Đại úy Junichi Sasai là cháu ruột của quả phụ Onishi, vị đô đốc đã thiết lập các phi đoàn Thần phong cảm tử Kamikaze. Ngày Nhật Bản đầu hàng, Onishi mổ bụng tự sát. Cháu dượng của Onishi là Sasai, một phi đội trưởng đầy nhân tính dưới ngòi bút của Sakai. Tháng 5-1942 tại căn cứ Lae, “bộ ba quét sạch”, The famed “Cleanup Trio” của Sakai hun đúc kinh nghiệm không chiến cho chính thượng cấp của mình là “Đại úy Phi hổ” Sasai; nói lên tinh thần đồng đội sáng ngời của Phi đoàn Lae và giải thích vì sao họ đạt nhiều chiến thắng.

Khoảng tối trong hồi ký là vào khi ấy, Sakai hoàn toàn không biết đến thảm bại của thủy chiến biển San Hô mà mục đích nhằm đánh chiếm pháo đài Port Moresby, cửa ngõ vào Úc châu, mà Sakai oanh kích hàng ngày. Do tin tức bị giấu nhẹm. Kiểm soát thông tin phía Nhật không ngăn thủy chiến biển San Hô là một thất bại chiến lược. Hàng không mẫu hạm nhẹ Shoho (Triền Phụng) bị đánh chìm, 2 hàng không mẫu hạm nặng Shokaku (Tường Hạc) và Zuikaku (Thụy Hạc) bị hư hại và phải tháo lui. Ngay cả khi hàng không mẫu hạm USS Lexington của Hoa Kỳ bị đánh đắm thì giấc mộng Úc châu của Thiên hoàng vẫn tan ra mây khói. Từ đây, việc Đồng Minh phản công tái chiếm Lae chỉ còn là thời gian. Mũi kiếm Samurai đã không thể đâm thủng Moresby. Duy nhất tài năng của các Samurai kéo dài trận chiến.

Yếu kém của Nhật Bản là không có sự liên kết phối hợp chặt chẽ giữa Hạm đội viễn dương với các đơn vị đóng trên mặt đất, vì một tấn công phụ lực hay hộ tống của Phi đoàn Lae đã có thể đổi khác tình thế.

[Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 13

Chương 13

Những tuần lễ sống ở Lae giúp tôi biết tôn kính giấc ngủ. Cuộc sống của chúng tôi trong căn cứ đơn điệu như một cuốn kinh: Ban ngày chúng tôi bay hay trực chiến bên cạnh phi cơ. Ban đêm, ước ao duy nhất là được chợp mắt. Khốn khổ làm sao là kẻ địch lại nghĩ khác. Vì gần như hàng đêm, máy bay địch lợi dụng bóng tối để thả từng chuỗi bom miểng và rưới từng tràn đạn lửa lên nóc doanh trại của chúng tôi.

Chúng tôi có thể nhịn ăn những món khoái khẩu hay sống chen chúc trong những túp lều ọp ẹp và ngay cả chấp nhận một phi đạo thô sơ, nhưng sẽ vượt quá sức chịu đựng nếu không cho chúng tôi ngủ. Các phi công Úc và Mỹ làm mọi thứ để bắt chúng tôi thức trắng đêm.

Tình trạng trở nên tệ hại đến mức nhiều phi công bỏ ra ngủ ngoài sân bay, trong những hố bom. Các cuộc không kích không ngừng nghỉ, những phi vụ liên tiếp và tiện nghi sa sút làm chúng tôi cáu kỉnh. Các sĩ quan đã phải làm gương sáng và khôn khéo tránh xảy ra va chạm giữa các phi công. Tôi tin rằng chính lề lối chỉ huy phi đoàn là yếu tố đáng phục nhất ở tiền đồn Lae, một ải địa đầu giữa rừng già.

Chỉ huy trưởng căn cứ, Ðại tá Masahisa Saito là một samurai đầy nhân phẩm và tiết chế. Một tư cách khác hẳn với những sĩ quan lục quân vây quanh Thủ tướng Hideki Tojo ở Ðông-Kinh. Ở bọn họ, niềm tự hào về đẳng cấp và sự tự phụ thể hiện với đầy tự mãn. Vừa trầm tĩnh, vừa có uy, Ðại tá Saito khiến cho tất cả các thuộc cấp đều muốn phụng sự. Mỗi khi máy bay địch không tập, đại tá luôn là người sau cùng vào hầm, sau khi các đồng đội của ông đã có nơi trú ẩn. Không cần nhấn mạnh là cung cách này đem đến cho ông một uy tín đáng kể! Với một phép màu khó giải thích, Ðại tá Saito đi qua hết chiến tranh không một vết trầy.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Nhưng vị sĩ quan nổi bật nhứt trong suốt binh nghiệp tôi đã gặp, chính là Ðại úy Junichi Sasai, là thượng cấp trực tiếp của tôi. Thời gian này Sasai chỉ huy phi đội khu trục sáng chói nhứt của Nhựt Bản. Dưới quyền Sasai là 4 cao thủ sát tinh lập chiến công nhiều nhứt: Nishizawa, Ota, Takatsuka và tôi. Tôi sẽ không nói quá khi quả quyết là tất cả những phi công thuộc quyền Sasai, đều sẵn sàng hy sinh để thế mạng cho phi đội trưởng trẻ tuổi của mình.

