Nhà phê bình và nghiên cứu Thụy Khuê đang hoàn tất công trình biên khảo về Truyền Giáo và Quốc ngữ.

Một thế kỷ quốc ngữ là Lời Mào Đầu của tập sách này. [Trần Vũ]

3 kỳ – kỳ 3

Đô hộ và quốc ng

Một trăm năm đô hộ đi cùng với một trăm năm chữ quốc ngữ, đã khiến chúng ta coi thường, khinh mạn, không tìm hiểu nền văn học cổ điển của tiền nhân.

Tôi lấy một thí dụ: Khoá hư lục (nghĩa là: tu luyện về đạo hư không)[25] của Trần Thái Tôn là một kiệt tác văn-thơ-triết, chữ Hán, được dịch nhiều lần: Phúc Điền hòa thượng (thời Tự Đức), Thiều Chửu (1932-33), Đào Duy Anh (1974) … nhưng đọc vẫn khó hiểu, các dịch giả của Viện Văn Học sau này, cũng đã hết sức cố gắng, nhưng vì bản chất tác phẩm là thơ, thứ thơ cô đọng và hàm súc, ẩn nghĩa triết học, mỗi chữ là một giếng sâu khó dò. Đào Duy Anh nhận định:

“Khóa Hư Lục không những là bộ sách quan trọng và xưa nhất chúng ta còn giữ được mà Trần Thái Tôn không chỉ là nhà tu hành đắc đạo mà là một nhà triết học sâu sắc và một nhà thi sĩ trữ tình dào dạt, chủ trương thanh tĩnh một cách rất sôi nổi xúc động. Tất cả các bài kệ đều là thơ, thơ thất ngôn, ngũ ngôn hoặc tứ ngôn; tất cả những bài khác đều là bài văn biền ngẫu chặt chẽ và đầy hình tượng.[26]

Chỉ mấy câu kệ:

Cào đất đùng đùng trận gió hanh,

Lão ngư say tít, chiếc thuyền chành

Bốn bề mù mịt mây sầm bóng

Một dãy lô xô sóng cuộn ghềnh

Đủ thấy những cuồng phong vũ bão trong tim Trần Thái Tôn, thấy những sôi sục trong hình ảnh, đam mê trong tình ý, đảo điên trong vũ trụ, ngụ trong lời thơ của con người đã dẹp tan quân Mông Cổ, và cũng là người yêu tha thiết say mê…

Đây mới chỉ là bản dịch của Ngô Tất Tố, mà đã «kinh hoàng». Cho nên, nếu không giỏi chữ Nho để đọc thẳng nguyên bản, chỉ đọc những bản dịch, tất không thể thấu hết được cái hay của Khóa Hư Lục, giống như ta đọc bản dịch thơ Đường sang thơ lục bát. Tôi đã phải đọc thơ Đường qua bản dịch từng chữ một của François Cheng, mới hiểu được cái hay và tính cách độc lập của mỗi chữ trong thơ Đường; nhưng vẫn không thấy được tính cách gợi hình trong mỗi chữ Hán. Bởi vì bản dịch là một tác phẩm lai: tác giả chỉ có một phần, lớn hay nhỏ, tùy tài năng người dịch, phần kia là chữ nghĩa của dịch giả.

Cho nên, việc không đọc được nguyên tác chữ Hán, chữ Nôm, là một bất lực, một tàn tật của người phê bình, trước di sản tiền nhân.

Nếu người Pháp bị xoá sổ 10 thế kỷ văn học cổ điển của họ thì Rabelais, sẽ không bao giờ được đọc, và các nhà phê bình lớn như Bakhtin (Nga), Spitzer và Auerbach (Đức) không thể tìm hiểu và giới thiệu ngôn ngữ Rabelais với thế giới.

Tội ác nhân loại mà Tổng thống Emmanuel Macron nói đến trong chính sách thực dân chính ở chỗ đó: không chỉ giết người cướp lãnh thổ, mà còn tiêu diệt cả đời sống tinh thần, biến người bị trị thành vô học, vô cảm, trước di sản tiền nhân.

Sách Khóa Hư Lục của vua Trần Thái Tôn 

Mục đích của chính phủ Pháp

Khi Toàn quyền Doumer đến Đông Dương năm 1897, một trong những việc đầu tiên của ông ta là thăng viên khâm sứ Pháp ở Huế lên địa vị chủ trì Cơ Mật Viện thay vua, bằng dụ Thành Thái ngày 27-9-1897. Sau đó, tất cả các dụ khác, như dụ: bãi bỏ chức Kinh lược sứ của vua ở Bắc kỳ để thay bằng viên Công sứ Pháp; lệnh bắt buộc dạy chữ quốc ngữ ở Bắc kỳ; lệnh bãi bỏ thi Hương; lệnh đóng cửa các trường học chữ Hán, đều do triều đình Huế ký, tức là  họ đã mượn chữ ký của vua để thi hành những điều phản dân tộc.

Việc đổi chữ viết, từ chữ Nôm sang Quốc ngữ, nằm trong một chính sách cai trị khôn khéo, với 4 mục đích chính:

  1. Gạt bỏ tầng lớp trí thức nho học ra ngoài lề xã hội. Từ địa vị quản trị đất nước và giáo dục thanh niên, họ trở thành vô dụng. Bởi vì họ là bức tường chống Pháp mạnh mẽ cuối cùng, cả về mặt quân sự, lẫn văn hoá.
  2. Gạt bỏ 20 thế kỷ tư tưởng phương Đông, 10 thế kỷ văn học cổ điển, biến người Việt thành một dân tộc vô văn hóa, phải học lại mọi sự từ đầu.
  3. Xoá bỏ lịch sử xâm lược Việt Nam ghi trong Đại Nam Thực Lục, để thay bằng lịch sử “khai hoá” An Nam do sử gia thực dân viết.
  4. Tạo sự kính nể vô bờ nền văn hóa Pháp và Tây phương, ở những “người Việt mới”, mù chữ của tiền nhân.

Một ngàn năm đô hộ Tầu, khiến chúng ta coi chữ Hán là “chữ thánh hiền”. Một trăm năm đô hộ Pháp đã biến người Việt thành những đứa con bái phục vô điều kiện nền văn hóa nước mẹ.

Đến nỗi người Pháp dám đưa ra một «ông tổ» sáng tạo ra chữ quốc ngữ, không thạo tiếng Việt, không viết được một câu tiếng Việt cho ra hồn (xem Pháp giảng tám ngày). Vậy mà chúng ta vẫn sùng bái lập tượng, đặt tên đường.

Xem thêm:   Mặt bàn bếp

Sự tôn sùng chữ quốc ngữ nằm trong mặc cảm tự ti của người bị trị, dẫn đến tinh thần vọng ngoại cao độ, còn tồn tại đến ngày nay: Hiếm thấy sách, báo nào trích dẫn một câu văn, một lời nói, có ý nghĩa của người Việt, mà toàn trích dịch lời các tác giả Âu, Mỹ, như thể nước ta không có nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng nào cả.

Tại sao chữ quốc ngữ không phát triển được trong 3 thế kỷ?

Chữ quốc ngữ được hình thành từ đầu thế kỷ XVII, mà sao trong 3 thế kỷ, XVII, XVIII, XIX, hầu như không có một tác phẩm quốc ngữ nào để lại?

Những tập Truyện các Thánh, dàn trải trong 3 thế kỷ, đều viết bằng chữ Nôm. Bản phóng tác Thánh Kinh của linh mục Lữ Y Đoan, ra đời nửa sau thế kỷ XVII cũng viết bằng chữ Nôm.

Trong nền văn chương thế tục, hầu hết các tác phẩm lớn, nhỏ của văn học Việt Nam trong 2 thế kỷ XVIII và XIX, đều viết bằng chữ Nôm hoặc chữ Hán, không ai dùng chữ quốc ngữ cả.

Văn bản quốc ngữ đầu tiên có lẽ là Phi Năng thi tập của linh mục Phi-lip-Phê Phan Văn Minh (1842)[27], nhưng người công giáo cũng không biết đến[28]. Rồi tới Kiếp phong trần của Trương Vĩnh Ký [in lần thứ ba năm 1882][29], được giới thiệu là “áng văn xuôi viết bằng chữ quốc ngữ vào loại cao niên nhất[30], chỉ là lời triết lý vụn giữa hai người bạn Trương Đại Chí và Lê Hảo Học, về những thăng trầm của cuộc đời, chưa thể gọi là truyện ngắn hay tiểu thuyết được.

Phải đến Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản (1887, Sài Gòn), ta mới có tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên. Theo Nguyễn Văn Trung, truyện của Nguyễn Trọng Quản được dịch ra Pháp văn gần hết, được chú giải kỹ lưỡng và dùng để giảng dạy trong chương trình của A. Chéon, cùng với truyện ngắn của Trương Vĩnh Ký và Paulus Của. Hiển nhiên người Pháp muốn xác định rằng nền văn chương Việt Nam chỉ bắt đầu với những văn bản quốc ngữ này[31].

Tại sao dân tộc ta dị ứng với chữ quốc ngữ trong 3 thế kỷ?

Tại sao Tự Lực Văn Đoàn phải «nhảy vọt» từ văn chương cổ điển Hán Nôm sang văn chương quốc ngữ, hoàn toàn khác?

Thực ra, không có sự “nhảy vọt” nào cả, mà nền văn học hiện đại quốc ngữ đã tiếp nối nền văn chương cổ điển chữ Nôm, dù bị thay đổi chữ viết nhưng vẫn âm ỉ sống trong lòng dân tộc như một rường cột vững chắc, về văn chương tư tưởng. Chúng ta dị ứng với quốc ngữ vì lẽ đó.

Nếu các dịch giả và học giả Việt Nam, không phiên âm Ca dao, thơ Nôm, dịch thơ chữ Hán sang chữ quốc ngữ, để nhà văn có thể tìm thấy tinh chất trong các tác phẩm cổ điển và dân gian, làm sườn cho văn chương của họ, thì nền văn học quốc ngữ chưa thể bắt đầu.

Chúng ta không nên quên rằng ngôn ngữ và tư tưởng trong Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, hoàn toàn xây dựng trên nền móng tư tưởng triết học Phật giáo và lấy chất liệu ngôn ngữ trong văn thơ Hán Nôm và Ca dao, chứ không phải từ các tiểu thuyết của Pháp.

Tất cả những chủ đề lớn của họa sư Lê Bá Đảng, suốt đời làm việc ở Pháp, Mỹ, Nhật, đều rút ra từ huyền sử Việt Nam và triết học Đông phương.

Không thể làm lại lịch sử

Viết những điều này ra đây, không có nghĩa là chúng tôi muốn quay trở về với chữ Nôm, điều đó không thể được. Không ai làm lại lịch sử.

Ỏ đây, chúng tôi thử làm một việc có thể làm được là nghiên cứu và phục hồi phần lịch sử đích thực về truyền giáo và quốc ngữ, đã bị một số thừa sai và sử gia thực dân trá mạo, đưa ra những tuyên truyền sai lạc về lịch sử cận đại Việt Nam.

  1. Về truyền giáo, việc cấm đạo ở Việt Nam, từ trước đến nay thường được quy chụp cho “sự tàn ác” của vua quan nhà Nguyễn. Nhưng khi điều tra kỹ thì việc cấm đạo có nguồn gốc khác:

Sự miệt thị những giá trị tư tưởng và tín ngưỡng chân truyền của người Việt, trong các bài giảng của giáo sĩ, đã khiến các chúa nổi giận; đã khiến linh mục học giả Lữ Y Đoan, ngay từ thế kỷ XVII, đã phải phóng tác lại Kinh Thánh ra thơ Nôm, cho phù hợp với truyền thống văn hóa tư tưởng, tín ngưỡng của người Việt.

Lữ Y Đoan đã hoàn thành công trình đồ sộ: Sấm Truyền Ca, diễn Nôm 5 quyển sách của Moise trong Thánh kinh cựu ước, thành thơ lục bát, làm xong năm 1670. Như vậy, việc phản kháng sự bổ báng trong các bài giảng của giáo sĩ người Âu, đã có ngay trong giáo đường của ta từ thế kỷ XVII. Sấm Truyền Ca bị các giáo sĩ Pháp triệt để cấm, khiến sau này bị mai một.

Lý do cấm đạo ở Việt Nam, vì vậy, rất phức tạp, không phải là sự cấm đoán tùy hứng và độc đoán của vua chúa “tàn ác, ngu muội” như sách vở thực dân vẫn tuyên truyền, và người Việt “hồn nhiên” chép lại trong sách sử của mình, mà không phản bác.

Xem thêm:   Bia... "thất thủ"

Lúc đầu các Chúa ở 2 miền Nam, Bắc đều đón nhận đạo Gia Tô một cách nồng nhiệt, rồi sau họ cấm. Lý do chính là việc phỉ báng Tam giáo (Khổng, Lão, Phật) và cấm thờ cúng tổ tiên, mà Tòa Thánh gọi chung là Nghi lễ. Việc hoàng tử Cảnh, năm 1789, 9 tuổi, ở Pháp về không chịu lạy trước bàn thờ tổ tiên, là một xì-căng-đan lớn, khiến Nguyễn Vương đã đàn hặc gắt gao Bá Đa Lộc, và từ đó triều Nguyễn cấm đạo Gia Tô. Giám mục Bá Đa Lộc đã tranh đấu với Roma về quyền thờ cúng Cha Mẹ cho đến hơi thở cuối cùng.

Những sự kiện này nằm trong “cuộc chiến” gay gắt giữa Giáo hoàng và các Hoàng đế phương Đông: Giáo hoàng Clément XI ra nghị định ngày 19-3-1715: tuyệt đối cấm Nghi Lễ. Hai năm sau, vua Khang Hy ra chỉ dụ triệt để cấm đạo ngày 17-5-1717. Trong 4 thế kỷ XVII, XVIII, XIX, XX, việc cấm Nghi lễ của Tòa Thánh và việc Cấm đạo ở các nước Á Châu, đưa đến tranh chấp đẫm máu: quân Pháp-Y Pha Nho mượn chiêu bài «thánh chiến» để đánh chiếm nước ta.

Sau khi thua trận, vua Tự Đức phải ký hiệp ước Nhâm Tuất, 1862, “nhượng” cho Pháp 3 tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, và cho Pháp, Y Pha Nho được tự do giảng đạo. Mãi đến năm 1939, Giáo hoàng Pie XII mới chịu nhượng bộ, cho phép tín đồ được quyền thờ cúng tổ tiên. Từ đó, không còn nghị định nào của Roma phủ nhận quyền này nữa.

  1. Vấn đề thứ hai là chữ quốc ngữ. Ngày nay nhiều người vẫn còn cho rằng chữ quốc ngữ là lối thoát duy nhất, để ra khỏi sự chậm tiến, nhưng không nhìn sang các nước bên cạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, vẫn viết chữ của họ (tức là chữ Hán) mà vẫn trở thành cường quốc.

Việc tìm lại lịch sử chữ quốc ngữ không dễ, bởi vì khi đọc những tư liệu về chữ quốc ngữ, trước tiên, ta sẽ bắt gặp 2 thứ chữ mà phần lớn người Việt không biết đọc là chữ La tinh và Bồ Đào Nha. Biết chữ Bồ, chữ La, vẫn chưa đủ, còn phải biết cả chữ Nôm và chữ Hán nữa. Chúng tôi không có những khả năng này; là kẻ ngoại đạo, những gì chúng tôi viết ở đây, chỉ là sự thu thập những điều người trước đã viết nhưng chưa có sợi dây nối lại với nhau, thành một tiến trình lô-gích, một lập luận khoa học.

Linh mục Đỗ Quang Chính, là người đi trước, mở đầu, trong cuốn Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659 [32], in năm 1972 ở Sài Gòn, ông đã tìm ra những văn bản quốc ngữ viết tay đầu tiên của nhiều giáo sĩ, được lưu lại trong các thư viện công giáo ở Roma, trong đó có bản thảo của 2 thầy giảng người Việt là Văn Tín và Bento (tức Biển Đức) Thiện viết năm 1659.

Chúng ta cần nghiên cứu lại những văn bản này, để có thể xác định: tác phẩm chính của chữ quốc ngữ, thế kỷ XVII, không phải là Tự điển Việt Bồ La, hay Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes mà là Lịch sử nước Annam của Bento Thiện, vì chữ viết và cách lập ngôn trong văn bản này, khá hoàn chỉnh, gần được như chữ quốc ngữ chúng ta viết bây giờ.

Điều quan trọng hơn nữa là Biển Đức Thiện không chỉ viết những chữ quốc ngữ lẻ tẻ trong một lá thư hay bài văn bằng chữ La tinh hoặc chữ Bồ, mà ông viết hẳn một tập lịch sử ngắn bằng chữ quốc ngữ. Trong khi các giáo sĩ người Âu, dù thạo tiếng Việt đến đâu, đều chưa ai viết được một câu quốc ngữ cho đúng văn phạm tiếng Việt. Cuốn sách Catechismus (Phép giảng tám ngày) của Alexandre de Rhodes, là chứng từ hiển nhiên nhất.

Kết luận

Sự tìm kiếm đưa chúng tôi đến một số nhận xét: chữ quốc ngữ, tuy được hình thành từ đầu thế kỷ XVII, nhưng chỉ dùng rất giới hạn trong nhà dòng, giúp một số giáo sĩ người Âu muốn học tiếng Việt để giảng đạo, chứ không truyền bá được trong dân gian.

Phải đến cuối thế kỷ XIX, khi nhà cầm quyền thuộc địa, cho ra tờ Gia Định Báo với Trương Vĩnh Ký làm tổng tài, mới bắt đầu truyền bá quốc ngữ được. Sang đầu thế kỷ XX, toàn quyền Pháp, dùng dụ của vua để ra lệnh bỏ chữ Hán, chữ Nôm, thay thế bằng chữ Pháp và quốc ngữ. Từ lúc đó chữ quốc ngữ mới «tái sinh».

Bởi vì người Việt không còn con đường nào khác, nên các học giả và nhà văn Việt Nam, chỉ trong khoảng hơn 40 năm, đã phát triển mạnh mẽ chữ quốc ngữ, để đạt tới dạng thức đầy đủ từ ngữ văn chương, khoa học, triết lý như ngày nay.

Tác phẩm quan trọng nhất trong thời kỳ quốc ngữ “tái sinh” này là Đại Nam Quấc Âm Tự V của Huỳnh Tịnh Của, in năm 1895, cuốn tự vị tiếng Việt đầu tiên cho người Việt dùng, vẫn còn giá trị đến ngày nay. Xin nhắc lại một lần nữa: người Việt thường ca tụng cuốn tự điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes, nhưng không ai dùng cả, bởi không mấy người biết tiếng Bồ và tiếng La tinh.

Xem thêm:   Tảo hôn ở Việt Nam

Tóm lại, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký đã xây dựng nền móng chữ quốc ngữ từ cuối thế kỷ XIX; Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh cùng nhóm Đông Dương và Nam Phong tạp chí tiếp nối, đầu thế kỷ XX, rồi đến Tự Lực Văn Đoàn và các nhà văn hiện đại, thập niên 1930. Chỉ trong hơn nửa thế kỷ, chúng ta đã dựng được một nền văn học quốc ngữ hoàn chỉnh.

Điểm sau cùng chúng tôi muốn nói đến ở đây là: Nền văn học Hán Nôm của chúng ta cần được bảo tồn và đào sâu. Người làm việc phê bình và nghiên cứu văn học cần phải học chữ Hán, chữ Nôm. Cần phải đẩy mạnh việc phiên dịch Hán, Nôm, để lấp dần chỗ trống hiện tại: còn bao nhiêu tác phẩm Hán Nôm của tiền nhân vẫn chôn trong tủ bụi? Còn bao nhiêu truyện hay chưa khám phá, chưa được chuyển sang chữ quốc ngữ, dù việc dịch, như trên đã nói, chỉ là phương pháp bất đắc dĩ. Chúng tôi xin chép lại đây lời giáo sư Ngô Đức Thọ, người đã dịch những cuốn sách cơ bản như: Thiền uyển tập anh  Đ?i Vi?t s? k? to?n th?ại Việt sử ký toàn thư, trong giai đoạn mở đầu, đã qua đời năm 2019:

Tôi vẫn luôn luôn tâm niệm muốn thực hiện việc dịch thuật các tác phẩm Hán Nôm của nước ta. Nhưng muốn làm được việc này phải tự học rất nhiều, không những phải nắm vững cổ văn, các vấn đề triết học, sử học, địa lý học, ngôn ngữ học … cũng đều cần có những kiến thức nhất định. Di sản Hán Nôm của ta hàm chứa nhiều những kiến thức đó, mình hiểu biết sơ sài, khó nói đến việc chuyển tải những giá trị đó đến với mọi người. [33]

Viết những dòng này, sau hơn 60 năm sống ở Pháp, chúng tôi muốn thông tin cho giới trẻ Việt Nam biết rằng nền tảng văn học của chúng ta trong 10 thế kỷ, đã bị người Pháp xóa bỏ như thế nào, bằng chữ quốc ngữ, khiến chúng ta bắt buộc phải tìm lại.

Một nền văn học bất hạnh như thế, lại trải qua một thời kỳ dài toàn trị, gạt bỏ tất cả những gì không chính thống, đặc biệt Tự Lực Văn Đoàn và Văn Học miền Nam, để chỉ quanh quẩn với những sách được cho phép, đã khiến giới trẻ cảm thấy tù túng, coi thường văn chương Việt Nam, mà họ không biết rõ, nên hết sức vọng ngoại, háo hức đọc các sách dịch, đôi khi rất tồi về phẩm chất dịch thuật cũng như nội dung tác phẩm, miễn là của người nước ngoài. Chúng tôi xin chép lại dưới đây lời tự kiểm của linh mục Thanh Lãng, như một chúc thư trước khi ông qua đời, ngày 17-12-1988:

“Chính chúng tôi, bỏ nước đi ra ngoài, quen nói tiếng nước ngoài, quên cả nguồn gốc ngôn ngữ của tổ tiên, đến khi về nước nghe lỏm được từ này từ nọ (…)  chúng tôi hí hửng cũng đòi ngôn ngữ tôn giáo phải đổi đời theo cái sàng khôn mà chúng tôi mới võ vẽ học lỏm được. Chúng tôi cũng từng vỗ ngực miệt thị cha ông xưa là dốt nát, nhưng chính trong lúc tố cáo cái dốt nát của tổ tiên thì chúng tôi lại để lộ cái dốt tệ hại của chính mình. Chúng tôi chế giễu các bản văn cổ, chúng tôi đòi sửa cho bằng hết các bản kinh, bổn, sách xưa, sách cũ …[34]

Những lời tự phán này, giúp chúng ta nhìn nhận lại chính mình: khi không biết đến nền văn học nước nhà trong 10 thế kỷ, thì dù có đọc bao nhiêu sách nước ngoài, cũng vô bổ.

Hoàng Xuân Hãn đã viết Kiều tầm nguyên trong chiều hướng đó./.

TK

Yên Cơ, Les Issambres, ngày 30-9-2023

[25] Theo Đào Duy Anh, trong Khóa Hư Lục của Trần Thái Tôn, Đào Duy Anh phiên dịch và chú giải, Nxb Khoa Học Xã hội, Hà Nội, 1974, trang 10.

[26] Khóa Hư Lục của Trần Thái Tôn, Đào Duy Anh phiên dịch và chú giải, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1974, trang 11.

[27] Với Lời phi lộ của tác giả đề viết tại Phi-Năng ngày 25-12- 1842, trích bài Phi Năng thi tập Thánh Phi-Lip-Phê Phan Văn Minh của Võ Long Tê và Phạm Đình Khiêm, in trong cuốn Về sách báo của tác giả công giáo (thế kỷ XVII-XIX), trang 89.

[28] Nguyễn Văn Trung, Về một số sách cũ do người công giáo viết ra, từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, in trong cuốn Về sách báo của tác giả công giáo (thế kỷ XVII-XIX), trang 3.

[29] Theo Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký (con người và sự thật), trang 241.

[30] Bản in Nhà Hàng Chiliand et Martiaux, Sài Gòn, 1882, tài liệu Lục Châu Học của Nguyễn Văn Trung.

[31] Nguyễn Văn Trung, lời giới thiệu Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản.

[32] Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659 của Đỗ Quang Chính, Tủ sách Ra Khơi, in tại Sài Gòn, năm 1972, Đường Mới chụp và in lại tại Paris, năm 1985, đã dẫn ở trên.

[33] Ngô Đ?c Th?, Di?n v?n nh?n gi?i th??ng d?ch thu?t c?a qu? Phan Ch?u Trinh 2014.

ức Thọ, Diễn văn nhận giải thưởng dịch thuật của quỹ Phan Châu Trinh 2014.

[34] Về sách báo của tác giả công giáo (thế kỷ XVII-XIX), trang 21.