Mạng xã hội (như Facebook, Twitter, Instagram…) có nhiều lợi ích, giúp kết nối với mọi người trên toàn thế giới, được thêm bạn bè có cùng mối quan tâm và sở thích, cập nhật tin tức, quảng bá bản thân, quảng cáo dịch vụ hay sản phẩm v.v. Tuy nhiên ai cũng biết mạng xã hội cũng có cái hại. Trước đây tôi đã viết về ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân như phí thời gian, ảnh hưởng tâm lý v.v.1

Bài viết này là về tác hại của mạng xã hội đến xã hội nói chung.

Tác động xấu đến trẻ em, đặc biệt trẻ vị thành niên

Internet và đặc biệt những trang như Instagram khiến giới trẻ chịu ảnh hưởng về tiêu chuẩn đẹp, đua đòi theo phong trào và chạy theo giá trị ảo, tạo thói quen sống ảo… Ðặc biệt khi nhiều hot girl trên Instagram cứ dùng filter hoặc photoshop nhưng trẻ vị thành niên lại không biết, cứ so sánh và tự ti mặc cảm về ngoại hình của mình…

Như tôi đã viết trước đây trong bài viết “Tiêu chuẩn đẹp và hậu quả”, trên mạng lâu lâu lại có một challenge (thách thức) nào đó để xem ai đủ chuẩn “đẹp”. Chẳng hạn phương Tây có thigh gap challenge—đứng thẳng, xếp hai bàn chân vào nhau, nếu có khoảng cách giữa hai đùi là “đúng chuẩn”.

Còn ở Châu Á có những trò như A4 challenge (để tờ giấy A4 trước bụng theo chiều dọc, “chuẩn” là khi phần hông bằng hoặc nhỏ hơn bề ngang tờ A4), collarbone challenge (để đồng xu vào xương đòn xem xếp được bao nhiêu đồng), belly button challenge (vòng cánh tay qua sau lưng và vòng ngược ra trước để chạm vào rốn, v.v.2 Tất cả được đặt ra chỉ để chạy theo chuẩn ốm giơ xương của Châu Á.

Từ đó dẫn tới sống ảo, dùng filter đến nát hình không nhận ra người thật, hoặc dẫn tới nhịn ăn, giải phẫu thẩm mỹ, chạy theo cái đẹp của xã hội.

Phong trào transgender cũng có thể nguy hại tới trẻ vị thành niên, đặc biệt trẻ em gái, theo Abigail Shrier, tác giả cuốn “Irreversible Damage”. Nhiều trẻ vị thành niên nữ có thể thấy rối và bị lôi cuốn vào phong trào, nghĩ mình là transgender và nên chuyển giới thành nam chỉ vì thích ăn mặc kiểu tomboy hoặc là đồng tính nữ (lesbian), rồi từ đó có thể có những quyết định gây ra thiệt hại không thể đảo ngược (irreversible damage) cho cơ thể.

Bullying trên mạng

Nếu vài chục năm trước chuyện bắt nạt (bullying) chỉ có ngoài đời, chẳng hạn như trong trường học, ngày nay hàng loạt những thứ như Facebook, Snapchat, Instagram, Tumblr… cũng đẻ ra bullying trên mạng (cyberbullying). Ngồi sau màn hình máy tính, đặc biệt nếu có thể nấp sau cái tên giả, người ta có thể xúm vào ném đá xối xả, có thể văng đủ thứ lời xúc phạm hằn học họ không dám nói ra ngoài đời thật.

Ngoài đời, bullying chỉ có vài người, nhiều lắm là vài chục người trong trường lớp hoặc trong khu vực. Trên mạng, bullying có thể diễn ra ở “tầm quốc tế”.

Ngoài đời, bullying chỉ có ở tuổi đi học. Trên mạng, bullying không chừa ai.

Theo khảo sát Ditch the Label ở Anh năm 2017, 41% những người trẻ từng bị bully trên mạng từ đó bị rối loạn lo âu xã hội (social anxiety), 37% bị trầm cảm, 26% muốn tự sát, 26% xóa tài khoản mạng xã hội, 25% tự hại (self-harm), 24% bỏ mạng xã hội nói chung, 20% trốn học, 14% bị rối loạn ăn uống, và 9% bắt đầu dính vào rượu hoặc ma túy3.

