“Các anh đang tiểu tiết hóa chiến thắng!”

Là tiếng quát của Heinz Guderian vào tháng 5-1940. Guderian, hỗn danh “Heinz the fast” vừa chọc thủng phòng tuyến Sedan của Pháp và đang lao ra biển hòng nhốt Liên quân Anh-Pháp vào chiếc rọ Bỉ.

Lệnh cho Guderian: “Tách hai sư đoàn thiết giáp bảo vệ cạnh sườn và lui Trung đoàn Grobdeutschland (Đại Đức) về giữ tiền cứ. Sư đoàn thiết giáp còn lại ngừng tại chỗ, đợi bộ binh.”

Guderian nóng mặt, trả lời thẳng thừng: “An toàn cạnh sườn của một quân đoàn thiết giáp nằm trong vận tốc di chuyển liên tục!” Đại tướng Ewald von Kleist, yêu cầu Guderian từ chức. Thống chế Gerd von Rundstedt phải can thiệp. Guderian được lao ra biển, làm nên thất trận của Anh-Pháp.

Một năm sau trên xa lộ Mạc Tư Khoa, Guderian lại gầm lên: “Các anh đang tiểu tiết hóa chiến thắng!”

Vì Thống chế Gunther von Kluge, thượng cấp của Guderian, ra lệnh: Xa đoàn 2 Panzer ngừng tại chỗ, đợi bộ binh. Đưa 2 sư đoàn thiết giáp thanh toán Smolensk và 1 sư đoàn chiếm Kardymovo, 1 sư đoàn khác bảo vệ tuyến Dobromino và 1 sư đoàn giữ cạnh sườn phía Đông trên tuyến Pochinok-Yelnya. tên, Von Kluge, Tư lệnh phó hành quân Liên Lộ quân Chính Tâm.

Von Kluge không ký Tư lệnh Đệ Tứ Lộ quân mà Guderian trực thuộc nhưng ký Tư lệnh phó Liên Lộ quân Chính Tâm, có nghĩa là sau Thống chế Fedor von Bock, von Kluge toàn quyền điều binh.

Một lần nữa, Guderian trả lời thẳng thừng: “Nếu vì một lý do nào đó, phải hành động một điều gì đó, thì toàn xa đoàn thiết giáp cùng hành binh. Không xé lẻ và không tiểu tiết hóa!” Ký tên: Heinz Guderian, Tổng Thanh tra Thiếp giáp Quân lực Đức!

Việc ký Tổng Thanh tra Thiếp giáp cho Guderian vị trí không còn là thuộc cấp của von Kluge mà là cha đẻ của binh chủng thiết giáp Đức với những đặt để hành quân cùng lý thuyết vận dụng chiến xa. Von Kluge tím tái, thách đấu gươm nhưng Von Bock can thiệp và một lần nữa, Guderian lao tới trước.

“Tiểu tiết hóa chiến thắng” trong ngôn ngữ của Guderian mang ý nghĩa “nhỏ giọt”, “tối thiểu”, “quá ít” và đặc biệt, “tầm nhìn hạn hẹp” không trông thấy tổng thể chiến trường cần tung tối đa lực lượng vào một trọng điểm quyết định. Guderian từng huấn thị nhiều lần: “Khi tấn công, bàn tay phải nắm lại thành một nắm đấm thay vì xòe ra những ngón mềm vô tích sự.”

Thủy sư Đô đốc Isoroku Yamamoto hẳn không biết đến các lý thuyết của Guderian vì thời gian Guderian xông pha đất Nga, Yamamoto đang bận điều nghiên đánh úp Trân Châu Cảng. Kể từ Guadalcanal,  Yamamoto rơi vào việc “tiểu tiết hóa chiến tranh” là tự phân tán mỏng hạm đội Nhật thay vì tập trung giáng những đòn chí mạng. Tiếp tế nhỏ giọt, phản công nhỏ giọt điều binh tiết kiệm là sai lầm của Yamamoto, như chính Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã xé lẻ Sư đoàn Dù trong trận chiến 75 làm Thiếu tướng Lê Quang Lưỡng, tư lệnh Nhảy Dù cuối cùng, về sau chê trách.

Tameichi Hara là đại tá trẻ tuổi nhất của hải quân Nhật và cũng là sĩ quan cấp tá đầu tiên sau chiến tranh phê phán gay gắt Yamamoto kể từ sau Midway, không còn là thiên tài trong mắt Hara.

Chương 20 là những trang hồi ký của phẫn uất.

[Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XX

Trận đánh Midway là điểm xoay chiều cuộc chiến Thái Bình Dương chảy xuôi về phía Ðồng Minh. Nagumo bị đánh tơi tả ở Midway, điều này ai cũng công nhận, nhưng không có nghĩa là toàn hải quân Nhựt sụp đổ. Hạm đội Hỗn hợp của Yamamoto chưa hề hấn gì, và Nhựt vẫn còn ít nhất 4 hàng không mẫu hạm, đủ sức đương đầu trên phương diện này với hải quân Hoa Kỳ.

Những gì sụp đổ thật sự cho Hải quân Hoàng gia theo xét đoán của tôi, chính là một loạt sai lầm về chiến thuật và chiến lược do Yamamoto đưa ra sau trận Midway, và qua những cuộc hành quân được Nhựt phát động khi Hoa Kỳ đổ bộ lên Guadalcanal vào đầu tháng 8 năm 1942.

Sau khi bắt buộc kết thúc cuộc hành quân Midway, Yamamoto đưa Hạm đội Hỗn hợp của ông đến Truk rồi sau đó về xứ. Khi Hoa Kỳ tiến đánh Guadalcanal, lực lượng chánh của hạm đội Yamamoto đang buông neo gần Kuré ở bờ biển Nhựt Bản, cách mặt trận 2,700 dặm (4,500 km). Trong suốt các cuộc hành quân có tánh cách quyết định quanh Guadalcanal, Yamamoto chỉ tung hết đơn vị nhỏ này đến đơn vị nhỏ khác. Chiến lược của ông có vẻ không mấy sáng suốt. Chiến lược này đã diễn ra như thế nào?

Tôi kết hợp với hải đoàn chuyển vận vào ngày 10 tháng 6 tại hải vực phía Bắc đảo Midway 600 dặm, trong nhiệm vụ hộ tống đoàn tàu này về Truk. Ngày 15, chúng tôi hoàn tất nhiệm vụ. Hai ngày sau đó, tất cả chiến hạm trở về Nhựt Bản. Chúng tôi về đến Yokosuka vào ngày 21 và ba ngày sau di chuyển đến Kuré. Mọi người không được phép nói về trận Midway. Các chi tiết thực sự của trận đánh này được giữ “Tối Mật” ngay đối với các sỹ quan chỉ huy. Một thông cáo chung của Tổng Hành Dinh Hoàng Gia được đưa ra, đã thêu dệt quá mức con số thiệt hại của Hoa Kỳ nhưng không đá động gì đến những mất mát của Nhựt, và thông cáo còn nhấn mạnh rằng trận đánh kết thúc với chiến thắng của Nhựt Bản.

Xem thêm:   Lừa đảo online

Hạm đội Hỗn hợp đã trở về ao nhà nhưng không phải để tu bổ. Bởi vì, tuy Lực lượng Ðặc nhiệm của Nagumo đã mang những vết thương trầm trọng nhưng các đơn vị quan trọng khác vẫn nguyên vẹn. Yamamoto muốn rèn luyện lại tinh thần binh sỹ của ông, sau khi họ đã nhận một cú đấm choáng váng mặt mày vào tháng trước đó.

Yamamoto và Bộ Tư Lịnh Tối Cao Hải quân ở Ðông Kinh không hề có chút hồ nghi nào về việc người Mỹ sẽ tung ra một cú đấm quan trọng, nhắm vào Guadalcanal sau trận Midway. Nhưng Yamamoto tin rằng Hoa Kỳ nếu có muốn tấn công, thì sớm nhứt cũng phải đến giữa năm 1943 mới đủ sức.

Từ 28 tháng 6 cho đến ngày 5 tháng 8-1942, tôi lãnh nhiệm vụ giữ an ninh cho các tàu buôn Nhựt trong vịnh Ðông Kinh. Công việc này dễ dàng, và nhờ đó tôi có dịp huấn luyện thủy thủ đoàn mới của mình.

Việc rút Hạm đội Hỗn hợp của Yamamoto về lại hải phận Nhựt ở thời gian này, quả thực là một sai lầm quá mức. Lẽ ra hạm đội này nên đóng ở Truk. Cách Guam một ngàn cây số phía Ðông Nam, Truk giữ vị trí trung tâm trong hệ thống phòng thủ của chúng tôi. Từ Truk chúng tôi có thể ngăn chặn nhiều hướng tấn công của địch, với điều kiện có một lực lượng mạnh.

Tuy nhiên chiến lược của Yamamoto không phải hoàn toàn dở. Hầu hết 104 khu trục hạm của ông có thời giờ nghỉ ngơi và tái huấn luyện. Ðây là vấn đề tối cần thiết, bởi vì tất cả những khu trục hạm này sẽ tham dự vào hàng loạt các trận đánh dữ dội và đẫm máu kéo dài thêm hai năm nữa. Trong các trận đánh này, khu trục hạm đã nắm vai trò tiên phong lần đầu tiên, và có thể cũng là lần cuối cùng trong lịch sử.

Một sai lầm to tát khác của Yamamoto là việc xé lực lượng khu trục hạm ra từng mảnh nhỏ để sử dụng ở quần đảo Solomon mà thường không có sự yểm trợ của phi cơ hoặc các chiến hạm lớn.

Dù vậy, các khu trục hạm này vẫn chiến đấu dũng mãnh trước các địch thủ vượt trội. Thêm vào nhiệm vụ chiến đấu, khu trục hạm còn lãnh nhiệm vụ chuyển vận binh sỹ. Những khu trục hạm được xưng tặng là “những chuyến tàu tốc hành Ðông Kinh” – Tokyo Express – thực sự là những con ngựa hùng hục kéo xe trên Nam Thái Bình Dương và cũng vì vậy mà sự hao mòn không sao tránh khỏi. Từ khi cuộc đổ bộ lên Guadalcanal của Hoa Kỳ phát khởi vào ngày 7 tháng 8 năm 1942, cho đến khi Nhựt triệt thoái khỏi hòn đảo này vào ngày 7 tháng 2 năm 1943, 12 khu trục hạm Nhựt đã bị địch quân đánh đắm.

Riêng các cuộc hành quân liên tục ở hải phận quần đảo Solomon từ tháng 3 đến tháng 11 năm 1943, tôi có tham dự trong tư cách hạm trưởng khu trục hạm Shigure, vào lúc ấy con số mất mát của loại tàu này cao hơn 6 tháng trước đó vì địch quân càng lúc càng nắm ưu thế trên không và radar của họ cũng được cải tiến. Chiếc Shigure của tôi là “Chuyến Tàu Tốc Hành Ðông Kinh” duy nhứt còn sống sót mà không mất một thủy thủ nào qua các trận đánh ở hải phận này.  30 khu trục hạm khác đều bị loại khỏi vòng chiến.

Các chiến hữu hải quân của tôi đã gọi chiếc Shigure (Mưa Thu) là “Khu trục hạm ma quái” hoặc “Khu trục hạm kiên cố” và tôi có biệt danh “Hạm trưởng phép màu”. Ðây có lẽ là giai đoạn thực sự vẻ vang nhất trong đời binh nghiệp của tôi.

Trung Hoa có câu tục ngữ: “Một con sư tử dồn hết sức mạnh để tấn công một con thỏ.” Hải quân Hoa Kỳ không khác nào con sư tử trong câu tục ngữ này, khi nó cố xé Guadalcanal và Tulagi vào bình minh ngày 7 tháng 8 năm 1942. Ðiều mỉa mai là phi trường Nhựt ở Tulagi vừa thiết lập xong ngày trước đó. Lực lượng phòng thủ của Nhựt trên đảo Tulagi ngoài 800 thủy binh, được trang bị một vài khẩu pháo và một số đại liên, ở đây chỉ có 9 thủy phi cơ chiến đấu và 12 thủy phi cơ quan sát không võ trang.

Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đã làm cỏ quân phòng thủ Nhựt ở Tulagi trong vòng hai tiếng đồng hồ, và một tiểu đoàn Nhựt khác ở Guadalcanal cũng nhanh chóng chịu chung số phận. Lúc đó “con sư tử” Nhựt Bản tức Hạm đội Hỗn hợp đang ngủ kỹ trên biển nhà cách hòn đảo này 2,700 dặm. Nhưng Yamamoto có một “con chó giữ nhà” nằm ở Rabaul, cách Guadalcanal 500 dặm. Ðó là Ðệ Bát Hạm đội của Phó Ðô đốc Gunichi Mikawa.

Xem thêm:   Oscar 2024

Hạm đội của Mikawa, bao gồm 5 tuần dương hạm nặng, 3 tuần dương hạm nhẹ và một khu trục hạm, rời khỏi Rabaul lúc 3 giờ chiều ngày 7 tháng 8, và tấn công hạm đội Hoa Kỳ vào giữa đêm 8 tháng 8. Các chiến hạm của Mikawa đã đánh chìm 4 tuần dương hạm hạng nặng và gây thiệt hại nặng nề cho một tuần dương hạm và 2 khu trục hạm của Hoa Kỳ và Úc Ðại Lợi trong một trận đánh kéo dài 30 phút. Mikawa chỉ thiệt mất tuần dương hạm Kako (bị tiềm thủy đĩnh S-44 của Hoa Kỳ đánh chìm hai ngày sau đó, khi các chiến hạm của ông đang di chuyển gần Kavieng). Mikawa đã đạt được một trong những chiến thắng trên mặt biển vang lừng nhất của cuộc chiến. Tuy nhiên, ông đã sai lầm khi bỏ qua không tìm cách tấn công các đoàn tàu tiếp tế cho Guadalcanal của Hoa Kỳ. Sau chiến tranh, sự sai lầm này của Mikawa vẫn còn bị cả hai phía Ðồng Minh và Nhựt Bản chê bai. Tuy nhiên theo tôi, Mikawa đã làm tròn nhiệm vụ “giữ nhà” của ông, và Yamamoto chính là người phải chịu trách nhiệm phần lớn lỗi lầm này, vì Yamamoto đã trói chân Hạm đội Hỗn hợp của ông trong hải phận Nhựt Bản.

Khi cuộc xâm chiếm Guadalcanal của Hoa Kỳ được báo về Nhựt, hai tai của “con sư tử” bị quào, nhưng nó chưa chịu thức dậy. Thiên hoàng Hiro Hito, đang nghỉ hè tại dinh thự mùa Hè của Ngài ở Nikko, nghe được tin này đã lập tức chuẩn bị trở về Ðông Kinh nhưng Ðô đốc Osami Nagano, Tổng tham mưu trưởng Hải quân, đích thân đến Nikko để bệ kiến.

Nagano giải thích với Thiên hoàng rằng: “Tâu bệ hạ, chuyện này không đáng để bệ hạ lưu tâm.” Và ông cho biết, theo tin tức “tình báo” của tùy viên quân sự Nhựt ở Mạc Tư Khoa gởi về, chỉ có 2,000 địch quân ở Guadalcanal. Nhiệm vụ của nhóm quân này là phá hủy các sân bay và sau đó rút lui khỏi đảo.

Tôi không biết có bao nhiêu loại báo cáo ngu xuẩn như thế đã được cung cấp. Nhưng dù cho có nhận được các báo cáo ngu xuẩn, các sỹ quan cao cấp cũng phải đánh giá bằng cách đối chiếu các nguồn tin tình báo khác mới phải. Cuối cùng, vào ngày 10 tháng 8, ba ngày sau khi cuộc đổ bộ được phát động, Bộ Tư Lịnh Tối Cao Hoàng Gia Nhựt mới ra lịnh cho 5,800 quân từng được dự trù dùng chiếm đảo Midway, đang nằm chờ ở Truk, tiến về Guadalcanal.

“Con sư tử” Yamamoto lại khép đôi mắt ngủ tiếp sau khi nghe tin cuộc “chiến thắng phi thường” của Mikawa, và nó chỉ lừ lừ và từ từ mở mắt ra sau khi biết được lịnh của Bộ Tư Lịnh Tối Cao. Ngày kế đó, 11 tháng 8, Ðệ Nhị Hạm đội của Phó Ðô đốc Nobutaké Kondo tách rời Hạm đội Hỗn hợp, di chuyển 2,700 dặm đến Guadalcanal. Hạm đội của Phó Ðô đốc Chuichi Nagumo nằm lại, với lý do những phi công trên hàng không mẫu hạm mới của ông chưa sẵn sàng tham chiến, nhưng với sự thúc giục ông đã gấp rút chuẩn bị ra khơi với lực lượng chánh của Yamamoto vào ngày 16 tháng 8. Vào thời gian này Sư đoàn 1 TQLC của tướng Vandegrift đã thiết lập căn cứ vững chắc ở Guadalcanal.

Qua các thay đổi vào phút chót, chiếc Amatsukaze của tôi được đặt dưới quyền sử dụng của Nagumo, người bạn cũ của tôi. Amatsukaze và 14 khu trục hạm gia nhập Phân Hải đoàn 10, quanh tuần dương hạm nặng Nagara (trở thành soái hạm của Nagumo từ khi chiếc Akagi bị đánh chìm ở Midway). Hải đoàn do Ðề đốc Susumu Kimura, một chuyên viên khu trục hạm chỉ huy.

Với vận tốc 18 đến 20 hải lý, chúng tôi tiến về phía Nam. Tất cả các khu trục hạm này đều có vận tốc tối đa 33 hải lý, nhưng nếu vận tốc càng cao mức độ tiêu thụ nhiên liệu của chúng càng nhiều. Theo chương trình, chúng tôi sẽ đến Truk vào ngày 20 tháng 8, nghĩa là vượt 2,000 dặm trong vòng 5 ngày. Sau đó chúng tôi sẽ tiếp tục tiến đến Guadalcanal.

Nửa đường đến Truk, chúng tôi nghe tin Nhựt Bản đã mắc một lỗi lầm khác ở Guadalcanal. Là vào đêm 18 tháng 8, 6 khu trục hạm Nhựt đã đổ 917 khinh binh lên bờ biển phía Ðông Guadalcanal. Nhưng lúc đó không có một ai trong Bộ Tư Lịnh Tối Cao biết người Mỹ đã đổ 20,000 Thủy quân Lục chiến với trang bị tối tân của họ lên hòn đảo này rồi. Lực lượng Nhựt sau khi đổ bộ đã tiến như vũ bão xuyên qua rừng rậm, và chỉ sụp bẫy của địch quân hai ngày sau đó. Kết quả, hơn phân nửa chiến đoàn này bị tiêu diệt, thành phần còn lại bỏ chạy tán loạn. Tin tức này làm Yamamoto nao núng. Ông lập tức đình chỉ kế hoạch tiến đến Truk và ra lịnh cho hải đoàn chúng tôi chĩa mũi thẳng về Guadalcanal. Nhưng hành động này đã quá trễ. Và Bộ Tư Lịnh Lục Quân Nhựt lúc đó còn nói chuyện hoang đường khi cho rằng hàng ngũ địch đang lung lay vì tinh thần tác chiến của binh sỹ Nhựt.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 21 tháng 3 năm 2024

Sau khi Trung đoàn 28 Bộ binh thuộc Lữ đoàn 14 của Sư đoàn 7 Shidan dưới quyền của Ðại tá Kiyonao Ichiki bị đánh tan, Lục quân quyết định tung thêm một trung đoàn nữa. Lực lượng này, thuộc Lữ đoàn 35 dưới quyền chỉ huy của Chuẩn tướng Kiyotake Kawaguchi, cũng bị đánh tan. Như vậy mà Lục quân vẫn còn chần chừ rất lâu trước khi tung hẳn một sư đoàn lên hòn đảo này. Là Sư đoàn 2 Sendai.

Tánh tự phụ của Yamamoto hoàn toàn biến mất vào ngày 20 tháng 8. Sáng ngày này, một phi cơ quan sát bay cách phía Tây Bougainville 500 dặm đã phát hiện một Task Force của địch quân, gồm có ít nhất một hàng không mẫu hạm, một tuần dương hạm và hai khu trục hạm, hướng mũi về phía Bắc với vận tốc 14 hải lý.

Việc hải đoàm chúng tôi ghé lại Truk đã bị Yamamoto bãi bỏ, nhưng lúc ấy tất cả các chiến hạm của chúng tôi đều gần cạn nhiên liệu và phải tái tiếp nhận từ các tàu chở dầu ngay trên mặt biển trước khi di chuyển tiếp. Lấy nhiên liệu trên mặt biển là một việc làm khó khăn và dễ gây tai nạn va chạm, và đặc biệt rất nguy hiểm trong thời chiến. Cả hai tàu chở dầu và tàu chiến phải chạy thật chậm, khoảng 6 hải lý và phải tung nhiều khu trục hạm để bảo vệ, đề phòng tiềm thủy đĩnh hoặc phi cơ địch tấn công vào mục tiêu gần như chết đứng. Chúng tôi thực hiện việc tiếp nhiên liệu này kéo dài đến 4 giờ sáng ngày 23, ngay lúc chúng tôi tiến vào hải vực cách phía Bắc Guadalcanal 400 dặm.

Hai dương vận hạm mang 1,500 binh sỹ dưới quyền Ðại tá Ichiki, chạy phía trước chúng tôi 50 dặm với sự hộ tống của 1 tuần dương hạm và 6 khu trục hạm thuộc Phân Hải đoàn 2 Khu Trục hạm. Theo kế hoạch, phân nửa lực lượng của Ichiki sẽ tấn công Guadalcanal và phân nửa còn lại sẽ tiếp liền theo sau đó, sau khi toán trước đã đổ bộ xong. Thêm vào đó, các đơn vị tăng viện thuộc Lữ đoàn 35 của tướng Kawaguchi sẽ được chuyển vận từ Truk đến.

Vào ngày 23 tháng 8, Phân Hải đoàn 2 báo cáo rằng các chiến hạm trực thuộc đã bị thám thính cơ địch phát hiện. Do đó, Yamamoto phải tìm cách đối phó. Một giải quyết hợp lý nhứt là tạm đình chỉ cuộc đổ bộ theo thời gian Lục quân sắp xếp, để nhường hành động quyết định cho Hải quân. Tuy nhiên, Yamamoto vẫn ra lịnh cho Phân Hải đoàn 2 Khu Trục hạm tiếp tục chuyển trung đoàn của Ichiki đến mục tiêu đúng theo kế hoạch, nhưng ông không đưa ra một lịnh nào cho đoàn tàu chuyển vận Lữ đoàn 35 của Kawaguchi. Yamamoto quyết định hạ gục Task Force của Hoa Kỳ, sau đó sẽ tiếp tục cuộc hành quân đổ bộ theo ngày giờ đã định.

Có những điểm trong quyết định của Yamamoto cần phải giải thích, và nếu giải thích theo sự việc xảy ra vào lúc đó thì không bao giờ lượng định được gánh nặng của người đưa ra quyết định ấy. Từ chiến tranh Hoa-Nhựt, vấn đề Lục quân khởi xướng kế hoạch và Hải quân tiếp tay đã thành truyền thống. Thoạt đầu, ý kiến của Lục quân trong cuộc hành quân Guadalcanal là đổ bộ một tiểu đoàn, sau đó là một trung đoàn và kế nữa là một lữ đoàn. Vì vậy, dù biết là sai lầm, nhưng nếu hải quân yêu cầu sửa đổi tức là phá bỏ truyền thống. Tuy nhiên, nếu Yamamoto biết rõ sức mạnh của địch quân trên đảo Guadalcanal, ông sẽ không ngần ngại phá bỏ truyền thống, nhưng không hiểu sao tình hình thực sự đã không đến tay ông. Quan tâm ưu tiên của ông lúc ấy là làm cách nào để bộ binh thiết lập một đầu cầu ở bờ biển phía Ðông Guadalcanal, việc này hình như chỉ là vấn đề thời gian, và tìm hết cách giữ cho được đầu cầu đó.

Kỳ sau: Chương XXI

Tokyo Express 

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships