Lời Giới Thiệu: Tiểu thuyết ngắn CÁNH ÉN NHÀ TÔI, của Dương Như Nguyện, viết cho Trẻ nhân dịp 30 tháng 4. gồm 14 chương, sẽ được đăng nhiều kỳ. Truyện kể lại kinh nghiệm 1954-1975 của một gia đình người Bắc di cư, nhân vật chính là cô gái tên Yến, gốc Sơn Tây, trưởng thành ở Huế, và làm việc ở Saigon. “Tiểu Thuyết Ngắn” (novella) là một “truyện ngắn” dài. BBT Trẻ.

Bảo Huân

7

Bên bàn máy vi tính, những hồi tưởng về cô Yến tôi – từ một phụ nữ độc thân có nghề nghiệp của Saigon trở thành người thiếu phụ cô độc, tiếp tục đi làm trong chín tháng cô mang bầu, rồi nuôi con một mình, và đợi chồng về phép, làm tôi lao đao xúc động.

Câu chuyện đời cô tôi dĩ nhiên vẫn còn tiếp tục, không ngừng ở đó.  Chỉ có tôi phải ngưng, để suy tưởng.

Tâm trí tôi lại quay về nước Mỹ.

Tôi chợt nhớ cách đây ít năm, từ California cô Yến tôi gửi tiền dặn tôi mua yến cho cha mẹ ăn, lúc đó cha mẹ tôi còn sống, nhưng vô cùng đau yếu. Thời gian ấy, tôi là người chăm sóc cha mẹ. Tôi đã nghe những câu chuyện về tổ chim Yến, rất đắt, quý, đại bổ, chỉ dành cho người đau ốm muốn hồi phục sức, hay các tiểu thư nhà giàu muốn có da mặt đẹp trong việc giữ gìn nhan sắc.

Lần đầu tiên trong đời, sau khi nằm mộng thấy bà nội tôi, tôi bắt đầu tự hỏi, tại sao bà nội tôi đặt cho cô Yến tôi cái tên rất đẹp của loài chim quý? Tôi bèn ngưng cuộc độc thoại với bàn máy chữ, và lên mạng lưới tìm hiểu về loại chim này.

Chim Yến có ngôn ngữ riêng, biệt lập với các loài chim khác. Yến là loài duy nhất được mệnh danh “rút ruột cho con” nhờ đặc tính làm tổ bằng nước miếng. Rêu, cỏ, lông, lá cây và một vài vật liệu khác được gắn kết bằng nước bọt của loài chim quý này để làm thành tổ Yến cho chim mẹ sinh con và nuôi con. Yến cũng là loài chim chung thủy tuyệt đối, tiêu biểu cho tình chồng vợ và tình mẫu tử.

Tôi tiếp tục tìm tòi, và thu gặt các dữ kiện sau:

“Cả chim mẹ và chim cha cùng nhau xây tổ. Nước dãi kết dính cây cỏ và chính những chiếc lông rứt ra đau đớn thành chiếc tổ kỳ diệu. Con người ranh mãnh khi lấy tổ Yến đã cố tình chừa một ít để dụ Yến xây tổ mới. Yến hồn nhiên xây lại, nước miếng không đủ cho mùa sinh nên thổ huyết ra xây. Tước lông đến xơ rơ đôi cánh, trơ da thịt trân mình chịu đựng cơn gió biển rít buốt đến xương tuỷ. Cho đến chết đi rồi chắc Yến vẫn không hiểu được giống người man rợ hoan hỉ gọi cơn thổ huyết đó là “Hồng Yến.”

“Những người đi săn tổ Yến về kể rằng đôi khi họ phải vứt trứng yến hay chim non xuống biển để lấy tổ. Chim mẹ bay về quanh quẩn thấy tổ Yến đã mất thì kêu thảm thiết lắm. Khi mất con, chim Yến xé gió biển, đôi cánh nhỏ dang rộng hết cỡ, lượn lên mất hút trên không trung rồi bất thần lao xuống hết tốc lực. Chẳng có gì ngăn cản nổi, Yến mẹ lao đầu vào vách đá dựng đứng. Ðể lại trên vách núi vệt máu tươi uất nghẹn và tiếng kêu khản đặc xé lòng của chim trống. Cảnh tượng đó lặp đi lặp lại trong những ngày vào mùa, mùa mà loài người hân hoan trên sự chết chóc đau thương của một loài chim quý này. Ðó là mùa loài người khai thác Tổ Yến.

“Yến, sống trung thành, chết thuỷ chung. Một đôi Yến khi đã sống cùng nhau là trọn đời trọn kiếp. Khi đã xây tổ ở đâu là vĩnh viễn không dời đi nữa. Tập tính đó đã khiến loài người dễ giết hại Yến để lấy tổ bán. Có người săn tổ Yến vẫn thầm ngưỡng mộ và tự hỏi: Trong hàng ngàn chim Yến bay rợp biển kia, vì sao các cặp vợ chồng không bao giờ nhầm lẫn? Hàng vạn tổ Yến kết đặc trên vách đá, vậy mà Yến luôn về đúng nhà của mình. Không bao giờ chiếm tổ chim khác. Rồi loài người lợi dụng triệt để đặc tính này để dụ Yến, nuôi Yến, lấy tổ Yến và vô tâm nhìn xác Yến, nếu kẻ săn tổ Yến tham lam, hấp tấp, thiếu kinh nghiệm. Có khi thợ săn lấy đúng chiếc tổ của Yến sắp sinh. Chim mẹ trở về trong tình trạng mất tổ, không chịu nổi sự đau đớn vì cơn chuyển dạ. Yến mẹ sẽ quẫn trí và chọn cách gieo mình vào vách núi, kể như là ngôi làng nơi đã xây mái ấm, tức là quê hương, để quyên sinh.

“Ða số chim Yến trống sau đó bay lượn điên cuồng, kêu gào thảm thiết rồi lao thẳng vào đúng chỗ vợ chết. Nên các vệt máu khô buồn in lại trên vách đá lạnh lẽo thường là vệt đôi bên nhau, thậm chí là chồng lên nhau. Nếu không tự tử, chim Yến trống sẽ sống cô độc suốt quãng đời còn lại. Ngày xưa, kẻ cùng đinh mạt vận mới phải ra nơi heo hút, leo trèo nguy hiểm tìm hái tổ Yến, mong đổi đời. Thường thì khi có chút vốn, họ bỏ nghề và ăn năn sám hối. Họ không đời nào muốn con cái tiếp tục cái việc quá sức mạo hiểm, quá sức thất đức này. Lý do không có “nghề lấy tổ Yến gia truyền” là vậy.”

Ðọc đến đây, tôi phải thở dài đau đớn: lòng tham vô đáy của con người đã tạo ra món ăn đại bổ làm từ tổ Yến.  May thay, từ trước đến nay tôi đã quyết không ăn Yến để có làn da đẹp. Tôi thấy đó là một thói quen quá trưởng giả và vị kỷ.  Một hộp Yến để săn sóc sắc đẹp sẽ nuôi sống cả năm một gia đình ở xứ nghèo chậm tiến.  Món Yến chỉ nên dành cho lúc sức khỏe kiệt quệ để sống còn mà thôi, như trường hợp của cha mẹ tôi, đã trên 80, tuổi già đau yếu.  Kể như gia đình chim Yến hy sinh cho nhân loại để trở thành một phần tử của thuốc bổ và đường dây dinh dưỡng (food chain).

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 29 tháng 2 năm 2024

Cô Yến tôi cũng thế: không mua tổ Yến để ăn cho đẹp da đẹp mặt, mà chỉ gửi tiền mua Yến cho bố mẹ tôi liệt giường liệt chiếu.

