Kadhimiya, Iraq là một trong những địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi Shia. Người hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới để tỏ lòng thành kính trước đền thờ Imam Kadhim.

Trong cuộc điều tra bí mật này, Nawal al-Maghafi đã vạch trần một thế giới bí mật về bóc lột tình dục ở Iraq. nguồn BBC  

Nhưng rải rác xung quanh ngôi đền là một số văn phòng hôn nhân, được cấp phép để thực hiện hôn lễ Sharia. Ðáng chú ý là, ngay giữa vùng đất được xem là linh thiêng này, một số giáo sĩ Hồi giáo (cleric) tìm cách uốn luật và làm lễ cho cái gọi là pleasure marriage (pleasure: vui thú, tiêu khiển, khoái lạc v.v.)  một dạng “hôn nhân” ngắn hạn. Nói thẳng ra, đây là cách một số đàn ông có thể dụ các phụ nữ ngây thơ và thỏa mãn nhu cầu tình dục của mình. Rồi chạy.

Ðây là chủ đề của film tài liệu Undercover with the Clerics: Iraq’s Secret Sex Trade của BBC, với phóng viên Nawal Al-Maghaf.

Nawal Al-Maghaf phỏng vấn một phụ nữ bị dụ như thế mà không biết—người phụ nữ chấp nhận lời cầu hôn, sau đó được giáo sĩ làm lễ, chẳng băn khoăn gì lại càng không đọc hợp đồng vì tin chồng, được vài ngày hạnh phúc tới một lần hai vợ chồng đi shopping, không nói không rằng ông chồng đột ngột biến mất, tìm đâu cũng không thấy. Sau đó cô vợ nhìn lại hợp đồng mới nhận ra đó chỉ là pleasure marriage. Nhưng khi phát giác ra mình đã bị lừa, cô cũng bị gia đình từ bỏ—trong một số xã hội, phụ nữ luôn là người phải trả giá, phải lãnh chịu hậu quả, dù không có lