Virtue signalling là một khái niệm trong tiếng Anh, hình như không có từ tương đương trong tiếng Việt, chỉ hành động ra vẻ quan tâm vấn đề gì đó để người khác nghĩ mình là người tốt, chứ không thực sự quan tâm.

  1. Virtue signalling ở phương Tây

Virtue signalling có rất nhiều dạng, như đổi hình cờ trên hình đại diện và viết “thoughts and prayers” sau một thảm họa nào đó, tham gia thử thách dội nước đá lên đầu (Ice bucket challenge) để ủng hộ từ thiện, đăng video mình cứu thú vật, ra vẻ bị xúc phạm thay cho người khác v.v.

Ở Anh, những quan điểm đang hợp thời là theo identity politics, chống tân-phát-xít và phân biệt chủng tộc, ủng hộ sự đa dạng (diversity), chống phân biệt đối xử, theo nữ quyền (feminism), bảo vệ quyền động vật, bảo vệ môi trường, ăn chay hoặc thuần chay, chống plastic, ủng hộ quyền cho cộng đồng LGBT+, ủng hộ đa dạng giới tính1, theo chủ nghĩa xã hội, ủng hộ Jeremy Corbyn (lãnh đạo đảng Lao Ðộng), chào đón dân tỵ nạn v.v.

(1) Tôi từng viết về chủ đề này: https://www.treweekly.com/en/2018/08/27/doi-song/suc-khoe/sex-sexual-orientation-va-gender/

Ðây có lẽ là khuynh hướng chung ở các nước dân chủ phương Tây.

Chỉ cần nhìn vào nhiều người trong lớp tôi cũng có thể thấy, đa phần đều có những quan điểm như nhau, phát biểu như nhau. Nhưng trong đó, bao nhiêu người thật sự quan tâm, và bao nhiêu chỉ đang làm virtue signalling, chạy theo những quan điểm đang hợp thời?

Bảo Huân

 

Ví dụ, nhiều người gọi mình là feminist, chống patriarchy và bất bình đẳng nam nữ ở Anh hay Mỹ, luôn miệng nói về trao quyền cho phụ nữ (female empowerment), chỉ trích những thứ như mansplaining (đàn ông lên giọng kẻ cả giảng dạy cho phụ nữ dù không biết gì), manspreading (đàn ông ngồi dạng chân chiếm chỗ trên giao thông công cộng), manterrupting (đàn ông cắt lời phụ nữ)… nhưng ủng hộ niqab và burqa, và không bao giờ lên tiếng về chuyện phụ nữ bị đàn áp và phân biệt ở các nước đang phát triển, đặc biệt các nước Hồi giáo (có lẽ vì sợ bị xem là racist). Như thế là đạo đức giả, và những tuyên bố này nọ về nữ quyền chủ yếu chỉ là virtue signalling.

Nhiều người cũng ngây thơ và lý tưởng, sẵn sàng chào đón dân tỵ nạn, và lên tiếng khi ai đó bị trục xuất, dù không rõ lý do. Chẳng hạn, năm ngoái nữ sinh Elin Ersson của Thụy Ðiển làm trì hoãn một chuyến bay để phản đối chuyện một người đàn ông Afghan bị trục xuất, dù không biết nguyên nhân2. Hành động này được nhiều người xem là anh hùng, một mình đứng lên bảo vệ lý tưởng của mình, nhưng với nhiều người khác, là một hành động vô nghĩa, chỉ là virtue signalling, thứ nhất vì Elin Ersson không biết người đàn ông kia là ai, tại sao bị trục xuất, và thật ra không phải ai xin tỵ nạn cũng đáng được tỵ nạn, và thứ hai, dù chuyến bay có bị hoãn, người đàn ông kia vẫn bị trục xuất trên một chuyến bay khác.

(2) https://www.dailymail.co.uk/news/article-6013237/Migrant-deportation-stopped-student-protest-jail-assault.html

Virtue signalling có thể là một khái niệm mới, nhưng trên thực tế hoàn toàn không mới. Cá nhân tôi cho rằng, trường hợp những người tham gia biểu tình chống chiến tranh Việt Nam nhưng sau đó hoàn toàn không quan tâm đến tình hình Việt Nam và không nói gì đến thuyền nhân hay chế độ độc tài cộng sản, cũng là một dạng virtue signalling.

  1. Kinh nghiệm cá nhân

Trong thời gian ở trường film, tôi từng tham gia vài film lẻ tẻ cho Diversity project—giữa trường film và the National Centre for Diversity. Project gồm có sáu film, mỗi film cho thấy một tình huống phân biệt đối xử trong môi trường làm việc – vì giới tính, sắc tộc, tôn giáo, khuynh hướng tình dục, bị tàn tật…

Tôi tham gia hai film, và có làm một chút cho một film thứ ba, và nhận ra là cả bạn học của tôi, chuyên tuyên bố nhiều câu rất đúng đắn về chính trị, lẫn the National Centre for Diversity, vốn là nơi phải tôn vinh sự đa dạng và tôn trọng tất cả mọi người, đều không thật sự quan tâm. Ða phần đều làm ẩu tả, không nghiên cứu, làm sai chi tiết, ví dụ như viết sai chi tiết về đạo Sikh trong kịch bản và dùng tên Hồi giáo thay vì tên Sikh, không hiểu gì về thực tế môi trường làm việc ở Anh, chọn diễn viên bình thường đóng vai nhân vật bị khiếm thị một phần (partially sighted) và không tìm hiểu mắt họ nhìn như thế nào, chọn diễn viên khỏe mạnh vào vai người ngồi xe lăn và thể hiện sai cách nhân vật dùng xe lăn v.v.

  1. Virtue signalling ở Việt Nam

Virtue signalling không chỉ có ở phương Tây, ở Việt Nam cũng có. Chẳng hạn, một loạt người nổi tiếng ở Việt Nam quanh năm suốt tháng không bao giờ lên tiếng về chuyện nhân quyền hay vấn đề môi trường ở Việt Nam, nhưng tham gia chụp loạt hình cắn móng tay để lên tiếng bảo vệ tê giác3.

(3) http://thegioihoinhap.vn/hoi-nhap/26-nghe-si-cung-can-mong-tay-bao-ve-te-giac/

Gần đây, một loạt ca sĩ Việt Nam than khóc khi nhà thờ Ðức Bà Paris bốc cháy và bị hủy hoại, nhưng trước đó tôi chẳng thấy họ lên tiếng phản đối khi các công trình kiến trúc và tòa nhà lịch sử ở Sài Gòn bị đập phá và các hàng cây cổ thụ bị đốn hạ.

  1. Hai mặt của khái niệm virtue signalling

Mặt trái của khái niệm virtue signalling là nó bị lợi dụng, đặc biệt do cánh hữu với cánh tả. Mỗi khi ai đó lên tiếng về bình đẳng hay đa dạng, hay chống plastic và nói về biến đổi khí hậu, hay chỉ trích Trump, hay chia sẻ hình ảnh tốt nào đó trên mạng xã hội… lại có người vào bảo đó là virtue signalling. Ðây là tuyên bố rất lười biếng và là một cách đập lại người khác, làm người đó phải im miệng.

Không phải ai có những quan điểm có vẻ đang hợp thời, hoặc tuyên bố những câu nghe có vẻ sáo rỗng, cũng làm vậy chỉ để được xem là người tốt. Chẳng hạn, tôi có vài người bạn quan tâm đến vấn đề môi trường, họ ăn thuần chay, đi xe đạp, tránh dùng plastic, dùng bao vải, cố hết sức để không góp thêm phần vào biến đổi khí hậu, và lên tiếng về môi trường. Những hành động này có thể không đáng là bao ở góc độ cá nhân, nhưng ít nhất họ làm cái mình có thể.

Bảo Huân

DN