Giữa đại dịch, (gần như) ai cũng hiểu lockdown là cần thiết khi vaccine và thuốc chữa đều chưa có và điều kiện test bị hạn chế. Anh quốc thời kỳ đầu đắn đo ngần ngừ, định làm theo thuyết miễn dịch cộng đồng (herd immunity) nhưng cuối cùng tới ngày 23/3 vẫn phải công bố phong tỏa, đóng cửa hết mọi thứ, tới gần đây mới mở dần lại. Tuy nhiên, lockdown có nhiều vấn đề của nó—dễ thấy nhất là ảnh hưởng kinh tế, nhiều người mất việc nhưng không phải ai cũng được tiền nghỉ phép (furlough) từ cơ quan hay tiền thất nghiệp từ nhà nước, công nhân tình dục (sex workers) và nhiều người thất nghiệp phải chuyển sang kiếm tiền bằng OnlyFans, và không phải mọi doanh nghiệp đều có thể tồn tại qua mấy tháng đóng cửa không có khách, ngay cả khi có chút tiền hỗ trợ từ nhà nước… Riêng ở Leeds trong thời gian qua, tôi nhìn thấy không ít cửa hàng lớn nhỏ sập tiệm.

Nhưng không chỉ kinh tế. Lockdown còn có những khoảng tối khác, ít thấy hơn—những ảnh hưởng xấu tới tâm lý và gia đình.

  1. Hôn nhân tan vỡ

Trong thời gian lockdown, tỷ lệ ly dị hoặc hỏi về ly dị tăng vọt. Chẳng hạn, từ ngày 23/3 (bắt đầu lockdown ở Anh) tới giữa tháng 5, Co-op Legal Services thấy các yêu cầu ly hôn tăng khoảng 42% so với cùng thời gian năm ngoái1. SAS Daniels, một công ty luật khác, cũng thấy tỷ lệ hỏi về ly dị tăng—trong tháng 6 thậm chí tăng gấp 4 lần tháng trước đó2.

Ở Mỹ cũng tương tự. Các thỏa thuận ly hôn tăng 34%, và nhiều cặp vợ chồng bảo hôn nhân rạn nứt chỉ sau khoảng 3 tuần ngồi nhà cách ly (quarantine)3.

Theo một khảo sát của myexbackcoach.com, 31% người trả lời cảm thấy cách ly làm tổn hại đến mối quan hệ của họ4. Theo thống kê của Legal Templates, 58% các cặp nộp đơn ly dị trong mùa dịch chỉ mới cưới nhau được trong vòng 5 năm—tăng 16% so với năm ngoái. Năm 2019, 11% các cặp chỉ mới cưới nhau trong vòng 5 tháng hoặc ít hơn—số lượng này tăng thành 20% trong năm 2020, tức là tăng gần gấp đôi. Con số này cũng có nghĩa là, trong số đó sẽ không có ít cặp mới cưới khoảng tháng 1 tới tháng 3, quyết định ly dị trong thời gian cách ly, khoảng tháng 4 tới tháng 65.

Bảo Huân  

Vì sao?

Vô số lý do: đời sống cách ly, thói quen bị phá vỡ, lo ngại về coronavirus, đau khổ vì mất người thân, công việc bị ảnh hưởng hoặc bị mất việc, áp lực tài chính, tranh cãi về việc nhà hoặc chăm sóc con cái, stress vì vừa phải làm việc từ nhà vừa phải trông con vì trường học đóng cửa, hoặc phải giúp con học online, tâm lý bị ảnh hưởng, hoặc đôi khi chỉ đơn giản là ngồi nhà nhiều dễ sinh cãi lộn nhưng lại không thể ra đường xem film, mua sắm, hay ra quán nhậu để giải tỏa.

Ngoài ra có thể có lý do khác là bạo hành gia đình.

  1. Bạo hành gia đình

Riêng ở Anh, theo tờ The Guardian, trong 11 tuần từ ngày 23/3, cảnh sát London nhận được 45,000 cuộc gọi về bạo hành gia đình—tăng 11.4% so với cùng giai đoạn năm ngoái, tính ra là tăng thêm 380 cuộc gọi mỗi tuần6.

Ðó chỉ là London. Cả nước Anh nói chung cũng vậy—đường dây trợ giúp của Refuge thấy tăng 77% số cuộc gọi trong tháng 6. Trong tuần đầu tiên của tháng 7, tỷ lệ phụ nữ cần chỗ ở khẩn cấp tăng 54% so với tuần cuối cùng của tháng 6—cao nhất trong thời gian lockdown7.

Theo UN, tỷ lệ bạo lực gia đình khắp thế giới tăng 20% trong thời gian lockdown8.

Vì sao?

Có lẽ có 2 lý do chính. Một là, khi có nhiều vấn đề xảy ra, áp lực tài chính, thất vọng với cơ quan, căng thẳng về tương lai, tức giận không có chỗ giải tỏa, nhiều ông chồng chuyển sang thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ. Tỷ lệ uống rượu trong thời gian lockdown cũng cao hơn trước đó9.

Bảo Huân

Hai là, luật phong tỏa cũng có nghĩa là nhiều phụ nữ bị mắc kẹt trong nhà, không thoát được bạo hành. Chương trình Panorama của BBC có tập “Escaping My Abuser” của Victoria Derbyshire làm về nạn nhân bạo hành trong thời kỳ lockdown—nếu thông thường những tên đàn ông chuyên đánh vợ phải cẩn thận không làm bầm giập để gây chú ý, đặc biệt những chỗ dễ thấy như trên mặt hoặc ở cánh tay, tới mùa lockdown nạn nhân có ra ngoài đâu mà phải lo. Hơn nữa, trong thời gian bình thường nạn nhân của bạo hành gia đình có thể đi làm hoặc ra ngoài gặp người này người kia, nhưng trong mùa dịch họ bị nhốt ở nhà, có thể bị hành hạ, đánh đập, cưỡng hiếp, nhưng không thể kêu cứu, người ngoài cũng chẳng biết để hỏi thăm.

Trong chương trình của Victoria Derbyshire, một nạn nhân bị chồng cưỡng hiếp hơn 100 lần trong thời gian lockdown.

  1. Vấn đề sức khỏe tâm thần

Ðại dịch và chuyện cách ly, theo nghĩa nào đó như bị nhốt ở nhà, ảnh hưởng đến tâm lý tất cả mọi người, không nhiều thì ít—nếu không bị trầm cảm hoặc anxiety (lo âu/ rối loạn lo âu) thì cũng bị áp lực về tài chính hoặc nghề nghiệp, lo lắng về virus, bị phá vỡ thói quen, thấy mọi kế hoạch đều bị thay đổi hoặc trì hoãn, thấy chán vì không được đi đâu, thấy cô đơn vì không được gặp gia đình bạn bè v.v.

Nhiều bác sĩ tâm lý đã khuyến cáo, mùa dịch coronavirus có thể dẫn tới một trận dịch thứ hai, về sức khỏe tâm thần (mental health).

Thống kê cho thấy, ở Anh thanh niên khoảng 18-24 tuổi có tỷ lệ cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng, và muốn tự sát cao hơn các nhóm tuổi khác—trong đó có 22% nghĩ tới tự sát, hơn gấp đôi tỷ lệ của dân số nói chung là 10%10. Giới trẻ phải chống chọi hơn với vấn đề tâm lý và dễ dàng bị trầm cảm hoặc anxiety hơn vì nguy cơ thất nghiệp hoặc mất các cơ hội khác—chẳng hạn cả đám bạn học trường film đang vất vả tìm cách chen vào ngành film, nhưng đùng một cái tất cả đóng lại, mọi đoàn film đang quay hoặc sắp quay đều tạm hủy, chỉ gần đây mới dần dần mở lại.

Ngoài ra, những nhóm khác bị ảnh hưởng nhiều về tâm lý là người sống một mình, cha mẹ đơn thân, người có bệnh nền/ vấn đề sức khỏe, người thất nghiệp hoặc có nghề nghiệp không ổn định, v.v.

Ðáng chú ý là trẻ em, đặc biệt trẻ em có nhu cầu đặc biệt—đó là chủ đề của “Fighting for an Education” của Sean Dilley làm cho BBC’s Panorama. Thời gian lockdown với trẻ con nói chung đã gây chán, bồn chồn, cô lập, không được gặp thầy cô bạn bè, không được ra ngoài chơi, nhưng càng khó hơn nhiều với trẻ con tự kỷ hoặc có sensory processing disorder (thường dịch rối loạn giác quan hoặc rối loạn xử lý cảm giác). Những trẻ em có nhu cầu đặc biệt gặp khó khăn nhiều lại không được hỗ trợ từ chuyên gia, còn cha mẹ không phải lúc nào cũng có điều kiện chăm sóc. Nhiều cha mẹ phải quay lại và đưa cho chương trình video con cái gào khóc, la hét, đập phá, ném vỡ đồ đạc, cào da bứt tóc… Nhiều người cảm thấy không được hỗ trợ đầy đủ từ nhà nước và nhân viên xã hội.

Ðây là những khoảng tối của lockdown. Hiện nay, khi mọi thứ bắt đầu mở lại, một số vấn đề có thể dần dần giảm đi, nhưng mọi người vẫn phải sống chung với virus một thời gian, còn lâu mọi thứ mới hoàn toàn bình thường trở lại. Một số thứ có thể sẽ không bao giờ trở lại như trước.

Bảo Huân

DN

1: https://news.sky.com/story/coronavirus-law-firm-sees-40-rise-in-divorce-inquiries-during-uk-lockdown-11999307

2: https://www.business-live.co.uk/professional-services/law-firm-sees-four-fold-18477675

3: https://www.dailymail.co.uk/news/article-8674001/Divorce-rates-America-soar-34-percent-COVID-19-pandemic.html

4: https://myexbackcoach.com/survey-of-couples-on-how-the-pandemic-has-affected-their-relationship/

5: https://legaltemplates.net/resources/personal-family/divorce-rates-covid-19/

6: https://www.theguardian.com/society/2020/jul/15/domestic-abuse-calls-to-london-police-rise-by-a-tenth-during-lockdown

7: https://www.telegraph.co.uk/news/2020/07/23/domestic-violence-helpline-calls-80-june-amid-warnings-surge/

8: https://www.bbc.co.uk/news/av/world-53014211

9: https://alcoholchange.org.uk/blog/2020/drinking-in-the-uk-during-lockdown-and-beyond

10: https://www.mentalhealth.org.uk/coronavirus/divergence-mental-health-experiences-during-pandemic