“Tên em là Kaori.” Cô gái dứt lời ca, nhìn tôi chăm chú. Kaori là Hương trong tiếng Nhựt. Khi tôi lên Trung úy, một đêm giữa xứ Nhựt thanh bình tôi đã trả tiền cho một geisha, nàng cũng nói: “Tên em là Utamaru. Trung úy nhớ cho em.” Đêm nay, tôi đã là Đại tá có gia đình, nhưng xứ Nhựt đang lâm nguy…

Trong chiến tranh, thần chết và lãng mạn bay dưới cùng một vòm trời phù du. Hara hẳn đã từng biết đến châm ngôn của Marguerite Yourcenar: “Giống nhau đến kỳ lạ giữa chiến tranh và tình yêu. Thỏa hiệp, tôn sùng, yêu sách và cấu xé đến chết thôi, để rồi nhớ mãi.”

Chương 45 còn là câu chuyện của một Tài-pán biết trọng vinh hiển và hy sinh của những quân nhân.

[Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XXXXV

Ở  Truk, các cơ khí viên của tàu công xưởng Akashi bó tay trong việc hồi sinh máy sonar của chiếc Shigure. Cuối cùng họ “phán quyết” là phải thay các cơ phận hư hỏng ở Nhựt. Ðiều này không khiến tôi lo lắng, vì tôi biết máy dò tàu ngầm trên 2 tuần dương hạm Myoko và Haguro vẫn hoạt động, và chiếc Shigure có thể theo bén gót hai tàu này với vận tốc 18 hải lý.

Năm ngày hải hành hoàn toàn yên tĩnh. Shigure buông neo xuống cảng Sasebo vào ngày 17 tháng 11 năm 1943. Lần trở về này tôi thấy vui hơn lần về cùng với chiếc Amatsukaze vào tháng 12 năm rồi, vì lúc ấy chúng tôi mang theo linh vị 43 thủy thủ mà thi hài phải thủy táng. Còn trong 8 tháng phục vụ ở Truk và Rabaul, chiếc Shigure không mất một người nào. Thủy thủ của tôi nhảy nhót khi tàu tiến vào hải cảng nhà. Trong các trận chiến đẫm máu quanh quần đảo Solomon, chúng tôi thường không mang một chút hy vọng nào sẽ nhìn thấy lại quê hương.

Mất hai ngày lo thủ tục, chiếc Shigure mới vào ụ nổi để sửa chữa. Khi nước bơm ra khỏi ụ, lườn tàu lộ hẳn, mọi người đứng xem đều kinh ngạc. Ngay giữa bánh lái có một lỗ thủng rộng hơn 6 tấc đường kính. Sau khi xem xét cẩn thận, các kỹ sư cho biết lỗ thủng bám đầy sò hến này là do một quả ngư lôi gây ra ít nhứt 3 tháng trước đây.

“Ồ, phải rồi,” tôi nhớ lại, “Lỗ thủng này chắc chắn có từ trận đánh tại vịnh Vella vào đêm mùng 6 tháng 8. Chỉ trong trận đánh đó chúng tôi mới thấy ngư lôi địch lướt gần tàu hơn hết.”

Một kỹ sư hỏi: “Nhưng, trong tình trạng này, làm sao ông có thể điều khiển chiếc tàu từ lúc đó cho đến đây?” Tôi đáp: “Trong những tháng gần đây, bánh lái tàu có vẻ trì trệ, chậm đáp ứng mỗi khi chúng tôi bẻ lái, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục thi hành hàng chục công tác, và như các ông thấy, tất cả đều trôi chảy.”

Sáng hôm sau, nhà báo và phóng viên vây quanh chiếc Shigure chụp ảnh. Tôi gần như bị họ tràn ngập. Họ phỏng vấn thủy thủ đoàn và viết bài liên quan đến các hoạt động của chúng tôi để đăng tải trên các nhựt trình phát hành trên toàn nước Nhựt.

Kể từ lúc đó, chiếc Shigure thành khu trục hạm nổi tiếng nhứt trong Hải quân Hoàng gia. Các nhựt báo địa phương đã dành trọn nhiều trang để đăng toàn những bài viết về chiếc Shigure. Tôi hơi áy náy khi đọc một số bài có những chi tiết thêu dệt thái quá, và tôi cho đây chẳng qua là một loại “pháo bông tinh thần” không hơn không kém. Tuy nhiên các câu chuyện về chiếc Shigure lại đầy ý nghĩa đối với dân chúng trong thị tứ.

Tối hôm đó, một buổi dạ tiệc khoản đãi thủy thủ đoàn Shigure tổ chức ở nhà hàng Manriko, nơi lui tới của giới Hải quân. Chủ nhân là một người đàn bà lớn tuổi mà chúng tôi thường gọi là Oseki-san. Tính tình bà thực thà chất phác. Bà đối đãi với bọn thực khách chúng tôi giống như với lũ trẻ con, gọi ngay cả tên tộc của các vị đô đốc. Nhưng không ai bắt bẻ sự vụng về có vẻ vô lễ này, vì mọi người đều biết tính khí và tấm lòng nhân ái của Oseki-san.

Khi bước vào nhà hàng, tôi đoán chừng bà cũng sẽ lớn tiếng gọi tên tôi, và đưa tay đập mạnh vào vai tôi, như bà vẫn thường làm mỗi lần tôi trở về sau một thời gian vắng mặt lâu ngày. Vì vậy, tôi đã kinh ngạc khi thấy Oseki-san, trong bộ y phục đẹp nhứt, trang trọng tiến ra và nghiêng mình xuống để tiếp đón tôi. Bà đã dùng những lời lẽ mà tôi chưa bao giờ nghe trước đây.

“Ðại tá Tameichi Hara, tôi xin có lời chào mừng ngày trở về của Ðại tá. Ðược chọn để mở tiệc mừng ngày trở về của thủy thủ đoàn vĩ đại dưới quyền chỉ huy đáng kính phục của Ðại tá, đó là một danh dự lớn lao cho chốn thô lậu này. Kính xin Ðại tá nhận nơi đây những lời lẽ ngưỡng mộ của một kẻ dốt nát như tôi.”

Tôi trố mắt: “Bà làm sao vậy? Oseki-san? Bà có vẻ khác lạ. Bà có bệnh hoạn gì không? Hay bà muốn xỏ lá tôi?”

“Tôi có dám chế giễu đâu, thưa Ðại tá. Ðại tá đã làm cho chúng tôi kiêu hãnh. Ðại tá nổi tiếng, tôi chưa bao giờ tưởng tượng có ngày Ðại tá trở thành một sỹ quan vĩ đại như vầy. Những cử chỉ, những lời lẽ vô lễ của tôi trước đây xin Ðại tá bỏ qua.”

Xem thêm:   Mối đe dọa của heo rừng

“Bà đang nói gì đó, Oseki-san?” Tôi chưng hửng. “Tôi vẫn là Tameichi đây mà, tên uống rượu không bao giờ ngã đây! Cái điệu này là dám chắc tôi vẫn còn thiếu bà một khoản tiền, phải không? Có phải lần cuối cùng say khướt tôi đã quên thanh toán?”

“Ồ, Ðại tá Tameichi Hara, bây giờ chính Ðại tá đang chế giễu tôi. Từ giờ phút này, bất kỳ khoản tiền thiếu nào của Ðại tá hay của các thủy thủ dưới quyền Ðại tá đều kể như xóa bỏ. Và đêm nay, buổi tiệc của Ðại tá tôi cũng kể như của người trong nhà.”

Tôi kêu lên: “Chắc chắn tôi có làm điều gì sai quấy với bà chứ chẳng không!”

“Ðại tá vẫn còn chưa hiểu. Tôi biết có nhiều khu trục hạm bị địch quân đánh chìm, nhưng riêng chiếc Shigure của Ðại tá vẫn còn sống sót, lập chiến công mà không mất một thủy thủ nào. Việc này đối với tôi chẳng khác nào một phép lạ. Tôi từng giao dịch buôn bán với Hải quân hơn 50 năm, ngoại trừ Ðô đốc Heihachiro Togo, người đã ca khúc khải hoàn ở eo biển Tsushima vào năm 1905, tôi chưa từng thấy sỹ quan hải quân nào đáng khâm phục như Ðại tá.”

“Bây giờ tôi biết rồi, Oseki-san! Tôi chắc bà đã đọc báo. Bà đừng tin mấy bài báo đó, không đúng với một nửa sự thực đâu. Chiếc Shigure sở dĩ tồn tại là nhờ thủy thủ đòan các cấp chịu khó làm việc, và nhứt là nhờ vào sự may mắn. Hoặc giả là nhờ … bà siêng năng cầu nguyện cho chúng tôi trở về!”

Cả hai chúng tôi cùng cười to, nhưng bà ta vẫn không quên nhắc lại cho tôi biết buổi tiệc này thủy thủ của chiếc Shigure sẽ không phải trả một đồng xu nào hết. Khi dẫn tôi vào bàn, bà nói khẽ: “Tất cả geisha ở Sasebo tình nguyện tiếp đãi miễn phí cho buổi tiệc này. Họ nói với tôi là dù cho được trả bất cứ giá nào họ cũng sẽ không phục dịch cho thủy thủ đoàn của hai tuần dương hạm Myoko và Haguro, nếu hai chiếc tàu này mở tiệc. Ðại tá hãy cho phép họ nhận vinh dự này.”

Tôi vô cùng bối rối, nhưng Oseki-san nhanh chóng cáo lui và tiếng đàn đã trổi lên. Không cần phải nói cũng hiểu bữa tiệc đêm đó thiệt vui vẻ và hoàn toàn thỏa mãn đối với mọi người. Tám tháng ngoài mặt trận hầu như chỉ biết đến ngư lôi, mìn và cao xạ hoặc trọng pháo làm rung chuyển thép tàu, nên tất cả chúng tôi đều ngây ngất trước vẻ đẹp của các geisha, đặc biệt ân cần chăm sóc chúng tôi trong áo kimono đài các. Một ca hoàn giống in hệt Utamaru, làm tôi xao xuyến.

Tôi yêu cầu ca hoàn hát cho tôi nghe lại ca khúc Hana-kago no uta, là bài hát Lẵng hoa mà Utamaru hay hát cho tôi nghe trong căn phòng trọ của tôi gần bến cảng ở Kurê mà mỗi chiều khi hoàng hôn xuống Utamaru đều ghé đến. Cô gái ôm đàn hát, cất giọng thiết tha càng làm tôi nhớ Utamaru.

“Tên em là Kaori.”

Cô gái dứt lời ca, nhìn tôi chăm chú. Kaori là Hương trong tiếng Nhựt. Khi tôi lên Trung úy, một đêm giữa xứ Nhựt thanh bình tôi đã trả tiền cho một geisha, nàng cũng nói: “Tên em là Utamaru. Trung úy nhớ cho em.” Ðêm nay, tôi đã là Ðại tá có gia đình, nhưng xứ Nhựt đang lâm nguy. Tôi xua tan ý nghĩ ám tối. Ích gì khi vận mệnh lớn lao ngoài tầm tay. Hãy vui cùng Kaori. Tôi đứng lên mời nàng một điệu nhảy. Cả sảnh vụt im bặt. Thân thể Kaori êm ái xoay trong tay tôi và lướt theo vũ khúc như một làn lụa. Khi chúng tôi chấm dứt, hàng loạt tràng pháo tay. Tôi cảm giác hãy còn là tay trung úy 26 tuổi, trong lúc Kaori rạng rỡ. Rồi toàn tàu cùng đứng lên nâng ly. Ðêm là vì sao khuya chiếu sáng.

Ngày kế đó, tôi sắp xếp cho thủy thủ thay phiên nhau về nhà nghỉ phép, mỗi người 10 ngày. Tôi cảm thấy vui lây khi nhìn thấy 80 thủy thủ đi phép đầu tiên rời khỏi Sasebo vào sáng hôm sau.

Nhưng thời gian vui vẻ của tôi chỉ có tính cách từng ngày. Vào ngày 25 tháng 11, một sỹ quan tham mưu ở căn cứ hải quân Sasebo trao cho tôi những bản phúc trình mới nhứt. Một trong số những bản phúc trình này liên quan đến cuộc đại bại khu trục hạm được xem là nhục nhã nhứt của Hải quân Nhựt. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Năm khu trục hạm, dưới quyền chỉ huy của Ðại tá Kiyoto Kagawa, khởi hành từ Rabaul vào lúc 15g30 ngày 24 tháng 11 trong nhiệm vụ chuyển vận lần thứ hai đến Buka. (Lần đầu tiên do tuần dương hạm Yubari và khu trục hạm Shigure của tôi thực hiện, và không gặp cản trở nào của địch).

Kagawa không phải là sỹ quan chuyên môn về khu trục hạm, và cũng chưa từng biết đến đánh ban đêm là gì, tuy nhiên ông ta đã lượng định gần đúng mức nguy hiểm của chuyến đi. Ông đã chia 5 khu trục hạm ra thành hai nhóm: soái hạm Onami của ông và chiếc Makinami lo nhiệm vụ thám sát chiến đấu. Ba chiếc còn lại chỉ thuần túy đảm trách nhiệm vụ chuyển vận.

Lượt đi, đoàn tàu không gặp sự ngăn trở nào, và 3 khu trục hạm vận tải – Amagiri, Yugiri, Uzuki – đã đổ 920 binh sỹ và 35 tấn tiếp liệu lên đảo Buka một cách êm thấm trước nửa đêm ngày hôm đó. Sau đó, 3 khu trục hạm này nhận 300 binh sỹ bệnh tật để mang về Rabaul.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Kagawa , với hai chiếc Onami và Makinami, chạy cách phía trước 3 khu trục hạm vận tải khoảng 8 dặm, thình lình bị 5 khu trục hạm Hoa Kỳ (dưới quyền của Ðại tá Arleigh Burke) tấn công bằng ngư lôi. Chiếc Onami chìm tức thì, không bắn được viên đạn nào. Chiếc Makinami bị đạn pháo địch chẻ làm hai, và cũng chìm không lâu sau đó.

Các khu trục hạm Hoa Kỳ truy đuổi 3 chiếc tàu Nhựt còn lại. Chiếc Yuguri, chạy cuối cùng, xoay lại chống đỡ với kẻ truy đuổi, nhưng vướng ngay vào hỏa lực tập trung của địch, và cùng chịu chung số phận với hai chiếc tàu bạn đã chìm trước đó. Hai khu trục hạm còn lại là Amagiri và Uzuki chạy thoát.

Kết quả của trận đánh này làm tôi đau buồn tột độ, bởi vì hạm trưởng của chiếc Onami, Trung tá Kiyoshi Kikkawa, là bạn thiết của tôi. Kikkawa cùng với Kagawa và toàn thể thủy thủ đoàn đã đi theo chiếc tàu xuống biển sâu. Kikkawa không phải là một sỹ quan ngu dốt hoặc thiếu kinh nghiệm. Tiếng tăm gặt hái được sau trận Guadalcanal. Lúc còn làm hạm trưởng khu trục hạm Yudachi, đã chứng tỏ tài năng của anh ta. Nhưng ngay cả một hạm trưởng dũng cảm và đầy kinh nghiệm, vẫn phải bó tay trước một đối thủ được trang bị các khí tài tối tân, đạt đến kỹ thuật cao độ nhứt, có thể nhìn và nhắm trong đêm tối một cách chính xác.

Khi tôi quay lại với nhiệm vụ chiến đấu, không hiểu khả năng của địch quân và khả năng của tôi như thế nào? Câu hỏi này đã gây cho tôi nhiều lo âu. Tôi trở lại ụ nổi và thúc giục ở đây sửa chữa chiếc Shigure càng nhanh càng tốt. Những người phụ trách việc sửa chữa cho biết họ sẽ tận lực, nhưng ít ra phải mất một tháng chiếc tàu của tôi mới thích hợp với nhiệm vụ tác chiến.

Vào ngày 26 tháng 11, tôi vừa ngạc nhiên vừa vui mừng khi Phó Ðô đốc Chuichi Nagumo gọi điện thoại và mời tôi dùng cơm với ông. Tôi hân hoan nhận lời.

Lúc còn giữ chức Tư lịnh Lực lượng Ðặc nhiệm, Nagumo đã chỉ huy hải lực tấn công Trân Châu Cảng và các cuộc hành quân hàng không mẫu hạm liên tục sau đó dẫn đến trận đánh Midway. Ðến tháng 7 năm 1942, ông được thuyên chuyển qua nắm giữ Ðệ Tam Hạm đội. Tháng 11 năm 1942, ông được bổ nhiệm vào chức Tư Lịnh Hải khu Sasebo, và tháng 6 năm 1943, ông lại được thuyên chuyển về Hải khu Kurê. Hiện tại, tôi vừa biết ông được tái bổ nhiệm vào chức Tư lịnh Ðệ Nhứt Hạm đội (Hạm đội đảm trách huấn luyện tại chính quốc). Lời mời của ông khiến tôi cảm kích đồng thời gây ra cho tôi sự ưu tư sau khi được biết các quan điểm và kế hoạch của ông.

