Tôi tới nay đã sống ở Anh khoảng 4 năm rưỡi, vẫn thấy lắm thứ quái dị.

  1. Cách chào hỏi

Trong khi sách vở thường dạy chào hỏi là “Hello”, “Hi”, “How’s it going?”, hay “How are you doing?”, dân Anh gặp nhau thường nói “You alright?” hoặc “You okay?” với nghĩa tương tự, thậm chí rút thành “Alright?” (và cứ thế đi mất, không cần nghe trả lời).

  1. Love, darling

Ở Anh, có lẽ phổ biến ở miền bắc hơn miền nam, người ta hồn nhiên gọi người lạ là love, darling, hay sweetheart, bất kể giới tính tuổi tác.

Chẳng hạn nếu bạn đang đứng ngơ ngác trong cửa hàng, nhân viên có thể tới hỏi “You’re alright, love?” hay “Are you okay there, darling?”, ý hỏi có cần giúp gì không.

  1. Cách cảm ơn

Người Anh có cả tá cách cảm ơn: “thank you”, “thanks”, “cheers”, “ta”, “nice one”, “much appreciated”, “you’re a lifesaver”, “you’re a star”, “much obliged”, “you’re too kind” v.v. Có lần một nhân viên siêu thị còn nói với tôi “Thanks. Cheers. Nice one.”

“Cheers” ở Anh vừa là câu nói khi cụng ly, vừa để cảm ơn.

“Nice one” vừa là cảm ơn (nghiêm túc), vừa có thể là mỉa mai.

“Thanks a lot” hoặc “thank you very much” có thể là cảm ơn thật sự, cũng có thể là nói mỉa—tùy bối cảnh và giọng nói, còn “thanks a bunch” thường là nói mỉa.

  1. Cảm ơn tài xế xe buýt

Hành khách luôn nói cảm ơn tài xế trước khi rời xe buýt—“cheers” hoặc “thank you”.

5, Cách nói bye

Trên điện thoại, dân Anh thường có thói quen nói “bye” khoảng chục lần “bye bye bye bye bye BYE BYYYEEE”, càng lúc càng cao vút, trước khi cúp máy—không rõ tại sao.

6, Thói quen xin lỗi

Người Anh nổi tiếng xin lỗi nhiều, xin lỗi cho mọi thứ, thậm chí xin lỗi khi mình không có lỗi, chẳng hạn như nói “sorry” khi người khác đi va vào mình.

  1. Thói quen mai mỉa

Trong khi một số dân khác, chẳng hạn như người Na Uy, thường nói thẳng, dân Anh có thói quen lịch sự và thường nói ngược hoặc mỉa mai.

Trên mạng người ta thường share 3 cột: điều người Anh nói, điều người Anh thực sự nghĩ, và điều người khác nghĩ họ nói1. Chẳng hạn “I hear what you say” không phải là nghe và quan tâm mà là không đồng ý và không muốn bàn thêm, “That is a brave proposal” chẳng phải là khen mà đang nghĩ rõ thần kinh mà “can đảm”, “Very interesting” chỉ là cách nói khi nghĩ cái gì đó hoàn toàn dở hơi, “You must come for dinner” chỉ là nói lịch sự, đừng đến v.v.

  1. The wife

Nhiều đàn ông Anh nhắc tới vợ mình là “the wife” thay vì “my wife”, hoặc bạn gái là “the girlfriend” thay vì “my girlfriend”.

  1. Cà phê

Anh là xứ của trà nên dân Anh chẳng biết pha cà phê, thường pha nhạt nhách. Ở Anh, tiệm cà phê duy nhất tôi đến là một tiệm Ý.

  1. Tea và dinner

Ở miền nam của Anh và ở Mỹ, bữa sáng là breakfast, trưa là lunch, tối là dinner.

Ở miền bắc của Anh, bữa sáng là breakfast, trưa là dinner, tối là tea.

Tea vừa là trà vừa là bữa tối. Khăn chùi chén bát (dish towel ở Mỹ) là tea towel ở Anh.

Người nấu bữa trưa ở trường (lunch lady ở Mỹ, hoặc cafeteria lady) là dinner lady ở Anh.

Christmas dinner ở Anh thường ăn khoảng 1-3 giờ chiều ngày 25/12.

  1. Walkers và Lay’s

Loại snack khoai tây Lay’s gọi là Lay’s ở Việt Nam, ở Na Uy, ở Mỹ, ở mọi nơi trên thế giới, nhưng ở Anh tên là Walkers. Ðây là sản phẩm gốc từ Anh, tên Walkers, nhưng được PepsiCo mua lại và biến thành Lay’s, tuy nhiên ở Anh nó vẫn là Walkers.

  1. Fries, chips, crisps

Cái gọi là fries ở Mỹ có 2 loại ở Anh: fries (mỏng, chiên dầu) hoặc chips (to hơn và nướng trong oven). Một trong những món nổi tiếng nhất của Anh là fish and chips.

Cái gọi là chips hay potato chips ở Mỹ (kiểu như Lay’s) gọi là crisps ở Anh.

  1. Beans on toast

Vương quốc Anh từ lâu vẫn nổi tiếng là thức ăn dở (may mắn được dân Ấn sang nhập cư và cứu vớt khoản ăn uống), nhưng một trong những món tôi vẫn không hiểu được là beans on toast—đậu nướng trên bánh mì nướng.

  1. Ám ảnh về health and safety

Nếu dân Na Uy bị ám ảnh về ăn uống và sức khỏe (ăn điều độ, đủ chất v.v.) dân Anh lúc nào cũng băn khoăn về health and safety, tức là vấn đề sức khỏe và an toàn ở nơi làm việc, luôn phải tính trường hợp cháy nhà, tai nạn  v.v.

Có lần xem film “Shadow” của Trương Nghệ Mưu, bạn trai tôi (người Anh) lẩm bẩm, nhìn là thấy tụi Tàu chẳng quan tâm gì tới health and safety.

  1. Ổ cắm điện

Vì ám ảnh về health and safety, ổ cắm điện ở Anh cũng có nút bật—nếu không để ý, đôi khi bạn có thể cắm điện thoại đó và nhởn nhơ đi chơi, vài tiếng sau quay lại nghĩ điện thoại đã sạc đầy pin nhưng hóa ra quên bật switch.

  1. Đèn

Trong nhà riêng ở Anh, đèn đôi khi không bật bằng công tắc điện mà giật bằng dây.

  1. Vòi nước

Trong nhiều tòa nhà ở Anh, đặc biệt nhà cũ, bồn rửa mặt có một vòi nóng, một vòi lạnh.

  1. Fire door

So với Việt Nam và Na Uy, Anh có fire door, tức cửa chống cháy, khắp nơi.

  1. Vạch qua đường

Ở Việt Nam và Na Uy, vạch qua đường lúc nào cũng là zebra crossing. Ở Anh có nhiều loại khác nhau, chẳng hạn như pelican crossing (hình minh họa)2.

Pelican crossing. nguồn: 4wheelz.co.uk/learning-to-drive/pedestrian-crossings

  1. Thói quen đi bên trái

Ở Anh mọi thứ đều ngược ngạo với thế giới: xe và người đi bên trái, tay lái ở bên phải…

  1. Escalator

Ở Anh đi bên trái cầu thang nhưng đứng bên phải của thang cuốn (escalator), trong trường hợp có người muốn đi trên thang cuốn.

  1. Vài hệ thống đo lường

Ở Anh, một phần do (từng) thuộc EU, dùng vài hệ thống đo lường khác nhau đến loạn cào cào: vừa dùng miles vừa dùng kilometres, vừa dùng ký vừa dùng stones, vừa dùng metres vừa dùng feet, vừa đo bằng litres vừa đo bằng pints…

  1. GP surgery và A&E

Phòng khám bác sĩ gia đình ở Anh gọi là medical practice, hoặc GP surgery (dù chẳng có phẫu thuật gì ở đó). Khoa cấp cứu là A&E, viết tắt cho accident and emergency, trong khi ở Mỹ gọi là emergency room (ER).

  1. Thuế nhận quà

Ở Anh, khác với Na Uy, khi nhận quà từ nước khác phải đóng thuế, tùy theo ký. Nếu gửi đồ để dọn nhà, cũng phải trả phí, sau đó làm đơn xin lại.

  1. Trả lương theo tháng hoặc theo tuần

Trong khi ở Na Uy hoặc Việt Nam, lương chỉ trả theo tháng, ở Anh có thể trả theo tháng hoặc theo tuần.

  1. Thói quen đi pub

Ði pub, hay đi nhậu, là một phần quan trọng của văn hóa Anh. Ở Anh đi đâu cũng đầy pub. Tôi nhớ một người nước ngoài từng nói về Sài Gòn—ở Sài Gòn nhắm mắt lại ngẫu nhiên quăng cục đá, 99% rơi vào quán nhậu. Ở Anh cũng vậy, còn Na Uy thì không.

Dân Na Uy thông thường đi uống rượu vào thứ 6 và thứ 7 (nhưng không phải Chủ Nhật)—cả tuần không uống gì rồi để dồn đến cuối tuần say bí tỉ nằm vật ra đường. Dân Anh ngày nào trong tuần cũng có thể đi pub, ngày hôm sau đi học hoặc có chuyện gì quan trọng cũng vẫn đi pub.

  1. Pre-drinking

Dân Anh còn có cái gọi là pre-drinking, tức là uống rượu sẵn ở nhà trước khi đi nhậu, để say nhưng vẫn tiết kiệm tiền.

  1. Sweaters gọi là jumpers còn sneakers gọi là trainers

Anh và Mỹ dùng rất nhiều từ khác nhau để gọi cùng thứ, nhưng kỳ cục nhất với tôi có lẽ là áo sweater lại gọi là jumper, còn giày sneakers lại gọi là trainers.

Trong khi đó, một người quen từ Mỹ sang Anh học được vài chữ, trong đó có chữ fag, gọi điếu thuốc lá.

DNOllenis molupta inveroTate

1: https://cupofjo.com/wp-content/uploads/2013/06/what-british-english-people-say-vs-what-they-really-mean.png

2: Xem thêm về các loại crossing ở Anh: https://theorytest.org.uk/pedestrian-crossings