1. Khoảng tháng 1 và 2, từ khi chớm tin về Coronavirus, tôi gần như đi mọi appointment cho Language Line. Có lẽ các thông dịch viên tiếng Việt khác tạm nghỉ, hoặc chuyển sang làm việc khác.

Nhưng từ sau tháng 3 tới nay, tôi gần như không thấy Language Line gửi email cho face-to-face appointments (dịch trực tiếp, mặt đối mặt) nữa, chỉ vài lần lẻ tẻ. Bệnh viện không yêu cầu thông dịch viên? Hay người Việt kéo nhau về nước vì không có giấy tờ và không muốn lênh đênh mùa dịch? Hoặc ở nhà cách ly, không gặp bác sĩ? Hoặc các bệnh khác đều bị trì hoãn vì ưu tiên Covid-19?

Tôi hoàn toàn không biết!

Cũng có thể đa phần appointments chuyển sang dịch qua điện thoại?

2. Trong thời gian ngồi nhà, tôi vài lần thông dịch qua điện thoại cho một công ty thứ hai là Prestige Network.

Thoạt nghe, dịch qua điện thoại có vẻ dễ, không phải đi đâu, thậm chí cũng chẳng cần trang điểm hay sửa soạn quần áo, chẳng cần lựa góc đẹp trong nhà vì chẳng cần hình, chỉ có âm thanh. Hóa ra khó hơn mình nghĩ. Dịch qua điện thoại, âm thanh thường rất tệ, tốt nhất là khi chuyền điện thoại từ tay bác sĩ sang bệnh nhân và chuyền trở lại, còn khi bên kia để speaker, bên này phải căng tai nghe xem người ta nói gì giữa một mớ âm thanh lao xao, hỗn độn tiếng người cười nói phía xa, tiếng chân đi lạch xạch, tiếng máy móc, tiếng đóng mở cửa rầm rầm… Âm thanh đã không rõ, lại không có hình ảnh bù lại.

Dịch qua điện thoại là không thấy được biểu cảm trên mặt, có thể không chuyền tải hết ý, đôi khi cũng không thấy hết được ngữ cảnh. Chẳng hạn một thứ có tên gọi gì đó trong tiếng Anh, nhưng dịch sang tiếng Việt có thể là vài thứ khác nhau, làm sao dịch đúng nếu không thấy được nó là gì?

Dịch qua điện thoại, theo khía cạnh nào đó, cũng gây stress hơn dịch trực tiếp. Bởi, khi không có gì khác, người nói có thể cảm thấy những người khác tập trung mọi sự chú ý vào giọng nói của mình. Nghe không rõ, hỏi lại, cũng thấy kỳ. Ậm ừ hoặc nói vấp, cũng thấy kỳ. Trước mặt, còn có hình ảnh làm tai nghe xao nhãng.

Ðó là phía thông dịch viên. Chiều bên kia cũng bị ảnh hưởng. Không phải không có lý do mà bệnh viện vẫn yêu cầu thông dịch trực tiếp chứ không đẩy sang dịch qua điện thoại hoặc qua video. Thông dịch viên không chỉ thông dịch mà đôi khi phải lựa cách nói khi có vấn đề nghiêm trọng hoặc khi phải báo tin xấu. Thông dịch trong mảng y tế không chỉ giúp hai bên đối thoại mà còn là cầu nối văn hóa, giải thích khi có cách biệt văn hóa giữa bác sĩ Anh và bệnh nhân người Việt. Ðây cũng là cầu nối thông tin khi nhân viên y tế cần biết điều gì đó về bệnh nhân mà chỉ thông dịch viên có thể nghe thấy hoặc để ý thấy, vì cùng là người Việt, cùng nói tiếng Việt.

Qua điện thoại, những cái này gần như mất hết.

Qua điện thoại, không thể thấy được bệnh nhân hiểu hết mọi thứ không hay chỉ ậm ừ không dám hỏi lại. Qua điện thoại, không thể thấy sự lo lắng của bệnh nhân nhưng không dám hỏi thêm, hay cần trấn an. Qua điện thoại, không thể thấy nếu bệnh nhân người Việt có gì đó giấu bác sĩ, như một cô tôi từng gặp, nói dối về ngày sinh, và đưa ra một cái điện thoại cục gạch nhưng sau đó ngồi một mình lại rút ra một cái thứ hai, loại smartphone.

Bảo Huân

3. Mùa dịch mọi thứ đóng cửa, đa phần đều bị ảnh hưởng trừ những công việc có thể đẩy lên mạng. Thông dịch viên tất nhiên cũng bị ảnh hưởng. Làm thông dịch viên là làm freelance – không có lương tháng nên cũng chẳng có tiền bệnh mùa Coronavirus, và nếu không là công dân Anh Quốc thì chẳng nhận được hỗ trợ từ nhà nước.

Các công ty dịch cũng đối xử khác nhau với thông dịch viên. Ví dụ, ở Language Line, thông dịch viên không bị phạt nếu hủy hẹn. Trong khi đó ở Language Empire, chỉ không phải trả tiền phạt nếu hủy trước 7 ngày. Nếu hủy từ 2 đến 7 ngày, phải trả £10. Hủy trong vòng 2 ngày, phải trả £25, tức cao hơn mức tiền trả theo giờ, ngay cả khi bị bệnh. Nếu bệnh, phải có giấy bác sĩ (bác sĩ thường chỉ cho giấy nếu bệnh vài ngày). Vì thế, thông dịch viên nếu đột ngột trở cúm sẽ phải chọn: một là vác xác đi dịch khi đang bệnh (và lây cho người khác); hai là chịu trả tiền phạt cao hơn mức tiền được trả cho một tiếng đồng hồ làm thông dịch.

Ngay giữa mùa dịch bệnh tràn lan, Language Empire cũng không thay đổi phí hủy. Riêng tôi đi dịch cho Language Empire hai lần vào cuối tháng hai, nhưng không được trả tiền cho tới đầu tháng năm. Vì sao? Vì luật công ty process 50 ngày làm việc nó vậy. Không ngoại lệ mùa Covid.

4. Ngồi nhà vì lockdown, đôi khi tôi không khỏi băn khoăn: người Việt ở Anh làm thế nào trong mùa Covid? Họ làm gì khi không được đi làm và mọi thứ đóng cửa? Làm gì khi muốn gặp bác sĩ nhưng bị trì hoãn vì bệnh viện ưu tiên Covid-19? Ðặc biệt, những cô gái trẻ tôi từng gặp, phải làm gì khi một thân một mình sinh con nơi xứ người không có mẹ bên cạnh, bạn trai cũng không ở gần?

DN