Thời gian qua tiết mục Trong Hầm Rượu trên Tuần san Trẻ đã giới thiệu đến bạn đọc ba tập 15 Truyện Mùa Xuân, 15 Truyện Rừng và 15 Truyện Biển do Nhà Sống Mới in tại Sàigòn đầu thập niên 70. Từ tuần này tiếp tục với 15 Truyện Mạo Hiểm vẫn do Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác. [Trần Vũ]
Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác
Từng tảng mây đen, mọng nước, chập chờn từ ban sáng, đột nhiên tan vỡ cùng một lúc với ngọn gió vũ bão cuồn cuộn từ đâu tới… Chỉ trong vài phút, mặt biển phẳng lặng êm ả trở thành khối nước dạt dào với cả ngàn đợt sóng bạc đầu chỗ cao như núi, chỗ thẳm như vực.
Tiếng sóng vỗ hòa với sấm vang, sét nổ… Cơn phong ba khủng khiếp của biển khơi thực sự dữ dội vào khoảng xế trưa.
Ông Sơn vừa kịp lái chiếc thuyền đánh cá chúi vào khoảng vịnh nhỏ tương đối sóng êm gió lặn hơn.
Con thuyền tròng trành, lăn lộn, nhưng sức nặng của hàng neo sắt còn đủ sức giữ nó trong vị trí an toàn sau rặng đá nhấp nhô.
Người thủy thủ già tậu con thuyền máy này từ nhiều năm, đã quen với những trận cuồng phong như vậy. Dưới tấm mui mỏng manh có thêm chiếc bạt chắn gió, ông ngồi lặng như pho tượng; chiếc tẩu thuốc bằng răng hải mã, ngả màu vàng khè, bên mép. Thằng Ðô nép vào bên chủ, tóc đẫm nước, mặt tái mét. Nó mới 14, vào nghề chừng hơn năm. Chưa bao giờ chú bé gặp bão biển nên run bần bật. Nó hé tấm bạt, nhìn ra ngoài, nói to, át cả tiếng sóng:
– Dễ tối mới về được, ông nhỉ!
Ông Sơn gật gù:
– Cũng chẳng sao!… Thuyền mình đầy cá rồi còn gì!
Ông nói câu đó bằng một giọng tự phụ… Chẳng bữa nào lại đánh được nhiều cá như bữa nay. Có lẽ tại trở trời nên cá ăn lên… Chiếc thuyền máy khá lớn, vậy mà cả ngàn cá chim, cá thu, cá nụ…chồng chất trong khoang làm mạn thuyền mấp mé mặt nước.
Người ngư phủ chẳng hiểu sao cá cứ như tìm lưới mà chui đầu vào… Hai thầy trò luôn tay hàng giờ, hết quăng chài lại kéo lưới mà mẻ nào cũng ăm ắp những thân cá béo nẫn, lấp lánh như bạc. Khuôn mặt dăn dúm sẫm màu gạch già tươi hẳn lên:
– Chuyến này phát tài to, mày ạ!… Cá thu đang khan mà mình có tới non ngàn…
Thằng Ðô cũng cười theo để vui lòng chủ nhưng trong bụng ruột gan đang xoắn lên:
– Biết có về bến được không… Gió mỗi lúc một lớn… Thuyền lại nặng như chì thế này!…
Chợt nó nhỏm người lên:
– Ông ơi!… Coi kìa!
Phía ngoài xa, từ trong hốc sóng thăm thẳm, vừa nhô lên chiếc thuyền lớn, nghiêng ngả một cách thảm hại. Chiếc cột buồm đảo lia như lên đồng, còn cánh buồm đứt dây rách tả tơi, phần phật bay…
Thằng Ðô hổn hển không ra hơi:
– Gió mạnh nữa, chắc va vào đá ngầm mất…
Ông Sơn cũng nghĩ vậy. Ông lẩm bẩm một mình:
– Chẳng biết trên thuyền có mấy người… Phải 4 tay cừ mới lèo lái nổi… Giá họ chạy máy có phải đỡ không!
