Chương 19 phần 2 là chương tình cảm gay cấn nhất của toàn tập hồi ký. Nhưng vì sao Sakai từ hôn Fujiko, viện lý lẽ tàn phế không xứng đáng rồi anh sẽ lại kết hôn với Hatsuyo? Gì đó mâu thuẫn. Gì đó này, chính là tình yêu Sakai dành cho Hatsuyo vì không thực sự yêu Fujiko. Một chương hồi ký nhiều tính truyện Quỳnh Dao. [Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 22

Chương 19

Ngay khi tôi trình diện bịnh viện Yokosuka, một nhân viên đưa tôi đến phòng của vị y sĩ trưởng. Tôi đã quên mất, hôm nay là Chúa Nhật. Ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp, y sĩ trưởng không làm việc vào ngày hôm nay. Nhưng tôi đã ngạc nhiên khi thấy ông ta đích thân tiếp đón tôi. Ông ta mỉm cười khi nhìn thấy vẻ ngạc nhiên của tôi. “Tôi có dặn thông báo cho tôi biết ngay khi anh đến,” ông ta giải thích. “Tôi vừa từ bên chỗ trú ngụ sang đây. Tôi có nhận một lá thư riêng của Ðại tá Saito, yêu cầu tôi cố gắng bằng mọi cách để chữa trị cho anh.”

Ông ta nhìn tôi một thoáng. “Ðại tá Saito đã kể rành mạch cho tôi biết những gì mà anh đã làm ở Thái Bình Dương. Tôi biết anh là một phi công hạ nhiều phi cơ địch hơn tất cả những phi công khác của Nhựt Bản.”
Tôi gật đầu.

“Bây giờ tôi có thể hiểu rõ nỗi lo lắng của đại tá của anh. Ðến đây”, ông ta nắm lấy tay tôi, “chúng tôi sẽ bắt đầu khám anh ngay.”

Sau khi khám xong, ông ta đích thân đưa tôi xuống khu nhãn khoa. “Tôi có nhờ một bác sĩ nhãn khoa tài nhứt của Nhựt Bản chữa trị cho anh,” ông ta giải thích. “Bác sĩ Sakano nhập ngũ và hiện phục vụ trong hải quân với cấp bậc thiếu tá. Xứ sở của chúng ta chưa có y sĩ nhãn khoa nào tài giỏi hơn ông ta. Khi tôi được thơ của Ðại tá Saito, tôi đã báo cho bác sĩ Sakano chuẩn bị sẵn sàng để bắt tay vào việc chữa trị ngay khi anh đến.”

Tôi đang đối diện với giây phút định mạng. Tôi sẽ sớm biết tôi có thể nhìn thấy, tôi có thể bay trở lại được hay không.

Bác sĩ Sakano khám cho tôi. Nhiều phút sau, ông đứng thẳng dậy, mặt lộ vẻ nghiêm trọng và chậm rãi nói: “Phải làm liền. Tôi phải điều trị cho anh tức khắc. Anh còn nhìn thấy được nữa hay không đều tùy thuộc những gì mà tôi sẽ làm trong một giờ kế đây.”

Ông ngừng lại. “Sakai, tôi không thể sử dụng thuốc mê. Nếu anh muốn nhìn thấy, nếu anh muốn cứu ít ra là một con mắt của anh, anh phải chuẩn bị để chịu đựng tất cả sự đau đớn trong khi vẫn tỉnh,”
Tôi hơi choáng váng. Tôi lặng lẽ gật đầu, sợ ngay cả tiếng nói của mình.

Họ đặt tôi lên một chiếc giường cao, rồi nhiều nhân viên giúp việc lấy đai da và vải buộc ghịt chặt tôi xuống. Tôi không thể nhúc nhích tay chân. Ðầu tôi cũng bị buộc một sợi dây da để giữ chặt lại, và một nữ y tá đã vỗ vỗ vào đầu tôi để trấn an. Vị bác sĩ biểu tôi nhìn thẳng vào một ánh đèn đỏ chói treo trên trần nhà.
“Nhìn đi, Sakai” ông từ tốn nói. “Nhìn đi. Ðừng rời mắt khỏi ánh đèn đó. Ðừng nháy mắt, đừng đảo mắt sang nơi khác. Hãy để ý lời tôi dặn! Anh có thể đui mù cả đời nếu anh không làm đúng theo lời tôi dặn.”
Khủng khiếp! Hơn cả khủng khiếp nữa, đó là một nỗi đau đớn chưa từng gặp phải trong đời tôi. Tôi luôn luôn tự coi mình có một khả năng chịu đựng đau đớn vô song. Tâm niệm Samurai trong Bushido đã dạy tôi sự kiên nhẫn, tính chịu đựng, dưới mọi tình trạng khó khăn nhất.

