Trong tháng 8 vừa qua, tại Liên hoan TV Edinburgh (Edinburgh TV festival), một trong những chủ đề chính là về người khuyết tật trong ngành công nghiệp truyền hình Anh quốc. Nhân dịp đó, hãy nói chút về disability rights movement (phong trào quyền lợi người khuyết tật).

Người khuyết tật ở các nước dân chủ

Một trong những điều tôi để ý khi mới sang Na Uy là mọi nơi đều có không gian, lối đi riêng và công cụ giúp đỡ người khuyết tật, trong khi ở Việt Nam là rất ít.

Ở các nước dân chủ, mọi nơi và mọi thứ phải tạo điều kiện hỗ trợ người khuyết tật. Ở Anh và Na Uy, chỗ đậu xe có khu vực ưu tiên; mọi tòa nhà đều phải có ramp (ram dốc) và thang máy; cửa có nút bấm cho người ngồi xe lăn không thể tự mở; phương tiện giao thông công cộng có lối đi riêng và công cụ giúp người dùng xe lăn (như ramp trên xe buýt); các tòa nhà public có toilet hỗ trợ người khuyết tật; trạm xe buýt có giọng đọc thông tin cho người khiếm thị; triển lãm có thêm thông tin bằng giọng đọc hoặc chữ Braille để giúp người khiếm thị; video và film có phụ đề hoặc đôi khi có thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính v.v.

Ðôi khi trong đời sống bình thường còn có những thiết kế đa phần mọi người không để ý. Chẳng hạn, Tom Scott trên Youtube làm một video về những pattern ít người biết trên đường phố nước Anh, giúp người khiếm thị biết đang đứng ở chỗ qua đường hay đang đứng trên sân ga, trước mặt là nguy hiểm v.v.1 Tom Scott cũng làm một video khác về “nút bí mật” ở vạch qua đường, để người khiếm thị biết khi nào đèn xanh khi nào đèn đỏ, nếu không có tiếng bíp bíp hoặc nếu người đi bộ vừa khiếm thị vừa khiếm thính2.

Phong trào quyền lợi người khuyết tật kêu gọi điều gì?

Các nhà hoạt động, đặc biệt bản thân người khuyết tật, phải tranh đấu vài thập niên qua để chính phủ phải ra luật bảo vệ người khuyết tật và mọi nơi có lối đi riêng và phương tiện hỗ trợ người khuyết tật. Thế nhưng vẫn chưa đủ—không phải mọi tòa nhà, mọi phương tiện giao thông công cộng… đều thật sự tạo điều kiện thoải mái cho người khuyết tật.

Phong trào cũng kêu gọi bình đẳng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử trong giáo dục, nhà ở, và việc làm, và kêu gọi phá vỡ những rào cản không cho người khuyết tật sống như mọi người khác.

Ngoài ra phong trào cũng kêu gọi quyền lợi và xóa bỏ kỳ thị với người bị khuyết tật trí tuệ (thường gọi chậm phát triển trí tuệ), người tự kỷ, người có vấn đề sức khỏe tâm thần và các dạng khuyết tật vô hình (invisible disability) khác như rối loạn tăng động giảm chú ý (attention deficit hyperactivity disorder), rối loạn tâm thần (mental disorder), động kinh (epilepsy), hội chứng mệt mỏi mãn tính (chronic fatigue syndrome) v.v.3 Những khuyết tật vô hình có thể làm cản trở, ảnh hưởng đến học hành, làm việc, hội nhập xã hội… nhưng người ngoài nhìn không biết.

Thuật ngữ gọi phân biệt đối xử với người khuyết tật trong tiếng Anh là ableism.

Tom Scott làm một video về những pattern ít người biết trên đường phố nước Anh, giúp người khiếm thị – nguồn Youtube

Người khuyết tật và ngôn ngữ 

Phong trào quyền lợi người khuyết tật kêu gọi thay đổi ngôn ngữ. Chẳng hạn theo political correctness thì nói “khiếm thị” (visually impaired hoặc sight-impaired) thay cho “mù” (blind), “khiếm thính” (hearing-impaired) thay vì “điếc” (deaf); không dùng từ ngữ xúc phạm như “crazy”, “mental”, “insane”… cho người rối loạn tâm thần; không dùng những chữ như “mentally handicapped”, “mentally defective”, “retarded”… cho người khuyết tật trí tuệ v.v.

Ði xa hơn, một số nhà hoạt động ở các nước nói tiếng Anh còn kêu gọi nói “people with disabilities” thay cho “disabled people”, “person with visual impairment” thay cho “visually impaired person”, gọi người tự kỷ hay người bị hội chứng Down là “neurodivergent” (tạm dịch: thần kinh khác biệt) và người thường là “neurotypical” (tạm dịch: thần kinh điển hình)…4

Không những thế, một số nhà hoạt động còn muốn bỏ mọi thành ngữ và cách nói phổ biến có hơi hướng ableist: chẳng hạn dùng chữ “dumb” theo nghĩa ngu ngốc là xúc phạm người câm, nói “turn a blind eye” (nhắm mắt làm ngơ) là đụng tới người khiếm thị, cụm “fall on deaf ears” (đàn gảy tai trâu/ nói với đầu gối) là làm tổn thương người khiếm thính v.v.5

Tuy nhiên không phải người khuyết tật nào cũng dùng ngôn ngữ politically correct—nhiều người vẫn dùng những chữ mù, câm, điếc, v.v. và cho rằng cái quan trọng là accessibility (lối đi riêng, phương tiện giúp đỡ người khuyết tật) và quyền lợi bình đẳng, chứ không phải từ ngữ. Nhiều người khuyết tật còn chống uyển ngữ (euphemism).

Người khuyết tật trong điện ảnh và TV

Trong Liên hoan TV Edinburgh tháng 8 vừa qua, một trong những bài nói chuyện gây chú ý nhất là của Jack Thorne, người viết kịch bản film “Enola Holmes”, và sau đó nhiều buổi nói chuyện và phỏng vấn tại liên hoan đều nhắc tới. Theo Jack Thorne, ngành công nghiệp truyền hình Anh quốc hoàn toàn bỏ quên người khuyết tật: 20% dân số Anh quốc là người khuyết tật nhưng chỉ 8% nhân vật trên TV và 5% người làm hậu trường là khuyết tật. Tuy nhiên có lập luận ngược lại: các con số này không nhất thiết cho thấy người khuyết tật bị kỳ thị, mà có thể là người khuyết tật không đi vào ngành film ảnh và TV do khó khăn và lắm cạnh tranh.

Jack Thorne cũng nói, nhiều vai diễn nhân vật khuyết tật lại trao cho diễn viên không bị khuyết tật và đó là không nên. Nhiều diễn viên khuyết tật có thể phải đợi rất lâu mới thấy một nhân vật có tình trạng như mình, rồi lại thấy vai diễn tuột vào một diễn viên lành lặn.

Nhưng ngược lại, người ta cũng có thể nói, nếu chỉ chọn người khuyết tật cho những vai diễn khuyết tật, lựa chọn sẽ rất giới hạn—ví dụ, có bao nhiêu người nói tiếng Anh có khuyết tật như nhà khoa học Stephen Hawking để có thể vào vai diễn trong “The Theory of Everything” và có thể diễn xuất hay như Eddie Redmayne?

Một trong những cách hiệu quả để hiểu cộng đồng người khuyết tật là trò chuyện và lắng nghe những mối quan tâm của họ – nguồn BBC.com

Người khuyết tật bị các phong trào quên lãng

Theo Jack Thorne và theo nhiều người khác ở Liên hoan TV Edinburgh, người khuyết tật hoàn toàn bị quên lãng bởi diversity movement (phong trào đa dạng)—khi nói tới diversity, người ta chủ yếu chỉ nói tới chủng tộc, sau đó là vấn đề đồng tính, chuyển giới… và thường quên mất người khuyết tật.

Người khuyết tật cũng bị bỏ rơi trong phong trào body positivity (kêu gọi mọi người yêu quý cơ thể mình, và chống các tiêu chuẩn đẹp trên truyền thông). Nhiều chiến dịch body positivity chỉ tập trung cho người mập, đặc biệt phụ nữ6—theo nghĩa nào đó, phong trào body positivity gần như gắn chặt với fat acceptance movement (tạm dịch: phong trào chấp nhận người mập), người khuyết tật bị quên lãng.

Kết

Ðó là tình trạng ở các nước dân chủ phương Tây. Trong khi đó ở Việt Nam vẫn còn nhiều bài báo phải đặt câu hỏi “Lối đi nào cho người khuyết tật?”7.

HDN

1: https://youtu.be/cdPymLgfXSY 

Tom Scott là một Youtuber người Anh có 4.29 triệu người subscribe.

2: https://youtu.be/fRPWlBAgSnw

3: https://en.wikipedia.org/wiki/Disability

https://en.wikipedia.org/wiki/Disability_rights_movement

4: http://www.grammarlandia.com/2018/12/inclusive-language-disability-and.html

5: https://www.bbc.com/worklife/article/20210330-the-harmful-ableist-language-you-unknowingly-use

Đây chỉ là một ví dụ, nhưng còn rất nhiều bài viết khác.

6: https://thebodyisnotanapology.com/magazine/where-are-all-the-disabled-people-in-the-body-positivity-campaigns/

7: https://www.google.com/search?q=l%E1%BB%91i+%C4%91i+n%C3%A0o+cho+ng%C6%B0%E1%BB%9Di+khuy%E1%BA%BFt+t%E1%BA%ADt&oq=l%E1%BB%91i+%C4%91i+n%C3%A0o+cho+ng%C6%B0%E1%BB%9Di+khuy%E1%BA%BFt+t%E1%BA%ADt&aqs=chrome..69i57.5929j0j9&sourceid=chrome&ie=UTF-8