Hỗn chiến đêm 12 tháng 11-1942 ngoài khơi Guadalcanal (mà Edward Parker ví với một cuộc ấu đả trong một quán bar tắt hết đèn) đã xảy ra giữa hai hải lực với thành phần kết hợp rất khác nhau: Phía Nhật có 2 thiết giáp hạm nặng 37 ngàn tấn, 1 tuần dương hạm nhẹ 5,700 tấn và 11 khu trục hạm. Phía Hoa Kỳ nghênh chiến với 4 tuần dương hạm nặng 10 ngàn tấn, 5 tuần dương hạm nhẹ 6,800 tấn và 20 khu trục hạm. Chênh lệch cấp số nghiêng về phía Hoa Kỳ nhưng nếu tính một thiết giáp hạm bằng 3 tuần dương hạm nặng thì ưu thế trọng tải và trọng pháo 356 ly của 2 chiếc Hiei và Kirishima lấn át pháo 203 ly của Task Force 67 (Đề đốc Callaghan), Task Force 62 (Đề đốc Scott) và Task Force 16 (Đề đốc Kinkaid). Chiếc Helena trọng tải full load 13 ngàn tấn nhưng vì bố trí đại bác 152 ly nên vẫn xếp vào hạng tuần dương nhẹ.

Đề đốc Hiroaki Abê sai lầm khi không tận dụng tối đa hỏa lực thượng phong của chiếc Hiei và Kirishima, đã cho Kirishima tháo lui nhanh rồi để chiếc Hiei bị không kích đánh đắm sáng hôm sau. Kết quả dạ chiến: US Navy thiệt mất soái hạm nặng San Francisco, 2 tuần dương hạm nhẹ Atlanta và Juneau, 4 khu trục hạm Cushing, Laffey, Barton, Monssen bị đánh đắm, cùng tuần dương hạm nặng Portland với 2 khu trục hạm Aaron Ward và Sterett hư hại trầm trọng. Riêng chiếc Helena không chìm như Hara nghĩ mà hư hại và chỉ bị đánh đắm trong trận Tassafaronga ngay sau đó. Cả hai Đề đốc Callaghan và Scott cùng 2,000 thủy thủ Hoa Kỳ tử trận đêm ấy. Phía Nhật chìm thiết giáp hạm Hiei, 2 khu trục hạm Akatsuki và Yudachi, hư hại 3 khu trục hạm Ikazuki, Murasame và Amatsukaze. Một chiến thắng đắt giá.

Hiei, mang tên đỉnh núi Hiei phía Đông-Bắc Đông Kinh, là một thiết giáp hạm lừng danh vì là tàu mẹ của nhiều đô đốc Nhật khi khởi nghiệp như Takagi, Nakamura, Matsumura, Nakajima, Kato từng là hạm trưởng. Hiei còn là thiết giáp hạm nặng đầu tiên của Nhật bị đánh đắm trong thế chiến – đưa đến giận dữ tột bực của Thủy sư Đô đốc Yamamoto đã cách chức Đề đốc Abê ngay trên biển trước khi trận chiến kết thúc. Một tát tai.

Abê phải ra tòa án binh vì đã không chết theo tàu mà “di tản” khi chiếc Hiei chưa chìm. Giai cấp Samurai xem cái chết nhẹ tựa lông hồng không tha thứ cho hành vi sỉ nhục tinh thần Võ sĩ đạo của Abê.