Thượng đế oái oăm: loài chim hiền hoà xinh đẹp và thuỷ chung đó lại có đôi chân cực ngắn và mềm yếu. Yến dường như không thể đậu trên mặt đất. Chim Yến thuộc họ Apodidae (tiếng La tinh, có nghĩa là “không chân”). Gọi như thế bởi chân chim Yến không phát triển, rất yếu ớt, không thể đậu được trên dây điện hay cây ăng-ten của thành phố. Chim Yến cũng không thể nhảy nhót trên mặt sàn, mặt đất như các loài chim khác. (Ðiều này làm tôi nhớ sự khác biệt giữa cô Yến tôi và cô Út. Cô Út thích nhảy đầm, là người hoạt động ngoài công chúng và thích đi chơi, ngoại giao, ăn nói, du lịch.  Cô Yến tôi trái lại, rất ít nói, không thích đi đâu, khi nói thì cô thủ thỉ và hay nghẹn ngào, cô không khoe khoang hay ngoại giao với nhiều người dù rằng cô rất trung thành và rất hay tưởng nhớ bạn bè.  Bản tính trầm lặng chăm chỉ làm cô rất thích hợp chức vụ trông coi phòng lương cho cơ quan DAO.)

Bù lại, cánh của chim Yến rất mạnh, với khả năng bay đoạt kỷ lục. Chim Yến không bao giờ đậu, chỉ treo mình lên những vách đá dựng đứng, hoặc những thành trì cheo leo để làm tổ.  Ðặc điểm này chính là điều khác biệt lớn nhất giữa chim Yến và các loài chim khác. Thời gian chim Yến bay đi kiếm ăn dựa vào thời gian mọc-lặn của mặt trời: chúng đi kiếm ăn từ mờ sáng và tối mịt mới trở về.

Khả năng bay và khả năng làm việc giữa không trung siêu việt, trái hẳn với đôi chân yếu ớt kia…

Ðến đây tôi phải ngừng đọc mạng lưới để suy nghĩ bâng khuâng. Người nông dân đất Bắc hay đặt tên con gái rất xấu để tránh sự ganh tỵ của số mệnh. Lấy thí dụ: cô Út tôi thích đi chơi, hoạt bát, liều lĩnh nữa là khác, và rất thông minh học giỏi, lại làm nũng mẹ ngay từ tấm bé, cho nên nhà gọi là “cái Hũn.” Cái tên ở nhà xấu xí ấy biết đâu tránh được định mệnh oái oăm nhắm vào người con gái lanh lợi qua tài mệnh tương đố.  Nhưng bà nội tôi trước sau vẫn là con gái cụ đồ hay chữ ở Sơn Tây, cho nên chọn tên chữ mà đặt cho cô Yến tôi.  Cái tên cao quý của một loài chim biển, quá cao quý chúng chỉ biết bay cao hay ấp trứng, không thể đậu trong thế giới con người ở thôn quê hay đô thị.

Xem thêm:   Sói cụt đuôi

Tôi rùng mình nghĩ đến đôi chân yếu ớt của chim Yến. Và nghĩ đến tay chân rất đẹp của cô Yến tôi. Bàn chân cô nhỏ nhắn, xinh xắn, trong ngọc trắng ngà, trái với da mặt màu bánh mật.  Lẩn thẩn, tôi tự hỏi nếu có kiếp trước, biết đâu cô tôi là…chim Yến? Phải chăng đôi chân yếu đuối từ kiếp trước đã làm cô tôi không thể chống xuống đất kịp để ngăn chiếc xe đạp lăn ngay vào hàng rào kẽm gai của trại lính, tiêu biểu khuôn mặt chiến tranh ở cố đô, một chiều mưa xứ Huế? Và bây giờ, trong tuổi già, đôi chân cô là bộ phận yếu nhất của cơ thể, ngoài mái tóc đã bạc phơ? Nét mặt cô vẫn không nhiều nét nhăn, làn da mặt vẫn mịn màng, bàn tay vẫn đẹp nhưng cô đi rất chậm và không còn vững.

Tôi tự trách mình vớ vẩn, đọc tiếp về chim Yến trên mạng lưới, và ghi chú:

Chim Yến với khả năng bay cao, có thể bay lượn liên tục và làm việc ngay trong không trung. Yến treo thân trên vách cheo leo lúc đêm về. Còn lại gần như bay suốt, liên tục từ 12 đến 15 giờ mỗi ngày. Thiên Nhiên dạy Yến cách sinh tồn: sống trên cao, làm tổ nơi vách núi thẳng đứng, hẻo lánh và trơn trượt, hòng tránh loài hiểm ác như rắn hay cú vọ. Với đôi cánh bay đường trường, cao vút, Yến là biểu tượng của sự làm việc, đôi cánh dẻo dai, đầy năng lực và nghị lực, và trái tim yêu thương vợ chồng con cái.  Như thế, chim  Yến là loài chim tận lực làm việc để hy sinh cho gia đình, là hình ảnh nên thơ nhất để ví von với người phụ nữ Việt Nam mà tâm tư được phát triển từ đồng ruộng đất Bắc,  luôn luôn làm việc cật lực bằng chân tay trong xã hội nông nghiệp, và sống cho gia đình, chồng con.Khi xã hội nông nghiệp ấy biến dạng thành văn minh thị tứ, hiện đại, con chim Yến nào đó đầu thai vào cô tôi trở thành một trong những phụ nữ “career woman” của miền Nam đi làm cho nước ngoài, một cường quốc đồng minh bậc nhất của thế giới tư bản tự do. Tuy cô tôi không nổi tiếng như bà Henriette Bùi (bác sĩ đầu tiên người Việt tốt nghiệp ở Pháp), cô là người phụ nữ tuy “vô danh” khiêm nhường nhưng nắm giữ sổ lương DAO của tất cả nhân viên Mỹ có mặt tại Việt Nam, và nhân viên bản xứ. Cô là một trong những người tỵ nạn Việt Nam được Bank of America đại diện cho chính phủ Mỹ trả lại số tiền hưu trí sau khi Saigon mất, và số tiền ấy đã giúp cô chú tôi bắt đầu đời sống tự lập, phụ cha mẹ tôi nuôi ông bà nội, trong những ngày tháng đầu tiên người Việt bước vào xã hội Hoa Kỳ.

Như chim Yến, cô tôi là một phụ nữ chăm làm, không ngồi ỳ ra để tuỳ thuộc vào người khác. Tính chất độc lập của “career woman” nằm sẵn trong cá tính cô tôi, chẳng khác chi bà nội tôi, vợ cả “địa chủ” mà đầu tắt mặt tối ra đồng trông nom đội ngũ tá điền và bao nhiêu gian chứa thóc, trách nhiệm con dâu cả trước cặp mắt nghiêm khắc của mẹ chồng.  Bà tôi có nghỉ ngơi ngày nào đâu, và coi đội tá điền như tay chân, ruột thịt của mình. Nuôi luôn cả tá điền trong nhà như anh em. Vậy thì “đấu tố địa chủ gian ác” ở chỗ nào, khi bà chủ cũng trở thành tá điền như tất cả tá điền của mình?  Lúc vào Nam thì bà tôi gồng gánh để nuôi con vì gia sản đã tiêu tan, trở thành tay trắng qua đêm, theo vận mệnh của một Việt Nam xấu số.

Xem thêm:   Bị chôn sống

Tôi bắt buộc phải nghĩ đến hai bàn tay búp măng trắng nuột mịn màng của cô tôi. Nếu chim Yến bay cao với đôi cánh khoẻ mạnh, thì cô tôi làm việc suốt đời với đôi bàn tay búp măng xinh đẹp.  Ở nhà, cô nữ sinh Ðồng Khánh lao vào nhận lãnh những công việc không có chi hấp dẫn trong bếp.  Tại DAO, cô đánh máy, cô kế toán, cô làm lương, cô tạo nên việc phát lương, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế của nhân viên qua sự có mặt của người Mỹ tại Việt Nam. Tất cả từ đôi tay mềm dịu ấy.

