Người có ảnh hưởng (Influencer) là người tạo xu hướng trên mạng xã hội và “có tác động tích cực đến cái nhìn của người tiêu dùng về thương hiệu và sản phẩm, có vai trò dẫn dắt, gợi ý và ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng”1. Influencer thường có trên Instagram, có thể là diễn viên, ca sĩ, người mẫu… nhưng cũng có thể là người thường với nhiều follower, và có thể gây ảnh hưởng hoặc tạo phong trào về thời trang, mỹ phẩm, cách trang điểm, thức ăn, lối sống, v.v.

Wikipedia tiếng Việt nói influencer là những người có kiến thức và hiểu biết trong lĩnh vực của họ, nhưng điều đó có đúng không khi mạng xã hội không thật sự có ai kiểm soát và influencer xét ra chỉ là người trở thành nổi tiếng vì có nhiều follower, và từ đó có tiền quảng cáo?

Chuyện gì xảy ra khi influencer là kẻ lừa đảo?

Gần đây BBC ra film tài liệu “Bad Influencer: The Great Insta Con”, làm về Belle Gibson. Ðây là một cô nàng người Úc với khoảng 300,000 followers trên Instagram. Belle Gibson là influencer về wellness (sống sạch), trở thành nổi tiếng khoảng năm 2013 vì đã sống vài năm với ung thư não nhưng chẳng có dấu hiệu gì bệnh tật.

Nổi tiếng, Belle Gibson xuất hiện trên truyền hình và báo chí, và nhờ lượng fan trên Instagram, tạo một app (ứng dụng) điện thoại tên The Whole Pantry, được download 200,000 lần chỉ trong tháng đầu tiên—chỉ số lần download đem lại hơn 1 triệu đô Úc, chưa tính những khoản khác2. Năm 2013, The Whole Pantry được gọi là app tốt nhất trên Apple về đồ ăn thức uống. Không lâu sau đó cô nàng ký hợp đồng viết sách với Lantern Books, thuộc Penguin Books, và xuất bản một cuốn sách nấu ăn.

Năm 2014, cô nàng viết trên Instagram thông báo, ngoài ung thư não, còn bị chẩn đoán thêm ung thư trong máu, lá lách, tử cung, và gan.

Với nhiều người đang chống chọi với bệnh ung thư, Belle Gibson như một hình ảnh mơ ước, như hình mẫu để hướng tới và học theo—một phụ nữ trẻ bị vài thứ ung thư khác nhau và từ chối hóa trị nhưng vẫn sống và khỏe mạnh chỉ nhờ sống sạch, chỉ nhờ ăn uống lành mạnh và tập thể thao. Với nhiều người đang đau đớn với bệnh ung thư, Belle Gibson là hy vọng.

Cho tới khi báo chí khui ra năm 2015 là cô nàng kêu gọi quyên góp từ thiện vài lần từ follower, nhưng giữ tiền cho mình. Không những thế, sự thật dần dần hé lộ: Belle Gibson nói dối về tuổi, quá khứ, và hoàn toàn dối trá về bệnh tật—cô nàng chưa bao giờ bị ung thư.

Sau khi mọi thứ phanh phui, Belle Gibson biến khỏi mạng xã hội, app bị xóa, sách bị thu hồi, và năm 2017 bị nhà nước bắt nộp phạt vì giữ tiền quyên góp từ thiện. Tuy nhiên cô nàng hoàn toàn không trả tiền phạt và bảo không có điều kiện trả, dù đôi khi vẫn thấy đi chơi, đi du lịch v.v. Năm 2020 và 2021, cảnh sát phải đột kích nhà và tịch thu tài sản vì Belle Gibson vẫn không đóng tiền phạt.

Qua trường hợp cô nàng influencer người Úc, chúng ta có thể thấy vài vấn đề.

Belle Gibson trong “Bad Influencer: The Great Insta Con” – nguồn BBC.com

Mạng xã hội và hiện tượng influencer

Ðể trở thành influencer, người ta không cần chuyên môn hay kiến thức, cũng chẳng cần đạo đức. Một người trở thành influencer chỉ vì có nhiều follower, và người ta có thể thu hút và lôi kéo được nhiều người vì rất nhiều lý do, và một khi đã trở thành người nổi tiếng là có thể xuất hiện đây kia, trả lời phỏng vấn, nhận quảng cáo, kiếm tiền, mở business, viết sách, tạo app, v.v.

Trường hợp Belle Gibson đặt ra câu hỏi về vấn đề của mạng xã hội, đặc biệt Instagram, và hiện tượng người nổi tiếng, hiện tượng influencer nói chung. Một số người bị ung thư, hoặc vì không chịu nổi hóa trị, hoặc cảm thấy ở đường cùng và muốn có niềm hy vọng mới, đã tin lời Belle Gibson và bỏ qua hóa trị và các cách chữa trị thông thường khác, chỉ “ăn sạch sống sạch”, làm mình thành yếu thêm và không đủ chất bổ. Như film tài liệu của BBC cũng có nói, sau khi có một số nghi vấn và đặc biệt sau khi sự thật bị phanh phui, một số người cũng nói họ mất người thân chỉ vì Belle Gibson.

Mạng xã hội không bị kiểm duyệt và kiểm soát là tốt, nhưng mặt khác nó cũng tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo như Belle Gibson.

Công nghệ sống sạch

Bộ film tài liệu cũng cho thấy vấn đề của công nghệ wellness (sống sạch), một công nghệ tiền tỷ ở các nước phương Tây hiện nay. Một loạt cách công ty, người nổi tiếng, influencer… quảng bá các kiểu “sống sạch”, “ăn sạch”, thanh lọc cơ thể… Cái hại nhỏ là tốn kém, nhưng đôi khi các công thức hoặc kiểu ăn uống giả khoa học có thể gây hại cho sức khỏe về lâu về dài.

Không chỉ ở phương Tây, ở Việt Nam cũng có phong trào detox/ thanh lọc cơ thể.

Vấn đề của Penguin Books và Apple

Sự dối trá của nàng influencer là một chuyện, vấn đề lớn hơn là những công ty góp phần khiến Belle Gibson trở thành nổi tiếng và kiếm bộn tiền. Film tài liệu của BBC phỏng vấn những người từng là follower và nghe lời cô nàng, và họ nói, nếu Penguin xuất bản sách của Belle Gibson và Apple cũng đưa app lên trang của mình, người thường phải tự mình fact-check làm gì? Trên thực tế, Penguin Australia lẫn Apple đều không fact-check. Một số nhà báo ở Úc khi nghi ngờ, vì không thể xem được hồ sơ bệnh án của người khác, phải tự điều tra và lần mò đường khác.

Theo BBC, Penguin Australia đồng ý trả tiền phạt 30,000 đô Úc (tức khoảng 22,200 đô Mỹ) cho Victorian Consumer Law Fund (tạm dịch Quỹ Luật người tiêu dùng Victoria)3.

Ðó là trường hợp Belle Gibson. Sẽ có những trường hợp khác, các influencer khác lừa đảo và kiếm bộn tiền trong khi gây tác động tiêu cực, thậm chí nguy hiểm, tới vô số người khác. Chỉ vì họ có thể, và không ai kiểm soát.

Bảo Huân

HDN

1: https://vi.wikipedia.org/wiki/Marketing_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_c%C3%B3_%E1%BA%A3nh_h%C6%B0%E1%BB%9Fng

2: https://www.elle.com.au/news/what-we-know-about-belle-gibson-5919

3: https://www.bbc.co.uk/news/world-australia-36195825