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch cấp bậc của Abê là Đề đốc. Không sai, vì bản Anh văn dịch Rear Admiral và bản Pháp văn dịch Contre-Amiral. Nhưng trong các sách sử sau này viết Abê lên chức Phó Đô đốc (Vice Admiral) 11 ngày trước trận đánh rồi bị lột lon 12 ngày sau. [Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XXVIII

Trung tá Kiyoshi Kikkawa, hạm trưởng  khu trục hạm Yudachi (Dạ Phong) thuật lại đêm đó: “Khi chúng tôi đâm vào nhóm tàu địch, tôi thấy một tàu địch sấn vô tàu tôi. Không có thời gian nhắm ngư lôi, và trong lúc hai bên đang đấu súng, tôi cho chiếc Yudachi đảo mạnh về bên phải cố ý làm sai lạc hướng ngắm của địch. Sau vài phút, tôi lại thấy tuần dương hạm Juneau của Hoa Kỳ ở mạn phải, chạy song song với tàu mình, tôi ra lệnh phóng 8 quả ngư lôi nhưng không trúng. Ðịch nã trọng pháo dữ dội vào chiếc Yudachi. Tôi đáp trả ngay, nhưng chỉ với các loại súng nhỏ. Hỏa lực chênh lệch rõ ràng, tôi kể như tiêu rồi. Một khu trục hạm đấu súng với một tuần dương hạm là liều mạng! Nhưng, thật bất ngờ, chiếc Juneau bốc lửa, các trọng pháo địch đều im tiếng. Chiếc Yudachi phun khói che để thoát ra khỏi khu vực. Ngư lôi của Amatsukaze đã cứu chúng tôi.”

Khi chiếc Akatsuki (Rạng Ðông) bị đánh chìm, 2 khu trục hạm chạy phía sau chiếc này đã tiến lên tấn công 2 tuần dương hạm nặng San Francisco và Portland. Chiếc Portland đang đấu súng với 2 khu trục hạm khác của Nhựt – Inazuma (Tia Chớp) và Ikazuchi (Tia Sét) – thì Yudachi tiến đến từ phía trái. Kikkawa kể: “Hara, chúng tôi bắt chước chiến thuật của anh, phóng ngay 8 trái ngư lôi vào tuần dương hạm địch đang bận đấu với 2 khu trục hạm bạn. Portland bốc cháy, tất cả ngư lôi của tôi đều trúng đích. Nhưng vui mừng của chúng tôi chấm dứt ngay vì pháo địch rơi vãi xuống.Chúng tôi trở thành nạn nhân của chiến thuật đánh úp mà chúng tôi vừa sử dụng, và bây giờ chỉ còn mỗi mình tôi sống sót, thật đáng hổ thẹn. Chính khu trục hạm Aaron Ward lập thành tích này.”

Trong lúc đó, chiếc Amatsukaze của tôi đang di chuyển hướng Tây Bắc, tiến đến soái hạm Hiei đã bị loại khỏi vòng chiến. Quang cảnh trước mắt yên tĩnh lạ lùng, đêm không trăng sao nhưng phía xa xa những tia lửa xẹt lên như pháo bông. Chắc chắn là một cuộc đụng độ, nhưng khó biết ai là ai. Tôi không lưu ý, quyết định tìm soái hạm Hiei, với sàn tàu bị cháy sẽ dễ nhận ra. Tôi hỏi phòng truyền tin xem có công điện nào quan trọng hay không? Kiểm thính viên đáp: “Thưa không, Trung tá. Cũng không nghe tiếng của Hiei nữa. Hệ thống vô tuyến của Hiei chắc đã tê liệt rồi.”

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Tôi nhìn đồng hồ, 0g13, xa về hướng Tây là một cầu lửa đỏ rực, chứng tỏ một chiếc tàu đang cháy. Là khu trục hạm Yudachi. Lúc ấy, một chiếc tàu to lớn bỗng nhiên nhô ra khỏi bóng tối, ngay phía trước chiếc Amatsukaze. Tôi hét to hoa tiêu trưởng Kijuro Matsumoto: “Xoay hết bánh lái về phía phải! Mau!” Tất cả sỹ quan trên đài chỉ huy đều chết đứng khi 2 chiếc tàu áp sát. Va chạm không thể tránh khỏi! Nhưng chiếc Amatsukaze lách sang phải, thoát nạn trong kẽ tóc.

Tôi tự hỏi tàu gì đây? Cả hai chiếc đã xáp gần đến nỗi tôi không thể nào nhìn trọn chiếc tàu lạ, nhưng rõ ràng đây là một tàu không người. Nó không có pháo tháp nào, nhưng không phải là một tàu buôn. Hình dáng chiếc tàu có vẻ quen thuộc nhưng tôi không thể nào nhận ra. Tôi biết mọi loại tàu, bây giờ trong bóng tối, tôi độ chừng đây là tàu vận tải nên không có pháo tháp. Sau đó tôi biết sai lầm, nhưng dù thế nào, chiếc tàu này chắc chắn là tàu địch. Tôi la to: “Xạ thủ! Ngư lôi! Sẵn sàng tả mạn!”

Khi sỹ quan pháo thuật Shimizu và ngư lôi trưởng Miyoshi đáp đã sẵn sàng, tôi bỗng nhiên lưỡng lự. Tôi phải rõ lai lịch chắc chắn của chiếc tàu để khỏi bắn lầm tàu bạn. Tôi ra lệnh rọi đèn. Không còn sợ lầm nữa. Ðây là một tuần dương hạm địch. Tôi ra lệnh khai hỏa mọi loại vũ khí.

Bốn quả ngư lôi được phóng ra, lao như cắt và 6 khẩu 127 ly đồng loạt khạc lửa. Tất cả đạn đều trúng đích. Tiếng nổ đinh tai nhức óc. Nhưng thật đáng kinh ngạc là tàu địch không phản ứng.

Hai mươi giây sau tôi nghe bốn tiếng động rõ rệt dưới nước. Tiếng chân vịt xoáy. Tôi nín thở, tiên đoán bốn tiếng nổ dữ dội sắp xảy ra. Nhưng 20 giây nữa trôi qua, không tiếng nổ nào hết. Và khi thấy chiếc tàu lạ vẫn đung đưa qua lại, tôi biết là mình đã quên một cách khờ khạo. Tất cả ngư lôi Nhựt đều có cơ phận an toàn, nếu phóng vào mục tiêu dưới 500m ngư lôi không nổ. Mục tiêu hiện tại không hơn 500m. Tôi tự rủa thầm “đần độn!”, trong lúc bối rối tôi đã sử dụng ngư lôi một cách hoang phí. Sai lầm này thường kéo theo sai lầm khác. Trong lúc tức giận, tôi quên ra lệnh tắt đèn rọi tìm địch. Kikkawa đã từng nói với tôi là đèn rọi thu hút cặp mắt địch. Tôi đã quên khuấy bài học này.

Tàu địch vung sang trái, dĩ nhiên là để tránh khỏi đụng vào tàu của tôi, nhưng lối di chuyển của nó có vẻ bất thường. Trong khi đó, hỏa lực của chúng tôi vẫn tiếp tục rót ngay vào mục tiêu. Chiếc tàu ma quái nghiêng qua ngả lại. Khói và lửa bắt đầu bao trùm toàn thể chiếc tàu này. Chúng tôi nhận ra đây là soái hạm San Francisco mà chúng tôi đã từng chạm mặt ngay sau khi Ðề đốc Callaghan và bộ tham mưu của ông bị các chiến hạm khác của Nhựt diệt gọn. Các pháo tháp của chiếc tàu này sở dĩ biến mất là do các đại pháo 356 ly của thiết giáp hạm Kirishima thổi bay đi.

Bất ngờ, ngay lúc đó, nhiều quả pháo rơi quanh chiếc tàu của tôi. Tôi nghĩ những kẻ đã chết trên chiếc San Francisco đang sống lại để ra tay phục hận. Vài quả trúng Atmasukaze. Sàn sắt rung chuyển. Tôi hét lớn: “Xạ thủ giữ vị trí! Hạ gục tàu ma ngay lập tức!” Tôi đã sôi máu. Súng của chúng tôi tiếp tục mưa đạn vào tàu địch nhưng đó là sai lầm thứ ba của tôi.

Hiển nhiên pháo rót xuống chúng tôi không phải từ chiếc San Francisco. Một tiếng kêu xé tai đến nỗi át cả tiếng súng nổ dữ dội. Là tiếng kêu của Chuẩn úy Shigeru Iwata, đứng ở tháp quan sát ngay phía trên đài chỉ huy: “Hạm trưởng! Một tuần dương hạm khác 70 độ tả mạn đang bắn lén chúng ta!”

Tôi xoay nhìn về hướng Iwata vừa nói, quả thật, có một tuần dương hạm khác. Tôi lạnh toát cả thân thể, nhưng sau cùng vẫn la được: “Tắt đèn, ngừng bắn, phun khói!” Tôi chưa nói hết câu, loạt đạn thứ ba từ tàu địch bay đến. (Ðó là chiếc Helena của Hoa Kỳ, một tuần dương hạm 13 ngàn tấn). 2 quả 152 ly nổ gần, đẩy tôi ngã chồm về phía trước, suýt chút nữa bay ra khỏi đài chỉ huy. Tôi gượng dậy được, nhưng đầu óc tối tăm mất nhiều giây. Tôi sờ nắn khắp toàn thân, không tìm thấy thương tích nào. Nhìn quanh, tôi yên dạ khi thấy các sỹ quan của tôi đều không sao, nhưng còn những người khác?

Tôi nhìn ra ngoài. Iwata nằm sóng soài trên sàn tàu. Tôi la lên: “Iwata…!” Hắn bất động, máu đẫm ướt mặt mày. Một mảnh đạn trúng vào sọ, và Iwata chết tức khắc. Một quả đạn đã rơi ngay vào tháp quan sát của hắn. “Shimizu, Shimizu! Có sao không?” Tôi gọi qua máy liên lạc nội bộ. Không có tiếng đáp lại. Tôi lại gọi to: “Phòng truyền tin! Nghe không?” Cũng hoàn toàn im lặng.

Một quả đạn khác đã trúng ngay phòng truyền tin, tất cả nhân viên đều thiệt mạng. Chiếc Amatsukaze bắt đầu quay vòng tròn. Tôi hét: “Matsumoto, bẻ tay lái lại!”

Có tiếng đáp: “Thưa Trung tá, tay lái đã liệt rồi!”

Khói bốc lên từ dưới đài chỉ huy, hiển nhiên là từ phòng truyền tin. Ðạn địch lại bay đến. Chiếc Helena võ trang 15 khẩu 152 ly và 8 khẩu 127 ly quyết trấn nước chúng tôi. “Phản pháo đi!” Tôi kêu to.

Xem thêm:   Hang gấu

Một pháo thủ chạy lên, máu thấm ướt một bên vai. “Thưa Trung tá, các pháo tháp của ta bị loại rồi. Hệ thống thủy lực cũng bất động.”

Một nhân viên của phòng máy chạy đến: “Cơ quan bánh lái không còn sử dụng được nữa. Hệ thống thủy lực đã hỏng.”

Tôi hỏi: “Ðại úy Shimizu có sao không? Máy móc như thế nào?”

“Ðại úy Shimizu bị hất xuống biển, …một …một chân còn trên boong. Máy móc không sao. Bồn dầu không cháy.”

Tôi nói với Ðại úy Matsumoto: “Anh xuống phòng máy kiểm soát và cứ mỗi 3 phút báo cáo cho tôi biết.”

Chiếc Amatsukaze đã xoay trọn một vòng trên mặt biển và lại bắt đầu vòng thứ hai. Pháo kích của chiếc Helena vẫn như mưa xuống quanh chúng tôi, nhưng chỉ một vài quả trúng đích. Hỏa lực địch gia tăng, nhưng thủy thủ đoàn của tôi đang bận tâm với những phần hư hại của chiếc tàu, các pháo khẩu của chúng tôi đều im tiếng, và không còn quả ngư lôi nào để phóng. Nếu tàu địch tiến sát, chúng tôi sẽ không khác nào con bò đực đứng trước lò sát sanh.

May mắn là đêm đen như mực khiến địch khó thấy. Di chuyển của Amatsukaze càng lúc càng thiếu chính xác, và toàn thể chiều dài chiếc tàu bao bọc trong màn khói che. Cuối cùng, mưa đạn cũng chấm dứt và tàu địch lảng ra xa. Nhưng chưa chắc chịu bỏ con mồi.

Matsumoto báo cáo: “Hệ thống thủy lực hoàn toàn không sử dụng được nữa. Phải dùng sức người bẻ lái. Chờ lịnh!”

“Ðược rồi, cho ngừng tàu lại để cắt đặt thủy thủ làm công việc này ngay lập tức.”

Ðại úy Miyoshi, hoa tiêu trưởng, nhăn nhó: “Ngừng ở đây, ngay trước mũi súng của địch?”

“Ðúng như vậy! Chúng ta ngừng tàu trước khi đánh nữa.” Tôi kiên quyết.

Một giọng nói vang to qua hệ thống liên lạc nội bộ, là giọng nói của Matsumoto: “Thưa Hạm trưởng, đã sửa chữa được một vài nơi hư hại.”

“Tốt, Matsumoto. Hãy ngừng tàu lại, và cắt đặt thủy thủ lo bẻ lái.”

Khi chiếc tàu từ từ đứng lại, súng của địch cũng im tiếng hẳn. Hiển nhiên là tàu địch đã bỏ đi, có lẽ nghĩ sự trừng phạt dành cho Amatsukaze như vậy là quá đủ.

Tôi không thể nhìn thấy tàu địch chạy về hướng nào, vì quanh tôi khói che dày đặc. Nhưng tôi không ngờ lúc đó chiếc Helena gặp nhiều bối rối hơn chúng tôi. 3 khu trục hạm Nhựt bất thần xuất hiện. Ðó là 3 chiếc Asagumo (Mây Sáng), Murasame (Thủy Sen) và Samidare (Mưa Hạ) – thuộc đơn vị tiền tiêu với 2 chiếc Yudachi (Dạ Phong) và Harusame (Mưa Xuân). Cũng do đội hình rắc rối của Abê mà cả 3 rớt lại phía sau trước khi trận đánh bắt đầu và di chuyển lang thang để cuối cùng nhảy vào vòng chiến khi trận đánh sắp tàn.

Tuần dương hạm Helena đã sửng sốt khi thấy 3 chiến hạm Nhựt xuất hiện. Trước khi nhận ra lai lịch 3 chiếc tàu, Helena bị đánh phủ đầu. Khu trục hạm Murasame phóng nhiều quả ngư lôi trúng đích, nhưng kỳ lạ thay, cả mấy giờ sau tuần dương hạm này mới chịu chìm.

Asagumo, đồng đội của Murasame, xoay các họng súng về phía một chiến hạm khác của địch đang tiến đến từ hướng Tây. Ðó là khu trục hạm Monssen, sở dĩ chúng tôi biết được tên là do ám hiệu bằng đèn của chiếc tàu này. Monssen tưởng 3 chiến hạm Nhựt là đồng bọn. Ám hiệu bằng đèn của Monssen không khác nào một hành động tự sát, giống như đèn rọi của chiếc Amatsukaze đã kêu gọi chiếc Helena tìm đến. Nhiều quả trọng pháo rơi ngay vào chiếc Monssen, và tiếp liền theo Agasumo dứt điểm mục tiêu bằng mấy trái ngư lôi. Một tàu địch phía sau Monssen là khu trục hạm Fletcher không còn lòng dạ nào đối đầu nên đã quay đầu bỏ chạy.

Chiếc USS Sterrett, một trong những khu trục hạm còn sống sót của địch cho rằng đã đánh đắm một khu trục hạm Nhựt trong trận đánh này bằng 2 quả ngư lôi. Nhưng thật ra đây là một thành tích tưởng tượng, khu trục hạm Akatsuki (Rạng Ðông) đã bị đánh chìm từ trước, còn chiếc Yudachi lúc đó vẫn còn đang bốc cháy cách nhiều dặm ở phía Tây. Hiển nhiên là Sterrett đã đánh chìm lầm một tàu bạn, hoặc giả nạn nhân của nó là chiếc San Francisco đã nổi trôi bềnh bồng sau khi bị hỏa lực và ngư lôi Nhựt vùi dập.

Một số giả thuyết của Hoa Kỳ cho rằng chính súng Nhựt bắn vào các chiến hạm Nhựt lúc trận chiến gần kết thúc. Sau khi phối kiểm với tất cả các đồng đội tham dự trận đánh, và xem xét các vết hư hại của một số khu trục hạm, tôi có thể đoan quyết rằng các giả thuyết trên đều không đúng. Trái lại, nhiều đồng đội của tôi đã thuật lại rằng chính các chiến hạm Hoa Kỳ đã đấu súng với nhau trong trận này. Chính chiếc San Francisco đã bắn vào chiếc Atlanta.

Sau khi guồng và bánh lái của Amatsukaze không còn sử dụng được nữa, vì hệ thống thủy lực hỏng, chúng tôi bắt đầu sử dụng nhân lực. Cũng may, máy móc của chiếc tàu còn chạy tốt, chúng tôi tăng gia tốc lên 20 hải lý. Dùng tay giữ guồng lái với một chiếc tàu 2,500 tấn là cả một vấn đề. Số thủy thủ đảm trách công việc này đã tháo mồ hôi hột. Chiếc tàu chạy như người say rượu, hết xỉa bên này lại xỉa bên kia. Sau một vài phút nhìn tình trạng, tôi biết phải làm gì. Tôi ra lệnh: “Matsumoto, tôi sẽ điều khiển. Việc này đòi hỏi kinh nghiệm. Bây giờ tôi đứng ở đài quan sát để đưa ra các lịnh cho anh chuyển xuống thủy thủ phía dưới.”

Xem thêm:   Dubai

Mười thủy thủ lực lưỡng đang kềm guồng lái mình ướt đẫm mồ hôi, chứng tỏ công việc rất nặng nhọc. Nhưng công việc của tôi lúc ấy trên đài chỉ huy cũng không phải dễ dàng. Tôi luôn phải hét thật to hướng đi của chiếc tàu cho Matsumoto nghe, đến nỗi giọng khàn hẳn và mồ hôi đổ xuống mặt như tắm. Chiếc tàu vẫn còn chạy xiên xẹo, nhưng có phần giảm đi chút ít.

Lúc 3g chiều, Ðại úy Miyoshi cho biết tất cả đám cháy do địch gây ra trên tàu đều đã được dập tắt. Vài phút sau, tôi nhìn thấy soái hạm Hiei ở mạn trái.

Lửa không cháy nữa nhưng chiếc tàu hoàn toàn bất động. Không có một chiến hạm Nhựt nào hiện diện xung quanh để tiếp cứu. Nghĩ đến các đồng đội trên chiếc Hiei bất hạnh này, tôi cảm thấy đau buồn, nhưng tôi bó tay, vì chính chiếc tàu của tôi đang lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Việc duy nhất tôi phải làm là cố giữ cho chiếc Amatsukaze chạy đúng hướng chánh Bắc. Công việc này không phải dễ dàng vì hải trình xuyên qua eo biển nhỏ hẹp. Tập trung hết hơi sức, tôi hét lớn qua ống nói điều khiển chiếc tàu tiếp tục di chuyển. Khi ánh sáng đầu ngày vừa lóe lên, Thiếu úy Shoji la to: “Ba phi cơ địch đang bay đến!”

Tôi ra lệnh: “Miyoshi, nắm quyền chỉ huy cao xạ. Hãy ráng hết sức anh!”

Sỹ quan ngư lôi xuống đài chỉ huy, và không lâu sau báo cáo: “Không còn khẩu cao xạ nào xoay nòng được nữa, riêng khẩu số 4 chỉ có thể xoay theo hướng lên xuống mà thôi!”

Khẩu súng duy nhất còn sử dụng được này đã khai hỏa nhanh chóng khi các phi cơ địch bay đến gần. Máy bay Mỹ ước lượng tốc độ Amatsukaze quá cao, thành thử những quả bom thả chặn đầu đếu rơi xuống cách khá xa. Trái bom gần nhứt rơi cách 300m. Các phi cơ địch chỉ lướt qua rồi bay thẳng về hướng Guadalcanal. Có thể phi cơ địch sẽ bay đến nữa, nhưng chúng tôi chỉ còn biết chịu đựng và không còn việc gì khác hơn để làm là cố giữ cho chiếc tàu chạy thẳng về phía trước.

Hình như may mắn đã bỏ chúng tôi đi mất. Thiếu úy Shoji lại báo cáo: “Tàu địch cách 9,000m trước mặt! Ðang đâm thẳng vào chúng ta!”

“Phải làm gì, thưa Hạm trưởng?” Shimizu hốt hoảng.

Thay vì đáp lời, tôi gọi qua ống nói: “Matsumoto, một tàu không rõ của ai, nhìn thấy ở phía trước. Tăng tốc lực tối đa. Nếu là chiến hạm địch, chúng ta húc mạnh vào nó.”

Shoji chạy lo sắp xếp thủy thủ đoàn để sẵn sàng với hành động liều mạng này. Tôi lại liếc về phía tàu địch. Nó đang tiến sát chúng tôi với tốc độ hơn 30 hải lý. Sau chừng một phút nghẹt thở, tôi đã thở khì như trút được gánh nặng, và cho người chạy đi gọi Shoji. “Là khu trục hạm Nhựt…! Chiếc Yukikaze, không lầm lẫn gì nữa.”

Shoji nhảy nhót vui mừng. Còn cách khoảng 3,000m, một thủy thủ của Yukikaze vẫy tín hiệu bằng cờ, nhìn thấy rất rõ dưới ánh nắng ban mai: “Gửi Amatsukaze lời chào nồng thắm nhứt! Chúng tôi đang chạy đến để đi kèm Hiei. Các bạn có cần giúp đỡ?”

Nhân viên truyền tin lập tức chuyển lời đáp của tôi: “Cám ơn các bạn. Ðừng lo lắng cho tôi, hãy chạy về phía trước hết tốc lực. Phi cơ địch đã phát hiện ra chúng tôi, và cũng rất có thể chiếc Hiei đã bị phát hiện. Nên chuẩn bị sẵn sàng để chống trả. Chúc may mắn.”

Chúng tôi vượt ngang phía trái của chiếc Yukikaze ở khoảng cách 1,000m. Những thủy thủ đứng trên boong trao nhau lời chào hỏi. Mặc dù hai chiếc tàu đã cùng chạy trên một hải trình dài dằng dặc nhưng đây là lần đầu tiên, kể từ sáng hôm qua, cả hai mới gặp nhau.

Yukikaze (Gió Tuyết) chạy ở ngay phía trước Amatsukaze (Thiên Phong) của tôi trong đội hình phức tạp của Ðề đốc Abê, nhưng cả hai không thể nhìn thấy nhau, vì di chuyển trong mưa bão. Trong trận đánh, Yukikaze và tuần dương hạm Nagara là hai chiếc đầu tiên rút lui ra khỏi khu vực, theo lệnh của Abê. Yukikaze không bị trúng một phát đạn nào.

Lời cảnh cáo tôi vừa nói với Yukikaze đã đúng. Hàng chục oanh tạc cơ Hoa Kỳ đã bay đến cấu xé chiếc Hiei ngay khi mặt trời lên. Ðề đốc Abê ra lệnh tự đánh đắm tàu trước khi bỏ soái hạm để thoát sang khu trục hạm Yukikaze vừa mới đến. Lệnh phá hủy tàu này có cái giá trách nhiệm phải trả. Abê và Ðại tá Masao Nishida, Hạm trưởng của Hiei, ra tòa án binh sau đó.

Tuần sau: Chương XXIX

Hồn Tử Sĩ

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships