Trong mục đích tạo cầu nối cho những thế hệ trẻ gốc Việt đến gần với những bậc phụ huynh và cộng đồng nói chung, Trẻ xin giới thiệu chuyên mục mới TRE VOICES để tạo điều kiện cho giới trẻ bày tỏ, chia sẻ những suy nghĩ và tâm tình của mình. Trong khi luôn khuyến khích việc giữ gìn và trau dồi Việt ngữ. Chúng tôi mời gọi các bậc phụ huynh và các em cùng tham gia gởi các bài viết về gia đình, học đường, xã hội cùng các vấn đề các em quan tâm. Bài viết xin giữ khoảng 500 từ và sẽ có nhuận bút tượng trưng để khuyến khích sự tham gia của các em.
Mỗi văn hóa và thời kỳ có tiêu chuẩn khác nhau về cái đẹp. Trong bài trước, tôi đã viết về sự khác biệt giữa phương Ðông và phương Tây.
Trong bài này, tôi sẽ nói về tiêu chuẩn cái đẹp và hậu quả.
Ảnh hưởng truyền thông
Làm sao biết đâu là tiêu chuẩn cái đẹp, là nét đẹp lý tưởng? Từ truyền thông. Từ film ảnh, tạp chí, giới diễn viên, ca sĩ, người mẫu, các cuộc thi hoa hậu, các danh sách những phụ nữ đẹp nhất của năm.
Cái khổ là, cái đẹp, cũng như thời trang, thay đổi qua thời gian. Cứ nhìn vào Hollywood: thời Golden Age, những mỹ nhân hàng đầu là Ava Gardner, Vivien Leigh, Rita Hayworth, Elizabeth Taylor, Hedy Lamarr, Audrey Hepburn… – những nét đẹp sang trọng, quý phái, phong cách thanh lịch. Thời nay nhìn những sao đang lên ngôi, Hollywood chẳng còn ai có nét sang trọng như thế nữa, Hollywood thay đổi theo hướng khác.
Phương Tây có thời kỳ chuộng kiểu người ốm tong như người mẫu, như Twiggy hay Kate Moss, khiến bao nhiêu cô gái đua theo nhịn ăn để giảm cân, có được cơ thể lý tưởng. Bây giờ, đặc biệt vì ảnh hưởng của gia đình Kardashian, đặc biệt Kim Kardashian, thân hình đồng hồ cát lại lên ngôi, với ngực lớn, hông nhỏ, mông lớn.
Mọi người ai cũng biết hình ảnh trên tạp chí không phải là thật, hình nào cũng có photoshop để giấu khuyết điểm trên mặt trên da, thậm chí nâng lên co lại cơ thể, nhưng vẫn nhìn vào tạp chí và ao ước được đẹp như thế, được hoàn hảo như thế.
Sự phát triển của Instagram
Cộng với truyền thông là sự phát triển của Instagram và thế hệ Instagram influencer, tức là những người nổi tiếng trên Instagram, có nhiều followers, và có thể tác động, ảnh hưởng tiêu chuẩn đẹp, khuynh hướng trang điểm và thời trang, dùng sản phẩm gì, tạo phong trào, v.v…
Trong tiếng Việt chưa có từ tương đương cho Instagram influencer, nhưng ở Việt Nam có những người như vậy – một số hot girl như Quỳnh Anh Shyn hay Châu Bùi chính là những Instagram influencer của Việt Nam.
Instagram khiến rất nhiều giới trẻ chạy đua theo phong trào, dùng mỹ phẩm giống influencer, trang điểm giống influencer, muốn mình được như họ, và cảm thấy thiếu tự tin về ngoại hình của bản thân. Ngược lại, Instagram cũng tạo ra phong trào sống ảo, chỉ đưa lên hình ảnh đẹp, hay ho, bày trò giả để câu like…
Filter
Link với Instagram và mạng xã hội nói chung là filter. Nhiều ứng dụng trên mạng ngày nay cho phép người sử dụng dùng filter để chỉnh sửa hình ảnh, làm mình đẹp lên. Tôi có nhiều đứa bạn, mỗi lần đưa hình lên Facebook là để hình mờ mờ ảo ảo hoặc chỉnh hình đẹp lung linh, nhìn nhận không ra.