Sức khỏe Nagumo đã phục hồi. Xem ông có vẻ tươi tắn hơn lần tôi gặp ở Truk cách một năm trước đây. Nhưng qua câu chuyện, tôi thấy ông mất tinh thần rõ ràng. Trong suốt bữa ăn kéo dài khá lâu, ông thúc giục tôi kể lại những kinh nghiệm mà tôi đã trải qua. Ông ngồi nghe chăm chú, và cuối cùng ông nói: “Những giai đoạn huy hoàng của các khu trục hạm đã chấm dứt cùng với trận đánh ở mũi Saint George. Tình trạng có thể đổi khác ở hiện tại và tương lai, nếu Nhựt Bản có chừng một chục hạm trưởng tài năng như anh.”

Tôi không biết lời ông nói có đúng không, nhưng theo tôi thấy, dù sức khỏe đã được khôi phục, vị đô đốc cao cấp già nua này đã ngã lòng. Nhiều lúc tôi nghĩ rằng sự phá sản tinh thần của ông cũng là sự phá sản của Hải quân Nhựt Bản.

Ðó là lần cuối cùng tôi gặp ông. Vào tháng 3 năm 1944, ông lại được thuyên chuyển đến Saipan kiêm nhiệm hai chức vụ Tổng Tư lịnh Khu vực Trung tâm Thái Bình Dương và Không Hạm đội 14. Ở đây, ông tiếp tục chiến đấu và tự sát vào tháng 7 cùng năm, khi Mỹ chiếm Saipan.

Ngày hôm sau, tôi về nhà cùng lúc với 80 sỹ quan và thủy thủ được hưởng 10 ngày phép trong đợt nhì. Khoảng thời gian nghỉ phép này không giống với những lần nghỉ phép trước của tôi. Sáng, chiều và tối, các sỹ quan và thủy thủ của tôi lần lượt đến nhà, lẻ tẻ từng người hoặc từng tốp 3, 4 người, người nào cũng tay nách xách mang rượu sakê. Nhiều người ở gần, nhưng cũng có nhiều người ở xa, phải vượt hàng mấy giờ xe lửa, đổ xô về Kamakura, nơi mà gia đình của tôi hiện đang sinh sống. Trong tình cảnh ấy, tôi phải ngồi thù tạc tiếp họ cả ngày lẫn đêm.

Họ luôn miệng xin lỗi vợ tôi về sự quấy rầy và những lời nói vụng về, thô tục của họ. Họ giải thích: “Chúng tôi đã thoát chết khỏi các trận đánh đẫm máu nhứt. Ðó là một phép lạ, và có thể phép lạ này do Ðại tá ban cho chúng tôi. Ông là sỹ quan giỏi nhứt của Hải quân Hoàng gia. Chúng tôi phải chia bớt thời gian nghỉ phép cho gia đình của vị sỹ quan chỉ huy đáng kính của chúng tôi. Mong bà thông cảm.”

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Bất kỳ công việc gì của gia đình tôi họ cũng mó tay vào. Họ chơi đùa và dẫn lũ con tôi chạy lang thang khắp nơi. Qua một vài ngày “đấu tửu lượng”, có thể nói thân thể tôi đẫm ướt sakê. Tôi không bị chết đuối vì sakê cũng là một điều lạ. Vợ tôi, đặc biệt là cô con gái, đã “bí mật tuyên bố” rằng đây là kỳ nghỉ phép “khủng khiếp” nhứt của cha. Vì cha đã đem về cả một thủy triều sakê! Riêng đứa con trai tôi lại khoái mấy ông khách này.

Vào ngày 6 tháng 12, tôi trở lại Sasebo với thể xác uể oải vì uống rượu quá độ, cho đến cả một tuần lễ sau tôi mới tỉnh táo lại. Công việc sửa chữa chiếc Shigure hoàn tất vào ngày 20. Sau hai ngày chạy thử, chiếc tàu chứng tỏ đã đầy đủ năng lực, tôi báo cáo cho Bộ Tư Lịnh biết chúng tôi sẵn sàng quay trở lại Thái Bình Dương. Tôi được lịnh chờ đợi.

Ba ngày ăn không ngồi rồi trôi qua một cách lê thê, tôi được gọi đến Tổng Hành Dinh Sasebo. Vị tư lịnh phó đích thân trao lịnh chỉ định tôi vào nhiệm vụ huấn luyện viên ở Trường Ngư lôi.

Tôi nổi khùng ra mặt: “Nhiệm vụ trên bờ cho tôi? Có thể nào như vậy được chứ? Phó Ðô đốc Samejima cho biết là ông cần tôi và mong tôi quay trở lại. Tôi muốn ra trận! Tôi xin lặp lại: Tôi muốn ra mặt trận.”

“Anh nói đúng, Hara, nhưng hãy bình tĩnh, tôi sẽ cho anh biết một việc. Sự chỉ định anh vào nhiệm vụ mới này không dính dáng gì đến hồ sơ phục vụ của anh đâu, như có nhiều trường hợp xảy ra trước đây. Vấn đề này vẫn trong vòng tối mật, nhưng tôi có thể tiết lộ cho anh biết là anh sẽ được giao phó thành lập một trường huấn luyện ngư lôi đĩnh mới. Bộ Tư Lịnh Tối Cao cho rằng ngoại trừ anh ra không ai có thể đảm trách nhiệm vụ sinh tử của Hải quân này. Ðó là nhiệm vụ huấn luyện thủy thủ trở thành chuyên viên ngư lôi đĩnh. Biết phóng ngư lôi từ các khinh tốc đĩnh. Ðừng nhăn nhó nữa. Bây giờ anh biết rồi, anh sẽ gánh vác một trong những kế hoạch đặc biệt và quan trọng nhứt của Hải quân.”

Qua lời vị Ðề đốc, tôi vỡ lẽ, và công nhận công việc sắp làm của tôi quả thực quan trọng. Công việc này Hải quân đã bàn đến từ lâu, nhưng bây giờ mới được chấp thuận.

“Hara,” vị Ðề đốc tiếp, “anh đã gây ra cuộc cách mạng lý thuyết ngư lôi trong Hải quân Hoàng gia, bây giờ là giai đoạn anh có hy vọng áp dụng lý thuyết này một cách tích cực hơn. Thời gian này có lẽ anh là người biết rõ về khu trục hạm hơn ai hết. Mà thời khu trục hạm đã qua. Sở dĩ anh được chọn vào nhiệm vụ tối mật này là do sự tiến cử nồng nhiệt của Ðề đốc Ijuin ở Tokyo, của Phó Ðô đốc Nagumo, Tư lịnh Ðệ Nhứt Hạm đội và của Phó Ðô đốc Omori, chỉ huy trưởng Trường Ngư lôi. Chúc anh gặp may mắn.”

Trở về chiếc Shigure, tôi tập họp thủy thủ đoàn trên sàn tàu và nói với họ: “Binh sỹ và sỹ quan, tôi thông báo cho các anh em biết là tôi phải rời khỏi chức vụ Chỉ huy trưởng Hải đội 27 Khu trục hạm và lên đường đến Yokosuka ngay lập tức. Trong 10 tháng qua, chúng ta cùng sống và cùng chiến đấu với nhau, đó là thời gian hạnh phúc nhứt và hài lòng nhứt trong cuộc đời binh nghiệp của tôi. Các anh đã làm tôi kiêu hãnh, và hiện tại, tôi dám mạnh miệng tuyên bố rằng tôi chưa bao giờ được chỉ huy một thủy thủ đoàn nào tài giỏi như thế này. Hãy giữ vững tinh thần và sự đa năng của các anh. Tôi biết là các anh sẽ tiếp tục chiến thắng với vị tân chỉ huy trưởng của các anh. Chúc các anh gặp nhiều may mắn. Từ đây có thể tôi sẽ không gặp lại các anh nữa, nhưng trong thâm tâm tôi sẽ luôn luôn cầu mong cho các anh đều an lành.”

Tôi bắt tay từng người một. Một số ấp úng nói vài lời từ biệt, một số đứng lặng yên, nhưng những giọt lệ đã long lanh trên đôi má, trong đôi mắt của tất cả mọi người.

Tôi sắp xếp hành trang trong nửa giờ và đi vòng quanh trên chiếc Shigure lần cuối cùng. Tôi đứng thực thẳng khi chiếc ca nô chở tôi rời xa chiếc tàu đã từng làm tôi kiêu hãnh. Quang cảnh đầy ủy mị nước mắt tôi chưa bao giờ được nghe nói đến trong kỷ luật lạnh lùng và phũ phàng của Hải quân Hoàng gia. Thủy thủ đoàn đứng dài theo song sắt trên tàu và bám víu vào bất cứ vật gì để nhìn theo, vẫy tay la lớn những lời từ biệt. Tôi muốn vẫy tay đáp trả lại họ, nhưng tim tôi bỗng dưng thắt lại. Tôi ngồi xuống với đôi mắt ứa lệ.

Tuần sau:

Chương XXXXVI

Ngư Lôi Đĩnh  

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960. Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships