Pierre Schoendoerffer là cameraman của Phòng Điện ảnh Quân đội Pháp đã nhảy xuống Điện Biên Phủ cùng với Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam. 38 năm sau Schoendoerffer quay phim Diên Biên Phu chiếu năm 1992. Trong phim có một hoạt cảnh: Trung úy Kỳ (tài tử Eric Đỗ) đóng giả vai trung úy Phạm Văn Phú rút súng Colt chĩa vào mặt thiếu úy Ty, quát: “Avancez ou je vous bute!” (Tiến lên hoặc tôi bắn anh vỡ sọ!).
Vì sao hoạt cảnh này?
Vì phía Pháp truyền tụng câu chuyện là thiếu úy Ty và thiếu úy Lộc là hai trung đội trưởng đi đầu của Đại đội 2 của trung úy Phạm Văn Phú đã ngồi lại giao thông hào không chịu ra khỏi điểm xuất kích. Khiến toàn Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam bị khựng lại và dồn cục phía sau nên không theo kịp hai đại đội Nhảy dù Lê dương và chi đội chiến xa đã ra tới Bản Khê-Phai cách đó 2 cây số và đang phá chốt tiến về đồi Gabrielle.
Một kết tội không khoan dung. Rất nhiều sách về sau, đặc biệt của Quân đội Nhân dân “hồ hởi” với tội lỗi này. “Dù Ngụy mất tinh thần” là vui sướng của các chính ủy.
Trong vài sách Pháp, sau thất bại phản kích, trung úy Phạm Văn Phú nổi điên lập danh sách các quân nhân phải xử bắn để làm gương nhưng trung tá Pierre Langlais từ chối: “Nhảy dù không bắn Nhảy dù!”
Thiếu tướng hồi hưu Pierre Latanne là trung úy sống sót của Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam, qua phỏng vấn trên nguyệt san Guerres & Histoire số 69 tháng 10 năm 2022, xác nhận việc thiếu úy Ty và thiếu úy Lộc bị lột lon đày ra lao công chiến trường rồi thiệt mạng khi thu nhặt tiếp tế thả dù. Latanne quả quyết chính Đại úy André Botella, tiểu đoàn trưởng, nổi điên muốn xử bắn chứ không phải Phạm Văn Phú. Ở cấp trung úy khi đó, Phạm Văn Phú không thể đệ đơn đính kèm danh sách “cần bắn làm gương” cho trung tá Pierre Langlais, tư lệnh Chiến đoàn 2 Không vận kiêm tư lệnh Phân khu Trung tâm. Quân kỷ là một hệ thống.
Pierre Latanne thuộc Đại đội 1 của trung úy Marcel Rondeau (tử trận tháng 3-1954), về sau nắm trung đội súng cối 81 ly của Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam nói rõ: chính đại đội trưởng Đại đội 3 là trung úy Jean Gaven đã chống lệnh phản kích ra Gabrielle vì cho là hy sinh vô ích, cho đơn vị vào cối xay. Trung úy Gaven chết đêm 31 tháng 3 trên đồi Éliane 4, tức vẫn được lưu dụng.
Trung úy Erwan Bergot, trong ký sự Đêm Gabrielle bên dưới, cho một version khác: Đại đội 3 của Gaven theo ngay phía sau cánh quân Lê dương và khi Botella quay về Éliane 4, ba đại đội còn lại của tiểu đoàn hãy còn ở Huguette 3, tức là còn chưa ra tới Bản Kéo (Anne-Marie) là điểm xuất kích. Vậy thì làm sao Đại đội 2 của trung úy Phạm Văn Phú với 2 trung đội trưởng đi đầu là thiếu úy Ty và thiếu úy Lộc có thể làm ùn tắc toàn tiểu đoàn ở điểm xuất phát? Phía phản biện nói Erwan Bergot chỉ huy đại đội súng cối nặng Nhảy dù 120 ly đóng trên Dominique không trực tiếp chứng kiến. Nhưng còn Pierre Latanne, là trung đội trưởng của Đại đội 1 đi ngay sau Đại đội 2 của Phạm Văn Phú? Ai sai?
Vài sách Pháp khác nói Đại đội 2 của trung úy Phạm Văn Phú là đại đội duy nhất của Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam theo kịp cánh quân Lê dương và Thiết giáp, cũng chính Đại đội 2 của Phạm Văn Phú bắn che cho cánh quân này rút về Anne-Marie.
Đâu là sự thật?
Không còn nhân chứng phía Quốc gia. Thiếu tướng Phạm Văn Phú tự sát trưa 30 tháng 4. Trung tướng Ngô Quang Trưởng, nguyên thiếu úy trung đội trưởng của trung úy Phú vào năm 1954 nhưng ở lại giữ hậu cứ nên không có mặt ở Điện Biên Phủ, cũng đã khuất. Các trang sử của binh chủng Nhảy dù VNCH sơ sài về thời kỳ trước 1955.
Sự thật ở đâu? Ở vào điều hiển nhiên là Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam anh dũng chiến đấu cho đến phút cuối cùng, đã tham dự 8 trận phản kích lớn trong tháng 4-1954 khiến trung tá Langlais nhìn nhận đã đánh giá sai Nhảy dù Việt Nam và đại úy Botella bác bỏ việc đã đuổi cổ phân nửa lính Việt sau phản kích Gabrielle, vì như Botella lập luận: Đuổi cổ phân nửa tiểu đoàn thì lấy đâu lính thi hành nhiệm vụ? Nhảy dù Việt Nam nhảy xuống lòng chảo chiều 14 tháng 3 đến trưa 7 tháng 5 còn chiến đấu, là chứng minh.
Một sự thật khác, cũng vô vàn hiển nhiên là nếu Quân đội Liên-Hiệp Pháp xây dựng sức mạnh trên hai binh chủng thiện chiến chủ yếu là Nhảy dù và Lê dương, thì hãy nhìn vào cấp số của các tiểu đoàn Nhảy dù Thuộc địa và Lê dương ngoại quốc:
– Tiểu đoàn 6 Nhảy dù Thuộc địa (6e BPC) của thiếu tá Marcel Bigeard cấp số 613 binh sĩ thì 332 là lính Việt, tỷ lệ 54%.
– Tiểu đoàn 2 Săn giặc Nhảy dù (II/1er RCP) của thiếu tá Jean Bréchignac cấp số 827 binh sĩ thì 420 là lính Việt, tỷ lệ 50%.
– Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Lê dương (1er BEP) của thiếu tá Maurice Guiraud cấp số 653 binh sĩ thì 336 là lính Việt, tỷ lệ 51.4%.
– Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Thuộc địa (1er BPC) của đại úy Guy Bazin de Bezons cấp số 911 binh sĩ thì 413 là lính Việt, tỷ lệ 45%.
Cả 4 tiểu đoàn này đều nhảy xuống Điện Biên Phủ. Là số liệu chính thức của quân đội Pháp. (*)
Thấy gì?
Lính Việt phía Quốc gia làm nên phân nửa sức mạnh của Lê dương và Nhảy dù Thuộc địa. Là những người lính Việt đổ máu ngăn Cộng sản. Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam chính là Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam Cộng Hòa sẽ cắm cờ vàng trên cổ thành Quảng Trị vào Mùa hè 1972. [Trần Vũ]
(*) Bernard Fall liệt kê các số liệu này trong Hell in a Very Small Place nhưng bị Nxb Công An Nhân Dân cắt bỏ trong bản dịch tiếng Việt Một Góc Địa Ngục của Vũ Trấn Thủ.
Kỳ 5
Bản Khê-Phai
6 giờ sáng 15 tháng 3 năm 1954
– Trung úy, thẩm quyền gọi trung úy!
Jean Gaven, đại đội trưởng Ðại đội 3 của Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam hạ tấm bạt che mưa trước lều đào trong một hố đất, đưa tay cầm ống liên hợp của máy truyền tin. Viên trung úy mang đôi mắt đỏ ngầu thiếu ngủ bên trên đôi môi nhão có vị đắng ở lưỡi.
– Gaven nghe! Gaven khạc, giọng khản đặc.
– Anh tập hợp ngay lính, lệnh phản kích ra Gabrielle. Ðại đội anh đi đầu.
– Gabrielle? Toàn tiểu đoàn vừa mới nhảy xuống chưa đầy mười bốn tiếng!
– Anh nhìn lên phía Bắc, là Gabrielle.
– Các đại bàng lại chơi “cú mời danh dự….”
– Anh thi hành lệnh!
Ðại úy André Botella, tân tiểu đoàn trưởng 5e BPVN không muốn nói nhiều. Quan điểm của Botella là nếu Nhảy dù Việt Nam nhảy xuống Ðiện Biên Phủ thì không phải để đi du lịch, bất kể cần thời gian thích nghi với trận địa, chính vì tình hình cấp bách nên phải tác chiến ngay và Bộ Chỉ huy xem Nhảy dù Việt Nam chưa mất máu, còn sung sức, nên phải chấp nhận bị ném vào một cuộc phản kích chưa kịp thám sát mục tiêu.
Chiều hôm qua khi Botella trình diện Phân khu Trung tâm, trung tá Pierre Langlais đã nói thẳng mặt:
– Tôi không trông đợi tiểu đoàn của anh! Tôi đã yêu cầu thả một tiểu đoàn khác.
Nếu không phải là Botella, bất kỳ vị tiểu đoàn trưởng nào cũng bị chạm tự ái vì sự lỗ mãng thô lỗ này. Nhưng Botella là một quân nhân thâm niên, hiểu giữa các sĩ quan nên nói thẳng. Sau nữa, thực sự là danh tiếng của Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam không bằng hào quang của Tiểu đoàn 6 Nhảy dù Thuộc địa của thiếu tá Marcel Bigeard mà Langlais kỳ vọng.
Botella đáp, cũng đầy thẳng thắn:
– Tiểu đoàn 6 xuống ngày mai, chậm nhất hai ngày nữa. Tạm thời chắc chắn Nhảy dù Việt Nam giúp sức được.
Langlais không trả lời.
Sau đó Botella được giao giữ một cao điểm thấp ở phía Ðông sông Nậm-Rốm (Nam-Youm trên bản đồ Pháp), vừa đặt tên chính thức là Éliane 4. Chỉ là những sườn đồi trống, không hào, không công sự, không bãi mìn, thậm chí không cả hàng rào thép gai. Vừa tới nơi, lính Việt Nam đã phải hối hả đào hố để trú pháo và vì thiếu xẻng phải dùng nón sắt xúc đất.
Trung úy Gaven nhăn nhó đứng dậy. Hơi ẩm, khí hàn từ lòng đất và sự bất động tứ chi làm tê cơ bắp. Chuẩn úy Guy Canton báo cáo:
– Các trung đội đã tập họp xong.
– Lên đường! Ðại đội 3 dẫn đầu tiểu đoàn!
– Hướng nào, trung úy?
– Không rõ. Lệnh băng qua sông rồi tập trung lại ở đầu phi đạo. Sẽ có lính bên Huguette dẫn xuyên hào ra Anne-Marie…
– “Khai trương” kiểu này…
Canton thở phù phù vừa khoát tay ra hiệu cho lính theo mình. Phía sau đại đội của Gaven là toàn thể Tiểu đoàn 5 di hành hàng dọc thành chiếc đuôi rồng rắn từng người một đạp sình bước vòng qua các rào chông, theo lối mòn nhập nhọe bùn uốn quanh các lô-cốt và hầm trú ẩn.
Ở hướng Ðông, trời đã ửng sáng. Nhìn về hướng Bắc dưới trần mây thấp vàng vọt ánh hỏa châu, đỉnh đồi trọc của Gabrielle hiện ra đỏ lòm như một điểm sáng trên nền đen sẫm của các triền núi vây quanh. Vẫn còn những tia chớp cam chớp lóe trên cứ điểm. Rõ ràng là địch đang dội pháo. Tức là Gabrielle còn kháng cự.
