Thế vận hội (Olympics) đang diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản. Năm nay, một trong những điểm gây tranh cãi gay gắt nhất là sự tham gia lần đầu tiên của một lực sĩ chuyển giới trong một môn thể thao cá nhân: Laurel Hubbard trong môn cử tạ (weightlifting). 

Laurel Hubbard là ai?

Laurel Hubbard là lực sĩ cử tạ từ New Zealand. Sinh ra là con trai năm 1978, Gavin Hubbard tham gia cử tạ từ khi còn đi học và chuyển giới năm 2012 (34 tuổi), bắt đầu sử dụng hormone, và đổi tên thành Laurel Hubbard1.

Năm 2017, Laurel Hubbard đại diện New Zealand tranh tài ở Australian International & Australian Open tại Melbourne, ở hạng nặng nhất—trên 90kg, và giành huy chương vàng2.

Từ đó đến nay, Laurel Hubbard là một trong những cái tên được thường xuyên nhắc tới trong các cuộc tranh luận về người chuyển giới, hay cụ thể là phụ nữ chuyển giới trong thể thao nữ, và vừa rồi đã được chính thức tham gia Thế vận hội 2020 tại Nhật Bản, ở tuổi 43.

Hai phe nói gì?

Phe chống phụ nữ chuyển giới trong các môn thể thao nữ nói chung, và chống quyền thi đấu của Laurel Hubbard nói riêng, lập luận rằng nam giới và nữ giới có cơ thể khác nhau và phụ nữ chuyển giới sau khi dậy thì có một số lợi thế, làm không công bằng cho phụ nữ. Người sinh ra là nam chuyển giới thành nữ nếu đã qua dậy thì, dù có sử dụng hormone, sẽ vẫn luôn có một số lợi thế về khung xương, mật độ xương (bone density), khối lượng cơ bắp (muscle mass),  sức mạnh v.v.

Phe ủng hộ Laurel Hubbard và phụ nữ chuyển giới trong thể thao có thể đại khái chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất cho là không có sự khác biệt giữa phụ nữ và phụ nữ chuyển giới, hoặc sự khác biệt là không đáng kể, cũng như khác biệt về chiều cao hay cân nặng. Ði xa hơn, một số người thậm chí còn nghĩ thể thao nói chung không nên chia theo giới tính, tức là không nên tách thành thể thao nam và thể thao nữ nữa3.

Nhóm thứ hai thừa nhận sự khác biệt về thể chất giữa nam và nữ, giữa phụ nữ chuyển giới và phụ nữ, nhưng xem các giá trị về đa dạng (diversity) và khoan dung (tolerance) quan trọng hơn. Theo họ, nếu không cho phép phụ nữ chuyển giới tham gia tranh tài trong môn thể thao nữ, phụ nữ chuyển giới thi đấu ở đâu? Trong thể thao nam? Như thế là phân biệt người chuyển giới, là không công nhận giới tính mới của họ. Trong thể thao dành riêng cho người chuyển giới? Như thế là không cho họ thi đấu, vì trên thế giới chỉ có thiểu số là người chuyển giới. Người chuyển giới là thiểu số, là nhóm bị bất lợi và bị phân biệt, bởi vậy người chuyển giới nữ phải được bảo vệ và phải có quyền tham gia các môn thể thao nữ.

Laurel Hubbard đang cử tạ 87kg trong Thế Vận Hội Tokyo 2020. nguồn: SBC.com.au/news/kiwi

Vì sao đây là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất?

Vì đây là vấn đề mâu thuẫn giá trị, và mâu thuẫn về quyền lợi giữa hai nhóm là phụ nữ và người chuyển giới. Theo nghĩa nào đó, đây là mâu thuẫn giữa hai nhóm nữ quyền (feminist) và quyền người chuyển giới (trans rights activist). Tuy nhiên, có rất nhiều người tự nhận là feminist nhưng vẫn ủng hộ phụ nữ chuyển giới tham gia thể thao nữ, vì theo họ nữ quyền bao gồm quyền của phụ nữ chuyển giới. Ngược lại, cũng có rất nhiều người chuyển giới không ủng hộ Laurel Hubbard thi đấu như nữ lực sĩ, vì họ thừa nhận các lợi thế về thể chất của người chuyển giới và sự không công bằng với các  nữ lực sĩ .

Ðây là một trong những vấn đề đáng chú ý nhất và gây tranh cãi nhất vì bất kỳ ai lên tiếng phản đối sự tham gia của phụ nữ chuyển giới trong các môn thể thao nữ đều bị ném đá kịch liệt và bị chụp mũ là phân biệt người chuyển giới (transphobic), như trường hợp cựu lực sĩ quần vợt Martina Navratilova4. Một số người nổi tiếng nói về mâu thuẫn giữa quyền lợi phụ nữ và quyền người chuyển giới, như nhà văn Anh J. K. Rowling (tác giả “Harry Potter” và nhà văn gốc Nigeria Chimamanda Ngozi Adichie, đều bị đả kích và lôi ra “đấu tố”, thậm chí bị dọa giết5.

Ðáng chú ý là cuộc tranh luận về thể thao và người chuyển giới (chủ yếu) chỉ nói về phụ nữ chuyển giới trong thể thao nữ. Trên thực tế, người sinh ra là nữ và chuyển giới thành nam thường bị bất lợi nhiều mặt khi thi đấu với nam và không có thành tích đáng chú ý. Trong khi đó, vài năm qua có hàng loạt phụ nữ chuyển giới tham gia thi đấu với phụ nữ và thắng lớn, giành huy chương vàng—chẳng hạn Wired có bài viết năm 2019 về lực sĩ chuyển giới nữ đoạt huy chương trong thể thao mọi cấp độ, trong đó có nhắc trường hợp Laurel Hubbard6.

Hệ quả, hay hậu quả

Với người ủng hộ quyền người chuyển giới, quyết định cho phép Laurel Hubbard thi đấu ở Thế vận hội là khoảnh khắc lịch sử, cho thấy thể thao càng ngày càng khoan dung và đa dạng, khiến người chuyển giới không thấy bị phân biệt hay bỏ rơi.

Với người chống, đây là quyết định hoàn toàn sai lầm và nguy hại cho thể thao nữ nói chung. Coi trọng quyền thi đấu của phụ nữ chuyển giới là không công bằng với phụ nữ. Laurel Hubbard có thể không đoạt huy chương ở Thế vận hội 20207, nhưng sự hiện diện của Laurel Hubbard, theo họ, có nghĩa là một nữ lực sĩ bị cướp mất cơ hội đại diện New Zealand ở Thế vận hội. Một lực sĩ có thể tập và rèn luyện cả đời với hy vọng đoạt huy chương Thế vận hội, nhưng mất cơ hội vào tay một người có lợi thế thể chất do sinh ra là nam. Bản thân Laurel Hubbard chưa bao giờ đại diện New Zealand và thi đấu ở cấp quốc tế cho tới sau khi chuyển giới và chuyển sang thi đấu bên nữ.

Ngay cả khi một lực sĩ chuyển giới không đoạt huy chương mà xếp hạng 5 chẳng hạn, điều đó có nghĩa là một nữ lực sĩ lẽ ra được hạng 5 nhưng tụt xuống hạng 6.

Tờ The Economist đưa ra thống kê và kỷ lục cho thấy nam giới luôn có lợi hơn nữ giới—khi chạy, nam nhanh hơn khoảng 10%, còn trong cử tạ khoảng cách giữa nam và nữ là khoảng 25% hoặc hơn. Các con số kỷ lục của  nữ lực sĩ ưu tú (elite) là gần với con số của nam lực sĩ  độ tuổi 14-15, tức là học sinh trung học8.

Trường hợp Laurel Hubbard ở Thế vận hội đặt ra nhiều câu hỏi về mâu thuẫn quyền lợi của phụ nữ và người chuyển giới. Hơn nữa, người ta có thể đặt câu hỏi xa hơn: năm 2015, đội tuyển nữ túc cầu Iran có 8 thành viên là nam chưa qua phẫu thuật thành nữ9, điều gì có thể cản một số quốc gia lợi dụng điều luật về người chuyển giới để giành huy chương vàng ở Thế vận hội, và các cuộc thi thể thao khác?

HDN

1: https://www.dailymail.co.uk/news/article-9851639/How-Laurel-Hubbard-promising-weightlifter-teenage-boy-long-transitioning.html

2: https://edition.cnn.com/2017/03/23/health/transgender-weightlifter-controversy-trnd/index.html

3: https://www.google.com/search?q=abolish+sex+segregation+in+sports&ei=chsIYbPCOtST8gKig6vwAQ&oq=abolish+sex+segregation+in+sports&gs_lcp =Cgdnd3Mtd2l6EAMyCAghEBYQHRAeMggIIRAWEB0QHjoHCAAQRxCw AzoFCAAQgAQ6CAgAEIAEEMkDOgYIABAWEB46BQghEKABOgQIIRAVOgc IIRAKEKABSgQIQRgAUMmpAVj02wFgst0BaAxwAngBgAHeAYgBuh6SAQ cyMi4xMy4ymAEAoAEByAEIwAEB&sclient=gws-wiz&ved=0ahUKEwizw9um35LyAhXUiVwKHaLBCh4Q4dUDCA4&uact=5

4: https://edition.cnn.com/2019/02/18/tennis/martina-navratilova-trans-women-comments-spt-scli-intl/index.html

5: https://nypost.com/2021/07/20/j-k-rowling-responds-to-twitter-pipe-bomb-death-threat/

6: https://www.wired.com/story/the-glorious-victories-of-trans-athletes-are-shaking-up-sports/

7: https://www.dailymail.co.uk/news/article-9851409/New-Zealands-Laurel-Hubbard-appears-stage-prepares-make-Olympic-history.html

8: https://www.economist.com/the-economist-explains/2021/07/16/why-are-transgender-olympians-proving-so-controversial

9: https://www.dailymail.co.uk/news/article-3255922/Dodgy-tackle-Eight-players-Iranian-women-s-football-team-actually-MEN-awaiting-sex-swap-operations.html