Năm 1972 Dương Nghiễm Mậu viết Quảng Trị Đất Đợi Về. Nhưng Quảng Trị là đất của chia ly. Cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải làm chứng tích. Các trận-địa-pháo của Bắc quân gây thêm ly tán. Đất Đợi Về nhưng dòng người chen chúc vượt Đại Lộ Kinh Hoàng bất chấp cái chết để theo chân lính Cộng hòa xuôi Nam. Rời miền hỏa tuyến nhận nhiều bom đạn nhất. Nhưng về đâu sau tàn khốc? Sinh sống ra sao? Nguyễn Thị Thu Sương trả lời câu hỏi bằng hồi ký Động Đền-Bình Tuy. Là dân Quảng, tuy còn bé vào năm 72 nhưng đã biết nhận thức và quan sát, Nguyễn Thị Thu Sương ghi lại đời sống trên vùng đất mới, nơi chính phủ Nam-Việt đón nhận và giúp đỡ đồng bào chạy loạn. Sau đó thêm cơ cực khi Nam-Việt đầu hàng. Nguyễn Thị Thu Sương không biện bạch mà giữ sự trung tính cho những gì đã xảy ra, với gia đình mình. giá trị của hồi ký này. Tác giả trao cho Sàigòn lời cuối: Đất của bao dung.

[Trần Vũ]

Nguyễn Thị Thu Sương

Năm 1974, Ðộng Ðền nơi ba mạ tôi sống, là một dãy nhà tạm bợ cho những người dân Quảng Trị di cư vào đây. Mái nhà và chung quanh tường lợp bằng lá buông. Thiếu thốn tiện nghi sinh hoạt, tôi thấy thương dân Quảng Trị mình. Thương gia đình tôi, phải sống tạm bợ như thế này trong gần một năm. Trước khi được chính phủ chia đất và có nhà riêng của mình.

Từ Cam Bình, cả nhà đi bộ leo dốc trên con đường đất đỏ, đi khoảng hai cây số đến vườn của tôi. Chính phủ chia đều mỗi hộ gia đình là một ngàn mét vuông đất để làm lô gia cư cất nhà và vườn. Chia thêm một ngàn mét vuông làm rẫy canh tác. Ở đó, ba mạ tôi đã xây xong một căn nhà nhỏ. Nhà lợp bằng Fibro ciment do chính phủ cấp. Chung quanh nhà ốp lợp bằng lá buông, loại lá phổ biến ở vùng này. Căn nhà nhỏ cũng đủ cho một bàn học đặt tại phòng ngoài thay cho phòng khách. Bên trong đặt được ba giường ngủ cho cả gia đình gồm hai người lớn và 5 chị em chúng tôi. Phía sau là nhà bếp và nhà tắm. Còn khu vệ sinh thì nằm phía sau khu vườn. Vườn rộng cả ngàn mét vuông, ai cứ tự tiện xách theo cái cuốc hay vào nhà vệ sinh thì tùy chọn.

Sau khi chuẩn bị tương đối ổn, gia đình tôi dọn về Sơn Mỹ, nơi ở mới của gia đình. Ba tôi trồng chung quanh nhà những bụi sả to, để phòng ngừa không cho rắn vào nhà. Người ta nói rắn rất sợ mùi sả. Thế mà sau hai tháng, bụi sả phát triển tốt, em trai tôi phát hiện một con rắn lục nằm khoanh tròn trong đó. Cả nhà tôi cười vang!

Trước sân nhà, ba tôi trồng một đám bông vạn thọ lớn, bông vạn thọ nở vàng rực cả một khoảng sân. Hai bên lối đi vào nhà, ba trồng rất nhiều hoa mười giờ. Sáng sáng hoa hé nở vào khoảng mười giờ hoa tím, đỏ nở rộ khắp lối đi rất đẹp. Bên hông nhà, ba tôi chừa lại một cây thị rừng rất to và cao. Vì cây thị cao quá mà không có cách nào để leo lên. Tôi chỉ ngước mắt nhìn lên và mong “thị ơi! rớt bị bà già!”. Nhìn những con sóc nhảy nhót trên cành thị, tôi nghĩ khả năng trái thị còn không nhiều. Sáng ra, vài trái thị rớt xuống đất, tôi nhặt lên bỏ trên bàn học để ngửi mùi thơm của nó.

Hàng rào trước cổng nhà, có loại dây leo có trái rất lạ, hỏi ra tôi mới biết đó là đậu rồng. Ðậu rồng có thể hái vào luộc và xào lên ăn rất ngon. Loại cây này ở đây mọc hoang rất nhiều, tự nó mọc lên chứ chẳng ai trồng cả. Ðây là vùng đất mới khai hoang, những mùa đầu đất còn tốt, cây trái rất được mùa. Ba mạ tôi đi dạy học nên cũng không trồng nhiều cây trái trong vườn. Nhà chỉ trồng khoai, sắn, khoai tía, đậu xanh, đậu phụng và bắp đủ ăn mà thôi.

Nhà tôi ở trên một ngọn đồi khá cao. Tối đến nhìn ra phía biển, tôi thấy biển có hàng ngàn ánh đèn lấp lánh như một thành phố đang hoạt động náo nhiệt ngoài kia. Ba tôi giải thích đó là thuyền thúng đánh bắt mực ban đêm của ngư dân. Hình ảnh thật đẹp và vui mắt. Trong không gian tĩnh mịch của vùng quê không có ánh đèn điện, những ánh đèn đằng xa kia làm tôi thấy ấm lòng và vui lên. Chúng tôi vào vùng khẩn hoang lập ấp này, coi như xa rời ánh điện. Các thiết bị điện tử như quạt máy, bếp điện và bàn ủi điện coi như “thất nghiệp” đóng gói cất kỹ. Tối tối chúng tôi học bằng đèn măng-sông, cũng tạm ổn. Nhưng thiếu các tiện nghi khác cũng cảm thấy rất khó chịu. Ngày trước tôi chỉ cắm điện vào là ủi nhanh một bộ áo dài. Nhưng bây giờ tôi phải quạt than đỏ bỏ vào cái bàn ủi con gà. Rồi đợi nó nóng mới ủi được, ủi một bộ đồ mất nhiều thời gian và công sức.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Nước uống cũng là một vấn đề khó khăn. Nhà tôi ở trên đồi cao, mạch nước dò rất khó, cả xóm chỉ có một giếng bơm nước của UNICEF tài trợ. Mọi người phải canh giờ nhau mới có nước. Ba tôi thuê một xe bò bỏ một thùng phuy to trên đó chứa nước chở về nhà. Cả nhà tôi dùng bốn thùng phuy chứa nước để ăn uống và dùng sinh hoạt.

Sau 30/4/1975, Ðộng Ðền khó khăn và cuộc sống của dân Quảng Trị ở đây lầm than và khốn khổ hơn. Người dân không có nhiều phương hướng làm ăn sinh sống. Kẻ trở về quê nhà Quảng Trị, còn người ở lại bắt đầu làm rẫy, phát quang để trồng trọt.
Gia đình tôi ở lại vùng đất Ðộng Ðền này, mẹ tôi tiếp tục đi dạy học. Riêng ba tôi là quân nhân biệt phái nên chính quyền mới không cho dạy học. Ba tôi cũng không quen lao động, những ngày đầu gặp nhiều khó khăn. Những gia đình khác bắt tay vào rừng khai phá lô đất mà chính phủ trước đây cấp làm rẫy. Người ta tiến hành chặt cây, phát rẫy để trồng trọt. Nhà tôi, các em còn nhỏ nên chưa bắt tay vào làm. Một hôm được tin, bộ đội đã đi vào rẫy của nhà tôi gỡ một trái mìn đã gài trước 1975. Thật hú hồn, nếu nhà tôi siêng năng đi làm sớm, chắc có tai nạn thương tâm xảy ra!.

Phá rừng, không có nhiều cây để giữ những cơn mưa rừng và nước cuốn trôi những đất màu mỡ. Ðất trở nên bạc màu, mùa màng không thu hoạch được bao nhiêu. Có một số gia đình ở Ðộng Ðền bắt đầu di cư vào Miền Tây. Nhưng dân đồng bằng không thể thích nghi dễ dàng với miền sông nước. Họ thất bại không thể sống ở vùng sâu vùng xa của Miền Tây. Dân di cư Quảng Trị lại tiếp tục ra đi tìm đất sống. Sau này họ nhận thấy vùng Miền Ðông Nam bộ có thể lập nghiệp được. Ở vùng Miền Ðông Nam bộ, đất tốt, người ít, mọi người tham gia vào các nông trường cao su. Họ nhận thêm đất để trồng cây và canh tác. Có một số gia đình di cư lên vùng đất mới Tánh Linh, Ðức Linh. Ở đó, có ruộng nước, dân mình có thể canh tác trồng lúa. Cuộc sống người dân thiên di Quảng trị dần dần ổn định hơn.

Sau 1975, nhiên liệu để chạy máy bơm nước từ giếng lên không còn. Nắp giếng được mở ra, mọi người múc tay nước từ giếng lên. Giếng sâu ba mươi mét, múc một gàu nước từ giếng lên chỉ còn gần nửa gàu, dọc đường va chạm nó đổ gần hơn nửa. Múc gần nửa tiếng mới đầy thùng nước. Ðó là ngày thường, còn ngày khô hạn thì khỏi nói, sắp hàng múc nước mệt mỏi vô cùng. Tôi phải tập gánh nước, trước đây bơm từng thùng phuy thuê xe chở về nhà, nay tất cả đã khác. Ðầu tiên, tôi gánh một góc thùng, vai đau quá. Tối về vai tôi đau không chịu nổi. Nhưng hôm sau, tôi vẫn phải cố gắng để tập gánh. Dần dần vai tôi quen rồi, nâng dần lên một nửa thùng, rồi hai phần thùng, cuối cùng là cả thùng. Phải mất gần hai tháng tôi mới gánh thành thục đôi nước và có thể trở vai nhẹ nhàng.

Xem thêm:   Nhật Thực toàn phần tại Dallas - Fort Worth,Texas

Chính quyền mới kêu gọi mọi tầng lớp trong xã hội tham gia các đoàn thể. Thanh niên nam nữ thì tham gia Hội Thanh niên. Thiếu niên trẻ con vào Ðội Thiếu niên. Nông dân vô Hội Nông dân. Người già vào Hội Phụ lão. Trong một tuần có khi kêu họp đến hai ba lần.

Lúc chưa đi học, tôi tham gia Hội Thanh niên. Có chị ở cạnh nhà, hồi trước ở quê có vào du kích nên chị thuộc nhiều bài hát cách mạng. Các anh chị thì đem các bài hát thời đấu tranh sinh viên ra hát. Trong thôn có anh tham gia Ðoàn Văn công tập cho nhóm nữ một bài múa Cách mạng. Các em trai tôi vào Ðội Thiếu niên, chơi trò chơi và hát múa bài “Cùng nhau múa chung quanh vòng”. Kết quả em trai bị một thằng nhóc trong xóm lây ghẻ ngứa. Rồi nó về lây cho những đứa em khác. Tôi không biết thằng nhóc đó bị ai lây ghẻ. Nếu truy lùng có lẽ F0 là các chú bộ đội trong rừng lây ra cho dân, cũng bằng bài múa đó. Vì bị lây ghẻ, kèm với điều kiện xà bông thời đó khá hiếm nên cả Ðộng Ðền hồi đó bị ghẻ ngứa rất nhiều. Tôi nhờ đi học xa nhà nên thoát khỏi bị bịnh dịch này.

Tình hình nước uống ở Sơn Mỹ càng lúc càng khan hiếm, sau này nhà tôi quyết định về Cam Bình sống. Nơi ấy thấp hơn, nước dễ có hơn, nhưng đổi lại nguồn nước không trong sạch như trên cao này.

Nhà tôi bỏ lại khu vườn và đất rẫy của mình ra đi. Về Cam Bình, gia đình tôi mua miếng đất một ngàn mét vuông có một căn nhà gỗ rộng, đẹp hơn hẳn căn nhà cũ. Ngoài ra, có một ngàn mét vuông đất rẫy để canh tác. Cuộc sống thoải mái hơn, nhưng đối với mẹ tôi thì tài sản dần dần đội nón ra đi. Lương giáo viên không được bao nhiêu, tiêu chuẩn mười ba ký gạo. Nhưng thực tế chỉ nhận ba hoặc bốn ký, còn lại kèm theo khoai sắn. Ba tôi vào hợp tác xã nông nghiệp của thôn. Thôn không có ruộng, đa số là đất rẫy, chỉ chủ yếu trồng khoai sắn. Ba tôi trước đây là giáo viên, việc làm nông không quen, nên năng suất cũng không cao, ít công điểm. Khi chia phần theo công điểm, nhận về chẳng được bao nhiêu. Với số lương thực ít ỏi đó làm sao đủ ăn cho cả nhà. Hồi đó tôi và các em đang học ở trường cấp III Hàm Tân. Vì thế, mẹ tôi phải bán dần tài sản chắt chiu, số tài sản vơi dần đi.

Thời kỳ ấy, nhà nước có chính sách ‘tự cung tự cấp”. Nơi nào sản xuất sản phẩm gì, tiêu thụ sản phẩm ấy, còn công việc phân phối do nhà nước phụ trách. Ở Bình Tuy đánh bắt hải sản nổi tiếng cả nước, các hải sản như cá, tôm, mực rất nhiều. Vùng này sản xuất nhiều khoai, sắn, bắp nhưng gạo thì rất ít, vì thế giá gạo rất cao. Nhà nước cấm giao lưu mua bán giữa các vùng. Các dân buôn Bình Tuy mang cá tươi và mực khô vào Sài Gòn bán bị công an kinh tế bắt tại các trạm kiểm soát. Ngược lại, dân buôn Sài Gòn mang gạo từ Miền Tây ra bán cho Bình Tuy cũng bị bắt tại trạm gác Liên Tỉnh. Nhà tôi có bữa nấu cháo loãng gạo cho cả nhà, nhưng có thể ăn với ba đến bốn ký cá nục hoặc cá bạc má luộc chấm nước mắm. Có lúc ăn cá kho với một rổ khoai luộc hoặc một nồi bắp tươi trừ cơm là chuyện bình thường.

Ba năm sau, không thể kéo dài mãi tình trạng này, nhà tôi mua một miếng đất ẩm gần đó. Ðó là một khu vườn người ta đã trồng tương đối đầy đủ các cây lâu năm: ổi, dừa, xoài, mãng cầu và chuối. Vườn có một thửa đất trồng lúa sau nhà. Mảnh vườn này thấp, nên quanh năm đất ẩm, không cần tưới nước. Cây cối mọc sum suê, các mảnh đất nơi khác khô cằn nên nhiều loại rắn tập trung sinh sống ở đây. Nhà tôi sống chung với lũ rắn! Trên nóc nhà thỉnh thoảng có vài ba con rắn uốn lượn, giường trước khi ngủ phải đập đề phòng có rắn ở trong. Tôi đi học ở Sài Gòn về không biết, sáng ra hí hửng định leo lên cây hái ổi. Nghe tiếng gì thổi phù phù, nhìn lên hai con rắn hổ đang phóng cái lưỡi dữ dằn của nó về phía tôi. Mất hồn, tôi chạy vào nhà nói với em gái tôi. Em gái tôi nói: “chị muốn hái ổi, phải cầm một cây gậy, gõ vào gốc cây cho rắn bò đi chị mới leo lên được”. Ở nhà tôi tất cả làm gì cũng phải báo động trước cả. Muốn hạ quày chuối xuống, phải đưa cây chọc vào buồng chuối cho rắn lục trong buồng chuối bò ra, mới cắt chuối được. Nói chung, lúc nào cũng có cái cây đi kèm theo. Lúc đầu, tôi thấy thật khủng khiếp, nhưng rồi quen dần, tôi nhận thấy cần phải chung sống hòa bình với lũ rắn. Ta không đụng nó thì nó vẫn để ta bình an không chuyện gì xảy ra. Có một chiều hè, cả nhà ra mương bên hông vườn tát cá. Thấy có bóng dáng con lươn chạy ra, cha con chận tới, chận lui, mới phát hiện ra con rắn không phải con lươn! Cả nhà hết cả hồn, may không bị rắn cắn!

Xem thêm:   Hang gấu

Nhà tôi nuôi hai con chó để giữ vườn, nhưng vẫn bị cảnh hái trộm cây trái trong vườn do những đứa trẻ nghịch ngợm. Nhờ có khu vườn ẩm, nhà có thể nuôi heo nái, vì có sẵn rau lang quanh năm. Em gái tôi có thể bán các trái cây trong vườn như ổi, xoài, mãng cầu, rau lang để tăng thêm thu nhập. Nghỉ hè, tôi thường về nhà nuôi heo phụ mạ. Khi các em trai lớn lên đi vào Sàigòn học đại học, em gái ra Phan Rang học Cao đẳng Sư phạm, chỉ còn ba mạ, nhà trở nên vắng vẻ. Nhà tôi bán mảnh vườn và ra gần đường cái ở. Ba mạ tôi lại lập vườn mới, trồng dừa và cây điều, buôn bán thêm để kiếm sống. Nhà tôi tiếp tục sống ở đây thêm nhiều năm nữa.

Công cuộc tàn phá rừng để làm rẫy, đốt than ngày càng tàn khốc hơn, làm kiệt quệ rừng. Hết rừng, không có cây để giữ những cơn mưa xối xả trên dòng suối. Nó tạo ra xói lở hư hại đường sá, mưa cuốn cát từ trên dốc đổ dồn về Cam Bình. Con đường từ Sơn Mỹ đến Cam Bình, chỉ còn lại một rãnh sâu chạy dọc hai bên đường, xe đò không thể chạy được. Con đường từ Cam Bình đến Ngã Tư Quân Cảnh đầy cát trắng. Không thể chạy xe lam như thường lệ, chỉ còn có xe bò hoạt động được. Các con bò tội nghiệp kéo xe hàng đi từng bước nặng nhọc qua con đường đầy cát trắng. Dân thường và đám học trò chúng tôi chỉ có đi bộ mà thôi. Phải gần mười năm sau, chính quyền mới làm lại con đường để xe cộ lưu thông được như bình thường.
Các em tôi lần lượt tốt nghiệp đại học ra trường. Tôi chuyển công tác từ Nha Trang về Sàigòn. Sau khi tôi lấy chồng, có hộ khẩu ở Sàigòn, tôi mới có thể thu xếp đưa ba mạ về Sàigòn.

Năm 1989, ba mạ tôi giã từ Ðộng Ðền về Sàigòn sinh sống. Kết thúc gần mười bảy năm sống ở đây với biết bao vui buồn và vất vả. Vùng đất này đã cưu mang dân Quảng Trị trong những ngày khốn khó. Người dân Quảng Trị được ví như người dân Do Thái, di cư khắp nước Việt Nam. Việc di cư lần này chắc là lần cuối, hy vọng sẽ định cư lâu dài nơi ở mới này. Gia đình tôi đã sống ở Sàigòn hơn ba mươi năm, một thời gian khá dài. Sống ở đây ta chỉ cần cố gắng chăm chỉ, không sợ bị phân biệt đối xử. Không ai quan tâm ai từ đâu đến, vùng miền nào. Sàigòn là nơi đất lành chim đậu.

NTTS

Sàigòn, tháng 4-2020