Thời gian qua tiết mục Trong Hầm Rượu trên Tuần san Trẻ đã giới thiệu đến bạn đọc ba tập 15 Truyện Mùa Xuân, 15 Truyện Rừng và 15 Truyện Biển do Nhà Sống Mới in tại Sàigòn đầu thập niên 70. Từ tuần này tiếp tục với 15 Truyện Mạo Hiểm vẫn do Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác. [Trần Vũ]

Ðoàn khảo cổ cần cù làm việc cả tháng trời mới tìm ra dấu tích ngôi chùa cổ chôn vùi dưới lớp đất đỏ như son miền cao nguyên. Người sung sướng nhất là Dao… Anh đã tính toán theo mớ tài liệu hiếm hoi còn rơi rớt trong thư viện, và đề nghị đào xới vị trí không ai ngờ tới này. Anh có cảm tưởng ông Phát hoàn toàn tin ở khả năng của anh… Ông Phát là trưởng đoàn… Chắc chắn rồi đây sẽ cất nhắc anh lên địa vị khá hơn.

Dao không háo danh, nhưng luôn luôn ao ước rộng rãi quyền hành để thực hiện mộng khảo cổ của mình… Anh nghĩ chừng có thể tìm ra nhiều cổ tích quan trọng hơn nữa.

–oOo–

Bữa đó Dao về trễ hơn mọi người, anh hí húi bới trong hậu cung ngôi chùa vừa lộ thiên… Chiếc bệ gạch đổ nát còn phơi dăm mẩu đất nung khấp khểnh như hàm răng một thứ quái vật thượng cổ…. Dao cho đó là bệ thờ… Trên bệ thờ thường là nơi dựng tượng Phật. Chịu khó đào sâu chút nữa, may ra thấy tượng chăng! Mồ hôi bắt đầu nhỏ giọt trên trán Dao, cánh tay anh rã rời, sống lưng đau như dần. Anh vẫn chưa chịu buông cuốc chim nghỉ ngơi. Bây giờ trong gian chùa vắng ngắt chỉ còn vang tiếng cuốc xuống đất… Chợt anh reo lên, liệng cuốc sang bên: trong màu nâu sẫm của đất cát, Dao vừa thấy lóe sắc vàng óng của kim loại… Vàng y?… Ðồng thau?… Anh thận trọng bới đất bằng tay, nhẹ nhàng lôi ra một pho tượng Phật nhỏ xíu, khoảng hơn gang… Không phải vàng mà bằng đồng hun, mạ vàng…

Dao ngắm nghía pho tượng trên tay, mặt rạng rỡ:

– Tượng này phải non ngàn năm… Hiếm lắm đây!

Anh loay hoay nạy từng vụn đất dính vào lớp kim khí có chỗ bắt đầu loang lổ, vài chỗ tróc vàng, trơ lớp đồng hoen xanh… Anh cũng chẳng biết tại sao chiếc đầu pho tượng lại ngoẹo sang một bên, lộ ra một lỗ thủng từ ngang cổ xuống.

– Thì ra đây là pho tượng rỗng… Thảo nào!

Dao dốc nhẹ… Một cuộn giấy nhỏ, vàng màu ngà, nhú lên. Lần này Dao ngạc nhiên thực sự: chẳng biết anh sẽ khám phá được bí mật gì nữa đây?…

Anh cẩn thận rút tờ giấy, thong thả mở ra… Mảnh giấy làm bằng thứ vỏ một loại cây dó, mỏng và dai. Dao đoán chừng trên đó phải chi chít những vòng chữ cổ ngoằn ngoèo hoặc hình vẽ đặc biệt như trong các cổ mộ Ai Cập…. Nhưng anh thất vọng hoàn toàn: mặt giấy trống trơn, vỏn vẹn mỗi góc một hình chữ thập, nối chéo với nhau, làm thành một chữ X chẳng có ý nghĩa gì rõ rệt.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 9 tháng 11 năm 2023

Dao thừ người ra: 4 chữ thập hay 4 dấu cộng cũng vậy, có thể là một mật thư chăng?… Người đặt mảnh giấy trong pho tượng hẳn có dụng ý gì chứ?… Ai phí công làm việc đó một cách vô ích?

Dao mân mê tờ giấy, mắt đăm đăm nhìn nét vẽ bí mật đã phai mờ, bối rối lạ lùng. Ðây không phải là lần thứ nhất anh tìm hiểu một di tích cổ, nhưng lần này dấu gạch chéo quả đã đơn giản tới mức độ vượt khỏi tầm hiểu biết của Dao.

Vào khoảng xế trưa, anh tình cờ khám phá ra một điều mà từ trước anh chẳng bao giờ chú ý tới: đó là 4 pho tượng đá đặt tại 4 góc hậu cung ngôi chùa. Những pho tượng này sứt mẻ gần hết, có pho chỉ còn đôi chân nhưng cũng đủ cho người sành sỏi như Dao nhận được là 4 bức tượng cùng tạc theo một kiểu. Anh ngắm nghía vị trí các bức tượng, rồi ngẫu nhiên so sánh với hình vẽ trên giấy…

Có thể thế được chăng?… 4 dấu thập ác tượng trưng cho những pho tượng đá, không sai được!…

Dao buột miệng:

– Nếu vậy, hai đường chéo góc trên giấy cũng phải có ý nghĩa gì đây… Ðể coi!

Anh vội vã kiếm sợi dây dài, hí húi đo đạc, rồi kéo được hai đường thẳng nối bốn pho tượng theo hình vẽ. Giao điểm hai đường chéo góc này nằm ngay giữa nền nhà, trên phiến gạch cổ có nước men màu gạch cua.

Dao nghĩ chừng viên gạch đặc biệt này phải chứa đựng bí mật nào đó. Anh quên cả mệt mỏi, cũng chẳng nghĩ tới ăn uống nữa… Cái mê say của sự khám phá làm Dao thấy mình tỉnh táo hẳn ra. Tiếng cuốc bổ vào gạch lại vang lên…

Dao đã tính báo cho ông Phát hay, nhưng trong lúc hăng hái với công việc, anh quên khuấy đi. Thực ra, trong thâm tâm anh cũng muốn dành một ngạc nhiên thích thú cho người trưởng đoàn.

Lớp vữa đanh quánh ở kẽ gạch được nạy gần hết, Dao lách mũi chiếc cuốc chim cố bẩy mạnh… Phải 5, 7 lần, anh mới lật nổi khối đất nung rắn như đá tảng ấy sang một bên… Lần này Dao đoán trúng: dưới viên gạch lớn là một lối đi dẫn xuống dưới sâu, tối mò.

Dao mừng như mở cờ trong bụng:

– Có thế chứ!… Chẳng lẽ ngôi chùa lại không chứa đựng một bí mật nào đáng kể sao?

Anh với chiếc đèn bấm, chun người xuống lỗ hổng, bước lần trên các bực đá… Hai bên thành tường có dấu vết chạm trổ nổi hằn trên nền đá mòn nhẵn. Dưới ánh đèn, những hình thù kỳ quái hiện ra, nửa như dọa nạt nửa như chào đón.

Cuối đường hầm là một cửa đá vuông vức, chạm trổ công phu. Dao đã lo lắng chẳng biết cách nào phá nổi tấm đá tảng vững như thành đó, nhưng sau một hồi mò mẫm anh đụng phải chiếc núm đồng hun tròn vo phía trên cánh cửa. Khối đá ngàn cân tự nhiên chuyển mình, êm ru… Căn phòng hiện ra trước mặt Dao không lớn bao nhiêu, nhưng mới đẹp làm sao!

Xem thêm:   Chợ Bà Hoa

Tứ phía là tường đá trắng bong với hàng trăm pho tượng nhỏ đặt dài xung quanh. Trong ánh lấp loáng của ngọn đèn bấm, sắc đá cẩm thạch lâu năm như lóe sáng, khiến khung cảnh kỳ ảo lạ lùng!… Ngay giữa phòng là một bệ đá chữ nhật, phía trên đặt chiếc quan tài gỗ trầm hương, còn thoảng mùi thơm… Thì ra đây là ngôi nhà mồ, hay nói đúng hơn, là sinh phần của một chức sắc thuở xưa làm sẵn, nhưng chưa dùng tới, vì quan tài còn trống rỗng, không có xác người.

Dao đẩy chiếc nắp gỗ sang bên… Anh hy vọng tìm ra vài cổ vật trong đó… Nhưng anh giật thót người, quay phắt ra sau: anh vừa nghe tiếng rít gió ghê rợn của loài rắn!

Toàn thân Dao run bần bật… Cách anh khoảng vài thước trong luồng ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn gần cạn điện, hiện ra chiếc đầu dẹp với đôi mắt đỏ khé, bốc lửa của con rắn hổ… Loại rắn hổ có hoa đen, độc vào bậc nhất… Chẳng hiểu con rắn lọt vào đây bằng cách nào, do một khe hở trên nền đá, hay do người xây mộ nuôi trong này, để trừng phạt những kẻ tò mò, ưa quật mồ tìm bảo vật như…Dao chẳng hạn.

Dao đã đọc những sách nói về cổ mộ: phần lớn nếu không có rắn độc ghê gớm, thì cũng có thứ cạm bẫy hay độc dược nào đó…mà chỉ người có gia phả trong tay mới biết cách tránh né… Tất cả những ý nghĩ đó lóe lên như làn chớp trong trí não gần như tê liệt vì sợ hãi của Dao… Anh ân hận đã liều lĩnh lọt vào đây một mình… Tất cả khí giới trong tay Dao chỉ còn ngọn đèn bấm sắp tắt…

Thân hình cứng nhắc, nhẵn bóng của con hổ mang giống như lưỡi thép, có ánh xanh biếc, thong thả đu đưa… Tiếng phun phì phì, ngắn, khô lạnh, thoát ra từ chiếc miệng hé mở lóe đôi nanh cong vút, trắng phau… Những móc sắt kinh khủng đó lát nữa đây sẽ bấm sâu vào người Dao tiết theo chất độc có tác dụng giết nổi con trâu mộng trong vài phút đồng hồ.

