Trong những lần bạn bè cũ gặp nhau, chúng tôi thường ôn lại những kỷ niệm thời đi học, những chuyện đã hơn năm mươi năm bây giờ vẫn còn nhớ rõ. Hết chuyện bạn bè đến chuyện thầy cô, những thầy cô đã dạy chúng tôi thời Tiểu học, Trung học đệ nhất cấp, Trung học đệ nhị cấp. Thầy cô nào cũng đáng kính, cũng hết lòng dạy dỗ chúng tôi. Nhưng cô Càng Thị Hạnh là người gây nhiều ấn tượng nhất đối với tôi.
Thị xã Long Khánh ngày xưa (từ tháng 6/2019 đổi thành Thành phố Long Khánh) thật ra là nơi đèo heo hút gió. Thị xã loanh quanh vài con đường nhựa, còn lại là đường đất, sình khi trời mưa. Giống như ở Pleiku trong bài Còn chút gì để nhớ: “Ði dăm phút đã về chốn cũ, một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng”. Có 3 trường trung học là Trường công lập Long Khánh, Trường tư thục Hoà Bình và Trường bán công Long Khánh. Thầy cô đa phần là người Sài Gòn được (hay bị) bổ nhiệm đến Long Khánh dạy. Tôi nhớ có lần cô Nguyệt dạy Sử Ðịa nói rằng khi được bổ nhiệm về Long Khánh dạy là thấy ớn rồi vì nghe nói Long Khánh là rừng thiêng nước độc. Vậy mà thầy cô vẫn gắn bó với trường lớp, với đám học trò nhà quê của mình.
Năm lớp 9, lớp chúng tôi có cô giáo mới dạy môn Việt văn, đó là cô Càng Thị Hạnh. Buổi học đầu tiên, sau những lời làm quen, cô hỏi: “Em nào thuộc bài Tôi đi học của Thanh Tịnh?”. Chúng tôi không hiểu ý định của cô là gì nhưng một bạn vẫn đứng lên đọc. Ðến đoạn: “Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi”, cô bảo dừng lại và hỏi: “Nếu thay vì nắm tay mà các em viết nắm tai thì ý nghĩa của câu này thế nào?”. Lúc này chúng tôi mới biết là cô muốn chúng tôi phải viết đúng chính tả.
Tôi không biết các bạn khác nghĩ về cô như thế nào chứ tôi thấy cô dạy hay lắm. Cô học Ðại học Sư phạm, khoa Cổ văn nên cô giỏi chữ Hán. Giờ Văn học sử, cô dạy lịch sử chữ Nôm, cô giảng: “Trước đây Việt Nam chưa có chữ viết riêng nên phải dùng chữ Hán. Người Việt mình đọc là trên trời nhưng phải viết là thiên thượng vì chữ Hán không có chữ trên và chữ trời. Vì vậy phải thêm nét vào chữ thiên và chữ thượng để thành chữ trên và chữ trời của Việt Nam mình. Ðó là chữ Nôm do Việt Nam ta sáng tạo. Như vậy chữ Nôm còn phức tạp hơn chữ Hán cho nên khi mấy ông linh mục người Pháp, Bồ Ðào Nha vào Việt Nam truyền đạo phải sáng tạo ra chữ Quốc ngữ chứ nếu phải học chữ Hán rồi thêm chữ Nôm thì sẽ chậm trễ việc truyền đạo”.
Cô Hà và cô Hậu (giữa)
Cô dạy bài Văn tế đầu tiên bằng chữ Nôm của ông Hàn Thuyên (Văn tế cá sấu):
Ngạc ngư kia hỡi mày có hay
Biển Ðông rộng rãi là nơi mày
Phú Lương đây thuộc về thánh vực
Lạc lối đâu mà lại đến đây …
Khi dạy bài chữ Nhàn của Nguyễn Công Trứ, hai câu đầu là: “Thị tại môn tiền náo, Nguyệt lai môn hạ nhàn”, cô viết chữ Hán lên bảng rồi giảng nghĩa. Chiết tự: chữ Thị đặt dưới chữ Môn thành ra chữ Náo, chữ Nguyệt đặt dưới chữ Môn thành ra chữ Nhàn. Nghĩa của hai câu này là: Chợ đặt trước cửa nhà thì ồn ào, náo nhiệt; Trăng đến trước cửa nhà thì là nhàn. Nhờ cách giảng nghĩa sinh động của cô mà chúng tôi hiểu bài kỹ hơn.
Cô dạy chúng tôi cách làm văn nghị luận, bình luận, phân tích … rồi ra đề. Lúc trả bài, bạn nào điểm cao được cô khen, vinh dự lắm. Có thể nói, tôi học Văn khá hơn là nhờ cô Hạnh. Ðến giờ tôi vẫn còn nhớ những bài văn, bài thơ, những tác phẩm cô dạy như: Chinh phụ ngâm, Lục Vân Tiên; bài thơ mới đầu tiên của Việt Nam là bài Tình già của Phan Khôi; bài thơ Chùa Hương, Sơn Tinh – Thuỷ Tinh của Nguyễn Nhược Pháp; những bài thơ của Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Bà huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Tản Ðà … những tác phẩm của nhóm Tự lực văn đoàn… câu nói nổi tiếng của cụ Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn”.
GS Càng Thị Hạnh, ảnh chụp năm 1971 (cắt ra từ ảnh tập thể các thầy cô trường Trung học Long Khánh)
Cô dạy chúng tôi luật hỏi – ngã (Thuận thinh âm) dùng cho từ ngữ kép thuần tiếng Việt: Không sắc hỏi – Huyền nặng ngã:
Chị huyền mang nặng ngã đau
Hỏi không sắc thuốc lấy đâu mà lành
Sau này không còn học cô nữa, những thầy cô dạy Văn khác cũng dạy cho chúng tôi rất nhiều điều nhưng đối với tôi, cô Hạnh là người đã giúp tôi yêu văn học Việt Nam hơn cả.
Sau Tháng Tư 75, cô không còn dạy ở Long Khánh nữa. Những thầy cô của chúng tôi ngày ấy nhiều người đã đi nước ngoài, một số thầy cô còn ở Sài Gòn và đã nghỉ hưu lâu rồi. Thỉnh thoảng chúng tôi tổ chức họp lớp có mời được một vài thầy cô tham dự. Chúng tôi có hỏi thăm nhưng không ai biết cô Hạnh bây giờ ở đâu. Không biết là cô đã đi nước ngoài hay còn ở Việt Nam? Không biết là cô có khi nào nghĩ về những ngày tháng khó khăn vất vả ấy, nghĩ về những đứa học trò bé nhỏ của cô ngày nào. Cô có biết là những đứa học trò cũ của cô ngày nào, bây giờ đã ngoại lục tuần, nhiều người đã có cháu nội, cháu ngoại, vẫn mong một ngày được gặp lại cô, để nói với cô rằng: Lúc nào tụi em cũng nhớ đến cô, cảm ơn cô rất nhiều, người cô thân yêu đã trang bị cho chúng em kiến thức Chân Thiện Mỹ làm hành trang bước vào đời.
TVC
Lớp 12 A1 trường Trung học Long Khánh/1975