Trong nhiều năm gần đây ở các nước dân chủ phương Tây, tự do ngôn luận trở thành một trong những chủ đề gây tranh cãi do mâu thuẫn giá trị – giữa tự do ngôn luận và tôn trọng với các cộng đồng thiểu số, hoặc giữa tự do ngôn luận và cuộc chiến chống tin giả và thuyết âm mưu. Một trong những nơi có tranh cãi nhất là môi trường học thuật. Vậy sinh viên Anh hiện nay nghĩ gì về tự do ngôn luận? Đó là chủ đề của một khảo sát gần đây của Higher Education Policy Institute (tạm dịch: Viện Chính sách Giáo dục Đại học).

Bảo Huân

Phương thức khảo sát

Ðây là khảo sát năm 2022 của Higher Education Policy Institute thông qua công ty YouthSight, hỏi 1,019 sinh viên cử nhân đang đi học tại Anh (44% nam và 56% nữ). Các câu hỏi về tự do ngôn luận là không thay đổi từ khảo sát tương tự năm 2016, cho thấy thay đổi quan điểm qua thời gian.

Tự do ngôn luận ở trường đại học

Trong thang điểm từ 1 (hoàn toàn không đồng ý) đến 5 (hoàn toàn đồng ý), khi đánh giá câu “Sinh viên cảm thấy bị đe dọa luôn luôn có quyền yêu cầu được an toàn”, 46% sinh viên chọn 5 điểm (tăng từ 35% năm 2016); 33% chọn 4 (như 2016); chỉ có 1% chọn 1 tức là hoàn toàn không đồng ý (giảm từ 3% năm 2016).

Khi được hỏi về trường đại học của mình, chỉ có 17% sinh viên nói nên bảo đảm tự do ngôn luận không giới hạn trong khuôn viên trường, ngay cả nếu đôi khi gây xúc phạm (giảm từ 27% năm 2016); có đến 61% cho rằng nên bảo đảm mọi sinh viên được bảo vệ khỏi kỳ thị, thay vì có tự do ngôn luận vô giới hạn (tăng vọt từ 37% năm 2016); 4% nghĩ là không nên can thiệp vào những vấn đề này (tăng từ 3%); 16% cho là vấn đề phức tạp, không thể quyết định (giảm từ 27%); và 3% nói không biết (so với 5% năm 2016).

Trong thang điểm từ 1 (hoàn toàn không đồng ý) đến 5 (hoàn toàn đồng ý), với câu “Trường đại học càng ngày càng ít khoan dung với nhiều quan điểm trái ngược”, 17% chọn 5, 21% chọn 4, 35% chọn 3, 21% chọn 2, và 6% chọn 1. Khảo sát cho thấy sự khác biệt giữa nam và nữ: trong khi 25% nam sinh chọn 5 (tức là hoàn toàn đồng ý) và 26% chọn 4, 10% nữ sinh chọn 5 và 18% chọn 4. 40% nữ sinh chọn 3, tức là không phải đồng ý cũng không phải không đồng ý.

Khi hỏi về câu “Khi bạn tranh luận một vấn đề như phân biệt giới tính hay phân biệt chủng tộc, bạn khiến nó được chấp nhận”, có 14% chọn 5, tức là hoàn toàn đồng ý (tăng từ 7% năm 2016); 21% chọn 4 (tăng từ 10%); số chọn 1, tức hoàn toàn không đồng ý, giảm xuống còn 20% từ 38%.

Sự kiện và diễn giả

Khi được hỏi về câu “Trường đại học nên tham khảo ý kiến một số nhóm lợi ích đặc biệt (như nhóm về tôn giáo hoặc giới tính) cho các sự kiện trong khuôn viên trường”, 24% chọn 5, tức là hoàn toàn đồng ý (tăng gấp đôi từ 2016: 12%); 40% chọn 4 (tăng từ 28%); và chỉ có 2% hoàn toàn không đồng ý (giảm từ 9%).

Khi được hỏi là nên có quyền làm gì nếu không vui với một sự kiện nào đó diễn ra trong khuôn viên trường và nằm trong khuôn khổ luật pháp, 55% nói sử dụng các kênh truyền thống chính thức bên ngoài để thể hiện quan điểm, 49% nói tham dự sự kiện và nói quan điểm, và 39% chọn biểu tình bên ngoài nơi tổ chức sự kiện, nhưng cũng có 20% muốn ngừng sự kiện và 12% muốn phá hoặc gây rối (disrupt) sự kiện đó.

Khảo sát cũng hỏi về chính sách No Platform của National Union of Students (Liên minh Sinh viên Quốc gia), tức là cấm những người có quan điểm phát xít hoặc phân biệt chủng tộc xuất hiện phát biểu. 50% nói NUS không nên đưa bục diễn thuyết cho những người có thể xúc phạm một số nhóm (tăng từ 36% năm 2016); 36% đồng ý với một số người bị NUS nhưng không phải mọi trường hợp (giảm từ 40%); chỉ có 5% nói NUS không nên giới hạn tự do ngôn luận hay tranh luận (giảm từ 11%); còn 9% không biết.

Ðánh giá câu “Các hội sinh viên nên cấm tất cả những diễn giả có thể gây xúc phạm cho một số sinh viên”, 12% chọn 5, tức là hoàn toàn đồng ý (tăng từ 5%); 27% chọn 4 (tăng từ 11%); chỉ có 11% chọn 1, tức là hoàn toàn không đồng ý (giảm từ 27%).

Chương trình dạy và sách vở

Khi được hỏi về câu “Nếu giảng viên sử dụng tài liệu gây phản cảm với một số sinh viên, họ nên bị sa thải”, 12% chọn 5 (tăng từ 4%); 24% chọn 4 (tăng từ 11%); 32% chọn 3, tức là không phải đồng ý nhưng cũng không phải không đồng ý (tăng từ 30%); chỉ có 11% chọn 1 (giảm từ 26%).

Với câu hỏi về tài liệu thích hợp cho thư viện trường đại học, 34% nói thư viện nên có mọi loại tài liệu để nghiên cứu học thuật, bất kể nội dung (giảm từ 47% năm 2016); 12% nói không biết (giảm từ 20%); và mọi tỷ lệ ủng hộ cấm sách vì nhiều lý do khác nhau đều tăng so với 2016. Trong đó 32% ủng hộ cấm các tài liệu hình ảnh tình dục vi phạm luật pháp Anh quốc; 27% ủng hộ cấm tài liệu phủ nhận Holocaust (thảm sát người Do Thái) hoặc ủng hộ chủ nghĩa phát xít; 23% ủng hộ cấm tài liệu bênh vực phân biệt chủng tộc dưới bất kỳ hình thức nào; 18% muốn cấm tài liệu bênh vực phân biệt giới tính dưới bất kỳ hình thức nào; 17% muốn cấm sách xúc phạm người theo tôn giáo; 10% muốn cấm sách chống hệ thống dân chủ; và 8% ủng hộ cấm sách ủng hộ chủ nghĩa cộng sản.

“Safe space”

(không gian an toàn)

Khảo sát có câu hỏi về trigger warning, tức là một câu ngắn cho biết một cuốn sách hay bộ film có thể có chủ đề “nhạy cảm” như có ngôn ngữ phân biệt chủng tộc hoặc xúc phạm tôn giáo, thể hiện tự sát hoặc bạo lực hoặc lạm dụng tình dục v.v… 34% sinh viên nói luôn luôn nên có trigger warning để bảo vệ sinh viên (tăng từ 25% năm 2016); 52% nói đôi khi nên có trigger warning, nếu chủ đề gây tranh cãi hoặc gây sốc (giảm từ 43%); chỉ có 7% nói trigger warning là quá lố trong môi trường học thuật (giảm từ 18%).

Ngoài ra cũng có câu hỏi về “safe space”, tức là tranh luận diễn ra trong khuôn khổ cụ thể để không ai cảm thấy bị đe dọa vì giới tính, xu hướng tình dục, hay sắc tộc. Năm 2022, 62% nghĩ trường đại học nên có chính sách “safe space”, 16% nói không, và 22% không biết; so với năm 2016 là 48%, 20%, và 32%.

Chính phủ

Trước câu hỏi về chính phủ định tăng cường luật pháp để bảo vệ tự do ngôn luận trong trường đại học và muốn có free speech champion để giải quyết khiếu nại, điều ngạc nhiên là 48% sinh viên ủng hộ, 23% không ủng hộ, và 29% không biết. Tuy nhiên, cũng có thể là những sinh viên trả lời khảo sát có cách hiểu khác về điều luật cho tự do ngôn luận.

Những con số này cho thấy điều gì?

Cuộc khảo sát cho thấy mâu thuẫn giá trị và sự thay đổi quan điểm về tự do ngôn luận, cũng như một số khuynh hướng ở Anh quốc hiện nay. Và những con số nói lên điều gì, tôi sẽ để quý độc giả tự quyết định.

HDN

Nguồn

https://www.hepi.ac.uk/wp-content/uploads/2022/06/You-cant-say-that-What-students-really-think-of-free-speech-on-campus.pdf