Canton thúc khinh binh tiến nhanh nhưng rồi bảo ngừng lại vì từ phía sau truyền lên khẩu lệnh:
– Phía trước chậm lại! Phía trước chậm lại! Ðằng sau không theo kịp…
Canton giơ hai tay lên trời:
– Không thấy ma nào ra dẫn đường!
Toàn tiểu đoàn dồn cục trước các ụ chắn bên hông phi đạo. Còn ít nhất ba cây số hào ngoằn ngoèo nữa mới đến điểm xuất kích. Tiểu đoàn trưởng Botella vượt lên gặp toán tiền tiêu:
– Tính cắm trại ở đây hay sao? Botella sủa.
Canton lại ra hiệu cho khinh binh tiến lên, sau lưng là trung úy Gaven và đại úy Botella luôn miệng thúc:
– Nhanh lên! Nhanh hơn nữa!
Lệnh miệng thì dễ, thi hành mới khó. Phải lần lượt mở các vách ngăn, dời các rào cản rồi từng người lách qua cho quân trú phòng ở Huguette đóng lại. Có đến 3 cứ điểm Huguette phải đi qua… Mỗi lần dừng lại chờ mở lối, Botella lại hỏi:
– Lê dương qua đây lâu chưa?
– Gần một tiếng đồng hồ rồi.
Gaven càu nhàu:
– Mẹ kiếp! Không đợi nhau thì đánh chó gì!
Tuy nhiên Gaven cũng hiểu là hai đại đội tăng phái của Nhảy dù Lê dương không thể chờ. Giải vây Gabrielle là chuyện cấp cứu, ưu tiên một. Hai đại đội của Martin và Domigo vội vã là đúng. Hy vọng là Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam kịp sát cánh.
Trung đội của chuẩn úy Canton đã tới điểm xuất phát ở cực Bắc sân bay là Anne-Marie 3. Botella ngạc nhiên thấy cứ điểm này hoàn toàn hoang vắng, không một lính gác, không một sĩ quan.
(Hai đại đội thân binh sắc tộc Thái giữ Anne-Marie 3 và Anne-Marie 4 thuộc Tiểu đoàn 3 Bộ chiến Thái của đại úy Léopold Thimonnier tự động tan hàng sáng đó. Phân nửa đào ngũ thành “những con chuột của sông Nậm-Rốm” và phân nửa ra hàng Việt Minh).
Gaven tiến song song với Canton. Cả hai nhìn thấy hàng giậu đánh dấu bờ sông nơi có chiếc cầu nổi kết bằng những bè gỗ. Ðang đánh nhau ác liệt ở Bản Khê-Phai. Qua máy, trung úy Nobert Domigo báo cáo bị thiệt hại nặng. Canton dẫn đầu trung đội chạy qua cầu rồi dừng ngay lại vì pháo địch bắn chặn nổ tung tóe.
Tiểu đoàn trường Botella ào tới. Canton gào:
– Tiến phía nào?
Botella nhìn qua ống nhòm, cố quan sát xem thiếu tá Guiraud, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Lê dương, sếp của Martin và Domigo, và thiếu tá Séguin-Pazzis chỉ huy phản kích đang ở đâu nhưng không thấy một ai. Botella hét to để át tiếng nổ của pháo:
– Xung phong lên phía trước mặt!
Canton và Gaven dẫn lính vượt màn khói dầy và bãi lầy. Ở phía trước có vẻ như Thiết giáp và Nhảy dù Lê dương đang phối hợp tấn công. Ngay dưới chân đồi Gabrielle, xe tăng của Chi đoàn 3 đang gầm rú tiến lên với các nhóm lính bám quanh pháo tháp. Bazooka và súng không giựt 75 ly của Việt Minh nổ liên tiếp như sấm.
Ðột ngột, từng chiếc một, 3 chiếc M-24 Chaffee quay đầu lui về hướng Nam. Khi xe tăng ngang qua, Botella nhìn thấy máu bám vào vỏ thép đang bị mưa rửa. Phía sau pháo tháp chất đống lính bị thương, lộ rõ áo saut ngụy trang loang lổ của Nhảy dù Lê dương và quân phục nâu của Tán binh Algérie. Botella hỏi to:
– Sao rút lui?
Trên pháo tháp chiến xa Ettlingen, trung sĩ nhất Ney trả lời:
– Có lệnh quay về mang theo lính “rách áo”.
Từ một hố lộ thiên phía sau rãnh mương, Botella nhìn thấy những cần ăng-ten vươn cao. Cùng với một lính cần vụ Botella đi tới đó gặp Séguin-Pazzis và Guiraud đang châu đầu vào máy truyền tin SRC-300.[6]
Botella hỏi:
– Lệnh lạc ra sao?
Guiraud đáp:
– Tiêu rồi. Mọi đơn vị lui.
– Còn Gabrielle?
– Muộn rồi. Lính Bắc-Phi trên Gabrielle đã bỏ vị trí. Martin đã đến sát đồi sắp “bắt tay” cũng phải lui.
Botella không sao hiểu nổi. Tất cả diễn ra giống như không một ai tin cuộc phản kích sẽ thành công.
– Một màn kịch điên! Botella làu bàu.
Lúc đó, Botella chưa biết toàn cảnh diễn tiến và thực tế thất bại chính vì những tai vạ tình cờ. Lúc nãy, thấy Martin và Domigo khó khăn “nắm tay” Gabrielle, thiếu tá Guiraud yêu cầu De Castries gửi thêm quân. Bộ chỉ huy GONO [7] trả lời:
– Thu nhặt lính trên Gabrielle.
Tình cờ máy truyền tin của đại úy René Gendre, đại đội trưởng Ðại đội 3 vừa nắm quyền chỉ huy Tiểu đoàn 5 Tán binh Algérie sau khi cả hai thiếu tá Mecquenem và Kah đều đã bị thương, nghe được mẫu thoại ngắn đó. Ðại úy Gendre nghĩ là việc tái chiếm Gabrielle không thể thực hiện nên mới có lệnh cho Nhảy dù « thu nhặt lính trên Gabrielle». Mục đích của cuộc phản kích như vậy không còn là giải vây mà là đón quân trú phòng. Chính vì vậy Gendre ra lệnh bỏ đồi.
Trung úy Louis Martin, đại đội trưởng Ðại đội 3 của Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Lê dương cũng đến Bộ chỉ huy dã chiến của thiếu tá Séguin-Pazzis. Martin bị trúng đạn vào cánh tay, vừa rên vì đau, vừa cáu:
– Một trò đĩ! Ðã tiến đến sát đồi rồi… thì bọn Ả-Rập bỏ đồi! Tiên sư… rất đáng cho Nhảy dù hy sinh!
Guiraud cũng không sao hiểu nổi. Trong khi đó Việt Minh hiểu phía Pháp đang điều động để thối lui và một đạo quân đang rút lui là dễ băm vằm nhất. Tất cả súng Việt Minh trên đỉnh đồi đồng loạt nhả đạn.
Chiến xa Smolensk trúng bazooka. Trung sĩ trưởng xa Guntz chết gục ngay trên pháo tháp. Gabrielle hoàn toàn bị xóa sổ khỏi phóng đồ các cứ điểm phòng ngự.
…
Một tiếng đồng hồ sau, khi ngang qua Huguette 3 để quay trở về Éliane 4, Botella nhìn thấy bộ phận đi sau của tiểu đoàn không theo kịp lúc nãy giờ mới đến. Botella thở dài vì hiểu là quân sử sẽ đặt lên vai Nhảy dù Việt-Nam trách nhiệm làm thất bại cuộc phản kích. Ðã dậy lên những xì xầm sàm báng:
– Nếu Nhảy dù Việt-Nam kịp xung trận thì kết quả đã khác…
Nhưng đại úy Botella bất cần và làm ra vẻ không nghe thấy. Bằng kinh nghiệm, Botella biết lúc nào cũng cần vật tế thần và ở Ðiện Biện Phủ có Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt-Nam cho Bộ chỉ huy GONO quy mọi tội.[8]
(còn tiếp)