Truyện ngắn phóng tác Bà Lão của Cao Huy thuộc trường phái Phi Lý. Sau phần nhập kỳ trước, phần tiếp theo đậm chất phim kinh dị. [Trần Vũ]

[…]

Chúng tôi uống ngà ngà. Rượu bắt đầu ngấm vào đầu. Tôi đứng dậy đi một vòng quanh phòng, cảm thấy hơi choáng váng.

“Ông nghĩ thế nào về người chết?”. Tôi dừng lại hỏi Châu.

“Chán ngắt”. Châu đáp. “Tôi vừa chán vừa sợ họ nữa chứ”.

“Tôi cũng vậy, tôi không chịu được người chết”. Tôi đáp. “Nếu người chết đến gần tôi, trừ khi hắn là họ hàng thân thuộc, tôi sẽ đá hắn mấy cái cho bõ ghét”.

“Thực ra, mình không nên đá người chết”. Châu nói.

“Hừm, còn tôi thì tôi mang giày vào đá toác đít hắn đi chứ. Ông biết không, tôi không chịu được người chết và con nít”.

“Ðúng rồi, tụi con nít dễ ghét thật”. Châu đồng ý.

“Vậy chứ ông nghĩ cái nào tệ hơn, người chết hay con nít?” Tôi hỏi.

“Theo tôi thì con nít tệ hơn. Tụi nó ồn ào gây nhiều điều phiền nhiễu lắm. Còn người chết thì dù sao chúng cũng không thể nhảy vào đời sống mình được”. Châu đáp.

“Trật, trật lất. Không phải chỉ nhảy vào thôi, chúng còn…” Tôi gào lên căm phẫn và câm họng ngay lập tức.

Châu nhìn tôi soi mói, kinh ngạc và hỏi: “Ông muốn thêm rượu nữa không?”

“Không”. Tôi đáp hấp tấp và tiếp nhanh “Không, cám ơn. Tôi không uống nữa đâu”.

Tôi đến gần bàn ngồi xuống. Chúng tôi im lặng trong giây lát.

“Tôi muốn hỏi ông một việc”. Cuối cùng rồi tôi cũng lên tiếng “Ông có tin vào thượng đế không?”

Châu ngồi trầm ngâm nhíu mày một lát rồi đáp. “Có vài hành động không được hay ho và lịch sự lắm. Chẳng hạn như yêu cầu người khác cho mình mượn $50 sau khi thấy hắn vừa bỏ túi $200. Hắn chỉ có hai cách hoặc là cho mình mượn tiền hoặc là từ chối và cách từ chối hay nhất, đẹp đẽ nhất, có lẽ là nói rằng hắn không có tiền. Nhưng mình đã cho hắn biết là mình thấy hắn bỏ tiền vào túi. Vô hình trung mình đã rào trước cách từ chối hay nhất, đẹp đẽ nhất của hắn. Mình không cho hắn một sự chọn lựa nào hết. Nói chung là mình chơi bẩn. Ðó là một hành động bất lịch sự và không đẹp. Và hỏi một người khác “Ông có tin vào thượng đế không?” cũng là một hành động bất lịch sự và không đẹp”.

“Tại sao?”. Tôi hỏi. “Hai vấn đề hoàn toàn khác nhau mà”.

“Tôi không có so sánh đấy nhé”. Châu nhấn mạnh.

“Ðược rồi”. Tôi đáp “Như vậy thì… xin lỗi ông, cho phép tôi được hỏi ông cái câu hỏi không được đẹp và lịch sự ấy”.

“Ðơn giản thôi, tôi không trả lời”. Châu đáp.

“Nếu là tôi, tôi cũng không trả lời, nhưng với lý do khác”. Tôi nói.

“Lý do gì vậy?”, Châu tò mò hỏi.

“Ông thấy không”… Tôi trầm ngâm… “Tôi không nghĩ là có người có đức tin và có người không có. Nói tóm lại, chỉ có người muốn tin hay không mà thôi”.

“Ðiều đó có nghĩa là những người không muốn tin đã tin vào một cái gì đó rồi”. Châu đáp, “và những người muốn tin trước đó thực sự không tin vào một cái gì cả”.

“Không chừng kể cả cái chết”. Tôi tiếp.

“Vậy tại sao ông hỏi tôi: ông có tin vào thượng đế không?”

“Ðơn giản chỉ để hỏi ông: ông có tin vào cái chết không? Cũng một câu hỏi ngớ ngẩn, ngu xuẩn phải không?”. Tôi bảo Châu rồi đứng dậy.

“Ông làm gì vậy, định đi hả?”, Châu hỏi.

“Ừ”. Tôi đáp. “Cũng tới giờ phải đi rồi”.

“Phần rượu còn lại ông tính sao? Còn vừa đủ cho một thằng một ly?” Châu hỏi.

“Ừ, vậy thì làm sạch luôn”. Tôi đáp.

Chúng tôi nốc cạn ly rượu và làm sạch tất cả những gì còn lại trên bàn.

Tôi lững thững đi xuống đường. Châu ở lại dọn dẹp nhà cửa. Tướng hắn thật xanh xao gầy guộc.

Ngoài đường gió lành lạnh thổi, tôi vừa đi vừa suy tưởng về tương lai. Bây giờ tôi phải đến trình báo mọi sự cho gã quản lý chung cư, và sau khi giải quyết xong vụ bà lão, tôi sẽ đến hiệu bánh mì chờ đến khi nào gặp lại được cái cô nàng dễ thương thích uống rượu mới thôi. Ít nhất tôi cũng còn nợ nàng tiền bánh mì mà. Tôi cần phải gặp nàng. Men rượu vẫn còn ngây ngất trong tôi, mọi việc trở nên đơn giản dễ dàng.

Ði đến cuối đường, có gã say rượu lảo đảo té nhào vào tôi. Cũng may, lúc ấy tôi không có súng trong tay. Nếu không, e rằng tôi đã bắn gã vỡ sọ rồi. Suốt dọc đường về nhà, mặt tôi đỏ gay giận dữ, ai gặp cũng ngoái đầu nhìn và lảng ra xa.

Tôi đến văn phòng quản lý chung cư. Một cô gái mặt lấm tấm mụn, tóc quăn quăn, mũi đỏ cà chua, đang ngồi soi gương tô son.

“Thưa cô, cho tôi gặp ông quản lý chung cư được không ạ?” Tôi hỏi. Cô gái không trả lời, vẫn tiếp tục thoa son. Tôi hắng giọng “Thưa cô cho tôi gặp ông quản lý ạ”.

“Hôm nay ông ấy nghỉ, ngày mai mới làm”. Cô gái ngước mặt lên trả lời và tiếp tục thoa son.

Tôi bước ra khỏi văn phòng thấy gã què đang khập khễnh chống nạng đi. Tiếng nạng đập lên mặt đường cồm cộp nghe thật khó chịu. Một đám con nít chạy theo nhái bộ đi cà thọt của gã.

Tôi quẹo vào nhà tôi, bước dọc lên cầu thang, dừng lại ở lầu một, chợt lợm giọng khi nghĩ đến cái xác của bà lão giờ này có thể đã rữa nát ra rồi. Tôi quên đóng cửa sổ và người ta nói rằng khi cửa sổ mở, xác chết thường rữa nát nhanh hơn. Hừm, tôi thật là ngu ngốc. Và gã quản lý khốn nạn kia không có ở nhà cho đến ngày mai nữa chứ! Tôi ngập ngừng đứng đó vài phút rồi tiếp tục bước lên lầu.

Tôi dừng lại trước cửa phòng tôi. Giờ này tôi có thể đi đến hiệu bánh mì chờ cô gái dễ thương được không nhỉ? Biết đâu, tôi không xin nàng cho tôi được ẩn náu ở nhà nàng hai, ba đêm được. Nhưng tôi chợt nhớ lại nàng vừa mua bánh mì hôm nay, không lý nào nàng lại mua bánh mì hai lần trong một ngày. Mà dù thế nào đi nữa cũng làm gì có chuyện đó xảy ra.

Xem thêm:   Cao tốc & thấp tốc?

Có tiếng người đi cộp cộp từ cuối hành lang, Tâm, cô hàng xóm, từ từ hiện ra. Thấy tôi, nàng la lên mừng rỡ “Có ông già nào tìm anh đấy”.

“Ông già hả! Ông ta như thế nào?” Tôi hỏi.

“Tôi không biết nữa”. Tâm trả lời.

“Khi nào vậy? Cô có nói chuyện với ông ấy không?” Tôi hỏi.

“Có chứ”. Tâm đáp.

“Vậy, tại sao cô không biết lúc nào?” Tôi hỏi.

“Cách đây hai giờ”. Tâm đáp.

“Ông ta trông ra làm sao?” Tôi hỏi.

“Tôi cũng không biết nữa”. Tâm trả lời rồi mở cửa bước vào phòng cô ấy.

Tôi vẫn đứng lặng trước cửa phòng tôi.

Tôi nghĩ “Ðột nhiên bà lão biến mất. Tôi bước vào phòng và bà lão không còn ở đó. Thượng đế ơi, nếu phép lạ xảy ra, tôi sẽ tin Ngài ngay lập tức”.

Tôi từ từ đẩy cửa bước vào một tay vẫn giữ chặt cánh cửa. Mùi xác chết vữa thổi ập vào mũi tôi. Tôi thò đầu qua khỏi cánh cửa và lạnh cứng cả người: Bà lão đang bò bằng cả tay lẫn chân về phía tôi.

Tôi đập mạnh cánh cửa, la lên thất thanh và chạy ùa đến trước phòng Tâm. Tâm mở cửa hỏi: “Anh gọi tôi phải không?”. Tôi run lẩy bẩy, hàm răng đánh lập cập, lưỡi tê điếng không nói ra lời, chỉ biết lắc đầu thay cho tiếng “không”. Tâm tiến sát đến tôi hỏi “Anh vừa nói chuyện với người nào phải không?”. Tôi lại lắc đầu.

“Thật là khùng”. Tâm rủa và bước vào phòng ngoái đầu nhìn tôi vài lần trước khi đóng cửa lại.

“Mình không thể đứng đây như vậy được! Mình không thể đứng đây như vậy được!”… Tôi lặp đi lặp lại câu nói trong đầu. Mỗi lúc câu nói càng ngấm sâu hơn vào tôi. Tôi vẫn lặp đi lặp lại mãi đến khi câu nói xuyên thấu vào tâm não tôi.

“Ðúng, mình không thể đứng đây như vậy mãi được”. Tôi bảo tôi, nhưng vẫn đứng đó bất động như kẻ tê liệt. Tai họa khủng khiếp đã giáng lên tôi. Nhưng với tôi, làm một cái gì đó, một cử động nhỏ thôi, còn khủng khiếp hơn nhiều. Trí não tôi xoáy mạnh như một cơn tụ phong mãnh liệt. Mắt tôi choáng ngợp đôi mắt bà lão chết lúc bà ấy bò chầm chậm về phía tôi.

Tôi phải nhào vào phòng đập vỡ sọ bà lão ra! Tôi nhất quyết phải làm như vậy. Tôi nhìn quanh, mắt sáng rực khi thấy cây cuốc nằm lăn lóc ở một góc tường không biết từ lúc nào. Tôi phải chụp lấy cây cuốc, nhào vào phòng và – Rầm!

Cơn run vẫn chưa dứt. Tôi đứng cong người vì lạnh cóng. Trí não tôi chuyển động lộn xộn, nhảy từ vị trí này sang vị trí khác. Tôi đứng yên lặng lắng nghe trí não tôi như một kẻ đứng bên ngoài như óc không phải là một phần tử trong cơ thể tôi.

