Từ năm 9-10 tuổi, tôi đã biết bế em ru em ngủ hay dỗ dành khi em khóc. Càng ngày tôi càng kinh nghiệm vì mẹ tôi đẻ liên tục. Tôi là chị cả nên cũng vất vả theo, bế em hết đứa này đến đứa khác. Lúc ra sân chơi đùa với các bạn tôi cũng na theo đứa em, để nó ngồi một chỗ tôi nhảy dây hay chơi trốn tìm, nhiều khi em khóc nhề nhệ vì chị mải chơi. Thậm chí khi tôi và Bích Hợp, con nhỏ bạn thân cùng xóm rủ nhau đi chụp hình ở tiệm Nguyễn Kỳ mãi Tân Ðịnh tôi cũng không quên nhiệm vụ bế em. Chúng tôi đi một chuyến xe lam đến Gò Vấp rồi chuyến xe buýt từ Gò Vấp đến Tân Ðịnh. Bích Hợp chụp trước, đến lượt tôi nó trông em giùm. Em tôi thấy chỗ lạ, người lạ, nó khóc ré lên cố bám lấy chị, Bích Hợp phải… giựt nó ra khỏi tay tôi, em thì gào khóc bên ngoài mà bên trong sau tấm màn anh thợ chụp cứ luôn miệng giục tôi: “Nào… nào cười lên… cười lên thật tươi!”.

Hơn một năm sau tôi bế em đến tiệm Nguyễn Kỳ chụp hình lần nữa. Vừa thấy tôi anh thợ chụp hình hỏi:

– Lần này lại bế em nữa hả? Thằng nhỏ này có gào khóc như thằng nhỏ năm kia không đây?

Xưa nay chưa có khách hàng nào ghi “dấu ấn” như tôi cả, đi chụp hình mà còn lếch thếch bế em nhỏ theo. Hèn gì anh thợ chụp hình nhận ra tôi ngay.

Sau khi đi học về, mỗi buổi trưa tôi ngồi làm bài vở hay đọc sách truyện thì kiêm luôn nhiệm vụ đưa võng cho em. Tôi nối một sợi dây dài vào võng nên dù ngồi học ở bàn hay nằm lăn ra “đi-văng” mải mê đọc sách tôi vẫn thuận tiện kéo võng cho nó ngủ say. Khi em thức dậy nó hay khóc nhè, tôi bế nó ra tiệm tạp hóa nhà anh Luận đầu ngõ mua bánh. Bao giờ cũng là chiếc bánh tay cùi, vừa lạt vừa chút xíu mặn có hình dạng bàn tay cùi “ghê rợn” thế mà hai chị em tôi đều thích, chị một bánh em một bánh. Anh Luận có lần thắc mắc và mời chào tôi:

– Nhà anh bán nhiều thứ, bánh bích quy, bánh men, bánh dừa, bánh quả bàng ngon nè em, sao ăn bánh tay cùi hoài vậy?

– Em cho nó ăn bánh này quen rồi, mua bánh khác em nó không chịu.

Anh Luận cũng như tôi. Tôi vừa học bài vừa trông em; còn anh vừa học bài vừa trông hàng giúp mẹ khi bà đi vắng. Ba anh mất vài năm nay, chị gái anh đi lấy chồng ở Long Khánh, chỉ còn hai mẹ con với cửa hàng tạp hóa và mẹ anh làm chủ vài dây hụi đủ nuôi anh ăn học.

Xem thêm:   Thư cho Thao

Không phải hôm nào chị em tôi cũng mua bánh, gặp anh Luận đầu ngõ, anh trêu chọc tôi:

-Bữa nay bánh tay cùi nhà anh ế hai cái kìa bé Bông!

Anh vẫn vui tính gọi tôi là bé Bông vì anh lớn hơn tôi 3 tuổi.

Thỉnh thoảng tôi đã “cúp” tiền bánh mẹ cho hai chị em để dành mua sách báo vì tôi càng ngày càng mê đọc, mượn sách bạn bè, thuê ở tiệm sách nhưng vẫn còn thèm mỗi khi đi qua sạp báo ngoài đầu đường. Tôi đọc đủ loại truyện, nào truyện tranh Thạch Sanh Lý Thông, Thanh xà Bạch xà, Lâm Sanh Xuân Nương… truyện tranh phương tây Lucky Luke bắn súng thần kỳ, Xì Trum bé bỏng tới truyện tiểu thuyết tình cảm và nhất là lúc này tôi đang tập làm thơ đăng báo.

Ðể tìm cơ hội may mắn bài được chọn đăng tôi đã gởi thơ đến vài tòa soạn báo, thế là phải theo dõi xem họ đã nhận được bài chưa? Và họ trả lời ra sao? Mỗi ngày tôi bế em đi bộ từ nhà đến một ngã ba đường lớn có xe cộ qua lại đông đúc, nơi đây một bên là tiệm Minh Ký Trà Gia một bên là sạp báo khá to, đủ các loại báo bày la liệt trên sạp và xung quanh sạp treo đầy những loại tạp chí thật hấp dẫn. Tôi chẳng bao giờ quan tâm đến tiệm Minh Ký Trà Gia bán hủ tiếu mì, bánh bao xíu mại ngon thế nào mà chỉ quan tâm đến sạp báo bên kia. Tôi thuộc tên tất cả những tạp chí như Truyện hay Thứ Tư, Tiểu Thuyết Thứ năm, Phụ Nữ Diễn Ðàn, Nghệ Thuật, Kịch Ảnh, Ðiện Ảnh v.v.

Thắm Nguyễn

Mỗi ngày mẹ đưa tôi tiền mua một tờ nhật báo, thay vì mua xong là ra về nhưng tôi lần khân ở lại lật xem tờ báo này báo kia và kiên nhẫn đợi lúc có khách mua báo cô chủ sạp bận rộn với khách thì tôi càng được xem ké nhiều mục hơn, trang thơ văn tôi không bao giờ bỏ sót. Hôm nào có tiền mua thêm một cuốn tạp chí thì tôi hiên ngang đứng lì mở thêm mấy cuốn báo khác ra xem thật lâu mà không sợ phiền cô chủ sạp.

Một hôm tôi dò mục hộp thư đã nhận bài của các tác giả, giữa những giòng chữ chi chít và dài lòng thòng những tên lạ hoắc tôi thấy tên tôi hiện ra nổi bật nhất, rực rỡ nhất. Tôi sung sướng và hy vọng tràn trề.

Anh Luận đi đâu về thấy tôi đang bế em đứng xớ rớ bên sạp báo đã tấp xe gắn máy lại gần:

– Bé Bông mua báo xong chưa lên xe anh chở hai chị em về.

Xem thêm:   Vợ cũ

– Thôi, anh về trước đi.

– Bé Bông bế em từ đây về nhà là vẹo xương sườn luôn đó. Ủa, có chuyện gì coi bộ em vui thế?

Tôi e dè không dám khoe đang gởi thơ đăng báo chỉ nói chung chung:

– Em đọc mục kia nên vui thôi.

– “Mục kia” là mục gì? Em tìm bạn bốn phương hả? Ðừng có phiêu lưu nha cô bé.

– Không phải tìm bạn! Mục kia…bí mật, mai mốt em cho anh xem.

Tôi hớn hở ươm mộng bài thơ sẽ được chọn đăng để tôi sẽ mang sang khoe anh chơi. Anh sẽ không ngờ con nhỏ hàng xóm chuyên bế em mà vẫn có thì giờ mơ mộng làm thơ. Khi tôi cho anh xem tờ nhật báo và tuần báo đăng thơ của tôi, quả thật anh phục tôi lắm:

– A, bé Bông làm thơ hay quá, mai mốt làm cho anh một bài thơ.

Anh bỏ lơ lửng câu nói, tôi không hiểu ý anh và cũng không dám hỏi thêm.

Anh Luận thi đậu tú tài một, anh lên lớp đệ nhất; năm đó anh 18 tuổi còn tôi mới lớp đệ tứ thua anh xa lơ xa lắc. Mai kia anh sẽ vào đại học, có nhiều bạn bè mới học giỏi như anh và anh sẽ quên con nhỏ hàng xóm quèn này thôi. Hình như trong mỗi bài thơ của tôi đều “tình cờ” có hình bóng anh, có cả tên anh, trách móc vu vơ…

Từ mẹ anh, chị anh và cả tôi đều tin là anh sẽ đậu tú tài hai dễ dàng vì anh học giỏi thế kia mà, nhưng anh… lại rớt. Mẹ anh khuyên anh học lại sang năm thi nữa nhưng anh đăng lính Biệt động quân, làm mẹ anh khóc sưng cả mắt. Anh thuộc diện con một được tạm hoãn dịch mà lại tự nguyện dấn thân vào chốn sa trường. Hàng xóm kể là anh Luận thất tình một cô ở xóm Ông Tạ nên học không vô và chán đời đi lính, mà lại lính “thứ dữ” cho… chết luôn!

oOo

Trong buổi họp mặt đồng hương tại hải ngoại tôi gặp lại anh. Tôi chồng con đề huề, anh cũng vợ con đùm đề, ai cũng ở tuổi sắp làm sui đến nơi rồi. Anh vẫn vui tính như xưa, câu tao ngộ đầu tiên của anh là:

– Bé Bông đây hả, người chị đảm đang bế em trường kỳ, bế em giỏi nhất xóm mình và có lẽ giỏi nhất Việt Nam luôn.

Tôi cũng vui vẻ:

– Bé Bông vẫn nhớ món bánh tay cùi nhà anh Luận đây. Em đã bồng bế tổng cộng 6 đứa em, đã mua nhà anh bao nhiêu là bánh…

Tôi xúc động bao nhiêu anh cũng xúc động bấy nhiêu sau mấy chục năm xa cách, sau dâu biển, hai người xóm cũ vẫn còn dịp gặp nhau. Chúng tôi ngồi cùng bàn chuyện trò, chuyện hiện tại xong lôi chuyện xưa ra, anh xác nhận ngày ấy anh và cô người yêu cả hai đều non trẻ, hẹn thề cùng học hành chăm chỉ để thi vào đại học cho có tương lai sáng sủa. Nếu không đại học thì khi nào có nghề nghiệp đàng hoàng sẽ lấy nhau, vậy mà cô ham chồng giàu phản bội anh nên anh bị “sốc” và đau khổ chẳng còn tâm trí nào học hành, thí mạng “cùi” đi lính mà vẫn không chết được, vẫn lành lặn trở về. Sau này nghĩ lại anh tự trách mình tuổi trẻ nông nổi và ngu xuẩn, chỉ vì một người con gái mà hủy hoại cả tương lai của mình và làm khổ lây đến gia đình mình.

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

– Ngày ấy anh đang yêu, có trời mà cản.

– Ừ, may mà anh không nhảy sông nhảy biển tìm cái chết, nếu không, mẹ anh sẽ đau khổ đến thế nào.

Và anh trách đùa:

-Tại bé Bông ngày ấy không làm giùm anh bài thơ tha thiết tặng nàng, để giữ trái tim nàng ở lại bên anh.

Thì ra anh nhờ tôi làm một bài thơ để tặng người anh yêu. Vậy mà thuở tôi mười lăm mười sáu ấy có lúc đã bâng khuâng tự hỏi hay là anh ấy đã… yêu mình?

Tôi ở gần mà anh không thấy, không biết và chẳng yêu, tìm chi mãi xóm nào ở Ông Tạ quen cô gái kia để phải dò sông dò biển lòng người nông sâu, để rồi người ta cũng phụ bạc. Ngày xưa tôi đã trách thầm anh thế.

Chúng mình hàng xóm từng biết nhau, biết cả gốc gác gia đình, dễ dàng cảm thông nhau, sao không đến với nhau? Hay Bụt nhà không thiêng?

Bỗng nhiên anh cùng một suy nghĩ với tôi:

– Nói cho vui nhé bé Bông, à quên, bà Bông chứ! Phải chi ngày xưa tôi và bà… cưới nhau thì tình hàng xóm biến thành tình duyên sẽ đẹp lắm nhỉ. Không hiểu sao ngày ấy tôi chỉ xem bà như một đứa con nít như mấy đứa khác trong xóm, lúc nào cũng nhếch nhác bế em dù ở nhà hay đi ra ngoài đường. Ai mà yêu một đứa trẻ con như thế chứ?

Chẳng lẽ tôi kể với anh rằng con bé chuyên bế em ấy cũng đã từng làm thơ vì anh. Tôi chỉ đáp:

– Chắc mình không duyên nợ nên chỉ là hàng xóm thôi.

Và tôi nhớ lại những câu thơ ngày xưa tôi đã thổn thức:

Chúng mình là hàng xóm bấy lâu nay

Nhưng anh và em không duyên không nợ

Anh yêu chi người ở xa, xóm lạ

Ðể xóm mình buồn em cũng buồn theo.

NTTD