Dao thấy các bắp thịt cơ hồ mềm nhũn… Cánh tay lực lưỡng của anh không còn sức đỡ chiếc nắp quan tài đang trĩu nặng bên mình… Nhịp lắc lư của con rắn độc có vẻ nhanh hơn… Tiếng rít gió gây ra một âm thanh rùng rợn trong cái vắng lặng của ngôi cổ mộ… Dao tưởng chừng mình ngất đi chắc: chỉ một vài giây nữa, con vật sẽ lao người phóng thẳng vào anh… Ai ngờ khám phá công phu của anh lại kết thúc thê thảm như vậy!

Ðầu óc Dao bấn loạn… Con rắn… Cái chết… Cỗ quan tài rỗng… Chẳng lẽ số phận an bài sẵn cho anh sao?

Trong phút giây kề cận đường tơ kẽ tóc với cái chết, Dao chợt tìm ra lối thoát… Không chắc chắn lắm, nhưng đó là lối duy nhất… Anh nghiêng mình, lăn thực nhanh vào trong chiếc hòm gỗ…buông mạnh nắp xuống. Cùng lúc ấy, thân hình con độc xà vọt đi như chiếc lò xo: nó chậm mất một phần mười giây đồng hồ… Ðà phóng của nó bị nắp gỗ chặn đứng.

Xem thêm:   Ai cứu Nguyễn Ánh khỏi sự lùng bắt của Nguyễn Huệ tháng 9-10/1777

–oOo–

Trong chiếc quan tài gỗ, Dao thở phào, nhẹ nhõm. Anh chưa biết sau này ra sao, nhưng hẳn hưởng giây phút thoải mái của kẻ vừa thoát chết đã!

Trong bóng tối dày đặc, anh nghe rõ tim mình đập liên hồi… Qua cơn xúc động, Dao bình tĩnh suy nghĩ… Có thể rồi đây, ông Phát và nhóm người trong đoàn khảo cổ sẽ nhận thấy sự vắng mặt bất thường của anh… Họ kiếm ra con đường hầm và vào tới đây… Nhưng ai sẽ là nạn nhân đầu tiên của con rắn?…

Anh đã nghe nhiều chuyện về loại rắn hổ sống lâu năm, nước da đã đổi màu này… Nó có thể trong một vài giây, cắn 5, 7 người rồi luồn mất dạng như giỡn.

Dao thở dài… Anh sẽ chịu trách nhiệm về những cái chết oan uổng đó. Dù chẳng ai truy tố, nhưng trên lương tâm anh, sẽ trĩu nặng mối ân hận ngàn thu…

Anh chỉ có một cách để chấm dứt chuyện phiêu lưu này: liều lĩnh ra khỏi quan tài, thoát căn mộ, báo cho mọi người biết. Dao tặc lưỡi:

– May ra con rắn quay vào hang rồi cũng nên… Cứ thử liều xem sao!

Anh hết sức cẩn thận sẽ hé nắp hòm… Cử động của anh nhẹ nhàng tới mức độ gần như không nhúc nhích chút nào. Từng ly, từng ly một, chiếc nắp gỗ nâng cao dần… Trong bóng tối phảng phất màu xanh lơ; chẳng thấy động tĩnh gì. Dao khấp khởi mừng… Thì ra con rắn đi rồi… Anh vừa toan đẩy nắp gỗ cao thêm chút nữa, thì bất chợt nhận thấy con rắn… Cái đầu dẹp, nhọn, với ánh mắt màu lửa chỉ cách mặt anh khoảng gang tay!… Dao thét lên, ngất lịm…

–oOo–

Ông Phát được nhóm thợ cho hay khám phá mới trong chùa, mà họ đoán là Dao tìm ra. Người trưởng đoàn kinh nghiệm này cho sắp đủ đèn đuốc, gậy gộc rồi mới tiến vào hầm…

Việc đầu tiên ông thấy là xác con rắn hổ dài ghê gớm, đầu kẹt giữa hai khe gỗ… Thì ra trong lúc ngất đi, Dao buông mạnh nắp hòm, đồng thời kẹp nát sọ con độc xà dưới phiến trầm hương!

–oOo–

Phải hàng tuần sau Dao mới lấy lại được thăng bằng của thần trí. Tất cả những bảo vật tìm ra trong ngôi cổ mộ không đủ làm anh quên nhanh hình ảnh khủng khiếp của chiếc đầu rắn ghé sát mặt mình, trong chiếc quan tài.

NMT phóng tác

(Theo S.Thomas)

Trần Vũ đánh máy lại tháng 9-2023 từ tuyển tập 15 Truyện Mạo Hiểm của Nxb Sống Mới in tại Sàigòn trước 75. Ảnh minh họa Lạc Sơn Đại Phật.