Trí não tôi cất tiếng bảo tôi: “Người chết là những kẻ khốn nạn. Chúng ta bảo chúng: Hãy yên nghỉ trong bình yên. Nhưng chúng không cho ta cả yên nghỉ lẫn bình yên. Ta phải canh chừng và canh chừng chúng luôn luôn. Phải tìm ngay gã gác nhà xác. Công việc của gã chỉ có thế, canh chừng và canh chừng, không để người chết nhảy bậy nhảy bạ ra ngoài được. Chỉ một giây sơ hở của gã cũng có thể gây nên nhiều tai họa khủng khiếp. Như có lần, một người chết lợi dụng lúc gã gác-dan đang tắm rửa, trốn ra khỏi nhà xác bò vào phòng liệm xác ăn mất mấy cuốn vải liệm. Mấy chuyên viên liệm xác phải xúm lại đánh đuổi gã ra khỏi phòng. Nhưng rồi họ cũng phải xuất tiền túi ra bồi thường cho mấy cuốn vải bị ăn mất. Một người chết khác bò vào nhà hộ sinh nhát các bà mẹ sắp sinh đến nỗi có người sẩy thai và người chết nhào đến chụp cái bào thai vừa sẩy nhai ngấu nghiến khiến cô y tá can đảm phải chụp lấy cán chổi đập vào lưng gã, gã quay lại cắn mạnh bắp chân nàng. Cô y tá ngã lăn ra chết vì bị nhiễm độc. Ông thấy không, người chết là những kẻ khốn nạn nguy hiểm. Lúc nào mình cũng phải coi chừng chúng mới được”.

“Im đi!”. Tôi quát bảo trí não tôi. “Mày nói nhảm không à. Người chết đâu có cử động được”.

“Ừ”. Trí não tôi bảo tôi “Vậy ông cứ vào phòng ông đi. Ở đó, như ông nói, có người chết không cử động được đấy”.

Ðột nhiên tôi trở nên bướng bỉnh.

“Ừ, thì tao vào phòng tao đây”.

“Ông vào đi”. Trí não tôi thách tôi.

Tôi muốn điên lên vì giọng thách thức xỏ lá ấy. Tôi chụp lấy cây cuốc phóng về phía cửa phòng. “Khoan đã!”. Trí não tôi la lên thảng thốt. Nhưng tôi đã mở khóa đạp cửa phòng.

Bà lão đang nằm gần ngay cửa ra vào úp mặt xuống đất. Tôi đứng gần đấy, tay giơ cao cán cuốc. Bà lão vẫn nằm yên bất động. Cơn nóng giận trôi qua, tôi bình tĩnh lại, trí não tôi lắng xuống. Tôi lại làm kẻ chỉ huy chúng.

“Trước tiên đóng cửa lại!”. Tôi ra lệnh cho tôi.

Tôi rút chìa khóa ngoài cửa ra bỏ vào túi quần bằng tay trái, tay phải tôi vẫn giữ chặt cây cuốc, mắt tôi vẫn không rời bà lão một giây. Tôi đóng cửa lại rón rén bước qua xác bà lão tiến gần đến cửa phòng. Tôi chợt phác thảo ra một kế hoạch thủ tiêu người thường thấy trong phim ảnh, sách vở. Tôi sẽ bỏ xác bà lão vào một cái vali đem ra khỏi thành phố quẳng vào đầm lầy. Tôi biết một chỗ như vậy. Tôi chạy đến tủ kéo cái vali cũ kỹ trên nóc xuống. Có vài cuốn sách cũ, vải vụn trong ấy. Tôi lấy tất cả ra, dọn sạch cái vali.

Thình lình có tiếng cửa đóng rầm phía bên ngoài, tôi thấy xác bà lão như đang run lên bần bật.

