Tháng 7-1942 Sư đoàn 55 Biên Trấn Nhật Bản của Thiếu tướng Tomitaro Horii đổ bộ lên Buna, bên này bán đảo Papua New Guinea, với sứ mạng vượt 160 cây số rừng già để tiến xuống phía nam đánh chiếm pháo đài Moresby, phá cửa ngõ cuối cùng vào Úc châu.

Một nhiệm vụ bất khả, ngay cả đối với Sư đoàn 55 danh hiệu So-heidan, chuyên tác chiến ngoại biên, là đơn vị đã chiếm Guam, bắt sống Thống đốc George Johnson McMillin và đánh bại Lục quân Anh tại Miến Điện trong năm 1941.

Bất khả, vì Đồng Minh dàn Sư đoàn 32 Bộ binh Mũi Tên Đỏ, “The US Red Arrow Division” với các Lữ đoàn Thép, The Iron Brigades và Sư đoàn 7 Dã chiến Úc-Đại-Lợi là sư đoàn đã tử thủ tại Tobruk, đẩy lui Quân đoàn Châu phi của Rommel. Các cựu quân nhân VNCH tham dự Hạ Lào 1971 đều biết: chiến tranh miền núi bất lợi cho phía tấn công. Các sĩ quan VNCH từng kiểm chứng quân đội Úc tác chiến rất giỏi trong rừng rậm. Không ngẫu nhiên, vì bắt nguồn từ truyền thống trận Buna. Phía Úc tăng cường thêm 3,000 binh sĩ thổ dân của các Chiến đoàn Dân Sự Vụ Chiến đấu và chi đoàn chiến xa nhẹ M3 Stuart. Thống tướng McArthur có ưu thế đánh trên đất nhà với hải cảng Darwin làm trạm trung chuyển tiếp tế, và hậu phương Queensland ngay phía sau Port Moresby.

Ít hơn 1/2 quân số, tiếp vận yếu kém, không pháo binh nặng, không cơ giới, không hải pháo vì đã tiến sâu vào rừng rậm, lính Nhật kiệt sức khi còn cách Moresby 32 cây số. Không phải cách 1 dặm như Sakai viết, đây chỉ là những toán viễn thám mà thôi, các Trung đoàn 112 và 144 Bộ binh của Sư đoàn 55 Biên Trấn hãy còn cách Moresby bằng khoảng cách từ Biên Hòa vào Sàigòn. Đuối sức, Thiếu tướng Tomitaro Horii tháo lui rồi tử trận. Vinh thăng Trung tướng. Vẫn là một thất bại.

Quận lỵ Buna chỉ cách căn cứ Lae 268 cây số đường chim bay và cách Port Moresby 304 cây số, nên phi đoàn của Sakai nhận lệnh không yểm cho Thiếu tướng Tomitaro. Lần đầu tiên các phi công Samurai chạm trán với phóng pháo cơ Douglas SBD Dauntless là máy bay oanh kích đâm bổ đánh chìm nhiều chiến hạm Nhật nhất trong Thế chiến. Cũng lần đầu tiên xuất hiện chiến đấu cơ Grumman F4F Wildcat của US Navy. Cả hai kiểu máy bay trên, tuy bay chậm hơn Mitsubishi Zéro, khiến Sakai và các đồng đội anh khinh dễ, nhưng vỏ thép dầy với thùng xăng hàn kín giúp tăng sức chịu đạn, sẽ thành đối thủ lỳ lợm. 

Chương kế tiếp, Đô đốc Nimitz tư lệnh Pacific Fleet tổng phản công tái chiếm quần đảo Solomon. Những trang sử oanh liệt của Sư đoàn 1 Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, hậu cứ Camp Pendleton, viết trên bãi cát Guadacanal. Những trang sử tiếp theo, ra ngoài hồi ký Samurai, của The First US Marine Division sẽ viết trên đất Chu Lai -Trung phần Việt-Nam- vào tháng 3-1966.