Bảo Huân

Từ internet tới hậu quả ngoài đời thật

Một cái hại khác là mạng xã hội trở thành vừa thẩm phán vừa bồi thẩm đoàn—phản ứng của cư dân mạng có thể gây hậu quả ngoài đời thật. Nhiều người chỉ cần viết vài câu trên mạng xã hội bị xem là kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính, phân biệt Hồi giáo… là mất việc. Nhiều người chỉ cần một phút mất bình tĩnh ngoài đường và bị quay lại tung video lên mạng là mất việc. Cụm từ “people who lost their jobs because of social media” (những người bị mất việc vì mạng xã hội) có khoảng 590 triệu kết quả trên Google4.

Một khái niệm quan trọng là cancel culture, ý nói khuynh hướng muốn cancel (nghĩa đen: hủy bỏ) bất kỳ ai bị xem là phân biệt giới tính, phân biệt nam nữ, kỳ thị người chuyển giới, hoặc có bất kỳ quan điểm nào được xem là không khoan dung. Cancel không chỉ đơn thuần là tẩy chay, mà là làm ầm ĩ trên mạng hoặc biểu tình, gây sức ép để ai đó mất việc, mất sự nghiệp, không được xuất hiện phát biểu, mất chỗ đứng trong xã hội, trở thành một dạng kẻ thù của công chúng v.v.

Chẳng hạn trong thế giới sách thể loại young adult fiction ở Mỹ, thường gọi tắt YA (loại sách cho độ tuổi 12-18, tương tự sách Nguyễn Nhật Ánh ở Việt Nam), khuynh hướng săm soi về chủng tộc, giới tính… và kêu gọi đúng đắn chính trị (political correctness) nặng hơn các thể loại khác. Thậm chí thể loại YA còn đẻ ra một nghề gọi là sensitivity reader, tức là người đọc qua sách trước khi xuất bản để tác phẩm không có gì phản cảm hay xúc phạm tới bất kỳ nhóm người nào trong xã hội như dân nhập cư, người da màu, người tàn tật v.v.

Các nhà văn YA còn đưa nhau ra đấu tố trên Twitter, dẫn tới chửi bới, ném đá, tẩy chay, thậm chí dọa giết—nói theo nghĩa nào đó, thế giới nhà văn YA cắn xé và triệt hạ lẫn nhau bằng lời buộc tội phân biệt chủng tộc hoặc giới tính, chiếm đoạt văn hóa, thiếu tế nhị với cộng đồng khác, v.v. khiến một số tác giả thậm chí phải tự rút lại sách và cancel chính tác phẩm của mình5.

Mạng xã hội cũng có cái hại trong phong trào #MeToo. Nếu mạng xã hội, đặc biệt Twitter, làm phong trào #MeToo bùng nổ, khiến mọi người nhận ra chuyện lạm dụng và tấn công tình dục phổ biến thế nào, và góp phần trừng phạt những kẻ lợi dụng quyền lực để cưỡng ép tình dục như ông trùm Hollywood Harvey Weinstein, mặt trái là mạng xã hội theo nghĩa nào đó làm thay việc của công an và tòa án. Một người đàn ông khi đã bị buộc tội từng quấy rối hoặc lạm dụng tình dục, dù vô tội, vẫn bị tai tiếng hoặc bị ảnh hưởng đến sự nghiệp, do ảnh hưởng của mạng xã hội và dư luận6.

Trong phần sau, tôi sẽ viết thêm về cái hại của mạng xã hội đến xã hội, và nên làm gì.

DN

1: https://baotreonline.com/van-hoc/tre-voices/tam-nghi-mang-xa-hoi.baotre

2: https://baotreonline.com/van-hoc/tre-voices/tieu-chuan-dep-va-hau-qua.baotre

3: https://www.ditchthelabel.org/wp-content/uploads/2017/07/The-Annual-Bullying-Survey-2017-1.pdf

4: https://www.google.com/search?q=people+who+lost+their+jobs+because+of+social+media&oq=people+who+lost+their+jobs+because+of+social+media&aqs=chrome..69i57.9386j0j4&sourceid=chrome&ie=UTF-8

5: https://www.theguardian.com/books/2019/jun/15/torn-apart-the-vicious-war-over-young-adult-books

6: https://www.forbes.com/sites/karlynborysenko/2020/02/12/the-dark-side-of-metoo-what-happens-when-men-are-falsely-accused/?sh=2e92a7d9864d