Ở phương Tây là vậy, ở Châu Á còn đi xa hơn. Ở Tàu có rất nhiều app, ví dụ như Ulike, có tính năng như “giải phẫu thẩm mỹ” hình ảnh và video—có thể làm da trắng, chỉnh sửa mắt, mũi, miệng, khuôn mặt… Lâu nay trên mạng thiên hạ lan truyền nhau rất nhiều video trước và sau trang điểm của Tàu (chủ yếu lấy từ TikTok), nhìn như hai người khác nhau, vì không chỉ trang điểm rất khác mà còn chỉnh app.
Challenge trên mạng
Trên mạng, lâu lâu lại có một challenge (thách thức) nào đó để xem ai đủ chuẩn “đẹp”. Ví dụ ở phương Tây có thigh gap challenge – đứng thẳng, xếp hai bàn chân vào nhau, xem có khoảng cách giữa hai đùi không.
Riêng ở Châu Á, các trò challenge đặc biệt phổ biến, như A4 challenge (để tờ A4 trước bụng, theo chiều dọc, xem phần hông có bằng hoặc nhỏ hơn tờ A4 không), collarbone challenge (để đồng xu vào xương đòn để xem xếp được bao nhiêu), belly button challenge (vòng tay qua sau lưng và vòng ngược ra trước xem có thể chạm được rốn không)… Tất cả được đặt ra chỉ để chạy theo chuẩn ốm trơ xương của Châu Á.
Nhịn ăn
Vì chuẩn người ốm tong, nhiều cô gái đua theo nhịn ăn để có thân hình gầy lý tưởng, nhiều lúc trở thành biếng ăn, suy nhược, thiếu dinh dưỡng…
Công nghệ làm đẹp
Phụ nữ phải thấy khắp nơi hình ảnh về cái đẹp lý tưởng – thấy trên báo chí, trên TV, trên film ảnh, trên Instagram và mạng xã hội, nhìn khắp nơi chỉ thấy người đẹp hơn mình, hoàn hảo hơn mình, và nhìn lại thấy mình cái này xấu, cái kia không chuẩn.
Không chỉ vậy, công nghệ làm đẹp lại phát triển, tấn công vào nỗi thiếu tự tin của phụ nữ, tạp chí chỉ vẽ làm thế nào để đẹp hơn, các công ty tạo beauty product và các công nghệ làm đẹp quảng cáo dịch vụ. Chẳng hạn tôi ở Anh, thấy các dịch vụ làm đẹp phát triển hơn hẳn Na Uy—đi đâu cũng thấy salon, nếu không cắt tóc thì làm nail, hoặc làm lông mày, hoặc làm lông mi, hoặc làm spray tan, v.v…
Cũng ở Anh, trong khoảng hai tháng vừa qua tôi nhận được ít nhất mười quảng cáo khác nhau trên Facebook cho lip fillers. Một lần tôi còn thấy quảng cáo cho giải phẫu thẩm mỹ – giảm bụng (tummy tuck), bơm ngực, v.v…
Giải phẫu thẩm mỹ
Thời nay, chuyện giải phẫu thẩm mỹ càng lúc càng phổ biến, và không còn bị xem là xấu xa như trước đây. Hàn Quốc được xem là thủ đô giải phẫu thẩm mỹ của thế giới, với tỷ lệ giải phẫu trên đầu người cao nhất. Phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc tiếc thay trở thành bình thường, nhiều nữ sinh làm từ khi còn đi học.
Riêng tôi có quen một người (Việt) bơm ngực, một người (Việt) cắt mắt, một người (Na Uy gốc Việt) cắt mắt và sửa mũi, một người (Anh) dùng lip fillers, và một người (Anh) bơm botox ở tuổi 35.
Tại sao phải vậy? Họ đều nói, sau đó họ cảm thấy tự tin hơn. Có lẽ, nếu phẫu thuật làm người ta đẹp ra, vui hơn, tự tin với chính mình, tôi nên ủng hộ. Chỉ thấy tiếc, họ cũng như nhiều người khác chẳng cần những trò đó, và lẽ ra có thể yêu cơ thể và gương mặt tự nhiên của mình.

baohanquoc.com
DN