Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác

Con Bạch chào đời trong một góc chuồng chật hẹp cất sơ sài giữa rừng. Ngay lúc vừa mở mắt, nó đã nghe tiếng rít lanh lảnh của bầy voi rừng từ đâu băng ngang sườn núi. Thứ tiếng dữ dằn chẳng giống thú nào bắt chước được này – theo lời nhóm quản tượng gần trọn đời lăn lóc chốn thâm sơn – ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời con voi non sau này. Có điều lạ, là con Bạch, còn bé xíu, vừa nghe voi rừng đã ve vẩy đôi tai, đu đưa 4 chân, ra vẻ hiểu biết lắm!

– Dễ nó nặng tới một tạ.

Lão Đắc nói vậy. Chuyện này cũng thường thấy. Cái đặc biệt của con Bạch ở chỗ khác, mãi khi lão giơ cao bó đuốc nhựa thông, mới nhận ra … Lão Đắc là tay quản tượng già nhất ở đây. Qua tay lão có tới cả trăm voi rừng được huấn luyện thuần thục… Chỉ thoáng nhìn lão đã đánh giá một cách chính xác bất cứ con voi nào mới đem về hay vừa ra đời.

Đôi lúc vui miệng, bên bếp lửa ấm áp xua tan khí núi lạnh ngắt của cánh rừng về đêm, lão vẫn chỉ dạy đám đàn em:

– Cái hạng voi “tạp”… đầu nhỏ, da mỏng, vòi ngắn là đồ bỏ … Có uốn nắn cũng chẳng được việc gì. Đám voi “trung” khá hơn, thân hình cân đối, lại sáng dạ, khuân vác tốt, ít phá phách, thuộc loại ăn no vác nặng … Nhưng gặp được con voi “thượng” là nhất!… Giống voi chúa mà!… To con, gân bắp, vừa gan dạ, vừa trung thành. Nhưng hiếm lắm … Trăm con mới có một.

Vậy mà lần này, ánh đuốc vừa rọi sáng góc chuồng, lão đã nhận ra con Bạch thuộc hạng voi cao quý đó, lại là thứ tuyệt phẩm trong hàng voi “Thượng” mới lạ.

Mắt lão sáng hẳn lên vì vui mừng … Da con Bạch không có màu xám pha hường như voi non thường, mà thực là sáng, gần trắng hẳn, mới kỳ… Vì vậy, lão gọi ngay nó là Bạch.

Thực ra, lão chẳng lạ vì loài voi cũng sinh ra những con bạch tạng như những giống khác, và được mua với giá đắt… Có voi trắng trong đàn voi là có một kho tàng vô giá. Con Bạch cũng vậy, có điều da dẻ nõn nà hơn thứ bạch tạng thường.

Ngày mai, thế nào lão Sơn cũng đòi mua đây… Lão bán sang Xiêm hay Miến Điện là giàu to!

Lão Sơn là trùm săn voi cao nguyên. Cứ đầu mùa mưa lão tới đây kiếm thợ, để băng rừng, theo dấu đàn voi đi đón mưa, để dồn chúng vào bẫy.

Con Bạch lớn mau như thổi. Nó thuộc về lão Sơn thực, nhưng vẫn được người quản tượng già săn sóc. Hai mẹ con nó khỏi phải đi rừng, dự những chuyến dồn voi như những con khác. Lão Đắc cũng vậy: công việc của lão lúc này là vỗ cho con Bạch chóng mập để đưa sang Xiêm. Lão cắt cho nó những bó cỏ thơm, non bấy, ngọt như mía, đôi khi dẫn nó vào khoảng rừng thưa loáng thoáng mươi bụi tre để tìm măng.

Con vật hiền khô, nhiều lúc trầm ngâm hàng giờ, nhìn chỏm núi đỏ màu tà dương, đôi mắt nhỏ đen láy, sáng lên khi nền trời trĩu mây lóe ánh chớp. Tới mùa thu, nước ào ạt xối vào ngàn cây làm nó thích thú … Nó đưa chiếc vòi nhỏ hứng mưa tưới lên người cho làn da non thấm mát. Tiếng rừng đêm làm nó thẫn thờ… Nhất là những lúc có voi rừng băng qua, rít lanh lảnh như kèn đồng… Những lúc đó con vật xôn xao lạ lùng, tưởng chừng phát điên … Lão Đắc nhìn nó, lắc đầu:

– Tao biết tại sao mày sốt ruột … Trời sinh mày để dẫn đầu đàn voi kia, phải không?

Lão rành về voi lắm; nhưng trong hàng ngũ quản tượng chẳng ai kính trọng lão, vì càng già lão càng hay rượu, say khướt rồi ngồi rù bên mấy con voi già lẩm bẩm như trò chuyện với chúng … Được cái, voi dữ tới đâu gặp lão cũng dịu lại, còn lũ voi non thì sán lão như chó mến chủ. Nhờ vậy, lái Sơn mới chịu nuôi lão trong trại.

Cả chục năm nay, lão không dự chuyến dồn voi nào; có người nói lão sợ … Nhưng đa số còn nhớ có lần một mình lão dám đứng lại giơ bó đuốc ngăn con voi khùng vừa giựt đứt xích, trong lúc những kẻ thường vỗ ngực xưng là gan dạ đều bỏ chạy hết. Dăm người hiểu chuyện, biết lão thương voi; chẳng cứu nổi chúng, lão nhất định không nhúng tay vào việc săn bắt loại thú rừng đặc biệt này.

Phần lớn voi trong trại quen nếp sống thuần thục bên nhóm quản tượng quen thuộc, kéo gỗ hay săn đồng loại đều tận tình một cách trung thành. Chỉ có vài đêm trong năm, khi nghe tiếng voi rừng ngược về Nam đón mưa, chúng nhớ lại những ngày tự do, chợt giở chứng giằng giựt dây xích hay tỏ ra cứng đầu mất mấy bữa, rồi đâu lại vào đấy.

Riêng con Bạch khác: mặc dù sinh tại trại, trong cảnh giam cầm, niềm khao khát tự do chẳng phút nào không ám ảnh nó.

Con voi nhỏ càng lớn càng ghét tất cả: từ nhóm quản tượng dẫn mẹ nó đi làm, tới lũ trẻ con Thượng trần trùng trục, quẩn bên chuồng voi. Đôi mắt nhỏ, bắt đầu ánh chút sắc hồng, luôn hướng về cánh rừng rậm phía bên kia rặng núi, nơi ít ai đặt chân tới… Giang sơn hoang vu đó là của bầy voi rừng.

Nó chỉ mến riêng lão Đắc, người quản tượng già nua quanh năm khoác mảnh chăn rách, săn sóc nó từ khi lọt lòng. Mới 3 tuổi, con vật đã vượt hẳn đám voi non cùng trang lứa, nhưng cũng tỏ ra cứng đầu hơn cả. Nhóm phu làm gỗ nhìn nó, lắc đầu:

– Của này bất trị lắm đây!… Nuôi làm cảnh còn khó, nói gì bắt làm… Có về rừng được cũng đến bị tống khỏi bầy thôi!

Lão Đắc nghe họ nói vậy, chỉ cười; lão biết con Bạch thuộc giống voi đàn anh, sinh ra để hướng dẫn cả đàn kia! Cái dữ dằn của nó không phải nết xấu, mà là đức tính di truyền của dòng voi đầu đàn.

Giá không có chuyện gì xảy ra, có lẽ con Bạch được đưa qua Xiêm vào cuối năm. Nhưng người lái voi đã dại dột bán con voi mẹ cho một công ty khai thác lâm sản phía biên giới. Con Bạch ngẩn ngơ nhìn mẹ đi giữa đôi voi đực, theo lối mòn bắc ngang sườn núi, biến vào bóng cây dưới thung lũng. Lúc đó nó được 9 năm.

– Coi chừng con voi nhỏ đêm nay, nghen!

Lão Đắc nghĩ vậy… Dăm người quản tượng già cũng nghĩ như lão. Họ lấy dây chão đại, tết bằng lông đuôi ngựa, thứ chão hạng nhất, dai hơn xích sắt, cột con Bạch vào chiếc cọc lim đóng sâu hàng thước dưới đất.

Nếu đêm ấy, đàn voi rừng từ đâu tới, đừng rít lên từng hồi … thì con Bạch yên trí mình bị cột chặt, chẳng nghĩ chuyện rời trại.

Nó lắng nghe thứ tiếng quen thuộc vẳng theo gió ngàn rõ mồn một trong đêm vắng … thứ tiếng kỳ diệu có sức làm máu chảy mạnh trong huyết quản thôi thúc nó về rừng.

Chợt con Bạch rướn người, thân hình ngã về phía trước, kéo thẳng dây buộc chân sau… Lúc này nó mới ý thức được sức mạnh vô cùng của nó: sợi chão lớn đứt thực nhẹ, từng thớ cước một… cho tới lúc chẳng còn gì ràng buộc nó nữa.

Xem thêm:   Bến cá

Con Bạch lách qua dãy lều tranh, vượt khoảng đồng cỏ tiến về phía cánh rừng âm u nhuộm chút màu bàng bạc của vừng trăng hạ tuần vừa nhú cao. Chẳng gã quản tượng nào thấy nó rời trại … trừ lão Đắc. Nhưng lão không lên tiếng gọi lại … Mộng ước của lão như vậy là thành:

– Chỗ con Bạch đâu phải ở trại voi, dù là trại vua, chúa đi nữa … Cũng đến héo hon mất thôi!… Đi được là phải … Mươi năm nữa, nó dẫn đầu đàn voi cho coi!

Ý nghĩ đó khiến lão phấn khởi. Từ ngày săn sóc con Bạch đêm ấy lão mới ngon giấc.

–oOo–

Lũ voi rừng vểnh tai nghe ngóng khi thấy con Bạch nhập đàn. Màu da trắng của nó chẳng làm chúng ngạc nhiên chút nào. Riêng con đầu đàn nghiêng đầu, ngắm thân hình có vẻ lớn quá khổ của con vật mới tới, cặp mắt đỏ khé đăm chiêu… Bao giờ cũng vậy, nó nơm nớp ngại một địch thủ bất thần choán địa vị dẫn đàn. Nhưng con Bạch mới 9 tuổi … Ít ra phải 15 năm nữa, mới đủ sức thay thế nó.

Đàn voi khoảng non trăm, vừa đực vừa cái và vài chục voi non mới sanh trong năm, đang tiến vào núi, vào cánh rừng tre chớm nẩy măng đầu mùa mưa. Chúng chấp nhận con Bạch, như đứa con đi hoang, trở về.

Đêm đầu tiên trong rừng với con voi non, mới thích thú làm sao: sương lạnh làm mát da thịt, tiếng tre reo trong gió êm ru, dây leo quấn quýt, tàn lá thì thào, lớp cỏ gianh gợn sóng … Cái gì cũng như chào đón nó. Con Bạch theo đàn xuống ven sông, xua biến đàn nai vào bụi xa chút nữa, nó nghe tiếng phì phì bực bội của trâu rừng … Giang sơn này là của voi mà!

Nó vùng vẫy thỏa thuê trong làn nước mát rượi, như một thủy thần, chán chê rồi lên rừng cây chứa đựng trăm ngàn bất ngờ, chẳng bao giờ đoán trước được: Lúc thì gã tiều phu chạy vắt giò lên cổ, một con gấu ngựa lủi nhanh như chớp, hay đàn mang biến mất thật mau hoặc dăm bảy con trâu hung hăng, đợi tới phút chót mới đâm choàng vào khóm may gai góc, nhường lối mòn cho đàn voi.

Con Bạch quen dần nếp sống rừng rú, nhưng nó hiểu một ngày nào đó, nó sẽ phải đương đầu với con voi chúa … Đó là chuyện không tránh được. Trong khi chờ đợi, nó chẳng buồn thử sức với lũ voi cùng trang lứa làm gì: bao giờ nó cũng thắng cả, khiến nó phát ngán … không kể đôi lúc, nó xô ngã cả lũ voi tạp, già hơn nó cả chục năm, dễ dàng như rỡn trẻ nít.

Nhưng trong khi đó, lão Sơn tiếc hùi hụi: giá còn con Bạch, lúc này lão giàu to!… Lão cất công tìm nhóm thợ săn người Lào, nổi tiếng thành thạo. Giá con Bạch nghe được câu chuyện lão căn dặn gã trai tráng có nước da nâu bóng như đồng hun, chắc nó phát ngán:

– Chú chịu khó cho tôi… Nội vùng này, có chú là tài thả tròng nhất. Chú muốn bao nhiêu tôi cũng trả, miễn sao đem được con Bạch về. Tôi đợi chú trong 12 tháng nhe, nếu chú về tay không bấy giờ ta liệu.

Bọn thợ săn hiểu ý lão, vả lại họ chẳng lạ gì những nguy hiểm trong nghề thả tròng này: tay thợ cảm tử phải rình rập sát đàn voi, đặt chiếc thòng lọng bằng cước tết lại ngay lối voi đi, chờ dịp tốt thít lấy chân sau con vật. Không bắt được voi, ít khi anh thoát thân, phi bị voi giày cũng bị cặp ngà nhọn xiên qua người …

Lão Sơn đưa cho người thợ xấp giấy bạc:

– Chú cứ tiêu … Qua năm, chú thất bại, ta sẽ săn đuổi vào đầu mùa mưa … Lần này tôi chọn toàn tay già dặn, thế nào cũng có lời.

–oOo–

Chúp, tên gã thợ săn gan dạ này là Chúp, gã theo dấu đàn voi ròng rã 5 tháng trời, hết băng sông vượt rừng, lại leo núi trèo đèo, và cuối cùng cũng sáp được đàn voi. Gã trườn trong đám gianh như con trăn, êm ả tới độ không làm rung tới nhánh cỏ. Nhưng đúng vào lúc gã sắp thít sợi dây vào chân con vật lim dim ngủ, thì nó tỉnh dậy thực bất ngờ … Như vậy là gã hết sống rồi!

Giống voi phản ứng mau lẹ lắm: Nó chồm 3 bước là kịp kẻ thù … thong thả khuỵu gối xuống, bao giờ nghe thịt xương gãy răng rắc, mới bỏ đi.

Con Bạch cũng vậy, nó cuốn vòi lại, chẳng bao giờ nó dùng vòi để đánh nhau, bộ phận quý báu của thân thể này chỉ phục vụ cho riêng nó, đoạn rảo bước lại phía Chúp đang lủi nhanh sau khóm tre … Nó đuổi gã không khó khăn gì, nó biết Chúp là kẻ tính bắt nó trở lại cuộc đời trói buộc ngày nào, nhưng nó cũng nhớ hình ảnh một người quen thuộc ở trại đã từng chăm chút đem về những bó mía ngọt như mật, làm khuây khỏa nỗi buồn thèm khát tự do của nó… Và nó không muốn đuổi Chúp nữa.

Nhờ vậy Chúp thoát chết.

Hồi này con Bạch tự ý tách rời đàn, chẳng phải vì bị hắt hủi gì, nhưng vì nó ưa yên tĩnh, ưa những buổi ngâm mình dưới bùn, hay lười biếng nằm tắm nắng, nhất là ưa không phải chịu sự chỉ huy của bất cứ ai… Đôi chuyến nó cũng gặp chuyện bực mình: lần thứ nhất với chú tê giác; con vật tấn công đột ngột, đó là thói quen của giống tê giác, thấy cái gì không vừa mắt là húc, dù núi đá cũng mặc! Bị con Bạch vô tình làm mất giấc ngủ nó phóng tới ào ào như chiếc thiết giáp … Giá nhát gan thì tránh cho xong chuyện, nhưng con Bạch bình tĩnh giơ cặp ngà chắn đòn … Cuộc thử sức chấm dứt ngay … Với 5 tấn gân bắp thịt phía sau, đôi ngà nhọn dư sức đâm thủng thành tàu, nói gì da tê giác…

Lần thứ nhì với con cá sấu lớn đã dại dột ngoạm cứng chân sau nó … Lần này con Bạch phải quỳ gối khá lâu trên lưng kẻ thù. Kết quả nó dìm con cá sấu dưới lớp bùn lá, sâu tới độ không ai có thể tìm thấy, trừ ra lũ cá trê nằm chúi trong bùn.

Một lần nữa, nó đụng độ con voi già, loại khó tính khó nết, hay sinh sự, chẳng đàn nào ưa … Con voi thực đồ sộ, ngà vàng khè, da khô cứng, đầy vết sẹo của trăm trận đánh để lại. Thường ngày chẳng voi nào dám gây chuyện với thứ voi dữ dằn này, nên thấy con Bạch không nhường lối, nó ra đòn ngay. Bao giờ thì trận đụng độ giữa đôi voi cũng ghê gớm. Thực là cơn giông tố đầy sấm sét: cả hai vừa gầm vừa rống lên từng hồi nghe tới lộng óc, tiếng ngà va chạm như búa đập vào đe, rồi cây gãy bụi cát mù mịt…

Con voi già sau vài phút đụng độ, biết mình làm một việc dại dột, vừa nguy hiểm vừa khó chịu … Vì nó thực sự chẳng đánh được địch thủ đòn nào đáng kể, trong khi đó thân hình to lớn của nó 3 lần suýt bị xô té… Kinh nghiệm cho biết không nên đợi đến lần thứ tư. Nó bỏ chạy vừa đúng lúc con Bạch muốn kết thúc mau lẹ trận đấu, thực là may!

Xem thêm:   Cá nhân tôi bỏ đi không có gì đáng tiếc (kỳ 2)

Bản tính đại lượng, con Bạch không ưa đuổi kẻ bại. Nó rít một hồi dài mừng thắng trận rồi thong thả trở lại hồ nước, tắm mát. Nó thoáng nghĩ tới đàn voi… Con đầu đàn có nghĩa gì đối với nó?… Khỏe hơn?… Chưa chắc. Có thể không con nào thắng nổi nó, vậy tại sao phải lang thang nhỉ?… Nó dư sức dẫn đầu đàn voi mà!

Nó sẽ vượt sông, vượt núi, tìm bầy voi ngày trước, ngay mùa mưa này.

–oOo–

Nhóm thợ săn quây quần bên lửa trại ngoài ven rừng, họ nghe Chúp thuật lại chuyến chết hụt, nửa tin nửa ngờ … Những tai nạn nghề nghiệp là chuyện thường, nhưng đi thả tròng không xong mà còn về được, cái đó hiếm!… Riêng lão Đắc không nghĩ vậy, lão biết con Bạch lắm … Nó tha chết cho gã thợ săn trẻ tuổi, vì còn nhớ tới trại, tới người nuôi nó, tới lão không chừng …

– Giống voi chúa vẫn vậy. Chẳng bao giờ quên, tài thật!

Giọng lão Sơn oang oang, đượm chút gay gắt:

– Chuyến đi của chú Chúp như vậy là vô ích… Còn chuyện voi không giẫm nát thây chú chẳng qua mạng chú lớn, có vậy thôi … Nhưng cũng nhờ thế ta biết bầy voi hiện ở đâu. Các chú sửa soạn cho tôi … Ta phải tóm trọn đàn mới xong.

Nhóm thợ săn đồng ý với lão, bao giờ cũng vậy, vì họ sống nhờ vào túi tiền của lão suốt trong những tháng dài không có việc làm.

– Mai ta nhổ trại … Chú Chúp thấy rõ con Bạch lên đường nhập bầy voi mà!… Ta dồn tất cả vào cánh bẫy năm ngoái. Các chú chỉ cần đốn cây thay khoảng rào đổ là được. Kiếm thêm cho tôi vài chục phu nữa … Tốn đấy, nhưng bắt được con voi trắng là lời gấp trăm kìa!

Lão Đắc nhỏm dậy. Dưới ánh lửa trông lão chưa đến nỗi già quá. Giá không có vết sẹo dài chạy suốt từ ngực tới ngang lưng khiến làn da dăn dúm như thứ quả phơi khô, có lẽ lão còn tráng kiện đôi chút:

– Ông chủ cho tôi theo anh em … Đi chuyến chót kiếm tiền dưỡng già …

Bọn thợ săn ngạc nhiên lắm: cả chục năm nay lão không đi rừng, lão đã thề không dồn voi mà! Thuở đương thời chẳng ai theo kịp lão … Liều lĩnh gan dạ đã đành, lão hơn người ở chỗ biết trước đàn voi làm gì, đi đâu … nên chuyến nào có lão là ăn chắc!

Lão Sơn cười, độ lượng:

– Thì đi … Liệu có đủ sức theo anh em không đã?

– Dạ được … Tôi xin đứng châm thuốc.

Đó là công việc thợ săn nào cũng ngán. Tay châm thuốc phải đứng sát cửa bẫy, ngay chỗ đàn voi kéo qua; châm thuốc cho đám thợ săn đón lấy, dồn voi vào bẫy… Không nhanh mắt, nhanh tay, voi quật nát như chơi. Lão nhận việc khó khăn nhất cho ai nấy hể hả.

Nhưng đêm ấy, trong lúc mọi người ngủ say bên đống lửa, lão vẫn ngồi đó, ánh mắt già nua hướng về phía núi xa, sương phủ kín, mờ ảo như một hình ảnh trong giấc mơ; lão nghĩ tới con Bạch … Không vì nó, chẳng đời nào lão dấn thân vào chuyến phiêu lưu này:

– Bạch ơi! … Mày là hạt ngọc quý trong bầy voi … Sinh ra làm chúa tể rừng xanh núi đỏ này … đâu phải để xiềng xích, còng lưng kéo gỗ như loài voi tầm thường khác …  Tiếc là tao già rồi, bằng không tao sẽ kiếm mày ngay đêm nay …

Lão gắp mẩu than hồng, cho vào chiếc tẩu thuốc dài làm bằng đoạn rễ quế với chiếc răng lợn lòi … Mùi thuốc lào trộn lá bạc hà bốc thơm phức … Giọng thì thầm của lão nghẹn ngào như tiếng thở dài:

– Tao ngắt từng cọng cỏ, chọn từng đẵn mía nuôi mày ngày nào… Tao thề phải cứu được mày thoát tay lũ thợ săn chuyến này… dù có phải chết chăng nữa!… Tao già rồi sớm muộn gì cũng một lần mà!

Đêm vừa xuống, ẩm ướt, nặng nề, trên cánh rừng già. Con Bạch thấy cả đàn voi cũ vẫn đó, trong khoảng đồng cỏ tươi mát giữa đồi núi trập trùng, như chờ đón nó … Đàn voi nghe tiếng bước ngay khi nó băng rừng … Nó đâu ngán ai mà phải rón rén? Muông thú có con nào dám cản đường nó đâu?

Con đầu đàn ngót 70, đang hồi khôn ngoan, sung sức nhất. Trong bầy voi, nó nhiều sẹo nhất cả, cặp ngà cũng dài hơn, vàng hơn, dáng điệu cũng hiên ngang hơn hết cả. Nó cất cao vòi, chờ đợi … Chuyện gì phải xảy ra, nó không lạ … Kinh nghiệm dạy nó phải tấn công trước để thủ thắng và giữ thể diện.

Bầy voi lặng lờ, không một tiếng quật đuôi, vẩy tai. Lũ voi non, phớt hồng, tưởng đâu trời sắp giông bão, chúi vội dưới bụng mẹ, câm như hến.

Bao giờ cũng vậy, việc con voi trẻ tới giành ngôi vẫn là việc đáng ghi nhớ trong cuộc đời bình thản loài voi. Thông thường, con đầu đàn giữ ngôi khoảng 40 năm, sau đó nó còn sống thêm vài chục năm nữa, ẩn dật như nhà tu hành hiền từ trong những cánh rừng rậm rạp nhất.

Con Bạch không có lợi thế bất ngờ, hơi nhụt phần nào cái hăng hái ban đầu, nên đứng đó, giữ thế thủ, vòi cuốn lại, đầu lắc lư, 4 chân dính chặt xuống mặt đất. Dưới ánh trăng, đôi ngà dài, vàng bóng, lấp loáng sáng. Cặp mắt nhỏ, đỏ khé, vẫn hiền từ thường ngày, giờ như bốc lửa.

Đàn voi ngắm nghía nó một cách soi mói, từ đầu vòi tới khấu đuôi… Giá nói lên được, chắc chúng không ngớt lời ca ngợi dáng dấp cân đối, bộ vó vững vàng, khuôn lưng đầy đặn của con vật mới tới. Đôi vai tròn, lẳn, chứa đựng sức mạnh tiềm tàng có thể bạt gãy thân cây lớn, còn những bắp thịt thuôn óng hằn dưới lớp da quý phái chứng tỏ con vật phải dẻo dai, nhanh nhẹn như hùm beo … Nó xứng đáng là địch thủ của con đầu đàn …

Lần này trận đấu không ngắn ngủi như bữa trước: con voi già đánh dư trăm trận, có nhiều món đòn độc địa để hạ kẻ thù, nhưng nó thiếu cái uyển chuyển và sức mạnh của tuổi trai tráng. Dù sao thì ngay mấy hiệp đầu, con Bạch cũng chới với … Có lần nó bị xô té khuỵu xuống đó, nhưng lại vọt dậy lẹ như con hổ … Chỉ chậm nửa giây, nó đã bị cặp ngà nhọn xuyên qua sườn rồi!… Vừa thoát đòn, nó húc ngã địch thủ và đã tưởng mình thắng, ai dè con đầu đàn chờ nó chồm tới lần thứ nhì mới thúc ngược một đòn quyết liệt… Phải khỏe ghê gớm như con Bạch mới gượng lại nổi … Tuy vậy, trời càng khuya, phần thắng càng nghiêng về phía con voi trẻ, dai sức hơn, khỏe chịu đựng hơn. Con đầu đàn thấm mệt, cạn hết những đòn hiểm, chỉ còn đánh cầm chừng, cho tới lúc trúng liên tiếp dăm bảy nhát vào sườn, đành phục xuống đó, thở hồng hộc như trâu nước …

Cuộc đọ sức kể như chấm dứt. Con Bạch để mặc địch thủ nhỏm dậy, lết vào rừng, không buồn đuổi … Nó cất vòi, rống một hồi dài… Tiếng  rống thách thức, đầy thỏa mãn của kẻ thắng trận.

Xem thêm:   Bẫy lừa làm việc nước ngoài

Đàn voi xúm quanh nó, cất tiếng họa theo … Thế là từ nay, con Bạch trở thành đầu đàn, trong sự kính phục của bầy voi.

Công việc của lão Sơn tới bữa nay mới hoàn tất. Khoảng đất rộng sẵn sàng nhốt đàn voi rừng được bao quanh bằng hàng rào toàn gỗ súc, chôn đứng, chắc như thành; phía trước trống, có chiếc cửa treo, giống chiếc bừa, tua tủa răng nhọn. Hai tay thợ chuyên môn sẽ chặt thừng, hạ cửa bít lối ra, khi voi kéo vào bẫy. Hai bên cửa rào cánh sẻ, mở rộng ra phía ngoài như chiếc phễu… Đã tới ngách núi, đàn voi chẳng còn lối nào khác để thoát thân.

Nhóm thợ săn không hấp tấp, họ quây đàn voi tít ngoài xa, thỉnh thoảng bắn phát súng chỉ thiên, đánh động cho bầy voi nhích dần tới hàng rào gỗ. Lão Sơn xoa tay, ra vẻ bằng lòng, chẳng bao giờ gặp đàn voi đông như vậy…

– Chuyến này lãi trông thấy… Riêng con Bạch đủ cáng đáng mọi chi phí rồi … Anh em cố lên, có thưởng đó!

Qua ngày thứ tư thì voi coi như lọt bẫy. Con đầu đàn nhiều lúc băng suối, đèo, tìm những lối vắng vẻ nhất, nhưng tới đâu cũng nghe tiếng súng, tiếng hò hét. Vòng vây khép chặt dần, đôi chỗ hiểm yếu thấp thoáng ánh đuốc … Con đường thênh thang, yên ổn nhất, là đường đưa thẳng vào bẫy.

Cuộc săn tới giai đoạn chót, súng nổ tứ phía, tiếng hò hét nghe rợn người … Nhóm thợ săn thắng thế dồn voi thực nhanh, không cho chúng thì giờ tìm lối phá ngang. Chân voi rung chuyển mặt đất, rồi tiếng cành gãy, tiếng rít bực bội của con Bạch, tiếng gầm hoảng hốt của lũ voi đực bắt đầu xô đẩy nhau chạy trước …

Lão Đắc không hề nhếch mép, lão cũng chẳng rối trí chút nào, tất cả tinh thần lão hướng về con voi đầu đàn, trắng toát, đang sồng sộc chạy giữa hai cánh rào gỗ … Người lão run lên niềm xúc động kỳ lạ:

– Trời!!!… Ai dè nó lớn vậy chớ!

Trước mặt lão, con Bạch không còn là con voi thường, mà là vị chúa tể rừng xanh … Thế nào lão cũng cứu nó bằng được. Cho tới phút này, lão vẫn chưa chắc mình thành công: có thể con Bạch không nhớ lão, quật lão nát xác, rồi đâm đầu vào bẫy … Như vậy là hỏng hết!… Trong trường hợp nó nghe lão, lách khỏi bẫy, số phận lão cũng chẳng may mắn gì hơn: nhóm thợ săn sẽ đâm cho lão một dao, thứ dao săn, mũi cong, sắc như nước, chắc chắn vậy:

– Ồ!… Chết là hết… Miễn con Bạch được tự do!

Tứ phía thợ săn ào ra, hò hét, đốt pháo … gây hoảng hốt tột độ cho đàn voi, đang chen nhau trước lối vào bẫy duy nhất tỏa trước mặt… Riêng con Bạch dừng lại… Nó linh cảm chuyện gì chẳng lành… Đang dẫn đầu, nó chùn lại sau chót, rồi quay trở ra… Trước mặt nó là hàng rào đuốc của lũ thợ săn, hai bên tường gỗ cao vút… Nó rít lên, gọi đàn… Nhưng lúc này còn con voi nào nghe đâu: lũ voi cái, voi con, như dòng nước cuồn cuộn, lọt qua khuôn cổng. Con Bạch ngần ngại, một mình nó đâu đủ sức phá nát hàng rào lửa ngùn ngụt phía trước … Nó vừa toan theo đàn thì trông thấy lão Đắc … Lão gọi liên tiếp:

– Bạch … Lại đây mau, Bạch!… Lại mau!

Con voi không thuộc tên, cũng không biết lão nói gì, nhưng nó ngửi được thứ mùi tỏa ra từ da thịt lão, thứ mùi quen thuộc này, giọng nói ấm áp này, nó nhớ lắm … Dù cả chục năm nữa, chắc nó cũng không quên …

Bây giờ nó nhận ra người bạn già năm xưa, con người độc nhất săn sóc nó và được nó nể nang.

Có tiếng nhóm thợ săn từ phía ngoài xa:

– Đuốc!… Đem thêm đuốc, mau!… Lão Đắc đâu rồi, đuốc …

Nhưng thay vì lấy đuốc, trao cho thợ … Lão vác cả thân tre nhọn đập vào 3 người đứng gần nhất. Lão vẫy con voi:

– Bạch, lại đây mau!… Ra lối này!

Con voi đầu đàn trông thấy lối thoát, nó cuốn cao vòi, rít lanh lảnh, lao đi như toa tàu. Lão Đắc chạy theo nó. Như vậy là xong; lão trẻ hẳn lại, cảm thấy nhanh nhẹn như hồi sống với con Bạch ngày nào. Nhưng ngay phía sau người quản tượng già còn một người nữa hốt hoảng đuổi theo, đó là lão Sơn:

– Thế này ra nuôi ong tay áo. Mày làm tao sạt nghiệp, thằng mọi già kia!

Lão lăm lăm con dao săn trong tay, lão phải giết cho được tên phản bội đã cứu thoát con voi đẹp nhất đàn, con voi đem no ấm, giàu sang cho lão. Có điều lão quên: con Bạch còn sống, chẳng ai đụng được tới ân nhân của nó. Con vật quay phắt lại. Chỉ hai bước, nó tới sát lão. Chiếc vòi như con trăn khổng lồ quật ngang … Thân hình lão lái voi bay tung như cọng rơm trước gió lộng.

Có tiếng cửa bẫy rập mạnh, thế là hết cả trăm voi bị nhốt trong đó, bắt đầu cuộc đời tù túng, phục vụ cho loài người.

Lão Đắc vẫn đứng bên con Bạch, mớ tóc dài, bạc phơ xõa trên đôi vai già nua. Bàn tay gầy guộc của lão vuốt nhẹ cặp ngà thuôn, dài chấm đất, bắt đầu lên nước vàng sậm. Giọng lão lạc hẳn đi vì xúc động:

– Bạch ơi, mày vừa cứu tao đó! Bây giờ rời khỏi chốn này, mày cũng như tao, còn ai thân thiết nữa đâu. Thôi chúng ta đi…

Con voi đầu đàn ve vẩy tai, trầm ngâm như suy tư … Nó lắng nghe tiếng bầy voi vùng vẫy, gầm thét sau hàng rào gỗ.

Tiếng lão Đắc thì thầm, an ủi:

– Mày còn trẻ mà … Lo gì chẳng kiếm được đàn khác … Rời xa chỗ này thôi, Bạch ơi!

Con voi tưởng chừng đã nhiều lần nghe lão ngọt ngào những lời tương tự bên tai nó, từ ngày nào xa lắm, ngày nó còn bé xíu, đứng chưa vững. Đối với nó, lão Đắc không giống những người khác, lão gần gũi nó nhất, gần như một loại thú rừng… Trong thâm tâm, nó vẫn coi lão ngang với voi mẹ, hay ít ra cũng là một người thân thích tin cẩn.

Nó ngửng nhìn lũ thợ săn đang kéo tới vừa hò hét vừa giơ về phía lão Đắc những ngọn mác sáng quắc … Ánh mắt họ tràn ngập thù hận, chết chóc, dữ dằn, chẳng kém gì lưỡi dao săn trong tay… Giá nó tiến thêm vài bước, chắc họ bỏ chạy hết, dăm ba người sẽ bị nó quật chết không chừng … Nhưng con Bạch không muốn giết thêm ai nữa, ngoài tên chính phạm là lão lái voi. Nó thong thả uốn vòi, chiếc vòi mềm, nhẹ như mầm dây leo, cuộn lão Đắc, đặt lên vai …

Từ đó, cánh rừng già bát ngát, bí mật như một thế giới riêng biệt, khép kín cuộc sống thầm lặng của con voi đầu đàn và người quản tượng già.

NMT phóng tác

Trần Vũ đánh máy lại tháng 10-2024 từ tập 15 Truyện Săn Bắn của Nxb Sống Mới in tại Sàigòn trước 75.