Nhưng mà lần này! Tôi phải nhìn ngọn đèn trừng trừng. Nhìn cho đến khi tôi chỉ thấy màu đỏ chói tràn ngập mọi vật, cho đến khi bàn tay của vị bác sĩ chìa ra, mờ mờ ảo ảo, với dụng cụ bằng sắt nhọn và sáng loáng tiến gần hơn, gần hơn, gần hơn nữa.

Tôi thét lớn. Nhiều lần, tôi thét như một tên điên với nỗi hấp hối đầy khủng khiếp. Tôi cảm thấy không thể chịu đựng thêm một giây phút nào nữa. Ước muốn được bay lại, được thấy lại bây giờ trở thành đồ bỏ đối với tôi. Ðau chết được! Một lần tôi thét lên: “Ngừng lại! Bỏ hết, miễn đừng đau thì thôi!” Tôi cố né tránh lưỡi dao. Tôi cố thoát khỏi mấy sợi dây. Chúng được buộc quá chặt. “Im đi!” Vị bác sĩ la tôi. “Anh phải cố chịu đựng! Nếu không, anh sẽ đui mù! Ðừng hét nữa!.”

Sự hành hạ kéo dài hơn ba mươi phút. Nó dài bằng cả một triệu năm đối với tôi. Nó kéo dài vô tận. Khi công việc đã xong, tôi cử động một ngón tay cũng không nổi. Tôi nằm dài trên giường để thở, bất động. Vị y sĩ trưởng cúi xuống cố gắng để an ủi trong lúc ngực tôi nặng trĩu và tôi bật khóc nức nở.
Suốt một tháng tôi nằm miết trên giường bịnh. Tôi khổ sở. Ðời sống vô nghĩa đối với tôi. Tôi cứ nằm mơ thấy lại chuyến bay dài dằng dặc từ Guadalcanal trở về Rabaul của tôi.

Bác sĩ Sakano thường tới thăm bịnh tôi. “Tôi đã cố gắng hết sức” ông nói với tôi, “nhưng mắt bên mặt của anh sẽ không bao giờ hồi phục, anh chỉ có thể nhìn thấy những vật cách anh một hai thước. Riêng mắt trái của anh sẽ phục hồi hoàn toàn.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Lời nói của ông giống như lời nói của tử thần. Một phi công chiến đấu độc nhãn. Tôi cười một cách cay đắng lúc vị bác sĩ bước ra.

Vết thương trên đầu tôi lành lặn mau chóng. Bác sĩ cho phép tôi dạo quanh bệnh viện. Mỗi tuần tôi đều thỉnh cầu được xuất viện và được gởi lại Rabaul. Và mỗi tuần lời thỉnh cầu của tôi đều bị bác bỏ.
Cuối cùng, vị y sĩ trưởng có phản ứng khi thấy tôi cứ lảm nhảm nói mãi. Hiển nhiên là ông ta nổi giận. “Tôi cho anh biết, Sakai, còn nhiều tháng nữa anh mới có thể nghĩ đến việc trở lại Rabaul. Lịnh dứt khoát của tôi. Anh phải dưỡng sức ít nhứt sáu tháng trước khi anh được chỉ định vào bất kỳ nhiệm vụ nào, ở quê hương hay ở hải ngoại.”

Tôi cảm thấy giống như kẻ trốn chạy, một tên đào thoát khỏi chiến trường. Tôi nghĩ đến các phi công khác, nhứt là Nishizawa, Ota và Sasai, mỗi ngày họ đều ra trận. Ngay cả những tin tức liên quan đến cuộc chiến loan đi trên đài phát thanh, tôi cũng sợ nghe. Những tin tức nhắc nhở tôi nhớ đến Rabaul.

Một hôm, y tá thông báo: “Dưới lầu có hai khách đến thăm anh.” Tôi hoàn toàn không đoán ra ai. Hôm đó là thứ Năm, Cô em họ đến thăm tôi mỗi thứ Bảy, là ngày duy nhất Hatsuyo không phải làm trong xưởng nhồi thuốc đạn. Mỗi cuối tuần Hatsuyo mang hoa, trái cây đến ngồi bên tôi rất lâu và mỗi tuần tôi đều trông Hatsuyo đến. Tôi có viết cho má tôi đừng thăm viếng, vì má tôi phải đi từ Cửu Châu đến tận Yokosuka trên một hành trình dài 1,100 cây số, mà tôi sắp chuyển qua bịnh viện Sasebo trong vài tuần nữa. Má tôi cũng đã dọn lên Fukonoda, phía Bắc đảo Cửu Châu để sống với chị Cả và anh rể tôi. Tôi đợi ai thăm viếng, nên khi hai người khách đến thăm và bước vào buồng, tôi phải cố gắng nhận dạng họ, vì hai mắt tôi vẫn còn nhìn thấy mập mờ khi quá hai thước.

“Fujiko-san!” Tôi la lên vì quá bất ngờ.

Ðúng là nàng, đang đứng trên ngạch cửa với cha, giáo sư Niori. Tôi thấy nàng còn đẹp hơn lúc tôi gặp lần đầu cách đây 18 tháng ở Osaka. Hatsuyo đã viết thư báo tin cho họ. Khi gặp tôi, cả hai đều lộ vẻ lưu tâm đến thương tích của tôi. Giáo sư Niori lên tiếng:

“Hatsuyo-san cho chúng tôi hay là anh điều trị ở đây. Chúng tôi đã lo lắng cho anh biết nhường nào, Saburo-san! Nhìn thấy lại anh làm vơi nỗi lo sợ của chúng tôi. Chúng tôi đã rất lo cho tính mạng của anh.”

Tôi ấp úng, thấy mình thật có lỗi: vì đã nhiều tháng qua tôi không viết thơ cho Fujiko. Lời xin lỗi của tôi đầy vụng về chỉ tạo thêm ái ngại vì Fujiko đã viết cho tôi thật nhiều thơ, những bức thơ đầy tình cảm với những thùng quà tiếp tế khi tôi còn ở căn cứ Lae. Cha nàng khoát tay: “Không quan trọng. Chúng tôi đều biết những chiến công xuất sắc anh gặt hái ngoài mặt trận, chúng tôi vô cùng hãnh diện vì anh. Nhưng các vết thương của anh ra sao? Cho chúng tôi biết là anh sẽ sớm rời bịnh viện?”

Tôi chỉ cho họ xem bốn vết thương của tôi và, một cách buồn rầu, tôi chỉ con mắt bên mặt. “Con mắt này… con mắt này không còn nhìn thấy được nữa, các bác sĩ nói tôi sẽ duy trì tình trạng này suốt đời.”

Fujiko sửng sốt. Nàng đưa tay lên bịt miệng như cố ngăn nàng kêu lên. Hai mắt nàng trợn trừng. Tôi nhấn mạnh: “Ðó là sự thật. Tôi đã tàn tật. Mất một con mắt có nghĩa là chấm dứt cuộc đời phi công khu trục của tôi.”

Giáo sư Niori chận hỏi: “Như vậy… Anh sẽ giải ngũ sao?”

“Dạ, thưa không, tôi không nghĩ như vậy,” tôi đáp. Nỗi cay đắng dâng lên trong lòng. “Ở quê hương, giáo sư không thể nào hiểu được sức hút nhân lực của cuộc chiến khổng lồ này ra sao. Tôi không nghĩ rằng tôi sẽ rời quân ngũ. Hải quân sẽ tìm cách sử dụng tôi, làm huấn luyện viên hoặc một nhiệm vụ nào đó ở Bộ Chỉ Huy trên mặt đất chẳng hạn.”

Một thoáng im lặng. Khoảnh khắc đủ giúp tôi nghĩ đến cuộc hành trình xa hơn 800 cây số của họ từ Tokushima đến đây để thăm tôi. Ý thức mình thiếu lịch sự, đối đáp quá phũ phàng, làm tôi vội cám ơn họ. Fujiko tỏ vẻ thất vọng vì cung cách nghi lễ của tôi. Nàng muốn nói điều gì nhưng không thốt nên lời. Cuối cùng nàng quay mau về phía ba nàng và kêu lên: “Ba!”

Ông Niori gật đầu và hắng giọng: “Anh nghĩ khi nào được tái bổ nhiệm?” ông hỏi, mắt nhìn thẳng vào tôi. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên xúc tiến việc hôn nhân… việc này dĩ nhiên, nếu anh bằng lòng, Saburo!”
“Giáo sư… muốn nói gì?” Tôi thảng thốt. “Tôi không thể tin câu nói của giáo sư. Xúc tiến hôn nhân?” Ðầu óc tôi quay cuồng!

“Saburo, anh hãy tha thứ cho tôi,” ông Niori nói:“Tôi biết đem việc này ra nói với anh thật là đường đột.”
Ông đứng thẳng lên và nói tiếp một cách nghiêm trang. “Saburo, anh có chấp nhận con gái của tôi, Fujiko, làm bạn đời của anh không?”

Xem thêm:   mê tín dị đoan

Những tiếng nói ấy giống như những tiếng chuông vang dội trong không gian. Fujiko nhìn tôi với đôi mắt mở tròn, rồi bẽn lẽn cúi đầu nhìn xuống chân.

Tôi tránh nhìn nàng, tôi nhìn đăm đăm vào vách. Chính tấm vách đó, bao ngày tôi đã nhìn đăm đăm trong nỗi tuyệt vọng.

Cuối cùng, tôi ngần ngừ mấy lượt rồi nói:

“Giáo sư Niori, tôi… Dạ thưa, tôi rất lấy làm vinh hạnh khi nghe những lời giáo sư vừa nói. Nhưng…” tôi xúc động và cố dằn nước mắt. “Tôi, tôi không thể… nhận lời đề nghị của giáo sư.”

Xong rồi! Tiếng nói của tôi đã thoát ra. Tôi đã nói được điều tôi muốn nói.

“Hả?” Giọng ông đầy nghi ngờ. “Anh… anh đã có ý trung nhân?”

“Không! Dạ thưa không! Ngay cả nghĩ đến một người khác cũng không. Tôi không nhận lời vì một lý do hoàn toàn khác hẳn. Giáo sư Niori, tôi không thể nào nói tiếng “bằng lòng”. Không thể được! Giáo sư hãy nhìn tôi! Tôi không xứng đáng với cô Fujiko. Giáo sư hãy nhìn con mắt của tôi.” Tôi kêu lên: “Tôi đã đui một bên rồi!”.

Sự nhẹ nhõm tỏa khắp mặt ông.“Ồ! Saburo, anh không cần phải tự hạ mình như vậy! Ðừng tự làm khổ thân anh thêm nữa! Những vết thương của anh là những vết thương vinh dự, chúng không làm anh hổ thẹn. Anh không biết cả tư thế của anh nữa hay sao? Khắp nước Nhật hoan hô anh, ca tụng anh. Anh không hiểu rằng trong tư cách một phi công tài ba nhứt, vĩ đại nhứt của xứ sở chúng ta, anh đã trở thành một anh hùng dân tộc hay sao?”.

“ Giáo sư Niori, giáo sư chưa hiểu hết! Tôi chỉ nói với giáo sư sự thật, một sự thật mà chính giáo sư không thể nhìn thấy,” tôi nhấn mạnh. “Không hề có sự khiêm tốn nào trong lời nói của tôi. Một vị anh hùng là cái gì không trường cửu. Người anh hùng như một đám mây trôi nổi. Và tôi không phải là một vị anh hùng. Tôi chỉ là một phi công, một phi công không thể nào bay được nữa. Tôi là một phi công nửa mù nửa sáng. Có gì ở tôi đáng ca ngợi đâu! Tôi hết xài rồi! Anh hùng, quả thật … giáo sư đã biết xứ sở của chúng ta không có anh hùng cá nhân.”

Ông Niori lặng yên trong giây lát. “Có lẽ, tôi lầm lẫn phần nào,” ông tiếp. “Nhưng anh phải biết những gì tôi vừa nói không phải là yếu tố đưa đến sự quyết định của tôi. Nhà tôi và tôi đã “chọn” anh ngay lần gặp đầu tiên. Tôi hiểu biết những cảm nghĩ của anh, nhưng anh cũng phải hiểu biết một sự việc trên hết: Nhà tôi và tôi, cũng như Fujiko, tin tưởng anh là người duy nhất có thể mang đến hạnh phúc cho nó. Chúng tôi cũng hy vọng, cũng tin tưởng rằng con gái chúng tôi sẽ mang đến hạnh phúc cho anh.”

Tôi cảm thấy tim tôi hầu như tan vỡ. Có thể nào người đàn ông tốt lành và tuyệt diệu này không hiểu hết những gì tôi muốn nói? “Làm sao giáo sư có thể xét đoán được một người chỉ qua một lần gặp gỡ?” Tôi nói.

“Cả một đời của Fujiko, hạnh phúc của nàng, đâu có thể được đặt trên một lần gặp gỡ. Tôi không thể nào hiểu nổi lời đề nghị của giáo sư, cho dù tôi chưa từng gặp danh dự nào lớn hơn danh dự mà giáo sư đã mang đến cho tôi hôm nay.” Tôi lộ vẻ nóng nảy: “Có nhiều người khác xứng hợp với Fujiko hơn. Hàng ngàn thanh niên học cao, tương lai đầy hứa hẹn. Thưa giáo sư, còn tôi, tôi có thể cung hiến cho ái nữ của giáo sư những gì? Những gì tôi có thể mang đến cho nàng? Một lần nữa, tôi xin giáo sư hãy nhìn kỹ tôi đi! Nhìn tôi đi! Tôi như vầy thì còn nói đến chuyện tương lai gì nữa?”

Fujiko không thể giữ yên lặng hơn được. Nàng ngẩng đầu lên và nhìn tôi đăm đăm. Tôi muốn trốn chạy khỏi căn phòng. “Anh lầm rồi, Saburo,” nàng dịu dàng nói. “Anh lầm rồi! Anh quá lưu tâm đến con mắt của anh! Anh đui hay không đối với em không thành vấn đề. Nếu cần, Saburo, nếu cần em có thể giúp đỡ anh.”
“Cô lầm rồi, Fujiko,” Tôi đáp. “Tôi biết cô can đảm, những gì cô thốt ra đều chân thật, nhưng hiện thời cô nói theo tình cảm. Cô không thể quyết định cả một đời dựa vào tình cảm đã qua rồi.”

“Không, không” nàng vừa nói vừa lắc đầu. “Anh không hiểu em. Ðây không phải là tình cảm nhứt thời. Anh không biết rằng em đã nghĩ đến cuộc gặp mặt này từ nhiều tháng nay. Em đang nói những gì em ý thức rõ.”

Không tới đâu, nếu cứ tiếp tục nói qua nói lại như vậy. Tôi sợ một lúc nào đó tôi sẽ nhượng bộ.

“ Thưa giáo sư Niori và cô Fujiko,” tôi cố chứng tỏ sự cương quyết trong giọng nói, “tôi không có ý định làm giảm giá trị của giáo sư và cô. Câu chuyện này không phải là vấn đề mặc cả. Tôi xin lặp lại, thưa giáo sư, những lời đề nghị của giáo sư hôm nay là một vinh dự lớn mà tôi chưa bao giờ nhận được. Nhưng tôi không thể nhận lời đề nghị phi thường này. Tôi không thể nào nhận lấy danh dự kết hôn với ái nữ của giáo sư, bởi lẽ tôi không xứng đáng. Ðó là lý do tại sao tôi phải từ chối.”

Xem thêm:   Trên lưng trời

Dù cho Niori nói cách nào tôi cũng vẫn một mực từ chối. Fujiko không thể nào chịu đựng được nữa, nàng ngả vào tay cha và bật khóc. Tôi muốn tự sát để trả lại những gì mà tôi đã làm, sự đau buồn mà tôi đã gây ra cho nàng. Nhưng tôi biết hành động của tôi không thích đáng, tôi đã xử sự như vậy chẳng qua là vì hạnh phúc của nàng. Cuộc hôn nhân có thể mang đến hạnh phúc bình thường ở hiện tại, nhưng những năm sau này kẻ chịu đựng buồn phiền sẽ là Fujiko.

Gần một giờ sau họ rời khỏi phòng tôi. Tôi không biết tôi đã đăm đăm nhìn theo họ bước ra cửa bao lâu. Cuối cùng, tôi quay vô phòng, buông thân rã rời trên giường. Ðó là giờ phút buồn thảm nhứt trong đời tôi. Nhưng mà tôi có thể làm gì khác hơn? Một ngàn lần vẫn là một câu đáp đến với tôi: “Không còn cách nào hơn”. Tôi đã gạt sang bên một vật tuyệt mỹ, chưa từng tiến đến tầm tay tôi bao giờ.

Hai ngày sau đó, Hatsuyo đến thăm tôi. Nàng không cười như thường lệ. Nàng ngồi xuống bìa giường và nhìn thẳng tôi. “Tại sao anh có thể làm như vậy, Saburo?” “Saburo!”  “Tại sao anh đối xử tàn nhẫn với Fujiko?”, nàng hỏi ngay khi gặp tôi. “Anh làm cho Fujiko đau khổ quá nhiều”. Hatsuyo cho tôi biết, từ bịnh viện trở về, Fujiko đã khóc suốt đoạn đường và khóc nức nở khi ghé thăm nàng ở Ðông Kinh. Giáo sư Niori đã yêu cầu chú tôi và Hatsuyo hãy tìm cách thuyết phục tôi.

Hatsuyo nhìn tôi một cách giận dỗi. “Saburo, họ nói anh đã từ chối, có lẽ tại vì anh không hài lòng những lời lẽ của họ. Ba em và em biết rõ gia đình đó lắm. Họ đều tốt cả. Tại sao anh làm như vậy?”. “Tại sao, Saburo?” “Fujiko đoan trang và thích hợp với anh!”

“Hatsuyo, em hiểu giùm anh”. Tôi van nàng. “Em đã từng sống nhiều năm thơ ấu với anh, cùng chơi chung với anh, em và tất cả mọi người trong gia đình đều biết anh quá rõ. Anh không hối tiếc quyết định của anh, cho dù nó đã gây cho anh nhiều đau đớn. Anh thực sự tin rằng anh đã hành động như vậy vì tương lai của Fujiko, và hạnh phúc của nàng.

Hatsuyo không đồng ý. “Họ nói anh từ chối vì anh bị thương.”

“Ðó chỉ là một phần lý do. Anh đã yêu Fujiko ngay từ khi gặp nàng lần đầu. Tình yêu của anh đối với nàng càng lúc càng sâu đậm. Suốt những tháng dài dằng dặc ở Lae và Rabaul, đối với anh, Fujiko đã trở thành người đàn bà vĩnh cửu trong đời. Chắc em khó thể hiểu nổi được anh đã từ chối vì anh yêu nàng!”
“Em không hiểu gì cả, Saburo!”

“Suốt thời gian anh ở hải ngoại, suốt những tháng năm đầy mệt nhọc ở Thái Bình Dương, Fujiko không bao giờ rời khỏi tâm trí của anh. Có lẽ việc này không mấy tốt khi đem bàn với em, nhưng anh phải nói sự thật. Rabaul là một căn cứ quân sự quan trọng, lúc nào cũng có hơn 10,000 binh sĩ Nhựt đồn trú. Thêm vào đó, thỉnh thoảng có cả một sư đoàn bộ binh ghé tạt qua.

“Em nghĩ thế nào khi những người đàn ông này xa nhà, xa vợ của họ? Có nhiều gái điếm ở Rabaul, giống như ở đây Yokosuka. Khi được nghỉ phép ở Rabaul không phải tất cả, nhưng đa số phi công đều biết qua bọn gái điếm này. Riêng anh, anh không bao giờ dính dáng đến. Niềm kiêu hãnh của anh không cho phép anh dây dưa với bọn họ. Anh muốn giữ mình trong sạch cho Fujiko, chờ ngày anh có thể ngỏ lời cầu hôn nàng.

“Trước khi bị thương, anh đã nghĩ đến nàng trong tư cách một Sakai phi công tài ba, không hề biết sợ hãi, một người đàn ông kiêu hãnh của nàng. Nhưng mà hiện tại? Không!” Tôi lớn tiếng. “Anh sẽ không cần đến lòng thương hại! Em có nghĩ là anh muốn duy trì lòng thương hại của Fujiko không? Không bao giờ! Bây giờ em hiểu anh rồi chớ?”

Hatsuto nhìn ngay mắt tôi. “Em hiểu, Saburo, em hiểu anh rất nhiều. Em luôn hiểu anh từ khi còn bé. Nhưng em không tránh khỏi buồn giùm cho Fujiko.”

“Fujiko sẽ hạnh phúc hơn. Nàng sẽ…”

Nhưng Hatsuyo chận lời tôi bằng cách choàng tay qua cổ tôi và kéo tôi đến gần nàng. “Tội nghiệp anh, Saburo! Phải hy vọng… anh phải tin tưởng. Anh sẽ bay trở lại. Em biết anh sẽ được bay trở lại! Em tin tưởng vô cùng là anh sẽ còn bay nữa. Anh sẽ lại hòa vào mây, Saburo! Em sẽ cầu trời khấn Phật hằng đêm cho anh thỏa nguyện.”

Kỳ sau: Chương XX

Gặp lại Nishizawa

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles, Nxb Presses de la Cité, 1957

Minh họa tài tử Ayase Haruka và Koyuki Kato