Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XXXXVII

Ngày 20 tháng 12 năm 1944, Miyazaki thay thế tôi điều khiển quân trường đáng chán Kawatana, và tôi về tuần dương hạm nhẹ Yahagi. Trung tá Shinichi Uchino, hạm phó, tuyên bố đầy hứng khởi: “Khi biết tân hạm trưởng là Ðại tá, thủy thủ đoàn đã vô cùng mừng rỡ. ‘Hạm trưởng kỳ diệu’, các thủy thủ gọi Ðại tá một cách hãnh diện như vậy.”

Ngày 1 tháng 4-1945, Hoa Kỳ đổ bộ lên  Okinawa. Vào buổi sáng đầy sương mù đó, Ðệ Nhị Hạm Ðội buông neo gần Tokuyama trong biển Nhựt Bản. Trên đài chỉ huy của tuần dương hạm Yahagi, tôi thẫn thờ nhìn thiết giáp hạm khổng lồ Yamato với 8 khu trục hạm đang buông neo. Ðệ Nhị Hạm Ðội hùng hậu vào những ngày đầu cuộc chiến còn lại bấy nhiêu:

Đệ Nhị Hạm Đội – Tư lịnh: Phó Ðô đốc Seiichi Ito†, Tham mưu trưởng: Ðề đốc Nobuei Morishita.

Thiết giáp hạm Yamato† (cũng là soái hạm của Ito) hạm trưởng là Ðề đốc Kosaku Aruga†.

Phân Hải đoàn 2 Khu trục hạm, Ðề đốc Keizo Komura, chỉ huy trên tuần dương hạm Yahagi†.

Hải đội 17 (Ðại tá Kiichi Shintani†), bao gồm các khu trục hạm Isokaze† (Trung tá Saneo Maeda), Hamakaze† (Trung tá Isami Mukoi), Yukikaze† (Trung tá Masamichi Terauchi).

Hải đội 21 (Ðại tá Hisao Kotaki†), bao gồm các khu trục hạm Asashimo† (Trung tá Yoshiro Sugihara), Kasumi (Trung tá Hiroo Yamana), Hatsushimo† (Trung tá Masazo Sato).

Hải đội 41 (Ðại tá Masayoshi Yoshida), bao gồm các khu trục hạm Fuyutsuki (Trung tá Hidechika Sakuma), Suzutsuki (Trung tá Shigetaka Amano).

(†) Sẽ tử trận hoặc chìm trong hải xuất cuối cùng. 

Soái hạm phất tín hiệu bằng cờ: “Ten-go hiệu lực từ lúc này.”

Lập tức, hoạt động trên các chiến hạm trở nên rộn rịp, vì Ten-go là cuộc tổng phản công của Nhựt. Ðề đốc Keizo Komura, vừa thay thế Kimura, đặt soái kỳ trên tuần dương hạm Yahagi của tôi, được triệu tập đến soái hạm Yamato. Ông vội vã xuống ca-nô.

Tôi nhìn đăm đăm chiếc thiết giáp hạm trong nỗi lo âu, và vào lúc 11g30, Yamato phát tín hiệu: “Ðề đốc Komura gửi tất cả các hải đội trưởng và hạm trưởng. Ðến họp lập tức trên Yahagi.”

Cùng lúc đó, Komura trở về Yahagi, trông có vẻ căng thẳng, nhưng ông không nói với tôi điều gì. Khi tôi dọ hỏi, ông chận lời: “Ðừng có bồn chồn, Hara. Hãy chờ cho mọi người đến đầy đủ đã.”

Lời nói của ông khiến tôi giật mình, bởi vì Komura là một người vô tư lự, ít khi giấu những cảm xúc của mình. Tôi đưa mắt nhìn 8 ca-nô đang lướt về phía Yahagi.

Phiên họp mở ngay vào giữa trưa. Komura nói, “Chắc các anh đã nhìn thấy tín hiệu cho biết cuộc hành quân Ten-go có hiệu lực ngay từ bây giờ. Phó Ðô đốc Ryunosuke Kusaka, Tham mưu trưởng của Hạm đội Hỗn hợp vừa từ Kanoya đến để họp với thượng cấp của chúng ta.”

