(tiếp theo kỳ trước)

Mới nửa buổi chiều mà hình như tôi đã tưởng tượng ra bóng tối của bi thương. Hay là cha mẹ tôi đã cố tình đóng hết cửa sổ vì tính cách trọng đại và bí mật của cuộc họp gia đình. ÐI, ÐI, ÐI, ÐI, HAY SAO? Cả tháng nay cha tôi đã chạy xe khắp thành phố. Tìm hiểu. Nghe ngóng. Và mong đợi. Tôi nhìn thấy sự nhọc mệt trên đôi vai nặng trĩu một gánh vô hình, trên cặp kính cận trễ xuống mũi của ông, trên vầng trán khẩn trương nhăn nhúm lại. Chúng tôi là những người dân bình thường đã phải tỵ nạn cộng sản năm 1954, không quen biết ai, không thế lực nào, ngoài môi trường khoa bảng của  cha tôi. Làm sao đi? Vậy mà chúng tôi sẽ ÐI, ÐI, ÐI, ÐI.

– “Thầy mẹ nên ở lại. Ðời sống bên Mỹ không thích hợp với thầy mẹ.

Con đã ở bên ấy rồi, con biết.”  Cha tôi nói.

– “Ði, chắc chắn đi. Chết cũng đi.” Ông tôi khẳng khái. Tiếng nói của một “cựu địa chủ” đã bị lên án, nạn nhân đấu tố bất công, và thoát chết trong đường tơ kẻ tóc. Con đường cái nối Sơn Tây, Hà Nội, Hải Dương rồi Hải Phòng, bao khổ sở gian lao. Ông cụ già đã thoát vào Nam, trước kia ông đã từng cỡi ngựa trên đường gạch của Làng mà ông đã xây cho dân, vậy mà ở Sài Gòn ông ngồi nhặt đá cho hãng xây cất để nuôi đàn con, vì tất cả ruộng đất đã bỏ lại với mồ mả tổ tiên, sau năm thế hệ xây dựng, cày cấy, và làm lụng. Thuở đó ông cụ và cậu con trai trưởng đã từng học chữ thánh hiền phải nhìn thấy cán bộ bần cố nông leo lên nóc đình làng mà tháo ngói đỏ ra đập phá. Bao nhiêu công trình đúc từng miếng ngói xinh tươi. VỨT VỨT VỨT VỨT. ÐẬP ÐẬP ÐẬP ÐẬP. PHÁ PHÁ PHÁ PHÁ. VỨT HẾT. ÐẬP TAN. PHÁ NÁT. Nào là phong kiến. Nào là địa chủ. Nào là tiểu tư sản. Nào là phản động. Than ôi, chỉ là những hòn ngói tươi đẹp của cái Ðình biểu hiệu tất cả lề lối và truyền thống mấy trăm năm, hay cả mấy ngàn năm đã trở thành lịch sử lập quốc bắt đầu từ châu thổ sông Hồng.  Cái Ðình làng kia là văn hóa cổ truyền Việt Nam, không phải văn hóa ngoại bang. Thế mà VỨT, ÐẬP, PHÁ, vì ngoại bang bảo thế.

Ðau xót đến tận cùng, hai cha con cụ Chánh Tổng trố mắt nhìn sự đập phá của văn hóa làng mạc, những hòn ngói đỏ tươi mang mồ hôi nước mắt của dân làng, bao thế kỷ bao thập niên, tiêu biểu cho đường nét và kỷ cương tươi đẹp nhất của thôn quê Bắc Việt. Sự duy trì. Sự bảo tồn. Sự chăm chút. Lòng tự hào từng miếng ngói của làng. Tội tình chi miếng ngói. Không còn nữa. Ôi thôi đập hết. Ðập hết. Ðập hết. Phá hết. Phá hết. Phá hết. Tan tác cho hết cái gọi là văn hoá và tình tự dân tộc qua màu ngói quá tươi, miếng ngói quá dày tạo thành cái nóc của Ðình. Cho nên phải ÐI ÐI ÐI ÐI.

Trong chiến dịch đấu tố, người làm trong nhà bắt đầu phản chủ, con tố khổ cha thì được ban thưởng tung hô, con nít trong làng tẩy chay đàn con địa chủ, dân chúng tối nào cũng đi học tập đả đảo xỉa xói địa chủ, rồi sẵn sàng kết án tử hình. Bỏ đói, ném đá, chôn sống, đánh đập gãy vụn xương, hay bắn bỏ trước mặt cả làng. Trong những căng thẳng rùng rợn đe dọa ấy, ông nội tôi vẫn nhất định không nhận tội, vững tin vào công lý: “Tôi không có tội gì hết. Tôi đã đổ gạo nuôi Việt Minh Kháng Chiến. Tôi đã xây đường gạch cho làng.”

ÐI ÐI ÐI ÐI. Và giờ đây, trong căn phòng tối ở nhà cha mẹ tôi, trong nỗi buồn sâu thẳm đến xương tủy của giây phút mạo hiểm liều thân, sẵn sàng bỏ mạng để thoát một lần nữa. “Ði. Có chết cũng đi.” Ông cụ già râu ba chòm nhắc lại với người con cả học thức đã từng xuất ngoại.

Xem thêm:   Chút ân tình cũ

Cha tôi vớt vát: “Mà biết đi đâu? Mỹ nó mang mình đi đâu? Thầy mẹ già rồi, không biết tiếng, khác phong thủy, làm sao lao động mà sống ở nước người, xứ lạ?”

Cha tôi quá lo xa. Ông bà tôi hiền lành hiếu khách, vô cùng lễ nghĩa.  Gặp ai cũng cúi đầu chào:  “Rước cụ vào nhà xơi nước.” Hai ông bà chăm làm, chẳng bao giờ ngồi không, điển hình của nông dân và đời sống đồng ruộng Việt Nam. Ông bà tôi sẽ sống như bao nhiêu người di dân đã sống ở Mỹ. Ông nội tôi đã từng học chữ Hán, rồi chữ Nôm, tiếp tục học tiếng Pháp, rồi lại chữ quốc ngữ để tự dịch bản Nôm truyện Kiều. Ông nói chuyện với Tây trên bờ ruộng ngoài Bắc, hay ở công trường trong Nam khi cụ già ngồi nhặt đá.  Sau 1954, ông Tây trẻ thấy ông cụ râu ba chòm ngồi nhặt đá thì kinh hãi, sợ cụ bị thương, bèn vội vã trả tiền lương ngày cho cụ rồi khẩn khoản xin “đưa” cụ về nhà. Thế là cụ mất việc phải xoay cách khác để nuôi con. “Thôi để bà nó đi bán xôi vậy.” Thế là con gái cụ Ðồ hay chữ nhất Sơn Tây, vợ cả cụ Chánh Tổng làng ta, liền quảy gánh bán xôi ở gần Ngã Bảy Saigon, có cô Út tôi lên bảy lẽo đẽo theo bíu áo mẹ với gánh xôi trắng có lạc luộc thật bùi.

Gánh xôi gầy dựng lên sản nghiệp trong Nam.

Nhưng bây giờ thì….

…bỏ hết, bỏ hết… “Ði đâu cũng được. Ở lại là chết. Thì sẽ phải đi. Dù đi có chết.” Ông tôi cương quyết. Tiếng nói căm phẫn của nạn nhân cải cách ruộng đất. Cực nhọc bản thân, có ho lao khạc ra máu vì lao tâm lao lực cũng không sợ bằng sợ cộng sản. Vì mắt thấy tai nghe: nào là ám sát; xử tử; thủ tiêu; thanh trừng; đấu tố; chôn sống. Cho nên vi trùng Koch không thể nào bằng cộng sản.

Và thế là cô Yến đứng lên. CÁI YẾN NHÀ TÔI. Vẫn cặp kính cận. Cô bắt đầu sụt sùi nhưng cố che giấu tiếng khóc, nghẹn lại như ngày cô nữ sinh Ðồng Khánh té xe đạp vào dây kẽm gai, rón rén về nhà, không dám khóc thành tiếng.

Tay cô cầm miếng giấy đánh máy. Ðó là một danh sách. Và cô nói, nhỏ nhẹ nhưng cương quyết y hệt ông nội tôi:

– Nếu vậy thì đi. Tất cả đi hết. Ði cùng đi. Ở cùng ở. Chết cùng chết.

Trong phòng khách có 16 người, người lớn và con nít. Tôi thấy khuôn mặt chú San tôi, đã về Sài Gòn kịp để cùng họp với cả gia đình, vì một số tướng lãnh đạo các vùng chiến thuật cũng đã di tản về Saigon, khi có lệnh bỏ cao nguyên.  Cả gia đình họ nội tôi, tất cả các anh chị em con dòng vợ cả, tức là bà nội tôi, đều có mặt trong cuộc họp gia đình này.

Xem thêm:   Má Mi Deborah

Cô Yến ngồi xuống bàn đánh máy. Cô xé đi tờ giấy cầm trong tay, và cô đánh máy lại tờ giấy khác. Ðó là tờ giấy của sinh tử. Danh sách của gia đình nhân viên DAO sẽ được chính phủ Mỹ bốc đi tỵ nạn chính trị bằng phi cơ vận tải ở phi trường Tân Sơn Nhất. Tờ giấy của DAO chỉ cho điền tên tiểu gia đình: nhân viên và vợ hoặc chồng, cùng con cái.  Tờ giấy đầu tiên đã bị xé đi có ghi tên cô chú Yến-San và em Lam mới lên ba. Trên tờ giấy thứ hai, cô tôi đề hết tên cả đại gia đình, cha mẹ già, anh chị em và tất cả các cháu. Không đủ chỗ trên tờ giấy, chúng tôi “chen chúc”, và tên tôi là cái tên dài nhất, cho nên là tên chót, tên thứ 16 của danh sách. Nếu DAO quyết định cắt danh sách, thì có thể tôi sẽ phải ở lại vì là cái tên chót. Nhưng cô tôi đã nói: Ði cùng Ði, Ở cùng Ở, Chết cùng Chết. Danh sách mới mà cô tôi vừa đánh máy lại là danh sách bất hợp pháp dưới thể chế di tản của DAO.  Họ có thể bác bỏ tất cả và ngăn chận không cho lên máy bay. Cô tôi bất chấp.  Cô nhắc lại: Ði cùng Ði. Ở cùng Ở. Chết cùng Chết. Là nhân viên DAO, ở lại cô có thể bị giam cầm, kết tội. Nhưng cô sẽ không đi nếu đại gia đình không cùng trốn thoát.

Hôm nay là hạn cuối. Ðại gia đình bên nội tôi phải tìm cách lọt vào phi trường Tân Sơn Nhất, với tờ giấy tử sinh này trình cho trụ sở DAO bên trong Tân Sơn Nhất.

Và thế là tôi hiểu thấu vấn đề. Cơ quan DAO, tùy viên quốc phòng của Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Công việc nghề nghiệp đã thay đổi cuộc đời cô Yến cũng là cần câu cứu chúng tôi, cho chúng tôi cơ hội ra đi trong sự sụp đổ của Sài Gòn. CÁI YẾN NHÀ TÔI đã thực sự trả hiếu cho cha mẹ già, và cứu tất cả anh chị em. Bằng cấp khoa bảng, sự quen biết với giới ký giả, lãnh sự, ngoại giao của bố tôi chưa đưa đến  kết quả, vẫn trong vòng chờ đợi,  thì định mệnh đã đẩy việc cứu rỗi vào tay đứa em gái lên 10, ngày xưa trong chiếc áo dài trắng đầu đời, đứng nép mình vào anh Cả.  Nhưng cơ hội cứu rỗi ấy lại bắt đầu từ người cựu nữ sinh Ðồng Khánh, xứ Huế của mẹ tôi, đã cho gia đình tôi biết về cơ hội làm việc với văn phòng DAO ở Saigon. Từ đó mới có cuộc đổi đời này.

Mẹ tôi lầm lũi không nói gì. Bà yên lặng đi lấy những cái tay nải mà bà đã may sau Mậu Thân, những cái tay nải bằng vải, buộc vào vai, đặc thù của dân Việt, luôn luôn phải lo “chạy loạn.” Chữ “chạy loạn” đã gắn chặt vào tâm hồn và cuộc đời dân Việt, kể cả dân thành phố sau biến cố Mậu Thân. Mẹ tôi bắt đầu phân phát cho mỗi người một cái tay nải, kể cả con nít. Người lớn thì còn thêm một cái giỏ Pan-Am bằng plastic mà tôi đã lên phố Catinat Sài Gòn lấy về khi hãng hàng không vào Việt Nam quảng cáo ở trung tâm thành phố.

Xem thêm:   Sống sót

ÐI ÐI ÐI ÐI. Bốn chữ như một điệp khúc nặng nề, ghê rợn, nhưng quá nhanh con người ta mang nó vào tâm mà không còn khả năng để than thở hay suy tính trước sau. Bản năng trở thành quyết định. Ðại gia đình họ nội là cái lưới cho 16 người ngồi lại thành một khối, như được kết tạo bởi “nước miếng” của con chim Yến đan, nối cái tổ lại thành một mảng tựa vào nhau, trên con đường tha hương viễn xứ gần như vô định. Viễn ảnh một ngày mai hầu như là zero. Chỉ biết hy vọng sống nằm ở việc ra đi. ÐI ÐI ÐI ÐI. Sẵn sàng đổi cái chết để lấy chút hy vọng sống.

Dĩ nhiên là trên danh sách 16 người không hề có tên họ ngoại của tôi. Những giây phút sau tôi thấy bà ngoại tôi lặng lẽ đội nón lá bước vào nhà. Mẹ tôi đóng cửa phòng ngủ nói chuyện với bà ngoại tôi. Một cảnh “trao tay hòm chìa khóa” của chiếc tủ kính bên trong đựng tất cả tài sản còn lại, trong đó có mề đay, giải thưởng học đường của tôi, thay thế lời “sinh ly tử biệt.” Không một tiếng động. Không một tiếng khóc. Ðây không phải chỉ là định mệnh mà là văn hóa phủ lên đầu người phụ nữ Việt Nam, khi cán cân phải cầm, thì nghiêng về phía bên chồng, vì đó là bổn phận, là văn hóa. Bỏ cha mẹ để theo chồng là số phận của người phụ nữ Việt Nam. Tối ấy, tôi đi theo cha mẹ ra phi trường như kẻ mộng du. Không có can đảm từ biệt ông bà ngoại. Như mẹ tôi, tôi cũng không khóc.

ÐI ÐI ÐI ÐI. Ðiệp khúc của tháng Tư đen. Trước cửa phi trường, mẹ tôi làm bổn phận của người vợ và con dâu trưởng. Bà tìm người sĩ quan có thể đưa chúng tôi vào phi trường. Người lái xe jeep cho chúng tôi vào phi trường là em họ của mẹ tôi, một phi công Việt Nam Cộng Hòa, người Huế, cháu của tướng Nguyễn Khoa Nam, là dòng họ cột chèo với dòng họ mẹ tôi ở Huế. Chúng tôi vào phi trường tối 25 tháng 4. Ở trụ sở DAO, dân tỵ nạn nằm la liệt. Ðứng trước tấm gương trong phòng vệ sinh, lầu hai, phi trường Tân Sơn Nhất, tôi nhìn thấy mình bắt đầu rơi nước mắt mà khóc cho ông bà ngoại tôi ở lại. ÐI ÐI ÐI ÐI. Ôi sinh ly tử biệt. Tôi tự nhủ với lòng, trong những ngày tháng sắp tới, đi đến đâu, tôi sẽ là một người mới, vừa sinh ra đã mười bảy tuổi, tức là tôi không có quá khứ của mười bảy năm đằng sau lưng, thì mới hết thương nhớ ông bà ngoại tôi và xứ Huế.

Chúng tôi rời Sài Gòn tối 27 tháng 4. Mẹ tôi xỉu vào tay tôi trước khi bước chân lên phi cơ vận tải C130. Tôi dìu mẹ để biết rằng tuổi thơ không còn nữa. ÐI ÐI ÐI ÐI.

(còn tiếp)