai con mắt dài, xếch như một nét mực tàu sắc sảo. Khi lớn lên, tôi mới hiểu đó là cặp mắt Sơn Tây đã làm xót xa lòng Quang Dũng. Bên nội tôi, đa số đều có cặp mắt đó. Ngay cả những đứa em họ sinh sau đẻ muộn làm công dân Mỹ, lọt lòng mẹ trong nhà thương Mỹ, cũng mang vào Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ cặp mắt Sơn Tây của núi rừng Việt Bắc và hồn thơ Quang Dũng.

Mẹ tôi kể trong thời gian học trường Bưởi, bố tôi theo học phong cầm với một ông cố đạo. Khi đi du học, qua Ý chơi, gặp một cố đạo chơi đàn phong cầm, bố tôi năn nỉ rồi mua đàn của thầy tu. Ðó là tiểu sử chiếc phong cầm của bố tôi. Nó xuất thân từ nước Ý, du nhập vào Hà Nội đầu thập niên 1950.

Khi di cư vào Nam, ông bà tôi đi trước, bố tôi là người cuối cùng rời Hà Nội vào Nam. Bố tôi đáp xe lửa từ Hà Nội xuống Hải Dương, rồi đạp xe đạp từ Hải Dương xuống Hải Phòng. Bố tôi để cây đàn ghi-ta, thêm cái phong cầm lên xe đạp mà đạp. Trên đường đi, ông bán mất cái ghi-ta. Bán luôn đôi giày da. Nhưng không bán chiếc phong cầm. Bố tôi lên tàu bay vào Nam, có chiếc phong cầm mà không có đôi giày che gót. Tôi mường tượng cậu thanh niên có cặp mắt Sơn Tây đạp xe đạp, đèo theo chiếc phong cầm, những vòng bánh xe cũng giống như những vòng bánh xe bố tôi đạp chở tôi đi học dương cầm ở Huế.

Xem thêm:   Má Mi Deborah

Chiếc phong cầm theo cậu trai trẻ lên máy bay từ Hải Phòng vào Sài Gòn. Rồi vào trại sinh viên. Bố tôi sống nghèo ở miền Nam mà đi học trong kiếp di cư. Chiếc phong cầm luôn luôn đi theo ông như một tình nhân yêu kiều, chung thủy.

Rồi bố tôi ra Hội An, dạy trường Trần Quý Cáp, vẫn khư khư giữ cái phong cầm. Tôi ra đời trong tình yêu của bố mẹ và được tặng cho cái tên Trần Thị Như Hội An, để đánh dấu thành phố nơi bố mẹ tôi đã gặp nhau. Sau này mẹ tôi đổi thành Trần Thị Như Hoài An để tránh dấu nặng trong tên con gái. Ngày mẹ tôi ẵm tôi từ bệnh viện về nhà, chắc là cái phong cầm đứng nhìn đâu đó, mà tôi thì nhắm tít mắt như mọi trẻ sơ sinh khác.

Rồi bố tôi đi Pháp. Khư khư đem cái đàn theo. Mẹ tôi phàn nàn: “Ở bên ấy thiếu gì đàn, vậy mà cha con cũng đem nó theo cho được.” Mẹ con chúng tôi ở nhà, chứ cái đàn thì đi Pháp theo bố tôi.

o O o

Công cuộc nghiên cứu về bố tôi năm tôi lên sáu tuổi vẫn tiếp tục suốt thời gian 1963-65. Tôi kiếm thấy bức hình đen trắng bố tôi ngồi bên lan can căn phòng sinh viên ở đại học xá lầu bốn. Paris trải rộng dưới chân. Bố tôi gầy như cây tăm, ngồi ôm chiếc phong cầm, gác hai chân lên lan can màu đen, nom rất thoải mái và rất “hip.” Tôi nhìn bức hình ấy mà mơ ước sau này mình cũng đi du học Paris và cũng ngồi gác chân lên lan can nhìn xuống thành phố. (Tôi đâu ngờ rằng, sau này lớn lên tôi làm một cuộc du học trường kỳ…).

Rồi thì cái đàn theo bố tôi về nước. Và tôi gặp nó ở căn phố Nguyễn Trường Tộ, Huế. Lần này thì tôi thôi không nhắm tít mắt như một trẻ sơ sinh nữa.

Tôi nhớ mãi buổi chiều mưa phùn xứ Huế. Tôi trốn bố tôi (tôi thường hay chơi trò “trốn tìm” một mình) sau bức màn cửa phòng khách. Bố tôi đánh đàn xong thì để nó trên ghế. Thế là tôi nhảy tỏn ra. Tôi đứng mân mê, sò mó cái đàn. Tôi bấm thử, sao đàn không ra tiếng? Tôi khệ nệ tìm cách đeo nó vào cổ. Tôi say mê, nâng niu nó. Ôi “tiếng hát hành quân xa” với những “chiều Chủ nhật buồn” không nắng trong căn nhà nóng hâm hấp “lặng nghe gió đi về!” Ai xui khiến cho cái đàn này làm mọc chất nghệ sĩ trong tôi! Ðể ba mươi bốn năm sau tôi từ bỏ Goldman Sachs? Tôi muốn ẵm nó lên để đu đưa như bố tôi. Nhưng nặng quá. Cứ thế này thì nếu tôi không té, cái đàn cũng sẽ té.

Bỗng bố tôi bước vào. Tôi sợ muốn khóc vì bị bắt quả tang, tưởng rằng sẽ bị đòn. Nhưng không, nét mặt bố tôi bình thản, đôi mắt Sơn Tây như hai vết mực tàu sắc nét. Ðó là lúc ông thấy tôi bé quá không bê nổi chiếc phong cầm. Ông quyết định đem tôi đi gặp Sơ Thanh Tâm để xin học đàn dương cầm.

Từ hôm đó, sáng nào ông cũng gọi tôi dậy sớm, bắt uống sữa, thay váy đầm. Rồi chở xe đạp đưa tôi đến trường Jeanne d’Arc học đàn…

Chung quy cũng bởi  chiếc phong cầm của bố tôi.

(Xem tiếp kỳ 4 – Đoạn Kết)

(****) “Đổ Xâm Hường” là món cờ bạc dành vào dịp Tết cho các gia đình trung lưu xứ Huế, dùng những thẻ làm bằng ngà voi có tô các điểm son hoặc chữ Hán viết bằng mực Tàu màu đỏ (ý nghĩa của chữ Hường, tượng trưng cho sự may mắn ngày Xuân).