Trong xã hội phương Tây nhiều năm gần đây, con người càng lúc càng có ý thức hơn về khía cạnh đạo đức khi mua hàng hóa và lựa chọn thương hiệu. Từ đó nảy ra khái niệm người tiêu thụ đạo đức (ethical consumer). Nhưng thế nào là người tiêu thụ đạo đức? Đâu là những vấn đề chính?

Bảo Huân

Tác động đến môi trường

Với phong trào môi trường bùng lên nhờ Greta Thunberg, và lo âu về khủng hoảng khí hậu, con người hiện nay và đặc biệt giới trẻ thường tìm cách hạn chế gây hại cho môi trường, bằng cách giảm plastic, tái chế đồ dùng và giảm phung phí, ăn chay (vegetarian) hoặc thuần chay (vegan), mua sản phẩm địa phương thay vì đồ nhập cảng, hạn chế đi xe hơi hoặc máy bay, giảm bớt điện và năng lượng khi không cần thiết, tham gia đi lượm rác, đi biểu tình tạo áp lực lên chính phủ về vấn đề khí hậu v.v.

Ngoài ra người ta có thể ngừng hoặc hạn chế mua thời trang nhanh (fast fashion). Gần đây chương trình “Unreported World” của Channel 4 có một tập là “Fast Fashion’s Toxic Legacy”, cho thấy hậu quả không nghĩ tới khi người Anh (và dân phương Tây nói chung) chạy theo cái tiện lợi và giá rẻ của fast fashion: họ cứ mua quần này áo nọ giá rẻ và liên tục thay đổi, sau đó đem cho đồ cũ sang Châu Phi như một kiểu từ thiện mà không nhận ra mớ đồ cũ, vì là đồ rẻ, không mặc được nhưng cũng không phân hủy nhanh, chỉ thành rác và gây hại môi trường.

Ðôi khi một số thứ nhìn có vẻ xanh nhưng lại không xanh như mọi người nghĩ. Chẳng hạn trong tập “The Toxic Cost of Going Green” của “Unreported World”, chúng ta có thể thấy những người quan tâm tới môi trường thay xe hơi thường bằng xe điện (electric car), nhưng xe điện cần pin và pin cần cobalt. 70% cobalt trên thế giới là từ Congo, và hiện nay Congo đang phải chịu hậu quả nặng nề về môi trường và sức khỏe người dân ở những khu vực có mỏ lộ thiên.

Cách đối xử với động vật

Quan tâm đến quyền động vật, người ta có thể chuyển sang ăn chay hoặc hoàn toàn thuần chay, hoặc ít hơn là ăn free-range chicken (gà chăn thả), không ăn những món tàn nhẫn như foie gras (gan ngỗng), không ăn những con có nguy cơ tuyệt chủng, không mua sản phẩm từ những công ty không đạt tiêu chuẩn về đối đãi với động vật, không mua đồ mỹ phẩm có thử nghiệm trên động vật v.v.

Trong năm 2022, “Panorama” của BBC có chương trình “A Cow’s Life: The True Cost of Milk”, có những hình ảnh gây phẫn nộ cho thấy bò bị đánh, đá tàn nhẫn ở một nông trại ở Wales. Bộ film tài liệu khiến khán giả phải đặt câu hỏi về điều kiện sống của gia súc ở Anh quốc, tuy nhiên sau đó nhiều nông dân đã bực bội lên tiếng, bảo “Panorama” sử dụng video của một nông trại để bôi xấu toàn bộ công nghiệp chế biến sữa, thế là không công bằng1.

Cách đối xử với nhân công

Ðây là một khía cạnh quan trọng khác của tiêu thụ một cách đạo đức, dù có vẻ không được nói tới nhiều bằng vấn đề môi trường và quyền động vật.

Một trong những khái niệm phổ biến là sweatshop, tức là những xưởng làm việc với điều kiện tồi tệ, ở các nước đang phát triển: trả lương thấp, đối xử với nhân viên không ra gì, không hoặc ít cho giờ giải lao, không đủ ánh sáng, không đủ thông gió, không bảo đảm an toàn lao động, không tôn trọng luật lệ lương khi nhân viên làm thêm giờ, thậm chí có thể sử dụng công nhân trẻ em, v.v…2 Luật pháp Mỹ và Châu Âu không còn cho phép điều kiện làm việc như vậy, nhưng nhiều công ty thời trang lớn vẫn sử dụng sweatshop ở nơi khác, như Châu Á hoặc Châu Mỹ Latin, chẳng hạn như Mark and Spencer’s, Next, Ralph Lauren, DKNY, GAP, Converse, Banana Republic, Adidas, Nike, Slazenger, Speedo, Puma     v.v…3 Người tiêu thụ quan tâm đến quyền lợi nhân công tẩy chay những thương hiệu như vậy, và hướng tới những công ty có công đoàn.

Amazon, một trong những tập đoàn lớn nhất của Hoa Kỳ và một trong Big Four (cùng với Google, Apple, và Facebook) lâu nay bị chỉ trích vì bóc lột nhân viên và trốn thuế4. Chỉ cần google “boycott Amazon” có thể thấy rất nhiều kết quả kêu gọi tẩy chay Amazon, nhưng đồng thời cũng có rất nhiều bài viết nói tẩy chay sẽ không hiệu quả, vì nó quá mạnh và không phải ai cũng sẵn sàng hoặc có điều kiện hoàn toàn bỏ những tiện lợi của Amazon5.

Ngoài chuyện lương thấp và công việc nặng nhọc, một vấn đề lớn hơn nữa là bóc lột sức lao động trẻ em. Chẳng hạn, “Dispatches” của Channel 4 gần đây có tập “Cadbury Exposed”, làm về Cadbury, một trong những công ty bánh kẹo lớn nhất thế giới của Anh quốc, nay thuộc về công ty Mondelez International của Hoa Kỳ. Cadbury dán nhãn trên chocolate của mình, tuyên bố cocoa (ca cao) được sản xuất và thu hoạch đúng tiêu chuẩn đạo đức, nhưng “Dispatches” cho thấy thực tế hoàn toàn không phải vậy: film tài liệu đưa ra hình ảnh trẻ em, có trường hợp chỉ khoảng 10 tuổi, làm việc trên nông trại của Mondelez và tay không dùng dao rựa chặt cocoa. Người tiêu thụ có thể hoàn toàn bị đánh lừa bởi cái nhãn trên chocolate Cadbury và tuyên bố của họ, nhưng “Dispatches” cho thấy nông dân trồng cocoa ở Ghana bị trả lương rất thấp và không đủ sống, nên nhiều gia đình phải bắt con cái cùng đi làm thay vì được đi học. Phóng viên chương trình nhiều lần muốn gặp trực tiếp giám đốc Mondelez để phỏng vấn nhưng không được.

Kết

Thực tế cho thấy, thực sự làm người tiêu thụ đạo đức là vô cùng khó – chúng ta không thể biết được hết mọi thứ phía sau quá trình sản xuất một cái gì đó, một số công ty có thể thiếu trung thực và dán nhãn hoặc tuyên bố này nọ nhưng không tôn trọng điều mình đã hứa với khách hàng, và với một số công ty quá lớn (như Amazon), tẩy chay là gần như bất khả. Tuy nhiên, các phong trào về quyền nhân công, quyền động vật, và môi trường đã khiến con người càng ngày càng quan tâm hơn và đắn đo suy nghĩ khi mua hàng, và điều đó cũng tạo áp lực hơn cho các công ty trên thế giới. Và dù không tuyệt đối, nó đã dần dần dẫn tới thay đổi.

HDN

1: https://www.dailymail.co.uk/news/article-10514479/Fury-BBC-Panorama-uses-vegan-activists-secret-video-cows-abused-ONE-farm.html

2: https://www.britannica.com/topic/sweatshop

3: https://www.theguardian.com/global-development/poverty-matters/2011/apr/28/sweatshops-supplying-high-street-brands

4: https://www.theguardian.com/commentisfree/2021/may/26/amazon-workers-are-rising-up-around-the-world-to-say-enough

5: https://www.google.com/search?q=boycott+amazon&ei=XJ-DYsn6BqOChbIP8emTyAo&start=10&sa=N&ved=2ahUKEwjJmI2zzub3AhUjQUEAHfH0BKkQ8NMDegQIARBK&biw=1536&bih=754&dpr=1.25