Trong vài năm gần đây, khi chủ nghĩa “phải đạo” lên ngôi, sự đa dạng (diversity) cũng vượt lên trên mọi giá trị khác và lấn át mọi thứ, cả trong vấn đề văn học nghệ thuật, cũng như ảnh hưởng tới môn English và cách dạy văn chương ở Mỹ cùng một số nước phương Tây khác, đặc biệt với phong trào #DisruptTexts.

#DisruptTexts là gì?

Disrupt là làm gián đoạn, là đập gãy, phá vỡ. Phong trào Disrupt Texts, hay thường viết #DisruptTexts vì hashtag trên Twitter, là phá vỡ truyền thống và lật ngược chương trình giảng dạy văn chương; là rút bỏ những cuốn bị xem là phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, hay “có vấn đề về quan điểm”; là thay thế các tác phẩm kinh điển của đàn ông da trắng đã chết (dead white men) bằng sách mới của nhà văn nữ và/hoặc da màu; là đập bỏ truyền thống dạy điển phạm phương Tây (Western canon) và ưu tiên dạy sách đa dạng về giới tính, chủng tộc, màu da, v.v.

Vài ví dụ

Chẳng hạn năm 2017, trường học ở Mississippi rút cuốn “To Kill a Mockingbird” (Giết con chim nhại) của Harper Lee vì ngôn ngữ làm người ta không thoải mái1.

Năm 2018, trường học ở Minnesota cấm “To Kill a Mockingbird” lẫn “The  Adventures of Huckleberry Finn” (Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn) của Mark Twain vì dùng từ ngữ miệt thị người da đen, dù đó là bối cảnh lịch sử của tác phẩm2.

Trong năm nay, 2 cuốn này cùng một số cuốn khác như “Of Mice and Men” (Của chuột và người) của John Steinbeck, “The Cay” của Theodore Taylor, “Roll of Thunder, Hear My Cry” của Mildred D. Taylor… cũng bị trường học ở Burbank, California rút khỏi chương trình do các bậc bố mẹ than phiền về phân biệt chủng tộc3.

Cũng gần đây, Lawrence High School ở Massachusetts rút “The Odyssey” của Homer khỏi chương trình.

Một số sách truyền thống bị loại bỏ khỏi chương trình giáo dục 

Nguyên tắc & cách nhìn của #DisruptTexts

Theo cách nhìn của những người theo phong trào #DisruptTexts, xã hội Mỹ là xã hội đa chủng tộc, đa văn hóa, đa tôn giáo… tại sao chỉ hạn hẹp chương trình dạy với các tác phẩm được xem là kinh điển và chỉ dạy thơ văn của đàn ông da trắng đã chết? Tại sao không mở rộng, đa dạng hóa, thêm các tác phẩm của nhà văn nữ, nhà văn da đen và da màu, và nhà văn còn sống? Ðó là chưa kể, xã hội ngày nay cũng đa dạng về khuynh hướng tình dục và giới tính, tại sao không thêm những tác phẩm LGBTQIA? Theo quan điểm của họ, nhờ đó học sinh cảm thấy mình được thể hiện trong tác phẩm, có thể cảm thấy liên quan gần gũi hơn với nhân vật, không cảm thấy mọi thứ quá xa xôi và không liên hệ tới mình, và có thể thích thú và tiếp thu tốt hơn.

Thế nhưng, đó có phải là mục đích của văn học không?

Vladimir Nabokov, tác giả của “Lolita” đã nhiều lần nói, không nên tìm cách thích nhân vật hoặc tìm kiếm mình trong nhân vật—nhiều độc giả có thói quen phải thích nhân vật mới thích được cuốn sách, còn nếu không thích được ai, chẳng hạn như “Wuthering Heights” (Ðỉnh gió hú) hay “The Great Gatsby” (Gatsby vĩ đại) thì vứt luôn cuốn sách. Phải nhìn vào giá trị tác phẩm, như văn phong, ngôn ngữ, cấu trúc, cách xây dựng và thể hiện nhân vật, cặp nhân vật đối lập, tâm lý, hình ảnh, so sánh và ẩn dụ, motif, ý tưởng v.v.

Nhiều người dạy văn, cả một số giáo viên của tôi trong chương trình trước đây ở Na Uy, có khuynh hướng tập trung nhiều hơn về chủ đề, bối cảnh lịch sử, và vấn đề xã hội (giai cấp, bình đẳng nam nữ, chủng tộc…) hơn giá trị văn học. Văn chương đâu chỉ là nói tới vấn đề xã hội!

#DisruptTexts còn đi xa hơn, muốn chọn sách thể hiện được cái gọi là kinh nghiệm sống (lived experience) của học sinh và muốn học sinh có thể thấy mình trong đó. Hơn nữa, #DisruptTexts cũng có cái nhìn rất hạn hẹp về con người và chủng tộc.

Chẳng hạn, LitHub có một bài viết của một người đi dạy, bảo là tác phẩm của Jane Austen quá trắng, không cảm được vì gốc Mexico4. Cũng LitHub đăng một bài viết khác của một giáo viên bảo là bỏ, không dạy “The Scarlet Letter” (Chữ A màu đỏ) của Nathaniel Hawthorne vì toàn da trắng, chả cảm được, và chỉ thực sự cảm được cuốn “Native Speaker” của Chang-Rae Lee vì thể hiện đúng kinh nghiệm và cảm giác của mình là người Mỹ gốc Hàn Quốc5.

Nhưng đó chẳng phải là một cách nhìn rất áp đặt và hẹp hòi về văn chương sao? Nếu chỉ có thể hiểu khi tác phẩm thể hiện đúng trải nghiệm của mình, đâu là cuốn sách thể hiện tôi, đâu là cuốn sách có một đứa lớn lên ở Việt Nam, sang tỵ nạn chính trị ở Na Uy, rồi sau đó sang Anh? Tại sao những người này cho rằng tôi phải đọc sách về người Việt hoặc dân Châu Á mới có thể thích được, cảm được? Tại sao những người này cho rằng học sinh không phải da trắng không thể thích Shakespeare, Jane Austen, Nathaniel Hawthorne, Henry James, Charles Dickens, Homer v.v. ?

Ngược lại, nếu #DisruptTexts cho rằng dân da màu không thể thích nhà văn da trắng do quá khác biệt, làm sao các vị giáo viên theo phong trào này có thể thuyết phục học sinh da trắng đọc rộng hơn, đọc tác giả không phải da trắng, và đọc thêm tác phẩm dịch từ ngôn ngữ khác?

#DisruptTexts thay thế tác phẩm kinh điển bằng sách đương đại, sách mới – những cuốn chưa qua thử thách của thời gian

Thay bằng cái gì?

Những giáo viên chạy theo và hưởng ứng #DisruptTexts bảo mục đích là để mở rộng tầm nhìn, tăng thêm nhiều tác phẩm đa dạng phong phú, nhưng tất nhiên họ không bao giờ dạy những tác phẩm kinh điển của nước khác. #DisruptTexts thay thế tác phẩm kinh điển bằng sách đương đại, sách mới—những cuốn chưa qua thử thách của thời gian và không biết có tồn tại lâu dài không. #DisruptTexts đôi khi còn đưa vào chương trình thể loại young adult fiction, thường gọi tắt YA (truyện cho tuổi teen, tương tự kiểu của Nguyễn Nhật Ánh ở Việt Nam)6.

Thay vì dạy những tác phẩm quan trọng, đã được công nhận và có vị trí quan trọng trong văn hóa, và giúp học sinh hiểu được nó, dù phải cố nhiều hơn, #DisruptTexts muốn thay thế bằng những cuốn nhẹ nhàng dễ đọc—những cuốn học sinh có thể tự đọc ngoài giờ không cần giáo viên. Nhiều người có thể qua vài năm học English ở trung học mà không đọc qua bất kỳ tác phẩm quan trọng nào của văn chương Anh Mỹ.

Bản thân tôi đã tiếp xúc với rất nhiều giáo viên hưởng ứng phong trào #DisruptTexts trên Twitter—nếu chính giáo viên cũng không hiểu văn chương, không biết mục đích của môn văn, đả kích truyền thống và khái niệm kinh điển, thế thì môn văn sẽ ra sao? Các thế hệ học sinh sau đó sẽ ra sao?

DN

1: https://www.rollingstone.com/culture/culture-news/to-kill-a-mockingbird-pulled-from-mississippi-school-district-reading-list-197821/

2: https://www.independent.co.uk/news/schools-us-ban-books-kill-mockingbird-huckleberry-finn-minnestota-district-racial-slurs-a8201416.html

3: https://www.newsweek.com/kill-mockingbird-other-books-banned-california-schools-over-racism-concerns-1547241#:~:text=News-,’To%20Kill%20a%20Mockingbird%2C’%20Other%20Books%20Banned%20From,California%20Schools%20Over%20Racism%20Concerns&text=Schools%20in%20Burbank%20will%20no,raised%20by%20parents%20over%20racism

4: https://lithub.com/recognizing-the-enduring-whiteness-of-jane-austen/

5: https://lithub.com/the-freedom-of-tossing-the-scarlet-letter-from-a-high-school-curriculum/

6: Đây chỉ là một ví dụ: https://www.tes.com/news/forget-classics-let-gcse-students-read-young-adult-fiction

Ngoài ra còn một loạt bài viết khác.