Tôi chồm người đứng dậy chụp lấy cái cuốc. Bà lão vẫn nằm yên bất động. Tôi đứng yên lắng nghe. Thì ra gã công nhân hãng thép vừa trở về, có tiếng chân gã đi lại trong phòng gã. Lại có tiếng gõ cửa phòng gã nữa. Tôi nghe giọng gã và giọng Tâm nhưng không rõ họ nói gì. Hừ, nếu Tâm nói với gã về chuyện tôi nổi điên thì thật là nguy hiểm. Tôi phải qua phòng gã trấn tĩnh họ mới được.

Xem thêm:   Allen PAC

Một lần nữa, tôi bước qua xác bà lão và dựa cây cuốc vào cửa, phòng khi trở lại, tôi cầm được cán cuốc trước khi bước vào nhà.

Tôi dừng lại trước phòng gã công nhân lắng nghe, thì ra gã đang nói về công việc của gã. Tôi gõ cửa bước vào, gã đưa tay chào tôi. Tôi chào lại gã và giả đò mượn cái mồi lửa. Hình như mọi việc đều tốt đẹp, Tâm chưa nói gì cả. Có lẽ cô ta đã quen với thái độ kỳ quặc của tôi và quên hết mọi chuyện xảy ra rồi.

Ðột nhiên tôi lịm người đi khi nhớ lại, tôi chưa khóa cửa phòng. Nếu bà lão bò ra khỏi phòng thì sao? Tôi giậm chân định trở về phòng nhưng cố dằn mình lại sợ kinh động đến gã công nhân và Tâm.

Ðầu óc căng thẳng, tôi bước đi như chạy về phòng mình.

Bên ngoài mọi vật vẫn yên tĩnh bình thường. Tôi mở cửa nhè nhẹ, hé nhìn vào trong. Bà lão vẫn nằm đó, bất động như trước, mặt úp xuống sàn nhà. Cây cuốc vẫn dựa bên cánh cửa như cũ. Tôi cầm cây cuốc lên bước vào phòng khóa cửa lại. Căn phòng nồng nặc mùi xác chết. Tôi bước qua xác bà lão đến bên cửa sổ ngồi xuống ghế bành, đốt một điếu thuốc. Tôi thấy đau bụng và buồn nôn. Tại sao tôi lại ngồi đây như thế nhỉ? Tôi phải làm gì trước khi xác bà lão ung rữa ra chứ! Bằng mọi cách tôi phải nhét xác bà lão vào vali cẩn thận. Không chừng bà lão lại cắn ngón tay tôi và tôi chết vì nhiễm độc xác chết. Không – không bao giờ.

“Ha – Ha”… Tôi đột nhiên gầm lên “Bây giờ bà cắn tôi bằng gì? Bằng gì chứ? Răng bà ở đằng kia kìa!”.

Tôi xoay người trong ghế bành nhìn về phía góc phòng, theo trí nhớ của tôi thì hàm răng giả của bà lão nằm ở đấy. Nhưng không, không có hàm răng giả ở đó.

Tôi bắt đầu nghĩ “Không chừng bà lão chết bò quanh phòng kiếm lại hàm răng giả? Biết đâu bà ta đã tìm được và gắn lại hàm răng giả vào miệng rồi”.

Tôi cầm chặt lấy cán cuốc nhìn về góc phòng lần nữa. Không, hàm răng giả mất rồi. Tôi chạy đến giường kéo tấm ra trải xuống đi đến xác chết bà lão, tay phải tôi cầm chặt cán cuốc, tay trái tôi giữ chặt tấm ra trải giường.

Bà lão làm tôi sợ, cái sợ lờm lợm đáng ghét. Tôi dùng cây cuốc nâng đầu bà lão lên, miệng bà há ra. Vết bầm trên cằm, chỗ tôi đá bà, loang rộng thêm. Tôi nhìn vào miệng bà lão. Không, bà ấy không tìm ra hàm răng giả. Tôi kéo cán cuốc về, đầu bà lão rơi xuống đập mạnh lên sàn nhà.

Tôi trải tấm ra trải giường bên cạnh bà lão và dùng chân, dùng cuốc đẩy bà lên. Bà lão chồm hổm trên tấm ra, hai chân chụm lại ở đầu gối, hai tay quặp lên tận vai, trông như một con mèo trong thế vồ mồi.

Tôi gói bà lão lại và nâng bà lên. Bà ta nhẹ hơn tôi tưởng nhiều. Tôi đặt bà vào vali và lấy gân đóng lại. Tôi tưởng phải vất vả lắm chứ, không ngờ thật dễ dàng. Tôi khóa vali lại và đứng lên.

Cái vali đứng sừng sững trước mặt tôi, vẫn trang trọng như chứa đầy sách vở bên trong. Tôi thử giở vali lên, khá nặng, nhưng cũng được. Tôi dư sức xách xuống dưới đường.

Tôi nhìn đồng hồ. Năm giờ ba mươi. Ðược. Tôi ngồi xuống ghế bành hít một hơi khoan khoái và đốt một điếu thuốc.

Bụng tôi chợt quặn đau. Có lẽ vì xá xíu nguội? Hay vì thần kinh quá căng thẳng? Tôi không biết nữa. Có điều càng lúc bụng tôi càng đau hơn.

Tôi ngồi xuống hút thuốc phút này qua phút nọ. Mặt trời xuân chiếu thẳng qua cửa sổ. Tôi nhíu mày vì tia sáng mặt trời. Mặt trời lại ẩn núp sau ngôi nhà thật cao phía bên kia đường. Bóng mát chạy dọc theo trần nhà phủ xuống mặt đường và hắt lên mặt tôi. Tôi nhớ lại ngày hôm qua cũng vào giờ này, tôi đang ngồi đây viết một câu chuyện vĩ đại. Trước mặt tôi, dòng chữ thật đẹp “Nhà Pháp thuật dáng người cao ráo” đang nhảy múa lung tung.

Tôi nhìn ra cửa sổ. Gã què đang chống nạng đi khập khễnh dọc đường. Tiếng nạng khua lên lộp cộp thật ồn ào. Hai người khách bộ hành đứng ôm bụng cười sặc sụa vì dáng đi của gã.

Tôi đứng dậy. Tới giờ rồi, tới giờ đem liệng xác bà lão xuống đầm lầy rồi. Tôi phải mượn gã công nhân ít tiền. Tôi bước sang phòng gõ cửa hỏi:

“Hòa ơi, ông có ở nhà không?”

“Có, chờ tôi một chút”. Gã trả lời.

“Ông cho tôi mượn ba mươi đồng được không? Ngày mai lãnh lương tôi trả ngay”. Tôi hỏi.

“Ðược chứ”. Gã trả lời. Tôi nghe tiếng lịch kịch trong nhà và gã mở cửa ra đưa tôi ba tờ giấy mười đồng.

“Cám ơn ông nhiều lắm”. Tôi nói.

“Không có gì. Khi nào có hãy trả không gấp lắm đâu”. Gã đáp. Tôi chào gã rồi vội vã về phòng. Cái vali vẫn đứng đó sừng sững. “Nào, nhanh lên nào”. Tôi tự nhủ.

Tôi xách vali vội vã bước ra khỏi phòng. Tâm thấy tôi xách vali vội la lên.

“Anh đi đâu vậy?”

“Ðến nhà dì tôi”. Tôi đáp.

“Anh về sớm chứ?” Tâm hỏi.

“Ừ, chỉ đem ít đồ đến cho dì tôi thôi, có lẽ ngày mai tôi về”. Tôi trả lời và chào Tâm.

Tôi bước hối hả xuống đường đi đến trạm xe bus. Vali nặng trĩu, tôi chuyền vali từ tay phải sang tay trái và tay trái sang tay phải vài lần mới đến trạm xe bus. Tôi rút đồng hồ ra coi giờ, còn gần nửa tiếng nữa xe mới tới. Tôi đi tới đi lui, nhìn quanh nhìn quẩn và run bắn người lên khi thấy có vài gã cảnh sát đi ngang qua. Rồi cũng đến lúc xe bus đến và dừng lại như một đấng cứu rỗi. Tôi mừng rỡ chạy vội lên xe, lục bóp mãi không ra một đồng tiền lẻ, tôi đành đưa tấm giấy mười đồng cho cô nàng soát vé. Không may nàng lại không có đủ tiền thối. Mặc cho tôi hết lời văng cả đờm dãi năn nỉ, nàng vẫn lạnh lùng lắc đầu từ chối và yêu cầu tôi bước ra khỏi xe ở trạm kế. Tôi đành tiu nghỉu khệ nệ xách vali bước xuống xe.

Xem thêm:   Duy Trần - Nhà sản xuất phía sau Chương Trình “Dòng Chuyển của Âm Thanh”

“Vậy là phải chờ thêm nửa tiếng nữa, không biết sẽ có chuyện gì nữa đây”. Tôi lẩm bẩm càu nhàu và hì hục xách vali chạy sang bên kia đường đổi tiền rồi vội vã chạy về trạm xe bus. Tôi mệt nhoài người, không nhớ là mình đã đổi vali từ tay trái sang tay phải mấy lần nữa. Tôi đứng thở hổn hển nhìn dáo dác chung quanh, chợt thấy nàng, cô gái dễ thương ở hiệu bánh mì, đang đi phía bên kia đường. Tôi nhấp chân định chạy vụt sang phía bên kia đường gặp nàng, cái vali nặng trĩu giữ chân tôi lại. Tôi nhớ đến bà lão trong vali. Tôi ghê tởm bà. Tôi sợ nhiễm độc bà. Tại sao lúc nào bà cũng nhảy xổm vào đời sống tôi, chực nhai ngấu nghiến tất cả những gì của tôi và chính tôi. Tôi thù ghét bà. Tôi muốn quẳng xác bà ra giữa đường cho xe cộ nghiền nát. Nhưng… tôi sợ.

Áo tôi ướt đẫm mồ hôi dán sát vào da thịt. Tôi liệng vali xuống đất và ngồi lên, quẹt tay chùi mồ hôi nhễ nhại trên trán. Có hai đứa trẻ đứng nhìn tôi chăm chú. Tôi tảng lờ nhìn ra ngoài đường như đang ngóng chờ ai. Chúng nhìn nhau huýt sáo và chỉ tay vào mặt tôi. Tôi giận run lên. Ước gì tôi chích cho chúng một mũi thuốc tê liệt được nhỉ!

Vì chúng, vì hai đứa trẻ khốn nạn mất dạy ấy, tôi đứng dậy xách vali lên đi đến trạm xe bus, mặt cố giữ vẻ thản nhiên lạnh lùng. Hai đứa trẻ vẫn tò mò quan sát tôi từ xa xa. “Lạ thật”. Tôi nói lớn xách vali nhảy lên chiếc xe bus vừa dừng lại.

Tôi đến xe lửa đúng sáu giờ ba mươi. Tôi mua vé đến ga đầm lầy. Tôi bước lên xe lửa đặt vali xuống giữa hai hàng ghế và ngồi xuống. Bụng tôi chợt đau quặn thắt, tôi bóp chặt hai bàn tay lại, cố ghì lấy tiếng rên chưa thoát khỏi cổ họng.

Hai tên cảnh sát đang áp giải một gã đàn ông về bót. Gã đi thiểu não, đầu cúi gằm xuống đất, hai tay bị trói quặp ra sau.

Xe lửa bắt đầu chuyển bánh. Tôi nhìn đồng hồ: Bảy giờ đúng. Tôi muốn cất cánh bay bổng lên khi nghĩ đến lúc liệng xác bà lão xuống đầm lầy. Chỉ tiếc là tôi không đem theo cây gậy. Bà lão phải bị nhấn xuống bùn thật sâu mới đáng.

Gã hành khách bên cạnh dòm tôi soi mói. Tôi quay lưng về phía hắn nhìn ra cửa sổ. Bụng tôi lại quặn đau lên. Tôi nghiến răng, bóp chặt tay, hai chân co rút lại. Tôi gần đến đầm lầy rồi. Ánh hoàng hôn đọng lại trên ngôi chùa phản chiếu lấp lánh và tôi đi ngang qua biển hùng tráng. Nhưng tôi quên hết tất cả, hộc tốc chạy vào cầu tiêu: Người tôi co giật lên theo từng đợt sóng vỡ bờ.

Xe lửa chạy chậm chậm và dừng lại. Tôi vẫn ngồi trong cầu, người tê cứng vì sợ, sợ họ đuổi tôi ra khỏi cầu nếu xe lửa dừng quá lâu. Ước gì xe lửa chuyển bánh nhỉ! Ước gì xe lửa chuyển bánh nhỉ! Tiếng còi tàu, tiếng xe lửa chuyển bánh! Tôi khép mắt lại với nỗi sung sướng ngập tràn. Ôi, những khoảnh khắc tuyệt vời, những khoảnh khắc của tình yêu. Tôi thấy bắp thịt mình săn lại vạm vỡ và… nhão nhoét ra. Xe lửa ngừng lại lần nữa. Hình như có ai gài thắng cấp cứu thì phải. Trán tôi ướt đẫm mồ hôi lạnh. Cơn lạnh làm tăng nhịp co thắt ở tim tôi. Tôi đứng dậy, đầu tựa vào tường. Xe lửa bắt đầu chuyển bánh. Tôi gom hết sức lực chạy ra khỏi nhà cầu.

Không còn ai trong toa. Tôi bước chầm chậm đến cửa sổ chỗ tôi ngồi. Ðột nhiên tôi nhìn ngờ nghệch vô hồn về phía trước. Cái vali không còn ở đấy nữa. Chắc tôi đến lộn cửa sổ rồi! Tôi nhào đến cửa sổ kế, vẫn không có vali ở đó. Tôi chạy tới chạy lui loanh quanh trong toa. Tôi tìm trên trần, tôi lục dưới ghế, vẫn không có cái vali.

Thôi chết rồi, khi tôi đi cầu, chúng ăn cắp mất cái vali rồi. Tôi ngồi trên ghế hai mắt nóng ran muốn nổ tròng con ngươi. Không hiểu sao tôi lại nhớ đến tiếng chảo vỡ ở nhà Châu.

“Chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ?” Tôi tự hỏi. Hừ, bây giờ thì ai sẽ tin là mình không giết bà lão? Họ sẽ bắt mình ngay tại đây, hay ở ga đầm lầy, giống như gã đàn ông đầu cúi gằm xuống hai tay bị trói quặp ở ga.

Xe lửa chạy chậm lại tiến đến ga đầm lầy. Tôi mở toang cửa lấy đà nhảy xuống. Tôi mất thăng bằng cố gượng người đứng lại, sức nhảy hất tôi té nhào trên mặt đất đầy cát sỏi. Người tôi trầy trụa bê bết máu.

Tôi chạy vào khu rừng nhỏ kế cận. Khu rừng đầy cỏ tranh thật cao, không ai có thể thấy tôi được đằng sau ấy.

Một con sâu bướm màu xanh thẫm đang bò thảnh thơi trên mặt đất. Tôi quỳ xuống lấy ngón tay khều nhẹ nó. Con sâu bướm đập cánh chao người nhảy từ hướng này sang hướng khác loạn tung cả lên.

Tôi nhìn quanh. Không ai có thể thấy tôi được. Cơn run nhè nhẹ chạy dọc theo xương sườn tôi./.

CH (1989)

(*) Trần Vũ đánh máy lại từ bản in trên tạp chí Văn Học số 41 phát hành tháng 6-1989,

chuyên đề: Những Cây Viết Trẻ Ở Úc, từ trang 13 đến 29.