Cô tôi đó, người phụ nữ yên lặng, chịu đựng, can đảm đứng ra nhận việc trông coi phòng lương cho cơ quan tùy viên quốc phòng Mỹ DAO, trong một đất nước chiến tranh mà sự có mặt của đồng minh đôi khi là đối tượng ganh ghét hay dè bĩu của dân phản chiến hay bài Mỹ, cuả một “thành phần thứ ba” không chấp nhận “Ðồng Minh.”  (Thế bây giờ thì sao? Tôi tự hỏi. Việt Nam muốn và cần có Ðồng Minh để giúp bảo tồn các đảo biển Ðông, có “thành phần thứ ba” nào than phiền không? Và đầu tư nước ngoài đầy rẫy trên cùng lãnh thổ, từ xí nghiệp nhà máy cho đến khách sạn, thi hoa hậu, trung tâm du lịch, nghỉ mát, vân vân, khắp hang cùng ngõ hẻm, tạo nên hiện tượng “bán thực dân/neo-colonialism” mà  các học giả nhân quyền quốc tế để tâm lưu ý:  “thành phần thứ ba” đâu rồi, không còn thấy kêu ca?)

Tôi lắc đầu ôm vai như “con chó ốm” của Nguyên Sa, và quay lại với hình ảnh người con gái Sơn Tây ở Saigon, trước 1975, là cô Yến tôi, sở hữu chủ cuả đôi tay, đôi chân tuyệt đẹp giấu kín dưới trang phục áo dài truyền thống…

Theo tục truyền thì con gái Sơn Tây da mặt bánh mật nhưng tay chân trắng đẹp như hoàng hậu.  Con gái Sơn Tây, theo ca dao, bị mang tiếng là “yếm thủng tày dần.” Tôi nghĩ đó chỉ là cách nói thậm xưng nhằm mô tả “toà thiên nhiên trong ngọc trắng ngà” như Thuý Kiều tắm sau bức màn voan tha thướt, vì gái Sơn Tây luôn luôn phải tắm gió ngâm sương, sát cánh với đàn ông Sơn Tây làm việc quán xuyến không hở tay trên đồng ruộng xứ Bắc, nhưng lại rất nghiêm trang đức hạnh không lả lơi đùa giỡn với các anh làm ruộng.  Anh nào vớ vẩn sẽ bị gái Sơn Tây mắng cho.  Bà nội tôi kể rằng thôn Hát Môn của Hai Bà Trưng cũng ở Sơn Tây.  Nhờ chịu ơn linh hiển của Hai Bà, gái Sơn Tây ở Hát Môn gánh 4 bó lúa trong khi đàn ông tiu nghỉu, hì hục mãi cũng chỉ gánh được có … 2 bó!  Các ông sinh ra mặc cảm.  Sơn Tây lại là đất của nhân tài thi ca, mà điển hình là Tản Ðà và Quang Dũng.  Chắc gái Sơn Tây cũng hay chữ vì hồn thơ lai láng trong huyết quản từ giang sơn gấm vóc của Ðà Giang, Ba Vì, Tản Viên, cho nên các nàng Sơn Tây nghiêm nét mặt, mắng trai ghẹo nguyệt bằng thi ca trên cánh đồng gặt lúa, thành ra bị các anh nông dân sàm sỡ thù ghét, và kết quả là các nàng bị các anh này mô tả thậm xưng thành hình ảnh khả ố thay vì khả ái.

Tôi chưa hề có mặt ở đồng lúa Sơn Tây để nghe con gái Sơn Tây hát và chiêm ngưỡng việc chăm làm cuả các nàng gánh lúa, nhưng tôi biết tính chăm làm cuả bà nội tôi và cô Yến tôi.

Kỷ niệm xứ Huế lại hiện về. Bàn tay đẹp cuả cô Yến tôi…

(còn tiếp)