27 tuổi đời và còn độc thân, Sasai treo trên vách phòng của ông tấm chân dung vị anh hùng Yoshitsune, người chiến binh huyền thoại của tổ quốc. Không tuân thủ sự phân chia đẳng cấp bên trong Hải quân Hoàng gia, Sasai cũng không xem quân phục sĩ quan của mình là quan trọng hơn bất kỳ quần áo của binh sĩ nào. Chỉ là một tiểu tiết, nhưng nói lên rất nhiều đức tính của Sasai, đặc biệt trong khung cảnh của một truyền thống quân đội cứng rắn. Ngay khi vừa thuyên chuyển đến Lae, tôi đã vô cùng kinh ngạc chứng kiến những chăm sóc tận tâm và tỉ mỉ của Sasai cho sức khỏe và tình trạng của các phi công. Những quan tâm và hành động đó được ông thực hiện bất chấp giới luật của Bộ luật Ðẳng cấp Quân sự mà có lẽ là nghiêm ngặt nhứt trên thế giới. Theo giới luật này, mọi vi phạm, nếu thượng cấp cho rằng đã phạm lỗi, cấp dưới sẽ bị trừng trị thẳng tay, bằng đánh đập, thậm chí đánh chết. Ngay cả tại Lae, một căn cứ tiền tiêu giữa rừng rậm, quy định phân cấp vẫn còn hiệu lực. Không ai dám hình dung một chút vô lễ nào với sĩ quan.

Sasai, hiển nhiên nếu ông muốn, đã có thể tận dụng các đặc quyền của mình vì ông tốt nghiệp Hàn Lâm viện Hải quân danh tiếng Eta Jima, thánh đường của các học viện. Có thể các sĩ quan khác thầm trách thái độ khinh bạc của Sasai; tôi không bao giờ biết họ nghĩ gì, nhưng điều tôi kiểm chứng là Sasai thường xuyên khước từ tiện nghi của cư xá sĩ quan với vật dụng và giường chiếu tốt hơn, cũng không chật nêm cối, để xuống doanh trại của chúng tôi và chia sẻ thời gian của ông với chúng tôi trong nhiều giờ liền. Những hỏi han ân cần và chăm lo đó làm ấm lòng chúng tôi.

Từng tháng trôi qua, cường độ không chiến càng lúc càng gia tăng ác liệt trên không phận Lae. Cùng lúc việc tiếp tế sút giảm thảm hại. Và mặc dầu phi đoàn khu trục Zéro lập hết chiến tích này sang chiến tích khác, chúng tôi vẫn không thể chiếm lấy bầu trời của Ðồng Minh. Phi cơ đối phương càng lúc càng đông, phi công địch càng lúc càng xác quyết sự hung hăng của họ bằng cách nhào thẳng vào máy bay của chúng tôi, họ đang xây dựng một không lực tuyệt hảo. Khu trục cơ và oanh tạc cơ địch bay ngày đêm trên không trung, tấn kích không ngơi nghỉ các đoàn tàu của chúng tôi. Các tiềm thủy đĩnh Hoa Kỳ cũng đánh đắm nhiều thuyền Nhựt.

Kết quả của sự gia tăng hoạt động dồn dập của phía Ðồng Minh đã bắt buộc Bộ Chỉ Huy Nhựt Bản phải che giấu thuyền bè của mình vào ban ngày. Dĩ nhiên là các hải hành ban đêm không đủ cung ứng nhu vật liệu cùng phụ tùng cần thiết cho căn cứ Lae. Chúng tôi nhận tiếp tế càng lúc càng ít đi. Trong tình trạng bế tắc, Hải quân đành sử dụng tàu ngầm như một thứ dương vận hạm để tiếp vận. Chỉ là một phương cách tạm bợ, vì trọng tải của các tàu ngầm quá ít ỏi do chúng không được sáng chế cho công vụ chuyển vận quân lương này. Nhưng khi đói, đầu gối phải bò.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Sau cùng, chúng tôi nhận những gì tối cần thiết nhứt, đủ không chết đói và chiến đấu. Chút dư thừa được đong đếm kỹ càng cho đến hôm qua, cũng không còn nữa. Bia, Sakê và thuốc lá trở nên hiếm quý và rồi chỉ còn được ban phát như phần thưởng xứng đáng dành riêng cho những phi đội nào chiến thắng mà không hao hụt quân số!

Chúng tôi đặt cho Sasai biệt danh Ðại úy “Phi hổ”, chính vì ông luôn mang thắt lưng có khóa bạc mang hình một con hổ đang gầm. Cha của Sasai, một đại tá hải quân đã về hưu, đã cho đóng 3 dây thắt lưng với 3 mặt khóa giống nhau, một cho Sasai là con trai độc nhứt, và hai cho hai con rể là hai thiếu tá hải quân. Theo truyền thuyết xa xưa, hổ có thể rượt đuổi con mồi trên 1,800 cây số và luôn luôn trở về hang cũ. Là ý nghĩa mặt khóa bạc trên dây lưng của Sasai.

Là phi công khu trục nhưng do thiếu kinh nghiệm trận mạc nên Sasai ghi ít bàn thắng trong suốt tháng 4 và đầu tháng 5. Vì vậy Nishizawa, Ota, Takatsuka và tôi quyết định giúp Sasai trở nên một sát tinh. Chúng tôi bỏ ra nhiều công khó truyền đạt cho Sasai những tinh diệu của chiến thuật không chiến. Trong doanh trại hạ sĩ quan, chúng tôi dành nhiều thời giờ giải thích cho Sasai những sai lầm nào nên tránh và cách thức khống chế đối phương. Sasai gặp khó khăn tự định vị qua đồng hồ trắc-viễn-kế mỗi khi cho máy bay xoáy trôn ốc lúc không chiến. Nhiều bận chúng tôi cùng thực tập chung trên không để giúp Sasai khắc phục khuyết điểm này.

Ngày 12 tháng 5-1942, Sasai có cơ hội áp dụng những lời khuyên của chúng tôi trong giao chiến.

Chúng tôi bay gần pháo đài Moresby, trong một phi vụ tuần thám thông thường. Phi đội 15 chiếc Zéro, chia làm 5 toán hình tam giác, sáp đến gần 3 chiếc Airacobra đang cách chúng tôi 1 cây số rưỡi phía tay mặt và thấp hơn chúng tôi chừng 450 thước. Ðội hình hàng dọc cách nhau 200 thước của địch khá bất thường. Tôi lướt đến gần Sasai, ra dấu cho ông tấn công. Sasai gật đầu với nụ cười. Chúng tôi theo dõi máy bay của Sasai khi ông ngoặt gắt và đâm chúi. Cú đấm đầu của Sasai hoàn hảo. Ông lao xuống chiếc Airacobra sau chót vẫn không hay biết chi hết và bắn cháy nó với vài viên đại bác nhắm kỹ; chiếc P39 gẫy làm đôi. Sasai dựng thẳng chiếc Zéro sau cú đâm bổ ngoạn mục rồi lộn vòng vượt lên trên chiếc P39 thứ nhì từ bên trái. Khó tin là phi công địch vẫn cứ tiếp tục lối bay hàng dọc không thay đổi. Từ bên trên đối thủ 500 thước, Sasai nhào xuống lần nữa, lượn sang phải và tưới đại liên lên chiếc Airacobra từ đuôi đến đàng mũi. Chiếc P39 lắc lư dao động trước khi rơi vào một vòng xoáy rối loạn và nổ tung trên mặt đất. Viên phi công hẳn trúng đạn nên không thấy nhảy dù.

Sasai lập lại chiêu thức, nhưng lần này chiếc Airacobra thứ ba đã đề phòng cẩn mật. Ngay khi phi đội trưởng của chúng tôi đảo sang phải, mũi của chiếc P39 nhấc lên cấp thời, nhưng phi công địch đã chần chừ quá lâu. Hắn chỉ vừa khởi động là Sasai đã ghim ngập thân và cánh trái của chiếc P39 hàng tràng đạn. Cánh trái đứt lìa làm máy bay địch quay như bông vụ trong lúc rơi. Tôi khá ấn tượng với chiến thắng chớp nhoáng ấy. Bay bên cạnh, Nishizawa ném cho tôi một nụ cười thích thú rách đến mang tai.

Ba chiến thắng liên tiếp trong vài phút xác định Sasai là một sát tinh. Nhưng chưa là bài học duy nhứt trong ngày. Bài học tiếp theo mang tính chất khó khăn và dữ dội hơn rất nhiều. Trên đường về Lae, phi tuần của Sasai bay trước hợp đoàn của chúng tôi đến gần 3 cây số. Còn đang phấn kích với chiến tích huy hoàng vừa nãy của “Ðại úy Phi hổ” nên tôi không chú ý mấy đến khoảng cách này. Một sơ sót xém gây ra bi kịch khôn lường.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Trong lúc chúng tôi băng qua rặng núi Owen-Stanley thì một chiếc Airacobra đơn độc, từ trong một tảng mây dầy trên cao, bỗng vút ra như tên bắn và đâm thẳng xuống phi tuần dẫn đường của Sasai. Chưa bao giờ tôi thấy hối tiếc như hôm đó, là các máy bay của chúng tôi không được trang bị vô tuyến. Tôi không có cách nào báo động cho Sasai, và cho dù có xả hết tốc lực 550 cây số giờ, tôi cũng không bắt kịp chiếc P39. May mắn thay cho “Ðại úy Phi hổ”, thay vì tấn công trong lúc đâm bổ xuống trên đầu Sasai, viên phi công Mỹ lại lao xuống thấp hơn rồi mới quay ngược trở lên để bắn từ dưới bụng Sasai. Tôi chỉ còn cách 800 thước khi chiếc Airacobra hoàn tất thao tác cuối cùng. Tuyệt vọng vì bất lực, tôi nhấn cò đại bác, hy vọng tiếng nổ sẽ đánh động Sasai hoặc khiến phi công Mỹ nhận ra chúng tôi đông hơn mà bỏ cuộc. Phi công địch không đếm xỉa đến chúng tôi, nhưng Sasai nghe thấy tiếng súng của tôi, liền đảo vòng xoáy tức khắc với hai phi công bên cánh. Ðối phương hiểu ra tức thì chiếc bẫy đang ụp xuống. Ðến phiên hắn đánh vòng xoáy tìm cách bay lên cao. Nhưng tôi nắm thế thượng phong lúc này. Tôi đoán ngay khi chấm dứt vòng xoáy, kẻ địch sẽ phải chúi xuống vì tôi đã chặn đường lên của hắn. Tôi đánh vòng cung thật ngặt và lao dốc để vồ lấy khi hắn thoát ra. Nhưng hắn đã nhìn ra, hắn nhảy xổ ngay sang trái và đâm bổ hết tốc lực để tháo chạy. Nhưng rặng núi chắn ngang trước mặt làm hắn phải nhanh chóng vượt lên cao trở lại.

Một phi công thao lược tài tình, vì hắn bay sát rạt vách núi, không ngớt đảo lượn liên tục để tránh những mỏm đá vào phút cuối cùng. Tôi đuổi theo sát, thâu ngắn khoảng cách bằng cách cắt thẳng góc vào đường bay của hắn mỗi bận hắn đổi hướng. Hắn xoay chuyển liên tiếp tìm cách thoát, nhưng mỗi lần đều chạm trán một chiếc Zéro. Các đồng đội của tôi sắm vai phi công bên cánh tuyệt hảo. Chiếc Airacobra đã sập bẫy. Viên phi công Hoa Kỳ không còn cách nào khác hơn là tử chiến. Không chạy trốn, hắn nhắm bắn chúng tôi từng lúc. Tôi thu ngắn thêm khoảng cách, cho đến lúc chỉ còn cách 150 thước, tôi khai hỏa từng loạt đại liên ngắn nhưng chính xác. Cách 50 thước thì khói đen túa ra từ đầu máy và chiếc Airacobra đâm xuống vực. Ðám cháy đen nghịt.

Sau khi đáp xuống căn cứ Lae, Sasai tiến đến phi cơ của tôi, gương mặt ông biểu hiện ăn năn. Ông biết ông đã thiếu cẩn thận. Tôi giữ im lặng trong lúc các cơ khí viên trố mắt nhìn lỗ chỗ dấu đạn trên cánh máy bay của tôi. Thượng cấp của tôi ngập ngừng cám ơn. Bất thình lình ông chú ý đến các lỗ thủng chi chít như một bầy sao. Ngay lập tức, ông xem xét chúng, ông ngó đăm đăm rồi quay đi không thêm một lời.

Tuần sau: Chương 14

Điệu Vũ của Tử Thần

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles,

Nxb Presses de la Cité, 1957.

Minh họa từ trang War Thunder và Squadron Signal Publications

(*) 2 ảnh chụp Đại úy Junichi Sasai