Gần đây tôi đọc “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần, mới phát hiện ra cách đây vài năm có một bản viết lại của Pauline A. Chen, tựa là “The Red Chamber” lấy theo tựa tiếng Anh của “Hồng lâu mộng” là “Dream of the Red Chamber”. Báo tiếng Việt hình như chưa bao giờ nhắc tới cuốn này.

“The Red Chamber” có gì lạ?

“Hồng lâu mộng” là một trong Tứ đại danh tác của Trung Quốc—một số người thậm chí còn xem nó là cuốn tiểu thuyết hay nhất của Trung Quốc, và là cuốn duy nhất có ngành nghiên cứu riêng, gọi là Hồng học, nên từ xưa đến nay đã có nhiều cuốn viết nối tiếp. Theo Wikipedia hiện nay có hơn 30 bản viết tiếp, trong đó đa phần các cuốn hiện đại (sau 1949) thường viết nối theo 80 chương của Tào Tuyết Cần1.

“The Red Chamber” không phải là viết tiếp mà là viết lại và rút ngắn, với nhiều thay đổi, và được xem là cuốn đầu tiên viết lại cho độc giả nói tiếng Anh, của tác giả người Mỹ gốc Ðài Loan Pauline A. Chen (trước đây ký tên Pauline Chen).

Bìa The Red Chamber của Pauline A. Chen. bookdepository.com 

Khác thế nào?

Từ khoảng 2500 trang của bản gốc (tính luôn 40 chương cuối của Cao Ngạc), Pauline A. Chen rút xuống còn khoảng 400-450 trang, lược bỏ nhiều tuyến truyện phụ và các nhân vật cho là không quan trọng, bỏ hoàn toàn các yếu tố ảo (như Thái hư ảo cảnh, hòn đá của Nữ Oa v.v.), và chủ yếu tập trung vào mối tình tay ba của Giả Bảo Ngọc, Lâm Ðại Ngọc, và Tiết Bảo Thoa, kèm với nhân vật Vương Hy Phượng. Vì cái kết gốc của Tào Tuyết Cần đã mất và 2 thế kỷ nay người ta đã tranh cãi về 40 chương cuối là do Cao Ngạc tự viết, hay chỉnh sửa và mở rộng trên bản nháp của Tào Tuyết Cần, hay chỉnh sửa bản thảo của một người khác, Pauline A. Chen muốn hoàn thành câu chuyện cho riêng mình và chia sẻ nó với nhiều độc giả hơn2.

Ngoài ra, Pauline A. Chen cũng muốn tập trung vào vấn đề quyền và cơ hội (hạn hẹp) của phụ nữ, và xoáy vào tình bạn giữa Ðại Ngọc và Bảo Thoa khi đồng thời cùng tranh giành một người đàn ông, như Scarlett O’Hara và Melanie Wilkes trong “Gone with the Wind” (Cuốn theo chiều gió).

Cá nhân tôi chỉ mới nhìn sơ “The Red Chamber”. Tuy nhiên, bản thân tác giả đã nói nhiều lần đây là viết lại (retelling) chứ không phải rút ngắn (abridgement), và theo một bài viết dài của Xiaolu Han, cuốn sách của Pauline A. Chen thay đổi rất nhiều so với tác phẩm gốc3.

Pauline A. Chen cắt hết đoạn đầu của hòn đá ở núi Thanh Ngạnh, và bắt đầu cuốn sách bằng Lâm Ðại Ngọc nhưng có nhiều thay đổi quan trọng—Ðại Ngọc ở đây lớn tuổi hơn và sống với cha mẹ, và chương đầu tiên là cảnh Ðại Ngọc nói chuyện với bà mẹ đang hấp hối. Theo Xiaolu Han, Pauline A. Chen thay đổi nhiều tình tiết quan trọng và cách phát triển mối tình tay ba, cho Ðại Ngọc là “người đến sau”, để Bảo Ngọc được đính ước với Bảo Thoa ngay từ đầu và Ðại Ngọc biết mình sẽ không bao giờ kết hôn với Bảo Ngọc, cho Giả Mẫu không thích Ðại Ngọc từ đầu, thay đổi chi tiết Vương Hy Phượng bày kế lừa tráo cô dâu trong 40 chương cuối của Cao Ngạc bằng cách để Bảo Thoa là người nói dối với Bảo Ngọc, thậm chí cuối cùng còn để Ðại Ngọc sống và tìm thấy một tình yêu khác…