Ngưng một lúc, Komura tiếp: “Kế hoạch Phó Ðô đốc Kusaka mang đến là một kế hoạch không bình thường. Bộ Tư Lịnh Tối Cao muốn Ðệ Nhị Hạm Ðội tiến đến Okinawa, không có phi cơ bao che và với nhiên liệu vừa đủ cho lượt đi. Tóm lại, là muốn chúng ta thực hiện một nhiệm vụ không khứ hồi…”

“Tôi đã nói với Kusaka rằng hạm đội yếu kém của chúng ta không có một cơ may nào chống nổi với hải lực hùng hậu của đối phương, và hành quân như vậy là tự sát hoàn toàn! Hai Ðề đốc Agura và Morishita đồng ý với tôi. Phó Ðô đốc Ito im lặng, nên tôi không biết suy nghĩ của ông.”

“Tất cả các anh đều biết, tôi từng làmtham mưu trưởng cho Phó Ðô đốc Ozawa khi ông nhử địch ở Phi Luật Tân và thiệt mất 4 hàng không mẫu hạm. Tôi nhận thấy việc sát hại binh sỹ của chúng ta là đã quá đủ. Tôi không quan tâm đến mạng sống của tôi, nhưng tôi muốn chấm dứt sự khinh thường sanh mạng thuộc cấp. Do đó, tôi đã yêu cầu Ito và Kusaka tạm ngưng phiên họp để tôi trở về hội ý với các anh.”

Sau những lời này, Komura nghiến chặt răng và nhắm chặt hai mắt mọng nước mắt. Sự im lặng nặng nề bị phá vỡ khi Ðại tá Kiichi Shintani, chỉ huy Hải đội 17, cất tiếng: “Ðô đốc Kusaka đến đây để cắm những lịnh này vào cổ họng chúng ta?”

Komura đáp: “Không ai có thể ra lịnh cho người khác tự sát được. Kusaka không liên quan gì đến mấy lịnh lạc này. Nếu có đi nữa, ông ta cũng không thể ra lịnh cho chúng ta như vầy.”

Shintani đỏ mặt tía tai, hít sâu, và lớn tiếng: “Tôi đã theo Kurita tham dự trận đánh ở Leyte sau ngày quân Mỹ đổ bộ. Bộ Tư Lịnh Tối Cao muốn chúng ta đẩy địch quân ra khỏi đầu cầu đã được củng cố của họ ở Okinawa nhưng lại tiếp tục theo đuổi phương thức cùng quẫn ở Leyte. Kurita còn có chút hy vọng, vì ít ra ông ta còn có Ozawa làm nhiệm vụ nhử địch. Còn chúng ta, không hải lực chim mồi, chúng ta sẽ không có bất kỳ cơ hội nào để áp sát. Nếu chúng ta cố làm một việc như vậy, tất cả chúng ta sẽ bị tiêu diệt, rồi ai sẽ bảo vệ quê hương? Tôi chống đối cuộc hành quân này.”

Xem thêm:   Mua đồ trang trí

Ðại tá Hisao Kotaki, chỉ huy Hải đội 21 tiếp lời: “Tôi đồng ý với Shintani. Bộ Tư Lịnh Tối Cao đang lặp lại sai lầm của nhiều tháng trước. Tại sao chúng ta, đã từng trải qua biết bao chiến trận, lại để cho một bọn ngu xuẩn và bất tài dẫn dắt như kẻ đui mù? Tại sao chúng ta không cất tiếng nói dựa trên kinh nghiệm thiết thực của chúng ta?”

Các hạm trưởng dưới quyền Shintani và Kotaki lần lượt lên tiếng và tán thành ý kiến của hai hải đội trưởng của họ. Việc này nhanh chóng biến phiên họp trở nên sôi động chưa từng thấy. Nhưng Komura hoàn toàn bất động.

Tôi cảm thấy đến lúc phải lên tiếng, tôi nói: “Vấn đề thực tế mà chúng ta cần làm là tấn công các hải trình tiếp vận của địch. Vào ban đêm. Hiện thời chiếc Yahagi đã được trang bị radar và sonar, tôi tin có thể hải hành đơn độc, và ít ra sẽ đánh chìm vài chiến hạm địch trước khi bị hạ. Làm như vậy có thể đối phó và tránh né kẻ thù, còn mang toàn thể hạm đội đến Okinawa chẳng khác nào trứng chọi đá.”

Ðại tá Masayoshi Yoshida, chỉ huy Hải đội 41 lên tiếng kế đó: “Ý kiến của Hara phù hợp với ý kiến của tôi. Hai khu trục hạm Fuyutsuki và Suzutsuki của tôi là những khu trục hạm được trang bị cao xạ tối tân nhứt. Hai khu trục hạm này được tạo nên bằng máu, nước mắt và thuế má của quốc gia nghèo khổ của chúng ta, nhưng cả hai chưa từng được giao phó một công việc có giá trị nào. Tôi tin chắc có thể thi hành nhiệm vụ riêng rẽ một cách tốt đẹp, như Hara vừa nói.”

Trung tá Yoshiro Sugihara, nguyên hạm trưởng khu trục hạm Samidare bị đánh chìm vào tháng 8 vừa qua và hiện thời là hạm trưởng khu trục hạm Asashimo, nhiệt liệt ủng hộ ý kiến của Yoshida. “Tôi đã sống an nhàn quá lâu,” hắn nói, “nên tôi chuẩn bị chết bất kỳ lúc nào, nhưng không chết một cách vô nghĩa. Chiếc Asashimo của tôi là một chiến hạm 2,520 tấn, tôi muốn có cơ hội để chứng tỏ chiếc tàu này có lợi ích cho quốc gia.”

Phiên họp dừng lại khi đầu bếp dọn bữa trưa nhưng thức ăn không có mùi vị gì với mọi người. Trong suốt bữa ăn, các hạm trưởng bàn bạc mấy ý kiến vừa qua. Lúc 13g, Komura quay lại soái hạm Yamato. Các sỹ quan vẫn ở lại trên chiếc Yahagi chờ đợi một cách nôn nóng. Lúc 16g, Komura quay về.

Ông bước chậm chạp vào phòng khách, gương mặt đầy khổ não. Ông nói một cách mệt mỏi và chán nản: “Tôi chấp nhận lịnh của thượng cấp. Lịnh này có hiệu lực từ 15g30.”

Sau câu này ông như trút được gánh nặng. Ông lướt mắt quanh phòng, nhìn từng người một, sau đó tiếp tục nói: “Tôi mất một giờ để trình bày ý kiến của các anh và sự đồng tình của tôi. Kusaka và những người khác lắng nghe một cách chăm chú. Khi tôi dứt lời, Kusaka giải thích rằng chuyến đi này là một nhiệm vụ nhử địch. Kusaka nhấn mạnh đây không phải là kế hoạch của ông, mà đã được sắp xếp trong lúc ông thị sát Kanoya. Theo kế hoạch này, trong khi các hàng không mẫu hạm của địch mắc bận đối phó với hạm đội của chúng ta, Kanoya – phi trường nằm ở cực nam Kyushu – sẽ cho nhiều trăm phi cơ Thần Phong tấn công hạm đội địch ở Okinawa. Kusaka bảo đảm với tôi rằng hải xuất chim mồi này sẽ không kết thúc một cách vô ích như hải xuất ở vịnh Leyte.”

“Sau đó, Kusaka đã xoay sang Morishita và giải thích rằng Bộ Tư Lịnh Tối Cao và đặc biệt là Lục quân, đã chán nản về sự bất lực của đại thiết giáp hạm Yamato.”

“Kế đó, Kusaka nói với Aruga rằng cả nước Nhựt sẽ oán ghét Hải quân nếu cuộc chiến này chấm dứt mà chiếc Yamato không bị một vết trầy nào. Từ trước đến nay Aruga (hạm trưởng hiện hành của Yamato) không vấp phải lỗi lầm nào, do đó ông ta tin rằng chiếc Yamato sẽ không bỏ chạy như trong chuyến ra quân đầu tiên ở Leyte, và thiết giáp hạm khổng lồ này sẽ không còn bị mang danh là “khách sạn nổi cho các vị Ðô đốc vụng về và lười biếng”.

“Tới đây, Ito phá vỡ sự im lặng quá lâu của ông: ‘Tôi nghĩ là chúng ta được trao cơ hội để chết một cách thích đáng. Một Samurai phải sống một đời sống như vậy, hắn luôn chuẩn bị để chết.’ Sau lời nói của Ito, cuộc tranh luận hoàn toàn chấm dứt. Morishita và Aruga đều nhượng bộ. Tôi không thể làm khác hơn.”

Komura cúi đầu thực thấp sau câu nói cuối cùng này, như để thay lời tạ lỗi. Chúng tôi ngồi bất động. Sau những giây phút lê thê như hàng giờ trôi qua, tôi quyết định đấu mặt với thực tế. Tôi nói: “Thưa Ðề đốc, việc Ðề đốc vẫn giữ vững quan điểm của chúng ta, tôi rất tán thành. Nhưng lịnh vẫn là lịnh. Hiện thời chúng ta chỉ còn biết cố gắng hết sức của chúng ta để cải thiện tình thế.”

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Ðề đốc Komura nhìn tôi với đôi mắt biết ơn: “Cảm ơn anh, Hara!”

Ba chỉ huy trưởng hải đội – Kotaki, Shintani, Yoshida – chấp nhận, và xoay sang hỏi ý kiến các hạm trưởng dưới quyền. Cả 8 trung tá đều đồng lòng.

Việc thay đổi ý kiến một cách nhanh chóng như vậy chắc khiến cho các độc giả ngoại quốc lấy làm khó hiểu. Sở dĩ Kusaka cố gắng thuyết phục các sỹ quan cao cấp, bởi lẽ một mệnh lịnh chỉ hữu hiệu một khi có sự chấp nhận của kẻ thi hành. Nhưng trên nguyên tắc, chúng tôi không có quyền phản kháng bất kỳ lịnh nào do thượng cấp đưa ra, hơn nữa chúng tôi đều biết lịnh của Hải quân Hoàng Gia là tuyệt đối. Do đó, muốn hay không, vẫn phải thi hành nhiệm vụ.

Sau chiến tranh, Kusaka đã nói với tôi rằng đó có lẽ là lần đối phó khó khăn nhứt trong đời ông. Ông giải thích thêm: “Khi nhận chức Tổng Tư Lịnh Hạm Ðội, một hạm đội hữu danh vô thực, Ito đã chuẩn bị chết. Từng giữ chức tham mưu trưởng khá lâu, ông ta cảm thấy có trách nhiệm về những thảm bại liên tục. Vào thời gian ít người giữ được tâm trí quân bình, và tinh thần Kamikaze đã thâm nhập vào Hải quân.”

Sau khi chấp nhận, sỹ quan các cấp đều tề tựu về thiết giáp hạm Yamato để tham dự một buổi thuyết trình. Phó Ðô đốc Ito kết thúc buổi họp bằng lưu ý: “Các hạm trưởng nên cho xuống tàu tất cả các sỹ quan thực tập, những thủy thủ đau ốm và bất kỳ người nào xét thấy không cần thiết.”

Trở về Yahagi, tôi cho sỹ quan và hạ sỹ quan tụ họp khẩn cấp. Tôi giải thích mệnh lịnh và nhìn chăm chú vào từng khuôn mặt để xem phản ứng. Không khí căng thẳng, nhưng không một ai tỏ vẻ phản đối. Ðể kết luận, tôi nói: “Ðây là một sứ mạng không bình thường, tôi cần phải nói cho các anh biết, nếu bất cứ ai trong các anh thấy mình còn cần thiết cho đất nước, người đó sẽ rời tàu cùng với các sỹ quan thực tập, những thủy thủ đau yếu và những ai tự xét thấy không thích hợp cho công tác. Tôi yêu cầu ai muốn rời tàu, hãy đến phòng báo cho tôi biết sau cuộc họp này.”