 [Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 17

Chương 17

Chúng tôi bước qua giai đoạn mới của cuộc chiến vào ngày 21 tháng Bảy, khi một sư đoàn bộ binh Nhựt đổ bộ lên Buna, cách phía nam Lae 268 cây số. Bộ binh lập tức mở đường xuyên qua rừng già dầy bịt trên đảo để tiến đến hải cảng Moresby. Nhìn trên bản đồ, cuộc điều binh không mấy gì khó khăn. Buna giống như một hòn đá được quăng ra từ Moresby để nối liền eo biển giữa nó và bán đảo Papua. Nhưng tình trạng các hòn đảo rừng rậm trên bản đồ hoàn toàn khác biệt với tình trạng nghiệt ngã phía dưới những tàn cây kín như bưng. Bộ Tư Lịnh Tối Cao Nhựt đã sai lầm khủng khiếp và chết người. Trước khi cuộc hành quân này chấm dứt, Nhựt Bản phải chịu đựng một trong những tai họa bi đát và nhục nhã nhất.

Rặng núi Owen Stanley có lẽ còn cao hơn rặng núi đáng sợ Alpes. Nếu chỉ mô tả rừng rậm dầy bịt trên sườn núi không thôi thì e quá dễ dãi. Dưới đời sống của cây cối còn nhiều sự tàn bạo không thể tưởng tượng nổi. Nếu không có những ao đầm, những bãi lầy dưới chân thì cũng phải là những tảng đá bén như dao cạo, những cái dốc thẳng đứng. Ðó là không nói đến các loại sên vắt, khí hậu nóng bức đến nghẹt thở, và những chứng bệnh chết người không thể tìm ra nguyên nhân.

Vượt qua băng tuyết trên rặng Alpes có lẽ còn dễ dàng hơn vượt qua rừng rậm của dãy núi Owen-Stanley. Ðơn vị nào lọt ngay vô một bãi lầy thì kể như tiêu luôn. Khí hậu vừa nóng bức vừa ẩm thấp khiến cho các sây sát hoặc vết thương lở loét thêm. Từ mọi lỗ chân lông mồ hôi tươm ra cho đến khi nước trong người khô cạn. Ðồ trang bị hư hại, quần áo rách tả tơi, đôi chân bị cắt nát bấy bởi đá, gai góc và lá cây sắc nhọn như dao.

Trong nhiều tháng ròng rã, lực lượng bộ binh của chúng tôi đã xung đột với một kẻ thù tồi tệ nhứt mà họ chưa từng đối diện bao giờ. Một kẻ thù không có súng ống, không đặt mìn bẫy, nhưng đã lần lượt nuốt trọn hàng ngàn binh sĩ Nhựt. Nhiều đơn vị cũng lập được chiến công siêu phàm, tìm đường lần mò đến gần mục tiêu chỉ định, pháo đài Moresby, trong vòng một dặm. Nhưng các đơn vị này đều bị tiêu diệt, đa số chết đói vì loay hoay trong rừng rậm không tìm được lối thoát.

(*) Thất trận Buna của Nhật Bản thêm dễ hiểu nếu nhìn vào phóng đồ hành quân Lam Sơn 719: Từ Khe Sanh đến Tchéphone chỉ cách 65 cây số đường rừng mà 3 sư đoàn thiện chiến nhất của VNCH, với không yểm hùng hậu của Hoa Kỳ, chạm đích là bị đánh bật. 160 cây số rừng già từ Buna xuống Moresby là Đường đi không đến.   

Cuộc tấn công trên bộ là một cựa quậy tuyệt vọng. Trước kia Bộ Tư Lịnh Tối Cao Nhựt đã sắp xếp một cuộc tấn công Moresby quy mô, cả hai mặt đường biển và đường bộ. Nhưng kế hoạch này đã bị bãi bỏ vào ngày 7 tháng 5, khi hai hàng không mẫu hạm Nhựt đụng độ với hai hàng không mẫu hạm của địch trên biển San Hô. Ðây là trận hải chiến đầu tiên mà tàu cả hai phía không bắn một phát súng nào. Mỗi lực lượng chỉ sử dụng phi cơ oanh tạc lẫn nhau. Chúng tôi thắng trận này, nhưng địch quân đạt được mục đích của họ: cuộc tấn công thủy bộ như dự tính đã bị bãi bỏ.

Xem thêm:   Dubai

Với cuộc đổ bộ của bộ binh ở Buna, Tổng Hành Dinh Rabaul ra lịnh cho chúng tôi đình chỉ các cuộc tấn công Moresby, và tất cả các phi cơ quay sang không yểm cho cuộc đổ bộ. Cuộc đổ bộ Buna, mà sự thất bại đã nhìn thấy ngay khi nó được phát động, chỉ là một phần trong một cuộc hành quân rộng lớn hơn. Sự thất bại này không chỉ do rừng rậm gây ra, nhưng còn do sự thiếu hiểu biết về các vấn đề tiếp vận của giới chức chỉ huy. Sự yếu kém này, phối hợp với những chuyển động vượt trội của đối phương, một thảm họa đã cầm chắc trong tay.

Cùng lúc với cuộc đổ bộ ở Buna, một đơn vị xung kích đã nhảy lên mũi cực Ðông của đảo New Guinea. Làm việc ngày đêm, đơn vị này thiết lập được một phi trường mới bên ngoài rừng rậm ở Rabi, với ý định đổ tiếp liệu cho binh sĩ di chuyển từ đầu cầu Buna xuyên qua New Guinea. Thật lạ lùng, địch quân không dội bom lúc công việc thiết lập phi trường này còn dở dang, nhưng họ ghi nhận đầy đủ bằng không ảnh do phi cơ thám thính chụp. Tuy nhiên, khi binh sĩ của chúng tôi vừa hoàn tất nhiệm vụ, lực lượng địch đánh úp bất ngờ, và vét trọn đơn vị phòng giữ của chúng tôi. Ðó là một cú đánh đẹp mắt, Nhựt Bản thiết lập phi trường để cho phi cơ của Hoa Kỳ và Úc Ðại Lợi sử dụng.

Nhưng đối phương không hài lòng với phi trường của Nhựt khá đơn sơ này. Công binh của họ thiết lập những phi đạo mới trong khu rừng với một tốc độ tiến hành đáng kinh ngạc. Oanh tạc cơ hạng trung và chiến đấu cơ của họ đáp trên các phi đạo mới này, ngay khi còn đang dở dang. Và các cuộc không tập càng lúc càng gia tăng khối lượng phi cơ và bom. Không đêm nào mà không có những chiếc B25 Mitchell và B26 Marauder xuất hiện.

Trong ngày, Phi đoàn Lae phải cắt đặt thế nào để luôn luôn có 6 đến 9 chiến đấu cơ Zéro hoạt động trên không phận Buna, đồng thời phải duy trì một lực lượng bảo vệ phi trường. Nhiệm vụ bao che Buna quá sức chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn tìm cách ngăn chặn các cuộc không kích quy mô của đối phương nhằm tiêu diệt các đầu cầu đã thiết lập.

Ngày 22 tháng 7, trong một phi vụ bao che gồm 6 chiến đấu cơ Zéro, tôi bắn hạ thêm hai phi cơ địch, nâng tổng số nạn nhân của tôi lên 49.

Một vài tuần kế đó, chúng tôi vẫn giữ nhiệm vụ bao che khu vực bãi biển Buna, nhưng vào hạ tuần tháng Bảy chúng tôi phải đương đầu với một giai đoạn mới đầy xa lạ của cuộc chiến. Lịnh đưa xuống từ Bộ Tư Lịnh Tối Cao. Ðại tá Saito chỉ thị mọi phi công phải mang dù trong khi chiến đấu. Tôi có một cảm giác kỳ lạ với cây dù phía sau lưng và những sợi dây buộc quanh thân. Tôi chưa bao giờ bay với tình trạng gò bó như vậy trước đây.

Một lịnh khác đã làm chúng tôi ngơ ngác không khác gì lịnh mang dù. Ðại tá Saito ban xuống, từ nay trở về sau không có chiến đấu cơ nào được vượt qua rặng núi Owen-Stanley, và lịnh này không giải thích lý do.

Chỉ có một dịp duy nhứt, vào ngày 26 tháng 7, đã khiến tôi thấy lại hải cảng Moresby. Chúng tôi nghinh chiến 5 oanh tạc cơ Marauder trên không phận Buna, tôi bắn hạ hai chiếc rồi cùng với Sasai và Endo truy đuổi những chiếc còn lại. Chúng tôi vượt quá bên kia rặng núi, trái với lịnh đưa ra. Ðó là lần cuối cùng chúng tôi bay trên căn cứ của địch quân. Tình thế chúng tôi thay đổi nhanh chóng. Vào cuối tuần lễ đầu tiên của tháng Tám, chúng tôi bắt đầu đối diện với những tình trạng mà chúng tôi chưa bao giờ biết đến trước đây. Người Mỹ đã phát động một cuộc đổ bộ quy mô lên đảo Guadalcanal.

Ngày 29 tháng Bảy, Ðại úy Joji Yamashita quay về Lae, sau một phi vụ tuần thám ở Buna, với một tin tức gây xôn xao cả căn cứ. Lần đầu tiên các phi cơ của ông bị phi cơ của Hải quân Hoa Kỳ tấn công. Trước giờ chúng tôi chỉ đụng với Không quân của Lục quân Hoa Kỳ là USAAF. Lần này là US NAVY.

Ðại úy Yamashita đã báo cáo với Ðại tá Saito và Trung tá Nakajima rằng 9 chiếc Zéro của ông đã chạm trán với một lực lượng hỗn hợp bao gồm các loại chiến đấu cơ Grumman F4F Wildcat và oanh tạc cơ Douglas SBD Dauntless của Hoa Kỳ, được hướng dẫn đến Buna bởi các chiến đấu cơ P-39 Airacobra. Theo xét đoán của ông lực lượng này phát xuất từ Rabi. Ðây là lần đầu tiên các phi cơ của Hải quân Hoa Kỳ xuất hiện trong khu vực chiến đấu của chúng tôi.

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Tin tức về một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ đã di chuyển vô hải phận New Guinea là một điềm dữ, và các sĩ quan tham mưu của chúng tôi có vẻ xao xuyến. Nếu người Mỹ đưa được hàng không mẫu hạm vô hải phận này để phóng ra các cuộc tấn công vào Lae, Buna và Rabaul thì chiến thắng của họ ở Midway kể như có thật và đồng thời phủ nhận những mất mát quan trọng của họ trong trận đánh ở biển San Hô. Trước đó, Ðông-Kinh đã công bố rằng hạm đội của chúng tôi đã tiêu diệt hết hàng không mẫu hạm địch trong các cuộc đụng độ ở biển San Hô và Midway, nếu sự thật đúng như vậy, tại sao lại có một hàng không mẫu hạm trong vùng lân cận của chúng tôi? Chúng tôi bắt đầu nghi ngờ những công bố chiến thắng mà Ðông-Kinh luôn luôn lặp đi lặp lại.

Tuy nhiên, đa số phi công chiến đấu ở Lae đã ghi nhận tin tức với một thái độ khác biệt hoàn toàn. Ðêm đó, chúng tôi đã đặt nhiều câu hỏi với các phi công của Ðại úy Yamashita. Có bao nhiêu phi cơ của Hải quân Mỹ? Loại chiến đấu cơ F4F Wildcat có tốt hơn loại chiến đấu cơ P-39 Airacobra và Curtiss P40 Warhawk không? Các phi công US Navy tài giỏi bậc nào?

Những câu giải đáp của họ đã làm chúng tôi bền chí. Phi đội của Yamashita đã hạ 3 phóng pháo cơ Dauntless, 5 chiến đấu cơ Wildcat và 1 chiếc P-39 mà không mất một chiếc Zéro nào. Do đó những gì có thể xảy ra ở Midway, ở biển San Hô hoặc bất cứ nơi nào khác không còn quan trọng đối với chúng tôi nữa.

Chúng tôi chỉ cần biết trong bốn tháng liên tiếp vừa qua chúng tôi luôn luôn chiến thắng, và các phi cơ của Hải quân Hoa Kỳ xuất hiện chẳng qua là giúp cơ hội cho chúng tôi chiến thắng nữa.

Ba ngày liền các phi cơ mới của địch không thấy xuất hiện ở Buna. Vào ngày 30 tháng Bảy, chín pháo đài bay B17 tấn công khu vực đầu cầu đổ bộ, và cuộc tấn công xem như đã đạt hiệu quả. Chín chiến đấu cơ của chúng tôi chỉ bắn rơi được 1 pháo đài bay địch. Tôi đã gặt hái được chiến thắng này khi tôi đụng đầu với chiếc B17 trên mũi Nelson, với tất cả hoả lực tập trung vào mũi của nó. Chắc chắn viên phi công chính và phụ đều thiệt mạng, vì chiếc phi cơ khổng lồ đâm chúi xuống biển. Ðó là một trong những trận đánh khó khăn nhứt của tôi, vì tôi trở về Lae với nhiều vết thương ở cánh tay phải do đạn địch gây ra. Tôi chỉ thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, và các chuyên viên cơ khí phải làm việc suốt đêm để vá lại hàng chục lỗ đạn ở thân và cánh chiếc phi cơ của tôi.

Vào ngày 2 tháng Tám, hình ảnh của những chiếc phi cơ mới của Hải quân Hoa Kỳ biến mất trong đầu óc tôi. Khi ngày sắp hết, lúc bay quần trên Buna ở cao độ 12,000 bộ, chúng tôi phát hiện 5 chấm nhỏ li ti nổi bật trong mây, cách đầu cầu đổ bộ nhiều dặm. Hình như là những chiếc pháo đài bay và ở cùng một cao độ với chúng tôi. Tôi bay dọc theo phi cơ của Sasai và ra dấu những oanh tạc cơ đang đến. Ông gật đầu và chúng tôi cùng báo hiệu cho các phi công khác. Chúng tôi vẫn giữ đội hình, bay vòng quanh chầm chậm cho đến khi tiếng máy của năm oanh tạc cơ nghe thấy rõ ràng. Sasai giơ tay lên, lắc cánh phi cơ ra lệnh phá vỡ đội hình chữ V của chúng tôi và tấn công trực diện theo hàng dọc. Chúng tôi quăng các bình xăng phụ. 9 Zéro chống với 5 B17 và hầu hết chín chúng tôi đều là những phi công hàng đầu của Nhựt về số điểm chiến thắng. Sasai cầm đầu cuộc tấn công. Ota bay cách 500 thước phía sau ông, tiếp theo là Endo. Tôi ở vị trí thứ tư, cũng cách 500 thước, với hai phi công bên cánh là Yonekawa và Hatori ở phía sau đuôi, tức ở vị trí thứ năm và sáu. Nishizawa ở vị trí thứ bảy, kế đó là Takatsuka và cuối cùng là trung sĩ Yashio Sueyoshi. Chín chiến đấu cơ trải dài ra 400 thước và trên đó là những phi công tài giỏi nhứt Nhựt Bản.

Các pháo đài bay khép chặt đội hình khi chúng tôi áp sát. Phi cơ Sasai hạ xuống phía dưới chiếc oanh tạc cơ dẫn đầu rồi vượt lên và từ từ lăn tròn để nhắm “dưới cằm” của phi cơ địch. Giây thứ hai sau khi ông khai hoả và vượt lên, vừa vượt vừa bắn, từ các oanh tạc cơ, những dòng khói ria ra, nhưng đó là khói của các khẩu đại liên 50. Ðội hình của địch vẫn không thay đổi.

Thế rồi Ota lướt đến hành động giống như Sasai. Tôi nhìn thấy những tia đạn từ phi cơ của hắn trúng vào chiếc B17 dẫn đầu, và hắn lướt thẳng lên. Một tiếng nổ dữ dội rung chuyển mọi phi cơ xung quanh và bầu trời như bao phủ trong làn khói. Chiếc oanh tạc cơ không còn nhìn thấy nữa. Nó biến mất, tan ra thành muôn ngàn mảnh vụn do bom chất đầy trong phi cơ phát nổ. Ðó là một đòn sát thủ ngoạn mục nhứt trên không mà tôi được nhìn thấy từ trước đến nay. Tôi vui mừng khi nhìn thấy phi cơ của Ota vọt lên khỏi màn khói.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Lúc đó Endo cũng nhập cuộc, nhưng vô hiệu vì bị hoả lực chéo dữ dội của các oanh tạc cơ ngăn chặn. Bây giờ tới phiên tôi. Tôi kéo cần điều khiển nhè nhẹ về phía sau, chiếc pháo đài bay thứ ba lướt tới phía tôi chầm chậm. Gần hơn nữa và gần hơn nữa, tôi ấn cò súng. Không có tiếng nổ. Ðồ ngu. Tôi quên mở khoá an toàn, một sai lầm mà ngay cả những phi công mới biết bay chập choạng cũng không để mắc phải…! Tôi lộn nhào thật dữ dội để tránh chiếc B17 đang lướt đến chỉ còn cách tôi có 20 thước.

Tôi bị hoả lực bắn chéo của các xạ thủ địch. Chiếc Zéro lảo đảo khi những viên đại liên chọc vô thân, và tôi cảm thấy bị xốc khi nghe tiếng đạn xoi vô chất kim khí. Hiện thời tôi bối rối hẳn, và chiếc phi cơ phơi bụng lên trên. Tôi gạt cần điều khiển thật mạnh sang trái, chiếc Zéro lộn nhào thật dữ dội.

Ðại liên địch vẫn xẹt ngang tứ phía. Tôi lướt qua, nhưng không phải là không bị hư hại. Tôi chửi thề sự ngu dốt của mình, nhưng có chửi thì cũng đã quá muộn. Tôi hạ xuống phía dưới đội hình của đối phương, và vọt cấp tốc về phía các oanh tạc cơ để đánh nữa.

Nishizawa đang quất một cú đẹp mắt, hắn vừa xoay tròn chầm chậm vừa vượt lên, lăn tròn một vòng như chớp khi khoảng cách giữa hắn và phi cơ địch thâu hẹp lại, rồi rót một loạt đại bác vô thùng xăng bên cánh của đối phương. Tức khắc, lửa túa ra, lan thật mau, và trong một vài giây chiếc pháo đài bay biến thành một cuộn lửa khổng lồ.

Lửa hực theo chiều gió dọc theo thân chiếc B17 đang trôi đi tuồn tuột, rồi mũi cắm xuống đất. Lúc ấy Sasai đã quay trở lại chụp hoả lực lên một chiếc oanh tạc cơ  khác từ mũi đến đàng đuôi ở khoảng cách chỉ khoảng 150 thước. Thân chiếc phi cơ lãnh đạn lộn nhào về phải, mất kiểm soát. Tôi thấy lửa thò ra từ trong thân chiếc phi cơ, lan tới phòng lái và tháp súng thứ hai. Lửa dữ dội hơn trong vòng hai phút và một tiếng nổ đinh tai nhức óc vang lên, đánh dấu sự hủy diệt của chiếc B17 thứ ba.

Tôi vượt lên theo hình thắt nút dây, căng mắt dõi theo hai chiếc oanh tạc cơ còn lại, chúng đang rẽ về hai hướng khác nhau. Một chiếc đang hướng đến một mỏm núi chởn chơ, một chiếc quay ra biển. Tôi đang theo hướng chiếc đang bay ra biển gần nhứt. Chiếc B17 chao đảo liên hồi khi tôi cố chụp lên buồng lái và bên cánh của nó bằng những loạt đạn tầm dài. Ðại bác 20 ly của tôi hộc lên từng loạt.

Có điều lạ là chiếc phi cơ không chịu buông sức nặng trong mình ra. Nó vẫn trốn chạy với những trái bom mang theo. Tôi chúi xuống để lấy đà rồi lại vượt lên từ phía dưới chiếc oanh tạc cơ và khép khoảng cách vào phía cánh trái của nó. Chiếc B17 lớn hơn, lớn hơn nữa trong mắt tôi. To dần cho đến khi gần sát. Tôi vồ ngược lên, và đưa mắt nhìn những viên đạn chọc thủng cánh trái của nó. Thế giới như đổ sụp. Một màn ánh sáng gay gắt hừng hực tràn ngập bầu trời khiến tôi thấy tối tăm mặt mũi. Có một bàn tay khổng lồ tóm lấy chiếc Zéro và lắc qua lắc lại thật dữ tợn. Tai tôi điếc câm và tôi nghe mùi máu ứa ra từ trong mũi. Pháo đài bay thứ tư đã ra đi vĩnh viễn. Mỗi chiếc đều bị hủy diệt với chính những trái bom mang bên trong. Hiện thời chỉ còn lại một chiếc đang chạy về phía dãy núi. Tám chiếc Zéro ùa theo, giương nanh múa vuốt như lũ chó săn bu quanh một con heo rừng. Tuy nhiên mấy chiếc Zéro khó bắt kịp chiếc B17, vì lẽ nó đã thả hết bom để gia tăng tốc lực. Hướng bay của nó cắt ngang qua mũi của tôi, tôi nhận thấy đó là một dịp may để ngăn chặn trước khi nó tiến sâu vô đất liền.

Ngay khi gia tốc lên hết tối đa, lướt về phía trước, tôi phát hiện ba chiếc Airacobra ào xuống từ phía Ðông và tiến sát vào tám chiến đấu cơ Zéro đang truy địch. Ba chiếc P-39 bắt đầu vượt lên, định chụp mấy chiếc Zéro lơ đãng. Tôi xoay một vòng thật rộng, cũng với ý định chụp trước ba chiếc P-39 “lơ đãng” này.

Ngay khi chiếc P-39 đầu tiên vừa đặt chiếc Zéro bay cuối vào vòng ngắm thì tôi chúi xuống thật nhẹ nhàng. Chắc viên phi công địch sẽ không bao giờ biết được những gì đã xảy ra, vì ngay lập tức một loạt đạn đại bác và đại liên của tôi đã nghiền nát thân phi cơ địch ra từng mảnh, một cái cánh bay ngang qua thân chiếc Zéro của tôi. Tiếng súng tôi đã báo động cho tám chiến đấu cơ Zéro và lập tức hai chiếc Zéro xoay thân và chúi xuống theo hình trôn ốc và rớt ngay xuống hai chiếc P-39 kia, diễn tiến chỉ trong vòng một giây. Tôi ghi nhận đó là hai phi công vô địch Nishizawa và Ota. Mỗi người chỉ thổi một quả đại bác, và hai chiếc Airacobra biến thành hai cây đuốc rớt xuống.

Nhưng nhiệm vụ trên không vẫn chưa chấm dứt, chiếc oanh tạc cơ còn sống sót đã bỏ đất liền để quay ra biển. Tốc lực của nó có vẻ sút giảm, và với máy móc đã hư hỏng, việc chiếc oanh tạc cơ này bị chúng tôi kéo xuống đất chỉ là vấn đề thời gian.

Trở về Lae, khi chúng tôi cho các chuyên viên cơ khí biết đã tiêu diệt được 5 pháo đài bay, họ nhảy nhót vui mừng. Năm pháo đài bay B17 và ba Airacobra, một ngày làm ăn khá khiển!

Tuần sau: Chương 18

Khai trận Guadalcanal