Bìa Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần. Khaitam.com

Pauline A. Chen cũng hoàn toàn thay đổi cá tính một số nhân vật chính, chẳng hạn như Bảo Thoa, một nhân vật khôn ngoan, khéo léo, thực tế, biết cách cư xử và luôn được mọi người thích, dưới ngòi bút của Tào Tuyết Cần, một hình ảnh phụ nữ hoàn hảo theo xã hội Nho giáo với cái đẹp được so với Dương Quý Phi, khi sang ngòi bút của Pauline A. Chen trở thành một cô nàng thiếu tự tin về ngoại hình lẫn vị trí của mình trong nhà họ Giả vì người anh hay gây chuyện Tiết Bàn. Bảo Thoa bản mới cũng ghen tị với người khác và ghen tuông với Ðại Ngọc, không được gia đình thích trừ Giả Mẫu, và càng về sau càng mưu mô tính toán, trong khi trong bản gốc của Tào Tuyết Cần, người hay hờn dỗi đố kỵ và hễ chút lại móc mỉa cạnh khóe là Ðại Ngọc.

Vương Hy Phượng, nhân vật phức tạp, thú vị, và đa chiều nhất trong “Hồng lâu mộng” cũng bị thay đổi. Trong tác phẩm gốc, Vương Hy Phượng hay thường gọi là Phượng Thư là nhân vật khôn khéo, giảo hoạt, nhưng tính toán, thủ đoạn, đội trên đạp dưới, ghen tuông, tàn nhẫn…và có rất nhiều quyền lực trong nhà họ Giả vì mồm năm miệng mười và biết cách tâng bốc nịnh nọt Giả Mẫu. Cái hay của Tào Tuyết Cần là tạo ra một nhân vật độc ác như vậy nhưng đôi khi vẫn khiến độc giả thương cảm được, đặc biệt khi Vương Hy Phượng sẩy thai và tiếp tục bệnh tật suốt vài tháng nhưng chồng là Giả Liễn chẳng quan tâm mà lại lén lút cưới vợ bên ngoài. Theo Xiaolu Han, Pauline A. Chen biến Vương Hy Phượng thành nhân vật tốt, là một trong những người thông hiểu và vị tha nhất trong câu chuyện và nói vài câu về số phận phụ nữ nói chung, và đồng thời cũng là nạn nhân vì không thể đẻ con trai. Ngoài ra Pauline A. Chen cũng cắt mối quan hệ thân thiết giữa Phượng Thư và Bình Nhi, đổi tính cách của Bình Nhi và khiến Vương Hy Phượng càng cô đơn hơn, nhưng đồng thời cũng cho Vương Hy Phượng và Ðại Ngọc thành bạn, không có trong bản gốc.

Bản thân Pauline A. Chen, khi đặt câu hỏi tranh luận cho độc giả “The Red Chamber”, cũng hỏi có cảm thấy Vương Hy Phượng càng về sau càng dễ đồng cảm hơn còn Bảo Thoa càng lúc càng khó ưa hơn không4.

Một số nhân vật quan trọng khác cũng bị thay đổi. Chẳng hạn Giả Thám Xuân, em cùng cha khác mẹ của Bảo Ngọc, một nhân vật chín chắn, sắc sảo, “phượng hoàng trong tổ quạ” trong “Hồng lâu mộng” sang “The Red Chamber” thành trẻ hơn và không còn cái khôn ngoan quyết đoán đó, và Thám Xuân cũng không thay thế Phượng Thư trong thời gian bị bệnh.

Còn nhân vật tôi thích nhất trong tác phẩm, Sử Tương Vân, một cô nàng thích ăn mặc như con trai, tài năng thi ca không thua kém Ðại Ngọc hay Bảo Thoa, lại có tính cách cương trực, hào sảng, trong sáng, nghĩ gì nói nấy, thì hoàn toàn bị cắt khỏi “The Red Chamber”.

Nói chung, có vẻ như Pauline A. Chen lấy bối cảnh và tên nhân vật của “Hồng lâu mộng” nhưng đổi gần như mọi thứ, từ tính cách nhân vật đến cốt truyện và cái kết5.

Quý độc giả nghĩ sao về những thay đổi trên? Ðây là phá tác phẩm, hay là sáng tạo độc đáo?

DN

1: https://en.wikipedia.org/wiki/Dream_of_the_Red_Chamber#Sequels_and_continuations

2: https://bloom-site.com/2013/02/18/pauline-a-chen-and-the-red-chamber-to-finish-the-story-for-myself/

3: https://core.ac.uk/download/pdf/217009488.pdf 

4: http://paulineachen.com/reading-group-guide/

5: https://books.google.co.uk/books?id=EvARwXuuPhkC&lpg=PT114&dq=Xia%20Jingui&pg=PT11#v=onepage&q=chapter%201&f=false