Tôi đã diễn dịch rộng rãi hơn các chỉ thị của Phó Ðô đốc Ito, nhưng tôi cảm thấy sự diễn dịch này nằm trong ý định của ông. Trong phòng riêng, tôi nhìn tấm ảnh chụp chung toàn thể gia đình mình như nói lời vĩnh biệt, và nghĩ đến hầu hết thủy thủ đoàn Yahagi đều là những người đã có gia đình, tôi tự hỏi có bao nhiêu người sẽ nêu ra lý do này để ở lại trên đất liền? Hơn 1,000 người chắc chắn sẽ thiệt mạng nếu họ không đáp ứng lời kêu gọi của tôi. Tôi chờ đợi tiếng gõ cửa, nhưng tôi đã kinh ngạc khi hạm phó của tôi là Trung tá Uchino bước vào:

“Thưa Ðại tá, chỉ có 22 sỹ quan thực tập, và 15 thủy thủ đau yếu.”

“Chỉ có bao nhiêu đó thôi sao, Uchino? Không còn ai khác muốn rời khỏi tàu?”

“Dạ không, thưa Ðại tá. Mọi người khác đều bằng lòng thi hành nhiệm vụ.”

Tôi bước ra sàn tàu, đến trước mặt 37 người đang chờ đợi, tôi nói với họ: “Các anh rời khỏi chiếc tàu này ngay bây giờ. Tôi biết rằng tất cả các anh sẽ có một cơ hội tốt đẹp hơn để chiến đấu cho quê hương.”

Khi tôi quay lưng, một thanh niên nhảy ra khỏi hàng và la to: “Thưa Ðại tá, xin Ðại tá cho phép tôi ở lại. Tôi xét mình vô dụng, nhưng nếu Ðại tá để tôi ở lại, bất kỳ việc gì tôi cũng làm hết.”

Một gã khác bật khóc: “Tại sao lại dựa vào lý do chúng tôi là những người vừa mới ra khỏi Hàn Lâm Viện để loại bỏ chúng tôi? Chúng tôi có thể làm công việc vệ sinh không đến nỗi mà?”

Tôi than thầm khi một số khác làm dữ hơn. Ðể dập tắt sự ồn ào này, tôi hắng giọng, và nói: “Các anh bước chân lên tàu này chỉ mới hai ngày. Ngay cả một vòng thực tập sơ khởi các anh cũng chưa hoàn tất. Các anh là những hạm trưởng tương lai, sanh mạng của các anh không được phí phạm. Các anh phải lên bờ, là lịnh của tôi.”

Tôi dứt lời, quay lưng và rảo bước một vòng để xem qua các hoạt động hối hả trên chiếc Yahagi. Mọi người bận rộn kiểm soát vũ khí và dụng cụ. Khoảng 100 thủy thủ được trang bị lưỡi lê để sử dụng sau khi đổ bộ lên Okinawa.

Ðại thiết giáp hạm Yamato 72,400 tấn tiến sát vào bờ để nhận nhiên liệu tại các ống dẫn dầu chuyển từ kho dầu Tokuyama. Các bồn chứa của kho dầu trung ương khổng lồ này bị hút cạn trong nháy mắt. Trong lúc 3 xà-lan cập dọc theo chiếc Yahagi để cung cấp nước uống, tôi hỏi Uchino về tình trạng thực phẩm.

Xem thêm:   Nghệ sĩ Chí Tâm

Hắn đáp: “Chúng ta đã nhận đầy đủ ở Kurê, hiện thời thực phẩm trên tàu có thể dùng ít nhứt 20 ngày cho 1,000 thủy thủ.”

Tôi hỏi: “Trong nước hiện đang lâm vào tình trạng thiếu thốn thực phẩm, tại sao chúng ta không chuyển hết lên bờ, chỉ chừa lại 5 ngày? Ðối với chuyến hải xuất chỉ một lượt đi của chúng ta, không cần phải mang theo một số lượng thực phẩm quá thừa thãi như vầy.”

Uchino nói: “Tôi đồng ý với Ðại tá! Ðể tôi yêu cầu các xà-lan mang những vật dụng thừa thãi đi hết cho rồi.”

Viên chỉ huy xà-lan ngơ ngác trước yêu cầu nhận khối hàng hóa khổng lồ của chúng tôi. Tôi và Uchino không thể giải thích rõ các lý do cho hắn hiểu, do đó chúng tôi phải tìm hết cách để nói và dỗ dành cho đến khi hắn đồng ý mới thôi. Khi đồ dư đã được chuyển đi hết, chiếc Yahagi đến đậu cạnh soái hạm Yamato để lấy nhiên liệu lần cuối cùng. Sau đó, chúng tôi chạy ra xa để buông neo. Ba chỉ huy trưởng hải đội và 8 hạm trưởng được mời lên chiếc Yahagi để tham dự một buổi tiệc rượu vĩnh biệt.

Ðề đốc Komura, chủ nhân của buổi tiệc này, không thể ngồi ủ rũ lâu hơn sau khi khối lượng sakê vĩ đại được tiêu thụ. Mọi người cố vui vẻ. Những câu pha trò cũ kỹ nhàm chán vẫn gây được tiếng cười. Một số sỹ quan ca hát hoặc biểu diễn các trò kỹ xảo nhanh tay lẹ chân, hay dở gì cũng được tung hô vang dậy. Kho rượu sakê giảm sút nhanh, nhưng chưa có ai say khướt. Chất rượu không công hiệu. Ai ai cũng đều cố gắng chứng tỏ dũng khí của mình, nhưng vẫn có một cái gì không được tự nhiên trong giọng nói tiếng cười. Buổi họp mặt tan trước nửa đêm một vài giờ, bỏ lại 30 chai sakê loại lớn không còn một giọt nào. Khi bước xuống cầu thang và leo lên ca-nô đang đợi để trở về tàu, mọi người đều tỏ ra tỉnh táo và vững vàng.

Khi khách đã đi hết, Trung tá Uchino mời Ðề đốc Komura và tôi tham dự một bữa tiệc khác trong phòng ăn của chiếc Yahagi. Ở đây đã có khoảng 20 sỹ quan trung cấp tụ tập. Chúng tôi mời rượu, chúc tụng lẫn nhau, cất tiếng hát những ca khúc của Hải quân và cười đùa với những sỹ quan trẻ này. Không giống như mấy viên hạm trưởng lớn tuổi, lớp sỹ quan trẻ vui đùa buông thả.

Sau đó, Komura, Uchino và tôi bước sang phòng kế bên. Nơi đây cũng có một bữa tiệc cuối cùng dành cho các sỹ quan cấp thấp. Chúng tôi lại uống rượu và ca hát với họ. Các bữa tiệc vĩnh biệt trên soái hạm Yahagi chấm dứt vào lúc 23g30. Khi chỉ còn lại Komura, Uchino và tôi, tôi biết họ đã cùng chia sẻ mối ưu tư của tôi. Ðó là vấn đề chiếc Yahagi sẽ tìm cách đối phó với nhiệm vụ trước mặt như thế nào. Về phần các sỹ quan thì có thể tạm yên, nhưng còn hàng binh sỹ thì sao? Chúng tôi quyết định đi một vòng qua các nơi nghỉ ngơi của họ. Trong những khoảng trống nhỏ hẹp trên chiếc tàu, hàng ngàn chiếc võng giăng mắc tứ phía. Ngoại trừ tiếng ngáy của những người nằm trên võng, không còn một tiếng động nào khác. Họ đều ngủ một cách bình thản.

Chúng tôi trở lên tầng giữa, và Uchino lên tiếng: “Họ ngủ như những đứa trẻ. Sở dĩ họ bình tĩnh được như vậy là vì họ đặt sự tin tưởng vào Ðại tá. Họ biết rằng Ðại tá sẽ bảo vệ họ, dù cho nhiệm vụ hiểm nghèo như thế nào.”

Vinh dự tràn ngập, đồng thời khối lượng rượu quá mức trong thân thể tôi bắt đầu công phạt. Tôi cảm thấy mặt mày choáng váng, đôi chân lảo đảo, và cơn say ùa đến thình lình. Những giọt nước mắt trào ra và chảy xuống đôi má khi tôi bám vào một cây cột trên tàu và hét to: “Nhựt Bản bất diệt! Yahagi bất diệt! Thiên hoàng vạn tuế! Banzai! Banzai!…”

Tiếng hét này là những gì cuối cùng mà tôi còn nhớ được của cái đêm khó quên đó. Uchino đỡ tôi vào phòng, và tôi rũ xuống trên giường.

Tuần sau:  

Chương XXXXVIII 

Hải xuất cuối cùng 

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960. Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships