Sinh tiền Mai Thảo sinh sống trên phố Bolsa, trong căn hẻm phía sau nhà hàng Song Long . Tôi đến đó nhiều bận. Chứng kiến không phải một Mai Thảo của vũ trường hay trên mặt đệm với máy lạnh rầm rì bên cạnh một người đàn bà đẹp như ông viết trong Hạnh Phúc Đến Về Đêm, hay Gần Mười Bảy Tuổi với Marlène, người tình Thụy Điển đi lại khỏa thân trong căn gác trên phố Catinat. Cũng không phải Mai Thảo của các chiếu bạc. Mà là một Mai Thảo cặm cụi viết tay từng địa chỉ của từng độc giả lên bao thư gửi báo Văn.
Tiểu thuyết feuilletons của Mai Thảo thường bị trách phù phiếm nhưng sở trường của Mai Thảo chính là thể tùy bút. Càng đặc biệt với thể Khắc họa chân dung. Chân Dung Mười Lăm Nhà Văn Nhà Thơ Việt Nam xuất bản năm 1985 là những tấm ảnh ghi bằng chữ. Từ Vũ Khắc Khoan đến Dương Nghiễm Mậu xuyên qua Túy Hồng, Mặc Đỗ, Phạm Công Thiện, Nguyên Sa, Võ Phiến, Nguyễn Đình Toàn, Lê Tất Điều, Nhã Ca, Bình Nguyên Lộc, Vũ Hoàng Chương… Mai Thảo ghi lại tính cách con người trong dạng thức đời thường nhất, qua đó hiển lộng (chữ của Mai Thảo) cốt cách và thần thái của một nhà văn. Ở chương cuối của tập sách, chương thứ 15, chính là Trùng Dương. Một trong những nhà văn nữ được xem ngỗ nghịch của miền Nam. [Trần Vũ]
Mai Thảo
Từ mấy năm nay làm lại tờ Văn ở Hoa Kỳ, đời sống lữ thứ hàng ngày thấy đỡ thất lạc, bởi lại được thả trôi trở lại với một không khí tòa soạn không khí trị sự tuy đã khác biệt, nhưng vẫn còn phảng phất đâu đó, trên một góc bàn viết, dưới một ánh đèn sáng, cái không khí đã bao năm sống ở quê nhà, tâm trí tôi thường có nhiều hơn những hồi tưởng về báo quán cũ, là 38 Phạm Ngũ Lão Sài Gòn, ngày trước.
Nhớ lại. Cái chỗ ngồi trên căn gác xép, ngó chéo sang tấp nập Ciné Quốc tế. Cái ngọn điện trước bàn viết tôi, mỗi buổi chiều, lách mình qua những cỗ máy Minerve im lìm, từ báo quán đi ra. Nhớ lại. Từng khuôn mặt anh em thợ chữ. Những thân trần, những mồ hôi, những ca đêm, những bữa ăn bên máy của họ. Nhớ lại. Những bản mo-rát trễ muộn, ướt nhèm, phải đính lên tường cho khô, ngày mai mới sửa. Nhớ lại. Hết thảy. Mùi mực in. Tiếng máy chạy.
Về trước lẫn về sau anh Nguyễn Đình Vượng mất, từ Trần Phong Giao đi tới Nguyễn Xuân Hoàng đến, cho tới cái ngày 30 Tháng Tư bàng hoàng, tạp chí và nhà xuất bản cũng phải hạ bảng, báo quán ngưng đọng, tối thẳm trước tử hình của ngôn ngữ và khai tử của văn chương.
Nhớ lại, Duyên Anh ngồi viết ở bàn bên, chữ nhỏ như con kiến, Bùi Giáng vào đòi uống rượu, Bình Nguyên Lộc, Vũ Hoàng Chương chỉ cần một tách trà, cái quán cóc của bà Năm bên hông tòa soạn, thân hữu Văn tới ngồi đông kín, cái quán nhậu bên chợ Thái Bình, văn nghệ có tiền là ơi ới gọi nhau sang.
Và trong cái khối nhớ toàn thể này, về tiền thân của Motor Avenue bây giờ, còn là một phiến nhớ riêng, óng ả và khả ái hơn, là nhớ về cái đội ngũ những nhà văn nữ có với Văn một hợp tác từ đầu, tới với Văn bằng một lui tới thường hằng khiến 15 năm Văn không số báo nào là không có góp phần của văn chương nữ phái.
Những nhà văn nữ ấy, đặt họ vào tiến trình văn học Việt, là những Beauvoir, Sagan, Han Suyn, những Stein, Duras, Sarraute của chúng ta. Phá tan những vùng đất cấm nghìn đời với người viết nữ, khẳng định bằng văn chương, sự giải phóng toàn vẹn của nữ phái, và lần thứ nhất trong lịch sử văn học, trở thành những nhà văn toàn diện, toàn phần, họ đã đem lại một đổi thay lớn đến nay chưa sao đo lường hết. Có như chưa có họ, văn chương “sau lưng đêm lặn chìm chân núi” và từ có họ, văn chương “trước ngực trăng dào dạt biển khơi”.
Đó là Nguyễn Thị Vinh. Trắng, lạnh, như một bông huệ đài các. Là Nguyễn Thị Hoàng, buổi chiều Sài Gòn cao, điếu thuốc lá trên tay, ly khai vị ở cạnh. Là Nhã Ca, đi thăm nuôi Trần Dạ Từ, nằm ngủ trên đỉnh Đèo Cả, bà chúa của chợ trời, ra tù đòi vào lại, tửu lượng không bạn trai nào sánh kịp. Là Túy Hồng, cô giáo Huế của trường Phú Lâm, từ đổ đèo Hải Vân, chiếc dù mưa những mùa mưa Sài Gòn vẫn chỉ những trời mưa, và những mùa mưa tuổi nhỏ không quên của Tràng Tiền, Thành Nội. Đó còn là Tuệ Mai đã mất, từ xa Động Hoa Vàng. Là Thụy Vũ, với tình yêu Tô Thùy Yên, về sống khép kín ở làng Báo Chí, bây giờ thư nhà viết sang từ một vườn rẫy Tây Ninh. Là Trần Thị Nguyệt Hồng nữa, bút hiệu kiêu hãnh viết tắt chỉ còn Trần Thị Ngh. Là Minh Đức nữa, đi khắp thế giới. Là Tuệ Nga, Vi Khuê mỗi người một giải thơ, là Lệ Hằng, mái tóc đuôi ngựa, chạy như gió, ra đi như nắng, cái quần jean xanh.
Và còn là Trùng Dương. Một Trùng Dương tôi không đến nỗi phải ném tuốt ý nghĩ về tới 38 Phạm Ngũ Lão mới thấy. Nhưng gần mà xa. Từ sang Mỹ đã 4 năm, người bạn văn duy nhất tôi chưa gặp lại.
Phải, duy còn một Trùng Dương tôi chưa thấy lại. Tưởng như chỗ ở của “bà Trùng” khó như đường vào đất Thục, đường vào đất Thục khó hơn đường lên trời. Tưởng như người nữ Chủ nhiệm Sóng Thần ngày trước chẳng còn muốn kiếm tình bằng hữu, gác kiếm quy ẩn thì chưa nhưng luyện thế tuyệt học chưa xong, còn bế môn nghìn ngày trong động.
Chưa gặp lại nhưng thư từ thì đã có. Ngày tôi tới Pulau Besar, cô bạn thân là một trong những người có thư sang Mã cho tôi sớm nhất. Thư nói vào Mỹ đừng tưởng vào thiên đường, sẽ đội một núi Hy Mã Lạp Sơn thất vọng. Thư nói “nước này thiếu hết mọi điều ở quê nhà anh hằng yêu thích, chỉ có cỏ xanh cỏ tím cỏ hồng là thừa mứa mà thôi.” Thư kèm 5 Mỹ kim, dặn dùng để mua thuốc hút. Tôi nhớ đã vâng lệnh vác ngay 5 đồng bạc tặng tới quán mua 5 gói thuốc Mã Lai Số Một, và khói thuốc tôi thở ra xanh um cả một góc trời trại đảo cũng dày đặc như những vùng khói thuốc mịt mùng của Trùng Dương ở Sài Gòn. Chẳng hiểu ở Placerville, Sacramento bây giờ, cô bạn có ngán ung thư, có bớt thuốc lá? Chứ ngày trước, cùng với Nguyễn Thị Hoàng, lượng khói của Trùng Dương quả là hàng đầu thật. Người đi tới đâu khói tuôn tới đó. Ngồi đâu là xắc tay mở ra thoăn thoắt, cái bật lửa liền tay tách tách, tới Văn, cặp kính trắng lấp lánh, khuôn mặt nhỏ nhắn, nụ cười sau làn khói, mỗi buổi sáng ngon lành một gói Salem.
Rượu nữa. Bởi Trùng Dương còn đích danh một đại tửu đồ. Những trận rượu của nàng ngày trước, như những trận đế của Nhã Ca ở quận Nhất bây giờ, Tản Đà Lý Bạch cũng chào thua và Lưu Linh thì đi chơi chỗ khác. Kỳ tích và huyền thoại này, suốt dọc sinh hoạt văn nghệ 20 năm, đám Vũ Khắc Khoan, Hoài Bắc, Mặc Đỗ, Thanh Nam chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm đau đớn. Chả là, một thời cô-nhắc và uých ky ở Sài Gòn vừa hiếm vừa đắt lắm. Chúng tôi, cái hầu bao văn chương hữu hạn, phải chơi trò hợp tác xã mới mỗi chiều mua nổi một chai.
Cái chai đó trân trọng biết chừng nào. Mỗi tên một phần, từ tốn với hoàng hôn, bởi rượu thì buổi chiều cũng hết. Thế nhưng vô phúc và bất hạnh chiều nào có nữ việt cộng Trùng Dương hoặc nữ quái kiệt Thụy Vũ cái bóng hồng chợt hiện, cười cười “ồ gặp các anh” là chúng tôi rụng rời và đại sự hỏng hết. Nữ phái tới không chờ mời đã uống rất đẹp, rất thật tình lại rất khỏe, rất nhanh. Chỉ chớp mắt đã nửa chai mà tay ngà vẫn còn ung dung rót tiếp.
Kỷ niệm về rượu của bọn tôi với Trùng Dương thật nhiều. Nam nữ văn chương một thời quây quần thân thiết, hình ảnh mỗi người trong từng giai đoạn sống lúc thế này lúc thế khác, nhưng cái hình ảnh chúng tôi giữ lâu dài về Trùng Dương là cái áo bà ba trắng hồng đựng nắng gió Sài Gòn, một lối sống phóng khoáng rất đàn ông, với một điếu thuốc thả khói trên tay và tay kia ly rượu. Phần tôi thì nhớ nhất là một đêm Giáng Sinh ở một đầu quầy. Tối hôm đó, tôi buồn, ngồi uống một mình. Trùng Dương vào. Nhìn thấy, đi tới. Uống một mình buồn lắm phải không? Đúng, buồn. Tôi uống với anh cho vui. Vui thật. Chỉ không vui lắm là đêm đó tôi đã phải rời quầy khá sớm về nhà ngủ, không đợi được hồi chuông vàng vang ngân khắp cùng nhân thế báo tin vui Chúa đã ra đời. Trận rượu với Trùng Dương cái túi tiền của tôi không còn cho phép thức khuya thêm nữa.
Ở một tùy bút nổi tiếng của Nguyễn Tuân tựa đề là Những Đứa Con Hoang, có một nhân vật đàn ông khác thường, tên là Lũy, đột nhiên mất tích giữa bằng hữu, giữa đời sống.
Bỗng một chiều cuối năm, người mất tích trở về kinh thành thăm bạn. Bạn hỏi, mới biết Lũy đã âm thầm thực hiện cho cái thân thế lạc phách một cách mạng bản thân. Rời xa những chật hẹp cõi người, những tù túng nơi chốn, Lũy đến với cái vùng vô tận xanh biếc mang tên là thiên nhiên, hòa nhập với cõi không bến không bờ có tên là tạo vật. Những ánh lửa phố, giam cầm, Lũy không sống được với chúng nữa. Mà phải là hằng hà nghìn dặm của trăng sao. Những bụi bặm, những ồn ào dưới thấp cũng vậy. Đời sống chuyển lên ngày cao, giữa trong vắt đầy và tịch lặng lớn. Và Lũy đã thăng hoa, đã trở thành. Trong tự do tuyệt đối tìm thấy ở tách khoát, ở khuất biệt. Trong cái một mình. Như một đường dây vô tuyến giữa rừng. Trong cái riêng ta, một mình một cõi.
Trùng Dương không bao giờ ngộ nhận cho mình một kích thước tâm thức xuất chúng như nhân vật Lũy. Nhân vật ấy hoang đường và tiểu thuyết. Mặt khác, Trùng Dương ngày trước ngồi sau bàn giấy chủ nhiệm Sóng Thần, đấu tranh chống kiểm duyệt, điều động anh em đi nhặt xác trên Đại Lộ Kinh Hoàng, cũng như Trùng Dương hiện giờ ở Mỹ, bao giờ cũng là con người rất xã hội, rất thực tế. Danh từ xã hội và thực tế còn phải được hiểu ở cái nghĩa đơn giản nhất và cũng tận cùng nhất. Bởi từ một người đàn bà, có thể một thời đã có một nếp sống nghệ sĩ phóng lãng, nhưng từ 10 năm tới Mỹ, đã chọn ngay cho mình một bến đậu với toàn vẹn tinh thần và tư cách một người đàn bà Đông Phương trong bến đậu ấy. Trùng Dương ngày trước không còn nữa. Giờ là một Trùng Dương mới. Của chồng con. Của gia đình. Toàn phần. “Nếu đời sống có nhiều cánh cửa mở ra nhiều chân trời khác biệt, tôi đã đóng lại tất cả những cánh cửa ấy, chỉ còn mở một cánh cửa duy nhất vào cái thế giới bên trong, cái thế giới ấy là 1131, Large Oak Dr, Placerville, Sacramento”. Thư Placerville nào của Trùng Dương viết cho bạn bè cũng là một xác quyết rõ ràng và minh bạch như vậy. Một xác quyết trầm tĩnh, vững chãi. Của một người vợ, một người mẹ. Về một lựa chọn đã xong, một thực hiện đã là. Một lần và vĩnh viễn. Thư nói đến mua đất, đến làm nhà. Đến cái trailer đơn độc giữa rừng, những vật liệu xây cất chở lên từ một thị trấn xa, ngôi nhà vẽ kiểu lấy, đào móng, đắp nền, thành hình dầu giữa những bình minh núi và những hoàng hôn rừng cô tịch. Thư nói điện đã thắp sáng, bếp đã nhen lửa, mảnh vườn sau nhà làm rẫy chưa xong, những nụ hoa đầu đã nở trong mùa xuân này, trên lối vào đã trồng xong một hàng cây ăn trái, điện thoại chưa mắc, trăm công nghìn việc, thảy còn ngổn ngang. Toàn những chuyện hàng ngày. Toàn những điều thực tế.
Nhưng Trùng Dương vào rừng, dựng nhà, kiếm tìm một ổn định trong cách biệt, một độc lập trong riêng tây, vẫn cứ làm tôi liên tưởng tới nhân vật Lũy. Vận động và cuộc cách mạng bản thân của Lũy.
Tâm thức của người Placerville và tâm thức người trong tùy bút không là một. Động lực đẩy tới lựa chọn cũng khác biệt. Nhưng trên đại thể, thì vận động lại đồng tính đồng dáng. Trước hết, nhân vật Lũy cũng là một nhà văn. Lũy bỏ đi, hoài bão là đặt một bàn viết mới giữa tạo vật và thiên nhiên, để làm được cái mới, cái khác từ một con người mới. Trùng Dương tới Placerville, có thể khởi đầu không có một chủ định văn chương đặc biệt nào như Lũy, nhưng rồi đời sống hiện giờ của người viết nữ ở Placerville cho thấy rõ, Trùng Dương đã đích thực thực hiện cho mình một khởi hành mới của nghệ thuật và của văn chương.
Thành ra nếu chỉ nhìn một cách tầm thường, thì khuất cách Placerville như chuyến lên đường đi vào xanh thẳm của nhân vật tùy bút Lũy chỉ là một dời đổi địa chỉ trong kiếm tìm một thế sống thích hợp. Mà thấu hiểu được cái động lực đưa tới khuất cách thì đó là một vận động trí thức, một vận động văn chương đang nhìn thấy cũng khắp dưới mọi vòm trời của văn chương thế kỷ. Kẻ trước, người sau, nhà văn đều muốn bỏ đi. Ở xa. Lên núi. Vào rừng. Tạo ra những khoảng cách lớn giữa mình với những thủ đô, những trung tâm, những ngã tư đời sống. Đặt bàn viết bên bờ một giòng suối vắng. Trong một trang trại hẻo lánh. Trên một bờ biển không người. Trong cuối đời họ, hàng trăm nhà văn Âu Châu đã bỏ Paris, London, Berlin, đi vào một đời sống thôn dã, ở một địa phương xa như vậy. Cả một thế hệ những nhà văn lớn, những tiểu thuyết gia lớn Hoa Kỳ cũng lớp lớp rời khỏi những thị trấn, đi ở xa, một mình, chối từ mọi sinh hoạt chung. Từ Hemingway đến Steinbeck. Từ Faulkner đến Mailer. Hầu hết những bản ngã đặc biệt ấy đều như cùng cảm thấy sự cần thiết, cái đáp số của một tách thoát, mỗi người một phương, gần như một mất tích đâu đó trong thiên nhiên và tạo vật.
Vận động trí thức vừa nói, không cụ thể và tận cùng, bởi sự lựa chọn cách sống hữu hạn và tùy thuộc hơn, cũng đã nhìn thấy thật nhiều trường hợp ở các nhà văn Việt lưu vong, từ 10 năm tới Mỹ. Vũ Khắc Khoan vẫn những mùa tuyết rơi ở Vạn Hồ. Mặc Đỗ trong đáy cùng cánh đồng Missouri City. Lê Tất Điều ở San Diego, Võ Phiến, một ngoại ô Los Angeles, Nghiêm Xuân Hồng ở Long Beach, Thanh Nam Túy Hồng ở Seattle. Hết thảy, những khuất cách. Hết thảy những ở xa. Hết thảy những cõi riêng. Hết thảy những cô tịch quanh mình, những im lặng tháng ngày, những ngôi nhà đóng kín. Hình thái sống biệt lập chừng như là một vận động khôi phục lại bản ngã, những bản ngã thất lạc cần khôi phục lại. Hình như xa cách là im lặng trong suốt và chỉ trong một im lặng trong suốt, đời sống tâm linh và trí tuệ mới có đất đai và không khí để thành hình.
Hiện tượng phức tạp. Đoán thấy hơn là mình thấy, rất khó phân tích. Nhưng là một hiện tượng có thật và nhất định không phải là một phản ảnh của xa lánh tiêu cực, của bản ngã tự hủy, của thân thế chôn vùi. Cũng nhất định ở đó không có vùng đất chết của văn chương. Ngược lại. Mùa màng ở đó mọc lên. Ở đó, những khởi hành mới. Bằng chứng cụ thể là những thể lực sáng tạo sung mãn nhất, những công trình sáng tác đáng kể nhất của văn chương Việt Nam hải ngoại bây giờ phần lớn đều đã chẳng từ những miền trời khuất cách, những đời sống ẩn lánh, những bàn viết ở xa?
Và bàn viết sáng láng nhất, lồng lộng gió nắng nhất hiện giờ là bàn viết ở trên cao Placerville của Trùng Dương. Câu trả lời trong bài phỏng vấn của Văn, rất vắn tắt: “Đọc sách, vẽ, viết, lo chuyện gia đình con cái.” Nhưng chỉ ở trong sự vắn tắt đó, đã hình dung thấy những giờ phút không bỏ phí, một cuộc sống đầy. Buổi sáng. Người nội trợ dậy sớm cùng tiếng chim hót trong cánh rừng sau nhà, bình minh yên tĩnh của Placerville vừa hồng lên những tia nắng mặt trời thứ nhất. Nàng đốt lửa, pha cà phê cho bữa điểm tâm, ra vườn thăm những cây cối mới trồng, trở vào nhà đánh thức bầy con nhỏ dậy. Dọn phòng, tắm rửa, thay quần áo cho con, từ tầm cao nghiêng xuống sát gần những vấn đề, nhiều vô kể, của tuổi thơ đời sống Mỹ. Sự giáo dục con cái, Trùng Dương coi đó là một vấn đề trọng yếu. Phải để tâm, phải đích thân. Như đích thân đưa con sáng sáng ra trạm xe buýt tới trường, mẹ con đi trên những khúc đường ngày xưa là những con đường mang tên ảo tưởng của người Mỹ từ trăm phương đổ tới tìm vàng và đã tìm thấy mỏ vàng. Như đích thân dạy con học, lật những trang sách của chúng, thấy lại ở đó tuổi ấu thơ thuở nào của mình ở Việt Nam. Rồi sương tan. Nắng chan hòa trên Placerville đuổi theo cái bóng nhỏ trong nhà, ngày trước ở Sài Gòn không nhúng tay, bây giờ làm lấy hết.
Tóm tắt đời sống ở Placerville sáng láng trong trật tự ngăn nắp, những thời giờ được dùng cho nội trợ từng ngày phải kế hoạch thế nào để có một số thì giờ nhất định cho nghệ thuật và văn chương. Cho đọc. Sách thư viện Mỹ một rừng. Cái đọc từ từ, trường kỳ, đối diện với một biển trời chữ nghĩa vô tận. Cho viết. Bằng hữu ở miền Đông miền Tây ra báo, dựng diễn đàn là lại có thư, điện thoại đòi góp phần tới Placerville. Nhưng viết ở Placerville thế nào? Một nối dài không vấn đề với cõi viết quê nhà thuở trước? Câu trả lời của Trùng Dương là không. Viết như chưa bao giờ. Viết như một khởi hành mới. Nhiều lá thư gần đây cho bạn, Trùng Dương đã tâm sự về khởi hành này khi tuổi đời vừa chẵn bốn mươi. Tôi như một cô nhỏ, lần thứ nhất trong đời từ sau một hẻm núi đột ngột nhìn thấy biển khơi, từ một cánh cửa vừa mở tung, được đi vào một cánh đồng mênh mông đầy ngập cỏ hoa muôn màu muôn sắc. Bước chân tôi yếu, bàn tay tôi nhỏ. Nhưng tôi muốn hái hết, lấy hết. Thế nào cũng chưa đủ, hái mấy cũng chưa vừa, trong khi đó thời gian vùn vụt mà tôi biết hoàng hôn của đời tôi không còn xa lắm nữa, Đời sống là vậy mà tôi chưa xong. Con đường là vậy mà tôi chưa tới. Hoa đất trời đã mãn khai nghìn cánh, mà bản thể tôi vẫn còn là một cái nụ cựa mình trong đất, chưa làm sao nở được thành hoa.
Đó là Trùng Dương. Rất trẻ. Của những thí nghiệm, những tìm kiếm mới. Của những bản thảo nghìn trang thấy là chưa được, phải viết lại từ đầu. Của trường kịch ba màn Những Đứa Con Tôi Đã Về, hồi cảnh đã dựng phá đổ hết xuống, dựng hồi cảnh khác. Đúng là cô nhỏ giữa cánh đồng cỏ. Tấm lòng muốn là đôi hài 7 dặm, đi hết những chân trời. Ngòi bút muốn trăm đầu trăm tay, sự thực hiện muốn năm chiều bảy mặt. Lại còn con đường ấy, con đường vừa mở, người vừa đi vào. Đó là con đường hội họa, cái thế giới tạo hình, mầu sắc là tiếng nói. Thiên địa phong trần, hồng nhan đa truân. Đặng Trần Côn. Thuở trời đất nổi cơn gió bụi. Đoàn Thị Điểm. Kiệt tác thi ca ấy của một thời chia cách và chinh chiến, hình thơ, tứ thơ, ý thơ nào cũng là một bức tranh, bảy chữ nào cũng là một hội họa tuyệt vời, lục bát nào cũng những thủy mạc tuyệt diệu. Càng đọc kỹ kiệt tác của thiên tài, người đàn bà viết chữ đời sau càng thấy hiển hiện với mình một nhu cầu mới. Cái nhu cầu hội họa. Cái nhu cầu chuyển hiện một ngôn ngữ này thành một ngôn ngữ khác. Và thế là một giá vẽ đã được dựng thêm, cạnh một bàn viết. Ngòi đầu cầu nước trong như lọc. Cho nước cầu lên vải. Múa gươm rượu tiễn chưa tàn. Cho gươm cho rượu lên khung. Và thế là bằng hữu khắp nơi đã thấy gửi đến cho mình, từ mùa thu 82, và từ Placerville, những bản in cực kỳ công phu của Chinh Phụ Ngâm minh họa.
Đọc sách. Viết. Trông coi việc nhà và con cái. Vẽ nữa. Đã xong Chinh Phụ Ngâm. Minh họa tiếp đến lịch sử kháng chiến Việt Nam. Đến bà Trưng bà Triệu. Đó là Trùng Dương hiện giờ ở Placerville. Với một giá vẽ dựng cạnh một cửa sổ nắng, một bàn viết dưới một ánh đèn xanh. Của một cô nhỏ đang chạy trên cánh đồng cỏ. Đến những chân trời mới.
Được mời định nghĩa thế nào là nghệ thuật, thiên tài vĩ cầm số một thế giới Yehudi Menuhin trả lời: “Đó là con đường anh đang đi, những bước chân anh không ngừng đi mãi trên con đường ấy và cái đích cuối cùng anh muốn đạt tới”. Cô nhỏ giữa cánh đồng đang nỗ lực làm thành sự thật cho phần đời còn lại của mình theo định nghĩa con đường và bước chân ấy của Menuhin. Trong định nghĩa ấy, Trùng Dương cách khuất vẫn là một Trùng Dương có mặt, Trùng Dương ở ngoài dòng sinh hoạt vẫn là Trùng Dương rực rỡ giữa dòng. Buổi tối, một màn trường kịch viết lại. Buổi sáng, bức hình Bà Triệu vừa xong. Buổi trưa, một cuốn sách đọc tiếp. Buổi chiều, một truyện ngắn cho một diễn đàn bạn. Giữa nội trợ, giữa củi lửa. Giữa chồng con, giữa việc nhà. Trong ngăn nắp, trong cách khuất, từ 8 năm ở Mỹ, tới mùa xuân này, một đời sống vẫn có. Mọi mặt, thật đầy. Và mỗi ngày, người phát thư Mỹ từ dưới chân đồi đi lên, mang đến cho 1131 Large Oak Dr., Placerville một lá thư xa, vẫn là đang từ từ đi lên một địa chỉ đích thực của văn học Việt Nam ngoài nước.
MT (1985)
(trích Chân Dung Mười Lăm Nhà Văn Nhà Thơ Việt Nam, Văn Khoa xuất bản 1985)