Thế kỷ 16, trên đường tìm kiếm châu Úc, các chiến thuyền của Álvaro de Mendana cập vào một đảo lớn rậm rạp sũng mưa. Mendana đặt tên cho hải đảo vừa khám phá “Guadalcanal”, tên của nơi ông sinh ra gần Sevilla. “Guadalcanal” là tên Y-Pha-Nho gốc Ả-Rập “Wadi al-Khanat”, nghĩa là “thung lũng của các quầy hàng”, bắt nguồn từ thời Hồi giáo còn cai trị Andalusia. Với diện tích rộng gấp mười Phú Quốc, Guadalcanal giữ vị trí quan yếu: Ai chiếm Guadalcanal sẽ khống chế mặt Đông Bắc của Úc châu. 

Mùa Hè 42, Tổng Tư lệnh US NAVY, Đô đốc Ernest Joseph King nhất quyết giành lại quyền chủ động chiến trường. Tái chiếm quần đảo Solomon mà Guadalcanal thủ phủ. “May the Japs go to hell!” lệnh hành quân.

Thủy chiến phía Đông Solomon chứng minh ưu thế của oanh tạc cơ đâm bổ SBD Dauntless đạt vận tốc 255 mph và trang bị 2 bom 500 kg, so với phóng pháo cơ Nhật Aichi D3A (tên mã hóa phía Hoa Kỳ là VAL) chỉ đạt 242 mph và mang được duy nhất 1 bom 250 kg. Chính sức nổ gấp đôi của bom Mỹ làm nên khác biệt.

Trong Chương 21 Tameichi Hara tận mắt mục kích trận oanh kích hàng không mẫu hạm Ryujo Hara hộ tống.

[Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XXI

Yamamoto vội vã thành lập một hải lực để đánh lừa địch quân, bao gồm hàng không mẫu hạm nhỏ nhất của Hạm đội Hỗn hợp là chiếc Ryujo (Long Tương) 10,150 tấn, tuần dương hạm Tone (Lợi Căn Xuyên) và hai khu trục hạm Amatsukaze (Thiên Phong) và Tokitsukaze (Thuận Phong). Bốn chiếc tàu này do Ðề đốc Chuichi Hara chỉ huy, giả vờ tấn công Guadalcanal và ngăn Hoa Kỳ tiến đến Bougainville. Lực lượng chánh của Nagumo với thành phần chủ chốt là hai hàng không mẫu hạm hiện đại 40,000 tấn Shokaku (Tường Hạc) và Zuikaku (Thụy Hạc) được lịnh áp hướng Tây Bắc, tấn công vào cạnh sườn các chiến hạm Mỹ truy đuổi lực lượng chim mồi của Ðề đốc Hara.

Chúng tôi xuất quân vào lúc 2 giờ sáng ngày 24 tháng 8-1942, dẫn đầu bởi tuần dương hạm nặng Tone, 13,320 tấn – một chiếc tàu thoạt nhìn giống một con quái vật với 8 khẩu 203 ly chĩa mũi tua tủa. Theo sau là hàng không mẫu hạm Ryujo, được Amatsukaze hộ vệ bên phải và Tokitsukaze hộ vệ bên trái. Chúng tôi hướng về Guadalcanal với tốc độ 26 hải lý.

Nhiệm vụ không phải dễ dàng và quan yếu đầu tiên của tôi trong cuộc chiến. Tôi đứng trên đài chỉ huy với đầu óc căng thẳng. Ðề đốc Hara (trùng họ với tôi) ở soái hạm Tone, là một trong những tư lịnh tài ba nhứt của hải quân. Tôi biết ông từ những ngày còn học ở hàn lâm viện. Lúc đó ông là một huấn luyện viên và tôi đã nể phục sự hiểu biết của ông. Trong trận Trân Châu Cảng, Hara chỉ huy một hải đoàn thuộc Lực lượng Ðặc nhiệm của Nagumo.

Ðiều đáng quan tâm hơn hết là chiếc Ryujo. Nhìn chiếc tàu 10 tuổi đời này tôi thấy bất an. Các phi công tài ba không bao giờ được bổ nhiệm trên một chiếc tàu già nua và sau những thiệt hại trong trận Midway, các phi công mới ra lò thiếu vắng kinh nghiệm. Tôi nghĩ “con chim mồi” này chắc khó sống sót qua phát đạn đầu tiên.

Lúc 7 giờ 13, khi bình minh tỏa rộng trên không trung Nam Thái Bình Dương, kẻ thù đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là một thủy phi cơ đã bay theo sau chúng tôi nhiều dặm nhưng cuối cùng bỏ đi, chứng tỏ nó đã đếm xong số tàu bè của chúng tôi. Chúng tôi tiếp tục tiến xuống phía Nam và trong vòng 4 tiếng đồng hồ không thấy phi cơ nào khác của địch xuất hiện. Biển lặng như tờ. Thời tiết rất thích hợp cho không kích, nhắc tôi nhớ lại trận đánh ở Midway. Một ngày bất lợi biết bao, tôi thầm nghĩ.

Lúc 11 giờ, chúng tôi cách phía Bắc Guadalcanal 200 dặm. Ryujo tung lên 6 phóng pháo cơ và 15 chiến đấu cơ hướng đến hòn đảo theo kế hoạch. Khi chiếc Ryujo xoay về hướng Tây, tiến đến điểm hẹn đón các phi cơ này, tàu của tôi chạy song song bên phía tả mạn, cách 2,000 thước. Tôi biết 21 phi cơ vừa cất cánh chưa đủ số mà hàng không mẫu hạm Ryujo chuyên chở, và tôi tự hỏi tại sao lại không cho 9 chiến đấu cơ còn lại bay lên để bao che cho chúng tôi? Nhìn các đám mây dày đặc, tôi độ chừng thế nào phi cơ Mỹ cũng phóng ra những cú đấm chết người giống như ở Midway. Càng nghĩ tôi càng bồn chồn.

Một giờ trôi qua, vẫn chưa một phi cơ nào của chúng tôi trở về. Tôi không hiểu tại sao, và điều này khiến tôi càng thêm bồn chồn. Lúc 12 giờ 30, từ phòng truyền tin gọi tên tôi: “Thưa Trung tá, một phi cơ của Ryujo gởi báo cáo cho biết cuộc oanh tạc Guadalcanal thành công.” Tôi nhẹ nhõm, nhưng tự hỏi chỉ với chừng ấy phi cơ thì làm sao thành công? Tôi ăn trưa ngay trên đài chỉ huy. Vừa ăn xong, tôi nghe một thủy thủ trên điếm canh la lên: “Máy bay! Hình như của địch! Hướng 30 độ tả mạn!”

Xem thêm:   Nhật Thực toàn phần tại Dallas - Fort Worth,Texas

Xuyên qua ống dòm, tôi nhìn thấy một phi cơ ẩn hiện giữa các đám mây. Cờ báo động được kéo lên, còi tàu rít vang, các khẩu cao xạ hươi nòng sẵn sàng. Khi chiếc phi cơ đến gần, chúng tôi nhận ra đó là một pháo đài bay B17, giống mấy “người bạn cũ” của chúng tôi ở Davao. Tôi nhìn về phía hàng không mẫu hạm Ryujo, không thấy động tĩnh gì hết, tôi nghĩ viên hạm trưởng chắc đang nằm ngủ!

Ðể báo động Ryujo, tôi ra lịnh khai hỏa, mặc dầu phi cơ địch còn nằm ngoài tầm súng. Tone và Tokitsukaze lập tức đáp ứng. Hàng tràng đại liên tưới đạn vun vút, xen kẽ tiếng lụp bụp của đại bác phòng không. Mặt biển rền rền tiếng nổ. Cuối cùng, hai chiến đấu cơ cất cánh từ mẫu hạm Ryujo. Phi cơ địch trở hướng tức khắc và biến mất trong đám mây khi hai chiếc Zéro bay đến. Hai phi cơ Nhựt bay lộn về và quần trên hàng không mẫu hạm Ryujo.

Tôi hết tin tưởng. Nếu máy bay địch ồ ạt lao đến, thì chiếc Ryujo, với tình trạng ngủ gật vừa qua, sẽ không làm sao chống đỡ nổi. Tôi thảo một công điện và gọi sỹ quan truyền tin của tôi: “Gởi lập tức cho Ryujo bằng hiệu kỳ.”

Một nhân viên truyền tin chạy ra sân tàu và phất các lá cờ: “Trung tá Tameichi Hara, hạm trưởng Amatsukaze, gởi Trung tá Hisakichi Kishi, hạm phó Ryujo: Biết là quá đáng, nhưng tôi bắt buộc phải gởi sự lưu ý này đến Trung tá. Phi cơ của Trung tá thiếu hẳn sự chuẩn bị ứng chiến. Tại sao lại có vấn đề này?”

Công điện có vẻ thô lỗ và chắc chắn không làm hài lòng người nhận. Tôi không biết có một sỹ quan nào khác đã làm như tôi hay không. Tôi gởi công điện này cho Kishi dựa vào việc chúng tôi cùng khóa và cùng xuất thân từ Eta Jima. Kishi không chịu trách nhiệm các cuộc hành quân trên không, nhưng ý định của tôi là muốn thức tỉnh viên hạm trưởng của Ryujo và sỹ quan điều không có trách nhiệm.

Vừa tự hỏi Kishi sẽ có phản ứng như thế nào, tôi vừa nhìn đăm đăm chiếc Ryujo, và thấy cờ hiệu trả lời: “Kishi gởi Trung tá Hara: Xem trọng lưu ý. Chúng tôi sẽ cải tiến và trông cậy vào sự hợp tác của anh.” Ryujo lập tức hành động. 7 chiến đấu cơ còn lại được đưa lên sàn tàu và mọi chong chóng đều xoay để sẵn sàng cất cánh. Nhưng đã quá trễ! Lúc đó các quan sát viên của tôi đồng loạt la lên: “Máy bay địch!”

Khi chiếc Ryujo xoay theo hướng gió để các phi cơ Nhựt cất cánh thì các oanh tạc cơ Hoa Kỳ gầm thét chúi xuống. Tôi nhìn Ryujo lo lắng. Các hàng không mẫu hạm khác của Nhựt có thể dọn dẹp phi cơ trên sàn tàu chỉ trong một vài phút, nhưng chiếc Ryujo không đủ khả năng làm như vậy.

Tôi phải lo nhiệm vụ của tôi. Tàu của tôi, cũng như tuần dương hạm Tone và khu trục hạm Tokitsukaze chạy xa khỏi Ryujo 5 ngàn thước để chống với các phi cơ địch đang lao tới. Ryujo gọi vô tuyến cho 21 phi cơ tấn công Guadalcanal ra lịnh cho chúng bay đến phi trường Buka nằm giữa Guadalcanal và Rabaul, thay vì trở về hàng không mẫu hạm. Tại sao không gọi về một số để đương đầu với phi cơ địch?

Tôi không đủ thời giờ để suy nghĩ. Các oanh tạc cơ Dauntless và chiến đấu cơ Grumman địch đang sà xuống Ryujo, các phi cơ này xuất phát từ hàng không mẫu hạm Saratoga của Hoa Kỳ. Hai mươi bốn chiếc oanh tạc cơ xoay tròn quanh hàng không mẫu hạm Nhựt và nhiều chiếc sà thấp xuống nước trước rừng hỏa lực phòng không của chúng tôi. Mười hai súng cao xạ của Ryujo dồn dập khai hỏa nhưng không trúng một chiếc nào.

Hai hoặc ba trái bom rơi trúng phía sau và đánh thủng sàn của chiếc Ryujo. Những cột lửa rực đỏ phực lên đồng thời với những tiếng nổ vang dội. Nhiều trái bom khác rớt trúng nữa, chiếc tàu bị che phủ bởi những cột nước và khói đen dày đặc. Bồn chứa xăng của Ryujo bốc cháy. Nó đang chìm hoặc đã chìm?

Các phi cơ địch bây giờ bỏ Ryujo xoay sang tấn công chúng tôi. Mọi loại súng đều khai hỏa khi phi cơ Mỹ sà thấp. Khu trục hạm của tôi gia tăng tốc độ 33 hải lý và chạy theo hình chữ chi rất ngặt, khiến nước biển tung xối lên đài chỉ huy. Cao xạ khạc đạn liên tục. Từng chùm đạn nổ giữa mây. Chiếc Amatsukaze chịu đựng 30 phút tấn công nhưng may mắn các trái bom đều không trúng.

Xem thêm:   Sứa hương vị của biển

Tôi thở phào khi phi cơ địch bay đi. Tôi xoay sang nhìn chiếc Ryujo. Khói đen bắt đầu tan loãng và chiếc tàu hiện ra lờ mờ. Xuyên qua ống dòm, tôi thấy Ryujo đã chết, toàn thân bất động và đang từ từ sụm xuống. Nó nghiêng hẳn về hữu mạn, không còn là một hàng không mẫu hạm nữa mà là một chiếc lò khổng lồ có nhiều miệng và từ những lỗ thủng phừng phực lửa đỏ rực.

Soái hạm Tone báo hiệu: “Các khu trục hạm tiếp cứu Ryujo.”

Tàu của tôi lập tức chạy về phía hàng không mẫu hạm đang chìm, nhưng ngưng lại ngay khi thấy 3 chiếc phi cơ thình lình nhô ra khỏi các đám mây. Khi chúng bay đến gần, mới biết đó là 3 chiến đấu cơ Nhựt trở về. Chúng bay quần trên chiếc tàu chìm, như để chào vĩnh biệt. Một phi cơ đáp xuống biển gần tàu của tôi, và 2 chiếc kia gần Tokitsukaze. Cả ba phi công đều được cứu thoát nhưng các phi cơ thì đành bó tay. Công việc tiếp cứu đã mất nhiều thời giờ, tôi tưởng chiếc Ryujo đã biến mất trên mặt đại dương rồi. Nhưng thật kỳ lạ, chiếc tàu vẫn nổi và ngay cả các miệng lửa cũng hạ xuống, có lẽ do nước biển tràn vào dập tắt. Chúng tôi lại tiến đến chiếc Ryujo, nhưng rồi phải ngưng nửa chừng. Lần này 2 chiếc B17 xuất hiện. Hai khu trục hạm và tuần dương hạm Tone tăng tốc chạy hình chữ chi và tất cả cao xạ đều khai hỏa vào 2 oanh tạc cơ địch. Nhưng 2 pháo đài bay này chỉ tấn công qua loa, hoặc chúng không quen tấn công các mục tiêu di động nhanh trên biển. Tất cả các trái bom thả xuống đều không trúng đích.

Khi các oanh tạc cơ bay đi, sương mù bỗng trùm lấp mặt biển. Chúng tôi bắt tay ngay vào công việc tiếp cứu. Nhờ trời chiếc Ryujo vẫn chưa chìm, nhưng hoàn toàn bất động. Có lẽ chúng tôi phải kéo nó về Truk để sửa chữa. Lửa cháy sém khắp nơi, tất cả vũ khí và vật dụng khác đều bị thiêu hủy. Xác chết cùng khắp trên tàu. Thân tàu nghiêng về hữu mạn khoảng 40 độ, và có thể chìm bất cứ lúc nào.

Một nhân viên trên Ryujo gởi tín hiệu bằng cờ: “Chúng tôi phải bỏ tàu sắp chìm. Hãy tiếp cứu thủy thủ đoàn.” Lúc ấy tàu của tôi chạy bên tả mạn còn nổi của chiếc Ryujo. Nếu chiếc Ryujo chìm, việc này không biết xảy ra lúc nào, chiếc Amatsukaze có thể bị lôi theo với nó. Không thể chần chờ được nữa, tôi quyết định bắt tay vào việc lập tức.

Ðại dương lúc đó đang yên tĩnh nhưng thỉnh thoảng các luồng sóng dài bổ đến, khiến cột cờ của chiếc Ryujo chao đi chao lại, có khi chạm cả vào đài chỉ huy của khu trục hạm nhỏ bé của tôi. Mồ hôi lạnh ướt lưng tôi. Hàng chục thủy thủ khỏe mạnh dùng sào dài để chống đỡ cột cờ của chiếc Ryujo cho đến khi cầu nối được bắt sang cho thương binh cáng đi trước, kế đó là những xác chết và tài liệu quan trọng còn sót lại. Cuộc tiếp cứu nhanh chóng và gọn ghẽ. Hơn 300 người sống sót được đưa sang chiếc Amatsukaze.

Ðộ nghiêng của Ryujo thình lình gia tăng. Bây giờ nó đang chìm. “Chấm dứt di tản!”, tôi la lên. Một sỹ quan đứng phía bên kia cầu gật đầu và đáp: “Ðúng, thưa Trung tá! Phải chấm dứt ngay, nguy hiểm lắm rồi!”

Máy của Amatsukaze vẫn chạy đều, nó lập tức dang ra xa chiếc Ryujo, và không đầy 350 thước, chúng tôi quay nhìn lại thấy Ryujo đã biến mất trong làn sóng. Sức chìm của chiếc tàu đã tạo ra một vực nước xoáy khổng lồ, ghì chặt lấy chiếc Amatsukaze và cuốn phăng như một mảnh rác. Nhưng rất may là vực nước đó không đủ sức nhận chìm tàu của tôi. Tôi còn đang thở muốn đứt hơi thì một giọng nói thật nhỏ phía sau lưng tôi : “Trung tá Hara. Tôi … tôi không biết nói gì để cảm ơn anh…”

Là Ðại tá Tadao Kato, hạm trưởng chiếc Ryujo, đã rời tàu cuối cùng. Người ướt đầm, gương mặt nhàu nát, ông cúi gập lưng và nói tiếp: “Hãy nhận nơi đây lòng biết ơn của tôi cho các thủy thủ của tôi.”

Chỉ mới vài giờ trước tôi đã nguyền rủa hạm trưởng chiếc Ryujo đã ngủ gật nhưng giờ đây tôi bỗng thấy buồn cho vị sỹ quan này, ông ta không phải là một chuyên viên hàng không mẫu hạm, và tôi thấy tức giận Ðô đốc Yamamoto đã chọn một người như thế này để thi hành kế hoạch “chim mồi” đầy nguy hiểm của ông.

“Không cần cảm ơn tôi, Ðại tá Kato,” tôi nói. “Xem Ðại tá không được khỏe! Ðại tá có bị thương không?”

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

“Không, Hara, tôi không bị một vết trầy nào cả. Nhưng … nhiều thuộc cấp của tôi đã chết, và cả chiếc tàu!..” Kato đưa tay ôm lấy mặt, khóc nức nở như một đứa trẻ. Tôi sợ ông ta có hành động nông nổi nên lên tiếng gọi: “Y tá, mau dìu Ðại tá Kato vào ca-bin của tôi.”

Kato phản đối: “Ồ! Không, Hara! Hãy để tôi ở chung với thủy thủ của tôi, nếu việc này không ngăn trở nhiệm vụ của anh.”

Tôi để ông ta tùy nghi. Trên tàu của tôi lúc ấy không có chỗ nào là không có thủy thủ của chiếc Ryujo. Tôi xúc động khi nhìn vị đại tá già lê bước về phía cầu thang để rời khỏi đài chỉ huy. Tôi gọi: “Ðại tá Kato, xin chờ một chút. Tôi muốn hỏi người bạn thân của tôi là Kishi, phụ tá Ðại tá, hắn có bình yên không?”

Kato xoay lại, không thốt nên lời nào, khuôn mặt của ông ta đau khổ tột cùng. Tôi hiểu và gật đầu. Kato cúi đầu và bước xuống cầu thang.

Tôi đứng lặng. Bạn tôi đã chết. Trung tá Hisakichi Kishi, một chuyên viên đã gặt hái nhiều thành tích sáng chói. Kishi từng đỡ tay cho viên hạm trưởng ngù ngờ này biết bao lần. Tôi lắc đầu. Tôi còn nhiều việc phải làm, đau buồn hãy chờ sau khi nhiệm vụ hoàn tất.

Tàu của tôi kết hợp với khu trục hạm Tokitsukaze và soái hạm Tone, và tôi vui mừng khi thấy hai chiếc tàu này, như chiếc Amatsukaze của tôi, không bị tổn hại gì cả. Cả hai cũng đang bận rộn cứu vớt một số thủy thủ của Ryujo đã nhảy xuống biển để thoát thân. Trong lúc đó, 14 phi cơ của Ryujo trở về sau nhiệm vụ ở Guadalcanal và đang bay quần trên trời. Bốn chiếc, trong số có một chiếc duy nhứt trang bị hệ thống vô tuyến liên lạc bị địch bắn rơi, thành thử các chiếc còn lại không nhận được lịnh đáp xuống Buka. Số còn lại này bây giờ bắt buộc phải đáp xuống biển, các chiến hạm cứu vớt hết phi hành đoàn nhưng tất cả các máy bay đều vùi sâu đáy biển.

Ba chiến hạm còn lại của chúng tôi được lịnh Phó Ðô đốc Nagumo chạy về hướng Tây để kết hợp với lực lượng chánh của ông. Ngày này, 24 tháng 8 năm 1942, mặt trận trên các đảo phía Ðông Solomon vẫn còn tiếp diễn. Sau khi vượt 50 dặm về điểm hẹn, chúng tôi nhìn thấy một số chiến hạm Nhựt tất cả đều mở đèn chạy chầm chậm về phía Nam. Các chiến hạm này đang tìm kiếm một số phi công bắt buộc phải hạ cánh trên mặt biển. Ðêm tối như bưng. Nhiều giờ trôi qua, tiếng bom và tiếng súng không còn nghe vọng đến.

(Ryujo, theo thiết kế ban đầu là một tàu chở thủy phi cơ nhưng sau đó sửa đổi thành một hàng không mẫu hạm nhẹ trọng tải 10,150 tấn tuân theo các điều khoản của Hiệp ước Tài binh 1922 giữa Nhựt và Ðồng Minh. Ryujo được đóng năm 1922 và hoàn tất vào năm 1931, được mang ra sử dụng trong cuộc chiến Hoa-Nhựt vào năm 1937 với nhiệm vụ yểm trợ cho Lục quân. Năm 1940 Ryujo được tái trang bị và nâng cấp để mang được tối đa 37 phi cơ hiện đại. Khi Ðệ Nhị Thế chiến bắt đầu Ryujo hoạt động ở Phi Luật Tân, cung cấp cây dù không quân cho các đoàn chuyển vận đổ bộ lên Davao. Sau đó hoạt động suốt từ Phi sang đến tận Ấn Ðộ. Tháng 6 năm 1942, Ryujo tham gia hành quân Midway nhưng trong thành phần tấn công quần đảo Aleutian, trong cuộc hành quân này một chiến đấu cơ Zéro do Hạ sỹ Tadahito Koga lái đã đáp xuống quần đảo này, Koga thiệt mạng nhưng chiếc Zéro còn nguyên vẹn, đây là chiếc Zéro đầu tiên lọt vào tay Ðồng Minh, nhờ vậy mà Ðồng Minh cho ra đời một loạt chiến đấu cơ mới để chọi lại chiếc Zéro đáng sợ này. Ngày 24 tháng 8 năm 1942, Ryujo tham dự trận đánh ở Guadalcanal trong thành phần dụ địch và bị các oanh tạc cơ SBD Dauntless của hàng không mẫu hạm Saratoga đánh chìm, trong số 924 thủy thủ chỉ có 127 người thiệt mạng, số còn lại được cứu sống.

Hàng không mẫu hạm Saratoga của Hoa Kỳ, cùng loại với chiếc Lexington đã bị chìm ở trận San Hô, trọng tải 43 ngàn tấn chở được 91 phi cơ với 2,200 thủy thủ. Saratoga bị đánh chìm ngày 25 tháng 7 năm 1946 bởi cuộc thử bom nguyên tử của Mỹ, chung số phận với nhiều tàu chiến khác như Prinz Eugen của Ðức và Nagato của Nhựt).

Tuần sau:  Chương XXII

Lưu Bang và Hàn Tín

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships