Tên thật Nguyễn Viết Quang và là em ruột của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, Hồ Trường An sinh ngày 11-11-1938 tại Long Đức Đông, tỉnh Vĩnh Long, cư ngụ tại Pháp, vừa qua đời ngày 27 tháng 1-2020 tại Troyes. Ông là một cây viết sung mãn, chuyên về thể loại chuyện quê Nam cùng các ký sự văn nghệ. Gặp ông lần đầu tại tư gia, tôi đã vô cùng ngạc nhiên là tuy khóa 26 Thủ Đức (1968) và từng làm Trưởng ban Chiến tranh Chính trị tại các chi khu Trị Tâm, Lái Thiêu rồi phục vụ trong Ban Thông tin Quân đoàn III nhưng tác giả Phấn Bướm không muốn nhắc đến binh nghiệp của mình. “Không biết chi hết!”, ông lắc đầu quầy quậy khi tôi hỏi về chiến dịch Chiêu hồi của VNCH thực thi ra sao ở cấp chi khu? “Tại sao anh đi Chiến tranh Chính trị mà không đi tác chiến?” – “Vì thỏ đế!”, ông trả lời thẳng đơ. Tôi hỏi tiếp: “Lúc làm Ban Báo Chí Quân đoàn III, anh viết gì?” – “Về đào kép cải lương Lệ Thủy, Út Trà Ôn cho báo Sân Khấu!”. Ông cười rổn rảng: “Con Bạch Lê xinh gái mà giọng nó ngọt lắm nghe.”, rồi ông đưa hai tay lên trời: “Thôi nghe, không nói chuyện Quốc-Cộng nữa nghe! Qua ngại lắm…”

Là Hồ Trường An của tháng 3-1989 tại Troyes, trong ngôi nhà số 5 trên con đường mang tên danh họa Auguste Renoir. Vậy mà đã ba thập niên và ông biến mất.

Từ trái sang: Trần Vũ, Hồ Trường An, Sĩ Liêm và Lưu Uyên Khôi tại Troyes, tháng 3-1989.

Với cá nhân tôi, không phải Còn Tuôn Mạch Đời, Gả Thiếp Về Vườn, Hội Rẫy Vườn Sông Rạch, Chuyện Ma Đất Tân Bồi hay Tình Sen Ý Huệ mà chính truyện dài Hợp Lưu cùng những truyện ngắn Bèo Bọt, Trường Hợp Của Nhường và Hai Khuôn Mặt mới phô diễn kỹ thuật kể chuyện của Hồ Trường An. Nếu trong Hợp Lưu có sự chăm chút tỉ mỉ từng chi tiết bài trí trang hoàng nhà cửa, cùng cách khắc họa những nét tương phản của nhân vật qua những mối tình lưỡng tính và đồng tính di dân giữa lòng xã hội Pháp, thì Bèo Bọt là những mái chèo lướt trên sông thương hồ. Đến Hai Khuôn Mặt là truyện ngắn dàn dựng rất kỹ trong cấu trúc với điểm xuyết tinh thần Phật giáo mà theo nhà văn, ông “lồng khung” được triết lý Bất Nhị của nhà Phật. Ba nhân vật chính, Tố Nga, người đàn ông áo xám và mụ già điên trần truồng hung ác, thật ra chỉ là một mình tâm thức Tố Nga. Nhưng khi vào truyện, kỹ thuật biến hóa của Hồ Trường An khiến người đọc cảm tưởng có ba người trong cuộc khác nhau. Một mà hai, hai mà ba, ba mà một. Với đoạn kết, khi Tố Nga nằm mộng chiêm bao đi vào thế giới siêu hình, được miêu tả như cõi Niết bàn, nơi con người tìm thấy chân lý của cuộc đời. Giới thiệu lại truyện ngắn ưng ý ấy của Hồ Trường An. [Trần Vũ]

Hồ Trường An

2 Kỳ – Kỳ 1

Vâng, chị có một người bạn. Người đó không phải như chúng ta đâu. Ông ta luôn đến chị bằng hai khuôn mặt đối nghịch, hai khuôn mặt của một người, trên những khúc quanh quan trọng nhất đời chị. Các em cứ thắc mắc đi… Ông ta không phải là một người bằng xương bằng thịt đâu. Một bóng ma? Một huyễn ảnh? Thú thật chị không rõ nữa. Tuy nhiên, khi nhắc tới ông ta, một niềm an ủi ấm áp phủ nhẹ lên trái tim chị, như một tia nắng mơn vờn trên thớ lụa mịn màng vậy. Và xuyên qua cảm giác mềm mại kia, chị như thấy chập chờn đâu đó, trên cõi chúng ta sống, những thế giới khác lồng vào nhau, trùng trùng như đan võng…

Hồi lên bảy, chị bị chứng sốt thương hàn trầm trọng. Ba má chị đưa chị vào nhà thương Mỹ Tho để điều trị. Riêng bà ngoại chị thì đi cầu đồng cốt để biết tính mệnh chị ra sao. Một bà đồng ở cuối xóm tự xưng là xác cốt của cậu Hoàng Năm bảo:

Xem thêm:   Hang gấu

– Không hề gì, con nhỏ có một cái “vong cô” lành phù hộ nó. Chẳng những nó tai qua nạn khỏi phen này, mà từ đây cho đến cuối đời, cái “vong cô” đó cũng giúp nó mỗi khi nó gặp tai ương.

Một bà đồng khác ở Rạch Miễu (từ tỉnh Mỹ Tho muốn đi Rạch Miễu phải dùng đò máy) tự xưng là xác cốt của bà Chúa Xứ, lúc lên đồng, bảo:

– Con nhỏ này căn tánh lộn lạo tâm địa điên đảo. Bởi đó, cái “vong cô” theo nó cũng phức tạp lắm. Vong cô đó khi thì ma khi thì Phật, lúc thương lúc ghét con nhỏ. Bà nên cầu Ðức Phật Bà cho nhiều. Khi con nhỏ khỏi bịnh, bà nên dạy nó học thuộc lòng “Bạch Y Thần Chú” và “Quán Âm Linh Cảm Chơn Ngôn Thần Chú” thì họa may cái “vong cô” kia không bao giờ thù ghét nó để giúp đỡ nó luôn luôn.

Kỳ đó, chị khỏi bệnh. Bà ngoại chị bắt chị học thuộc lòng hai thần chú kia, để khi gặp tai nạn cầu Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát (người bình dân mình ưa gọi là Ðức Phật Bà) cứu độ. Tại trung đường, bà ngoại còn lập bàn thờ vị Ðại Bi Bồ Tát kia, và bắt em Ngọc Nga của chị và chị đêm đêm thắp hương, cúng nước, vái lạy.

Chị còn nhớ rõ năm đó, chị lên mười ba tuổi. Nhà chị ở tại Ngã Ba Trung Lương, cách tỉnh Mỹ Tho bốn cây số. Ðó là một ngôi nhà, mái lợp ngói âm dương rộng thênh thang, nằm giữa vườn mận hồng đào. Thuở đó, vào khoảng năm 1946, 1947 thì phải, lúc mà Việt Minh đã ký một thỏa hiệp án với chính phủ thực dân Pháp. Cuộc chiến tranh Việt Pháp bớt sôi động. Ba của chị vẫn còn đi theo phe kháng chiến chống Pháp. Bà ngoại chị, má chị và chị em của chị phải ở lại Ngã Ba Trung Lương để săn sóc vườn mận hồng đào cùng gia viên điền sản do bà nội chị để lại. Căn nhà vắng đi người chủ gia đình nên trống trải lắm. Bốn mẹ con bà cháu sống trong cảnh nghèo nàn, ăn những bữa cơm đạm bạc; hai chị em chị mỗi đứa chỉ có hai bộ quần áo bằng vải ta, một thứ vải thô tháp dệt bằng thứ chỉ to sợi.

Lúc gia đình túng hụt thì một hôm nọ, có một bà khách trạc ba mươi ngoài ăn mặc sang trọng, trang điểm sắc sảo từ chợ Mỹ Tho vào thăm. Hỏi ra đó là cô Yến Tuyết, người em một cha khác mẹ của ba chị, hồi cô 18 tuổi, bị ông nội từ, vì cô bỏ nhà đi theo người nhân tình Tây lai. Cô Yến Tuyết sau mấy phen thay đổi nhân tình, sau ba lần ly dị chồng, giờ đây là nhân tình một y sĩ trong quân đội Pháp, với chức vụ Ðại úy. Cô Yến Tuyết bây giờ giàu có, có một biệt thự ở ngoài chợ Mỹ Tho. Chung quanh biệt thự trồng nhiều thứ bông, đặc sắc nhất là đủ loại hồng, đủ loại hoa hortensia. Trong nhà, cô bày nhiều bàn ghế bằng gỗ cây nu, gỗ cẩm lai, nhiều lọ cổ, chén bát bằng sứ Tàu, bằng pha lê Tây phương, bằng bạc, bằng ngà, bằng sừng tê giác. Cô Yến Tuyết còn có tiệm cầm đồ ở ngoài chợ, còn có thêm nghề cho vay ăn lời cắt cổ, còn hùn hạp mở nhà chứa… Cô đẹp lộng lẫy, mà lối xóm bảo rằng chị giống cô ấy hơn là giống mẹ. Cô bỏ ra một số tiền để cho má chị mở tiệm cơm ở tại Ngã Ba Trung Lương… Và một ngày Tết Nguyên Ðán nọ, má chị dắt hai chị em chị ra chợ Mỹ Tho chúc Tết cô Yến Tuyết. Tại đây, má con được ăn một bữa cơm với các bạn cô và với cô. Hôm đó có cô Ngọc Sương, khá đẹp, mắt hơi trố, ánh mắt hung dữ. Cô Yvette Hương, cũng đẹp, nhưng cặp môi có vẻ buồn và quạu, dù cô hay pha trò cũng như cô Ngọc Sương và dù cô thường ăn nói nhỏ nhẹ. Ðang lúc ăn uống thì có một người đàn bà lớn tuổi, dung nhan tiều tụy bước vào xin tiền cô Yến Tuyết. Cô đối xử với mụ ta rất ân cần mềm mỏng, lấy tiền cho mụ, mời mụ ngồi cùng bàn để dùng cơm cùng với mọi người. Mụ hầu như ăn mãi ăn hoài mà vẫn chưa xong chén cơm. Mụ lải nhải kể lại cuộc tình của mụ với một ông thương gia ở Sài Gòn cho má chị nghe, rồi khóc lóc, chửi rủa. Và khi cơn điên nổi lên, mụ tuột áo, bạch ngực phô bày một thân thể héo khô, đôi vú teo tóp… Hỏi ra, thì đây là nạn nhân của một cuộc tình phụ. Nhưng trước kia, mụ đã giúp đỡ cô Yến Tuyết nhiều nên giờ đây mụ được cô giúp lại.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Má của chị lén lút bà ngoại đưa chị em chị ra Mỹ Tho thăm cô Yến Tuyết luôn. Lúc về, chị em chị luôn có quà hậu hĩ. Và chị thường chứng kiến những cảnh cô của chị chửi rủa con nợ, đánh đập tôi tớ, và những cô gái ăn sương dưới tay cô. Lại còn những cảnh cô dụ dỗ các cô gái sa cơ lỡ vận vào nghề buôn phấn, buôn hương. Giọng nói của cô lúc nào cũng ngọt ngào, mềm mỏng, thái độ của cô lúc nào cũng âu yếm niềm nở, riêng đối với má con chị. Vậy mà lúc đòi nợ, lúc đày đọa hành hạ tôi tớ, các cô gái ăn sương, cô hiện thân là con chó “bẹt dê” dữ dằn mà cô nuôi trong nhà. Cả hai cô bạn kia cũng thế, lúc họ kể những vụ bắt ghen, vụ giành khách, mắt trố của cô Ngọc Sương càng rực ánh hung ác, cái miệng cô Yvette Hương càng thêm quạu quọ, càng chửi rủa tục tằn, hăng hái hơn.

Chiến tranh càng lúc càng lan rộng trên đất nước. Các cuộc chạm súng giữa Việt Minh và Pháp thường xuyên hơn. Bà ngoại chị thường dắt chị em chị đi chùa, để nghe tụng kinh Cầu An và kinh Dược Sư. Viện chủ trụ trì chùa Phổ Hương là một vị đại đức 40 ngoài, nụ cười thật hiền. Hai chị em Sa di Phước Ðiền và Phước Huệ lúc nào cũng trầm lặng nhưng vui vẻ, dung quang thật đoan phương, diện mạo thật đoan nghiêm. Mỗi kỳ rằm và mỗi kỳ ba mươi, Ngọc Nga và chị hái bông trang, bông điệp đem đến chùa cho các chú cúng Phật, được các chú cho bánh trái…

Cảnh nhà cô Yến Tuyết hay cảnh chùa Phổ Hương đều mê hoặc chị cũng như cảnh nhà. Trong trí óc ngây thơ của chị, các cô Yến Tuyết, Ngọc Sương, Yvette Hương cũng tử tế như vị sư viện chủ và hai chú sa di…

Hơn bốn mươi năm qua, tuy nhiên, chị vẫn còn nhớ rõ khung cảnh thơ mộng, tràn ngập màu xanh và bóng cây râm mát ở Ngã Ba Trung Lương. Trong vườn nhà chị lại có nhiều ao, đầm, mương, lạch, nước trong leo lẻo, ăn thông ra con lạch yểu điệu lượn trước nhà. Nơi đây, rau hoang dại mọc lan tràn, chẳng hạn như rau tập tàng hoặc rau cải trời mềm mại, những chùm rau sam tím đỏ, những cây rau dền mang từng chùm hột xanh lợt và nhuyễn như cám, những khóm ngò gai xum xuê… Vào những mùa ổi chín, hoặc mùa mận, lũ chim chìa vôi, chim áo dà, chim manh manh cùng bọn quạ, se sẻ kéo về làm náo nhiệt khu vườn. Trong khu vườn đó, chị cùng Ngọc Nga hái rau hoang dại, bông điệp, bông trang đem cúng dường trên chùa. Chị và Ngọc Nga hái ổi, mận, cùng hoa huệ, hoa lài tặng cô Yến Tuyết. Cả hai quên đi sự vắng mặt của cha và cảnh lửa đạn đang phủ trùm đất nước.

o O o

Hôm đó, vào ngày hăm ba đưa ông Táo về Trời, dùng cơm sáng xong, chị ra vườn đi hái rau. Ðầu óc chị lởn vởn về chuyện vong cô (một oan hồn chưa đi đầu thai, cứ quanh quẩn theo ai đó để phù hộ hoặc quấy phá) qua sự bàn bạc giữa bà ngoại chị và các bà lối xóm.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Khi chị tới ngôi miếu hoang thì bỗng có tiếng súng nổ lẻ tẻ từ đám dừa nước rậm rạp dầm mình trong bãi bùn lầy gần khu vườn. Rồi thì tiếng súng nhặt hơn, từng tràng dài. Ðạn bay veo véo trên đầu chị. Chị toan về nhà, nhưng không kịp nữa. Tiếng súng gần hơn, lẫn tiếng thét giận dữ. Chị nằm sát trên nền sân gạch tàu, ngoài ngôi miếu, tâm thần hoảng hốt lắm. Chị đọc hai câu thần chú nhật tụng. Chị nghĩ đến khuôn mặt từ bi của Ðức Quan Thế Âm trong tranh thờ. Chị nghĩ đến nụ cười hiền dịu của nhà sư viện chủ chùa Phổ Hương. Chị nghĩ đến phong thái ung dung và trầm lặng cùng dung quang đoan phương của hai chú sa di. Tự dưng, cơn sợ hãi lắng xuống. Nhưng vừa khi chị ngẩng đầu lên, một viên đạn bay phớt qua đầu chị. Cảm giác đau thốn, nhưng chị không dám cục cựa. Khi tiếng súng vừa im, chị cảm thấy cơn váng vất kéo đến làm cho não cân chị tê mê. Máu đã từ vết thương chảy xuống nền gạch.

Một bàn tay khẽ nâng chị dậy. Chị cố nhướng mắt lên. Một người đàn ông mặc Âu phục xám, trạc ba mươi ngoài (cỡ tuổi viện chủ chùa Phổ Hương), vẻ mặt trầm tĩnh giống chú sa di Phước Ðiền, ánh mắt dịu dàng âu yếm như mắt chú Phước Huệ, và vầng trán cao đúng là vầng trán nhà sư viện chủ. Ông khách lạ nhìn chị với vẻ xót thương vô hạn, rồi nở một nụ cười bùi ngùi:

– Tố Nga, em bị thương nặng lắm. Ðể tôi đưa em về nhà.

Chị khóc nức lên:

– Tôi muốn gặp ngoại tôi, má tôi và em tôi.

Người đàn ông rút chiếc khăn tay sực nức mùi hương cay cay, đúng là mùi nhang quỷ thường bán trong các tiệm Chà ngoài chợ Mỹ Tho, mà vào các kỳ rằm lớn, viện chủ chùa Phổ Hương thường thắp lên chánh điện. Ông khách lau nước mắt cho chị, vỗ về:

– Ðúng vậy, em phải gặp họ chứ. Ðể tôi dìu em nhé, hay thôi để tôi bế em, em kiệt quệ như thế này thì làm sao về đến nhà được chứ? Tố Nga em có đau lắm không?

Tuy mệt lả, chị cố hỏi lại:

– Thưa ông, ông là ai?

Người đàn ông trầm giọng:

– Tôi là bạn của em, hồi xưa, xa lắm rồi em ạ. Em không thể nào hiểu được đâu.

Cơn chóng mặt đến cùng với cơn nôn quặn thắt. Chị mửa lai láng và mê đi. Khi tỉnh dậy chị thấy mình nằm trong lòng má chị, trên chiếc xe thổ mộ chạy lọc cọc ra nhà thương tỉnh Mỹ Tho. Mắt đẫm lệ, má chị kể lại:

Bọn lính partisan đi ruồng bố, bắt được một liên lạc viên của phe kháng chiến, nhưng tới đám dừa nước gần bên miếng vườn của mình, thì người liên lạc vùng chạy để thoát thân. Bọn lính đuổi theo, bắn xả vào đám dừa nước. Trận nổ súng vừa im thì má thấy con lết về tới sân, máu chan hòa khắp vai áo.

Chị thều thào:

– Còn người khách lạ đưa con về?

Má chị lắc đầu:

– Má cũng chẳng thấy ai cả.

Chị cố cãi lại:

– Khi bị đạn lạc, con đuối sức rồi. Làm sao con có thể lết từ ngôi miếu về tới nhà cho được?

Má chị trầm ngâm:

– Có thể là ông ta đưa con về nhà trước khi má chạy tới sân.

Chị không nói gì thêm vì chị mệt quá đỗi. Vết thương trên đầu chị dù được bà ngoại chị dùng lá lưỡi cọp để cầm máu, nhưng mảnh đạn hãy còn ghim vào xương sọ của chị. Cơn chóng mặt dệt một tấm màn đen phủ xuống chị và chị lại thiếp đi. […]

(còn tiếp 1 kỳ)

Bản giấy in đầu tiên trên tạp chí Văn Học số 7, tháng 8 năm 1986. Ảnh minh họa của Getty Images.