Con người lăn lộn với biển cả từ tấm bé này thừa kinh nghiệm để đương đầu với hoàn cảnh. Ông biết cơn bão mức trung bình thế này không đủ sức nhận chìm thuyền nào… Nhưng cứ trông vẻ thảm hại của con thuyền, đủ rõ thủy thủ trên đó còn non tay lắm.
Giá được kéo vào trong vịnh, may ra không việc gì.
Ông Sơn nghĩ vậy… Nhưng ai ra mà kéo!
Thuyền cá đầy nhóc của ông không đủ sức rồi!… Chỉ dăm đợt sóng là chìm mất tăm ngay.
Sau rặng đá nhấp nhô, chiếc du thuyền đôi lúc gần như biến đâu mất, phơi có chiếc cột buồm như cánh tay người sắp chết đuối giơ lên cầu cứu!
Người ngư phủ lì lợm chợt cởi chiếc áo mưa, thở dài:
– Tội quá… Thôi đành vậy mày ơi!
Ông ta quay lại phía Ðô:
– Giúp tao một tay… Mau lên!… Gió đổi chiều là hỏng bét!
Thằng Ðô ngơ ngác nhìn chủ: nó ngỡ ông phát điên chắc!… Khi không cứ hai tay vục cá liệng xuống biển, kỳ hông!
Những con cá tươi rói trắng như thỏi bạc ròng theo nhau lặn xuống làn nước cuộn sóng. Nó ghì lấy đôi tay gân bắp:
– Ô hay!… Ông làm gì vậy?
Ông Sơn giựt mạnh, gay gắt:
– Liệng bớt cho nhẹ thuyền… Làm đi!
Thằng Ðô không dám cãi, nó vớ chiếc thùng gỗ, xúc lấy xúc để…ruột xót xa như cào… Có bao giờ thầy trò được mẻ cá lớn như vậy đâu! Thực hoài của!
Cá vơi dần, con thuyền nhẹ bổng, nổi bềnh trên sóng.
Ðứa bé liếc nhìn người thủy thủ già… Nét mặt ông buồn thiu, nhưng cũng cương quyết lạ lùng.
– Nhổ neo, mở máy, mau!
Thằng nhỏ cắm cúi làm theo: nó bắt đầu thấy lòng mình ấm lên đôi chút… Mất của, nhưng cứu được người… Ðược phúc ghê lắm nhé!
–oOo–
Ðằng xa, chiếc du thuyền gặp nạn, chợt nhô cao, phơi ra khoảng mạn thuyền sơn xanh… Ông Sơn ghì chắc tay lái, đưa con thuyền về phía đó. Tiếng máy nổ ròn… Trong vịnh không có sóng lớn, thuyền đi băng băng; nhưng ra đến ngoài khơi, từng tảng nước ào ạt xối vào mái, vào boong vào khoang… Hai thầy trò ướt như chuột lột.
Thằng Ðô gò người lại… Mỗi khi thuyền chúi xuống nó tưởng chừng chết đến nơi… Trũng sóng sâu ơi là sâu… Như cái giếng không đáy… Chỉ một giây sau, chiếc thuyền máy lại theo nước vọt lên cao, như cọng rơm bị nước cuốn lúc mưa rào.
Nước ở đâu tràn vào lắm thế!… Nó tát nước mỏi nhừ. Ðôi cánh tay tê dại đi… Phía lái, ông Sơn vẫn vững vàng như tượng đồng. Bao nhiêu từng trải già dặn trong nghề được sử dụng vào giờ phút thử thách này. Qua làn mưa, đôi mắt còn tinh tường của ông phải nhận ra từng kẽ đá, đoán ra từng lượn sóng ngầm, để đưa thuyền tới đích…
Bây giờ hai chiếc cách nhau khoảng mươi sải; ông Sơn thấy rõ boong tàu trắng bong, phòng lái vắng hoe…
– Có ai trên đó không?
Tiếng gào của ông lẫn trong tiếng ì ầm của sóng gió. Giá có người cũng chẳng tài nào nghe thấy được.
– Ta quanh vài vòng coi!…
Người thủy thủ già cho thuyền máy lượn đi lượn lại… Vẫn chẳng thấy động tĩnh gì.
– Chẳng lẽ họ bệnh… Hay mất tích…
Ông gọi Ðô:
– Bẻ lái đây!… Mà nắm vững, nghe!… Bớt máy đi coi…
Ông Sơn bò lại đằng mũi, phía có cần trục với sợi dây cáp kéo lưới. Ông quấn một vòng ngang lưng, buộc lại…rồi ra hiệu cho Ðô ghé thuyền gần con tàu đang tròng trành như người say…
Thằng bé vừa rồ máy vừa dán mắt vào chủ… Nó không ngờ ông già lớn mật thực: sóng gió thế mà nhào xuống biển như không…
Thực ra người thủy thủ già cũng gian nan lắm. Thoạt đầu, một đợt sóng đập vào ông, nhồi một chập… Tới lớp sóng khác dội lên, kéo vọt đi như tàu Tây… Tưởng chết ngạt chắc!… Ông nhắm nghiền mắt, cố nhoai lên cao… Chợt tay ông đụng vào thành gỗ… Thoát!… Ông níu chắc lấy mép gỗ phía lái, như chết đuối vớ được cọc… Làn sóng ào qua…
Lúc này thở được dễ dàng hơn… Chỉ nhoai thêm vài cái, ông đã ngồi gọn trên boong tàu. Sợi cáp được buộc chặt vào cột buồm… Xong!… Ông Sơn thở hắt ra, nhẹ nhõm…
Công việc kể như xong được một phần… Thằng Ðô lại thấy chủ nhào xuống nước lần nữa… Lần này đỡ vất vả đôi chút; không vướng sợi dây nặng trĩu bên mình, chỉ vài sải bơi, ông già đã về tới nơi.
Phải khó khăn lắm mới giong theo được chiếc du thuyền vào vịnh. Nhờ ghềnh đá như chiếc bình phong chắn đầu sóng, ngọn gió nên vịnh biển tương đối êm ả. Sóng vẫn còn nhưng không đủ sức tác hại nữa.
Thằng Ðô thích thú nhìn chiếc du thuyền còn khá mới; cơn phong ba làm tơi tả cả “buồm loan”, buồm “câu”… Chiếc buồm “cánh én” chỉ còn một mẩu, cũn cỡn như đuôi hải âu… Nhưng du thuyền còn toàn vẹn. Hai thầy trò ngạc nhiên tới đờ người: thì ra thuyền trống không, chẳng có ma nào!
Ông Sơn tắc lưỡi:
– Cầu trời cho mọi người thoát nạn cả!
Thằng Ðô cũng mong vậy… Nhưng trong thâm tâm, nó vẫn hùi hụi tiếc mớ cá nẫn nà thế, mà phải liệng xuống biển.
–oOo–
Bão lắng dần… Nền trời hểnh nắng.
Về tới bến, ông Sơn mới hay: người chủ du thuyền, thấy bão lớn, không điều khiển nổi cánh buồm liền bỏ đó, liều mạng bơi về… Ông ta thoát chết, chỉ phải mẻ sợ hết hồn!
Chiếc du thuyền giữa biển được coi như thuộc về kẻ bắt được. Nhưng ông Sơn vui lòng cho người chủ chuộc lại, với nửa giá tiền.
Tính ra món tiền bất ngờ này còn đáng giá cả trăm mẻ cá lớn!… Thực là may mắn cho cả đôi bên.
Ông Sơn mua được chiếc tàu đánh cá lớn để ra khơi, đúng như lòng ao ước xưa nay. Thằng Ðô có thêm vài người bạn mới, phụ với nó, kể cũng thích.
Ðiều làm người ngư phủ kém vui là chẳng một dân chài nào tin câu chuyện thực của ông… Họ cười ngất:
– Có đời nào cả ngàn cá chim, thu, nụ, đé…đâm đầu vào lưới một lượt… Ðược dăm chục con đã là may rồi. Cha già thế mà dóc!…
Chỉ có thằng Ðô biết là thực… Nhưng nghe người ta cãi mãi, thét rồi đôi khi thằng bé tưởng dễ nằm mơ chắc!
NMT phóng tác
(Theo S. Thomas)
Trần Vũ đánh máy lại tháng 9-2023 từ tuyển tập 15 Truyện Mạo Hiểm của Nxb Sống Mới in tại Sàigòn trước 75.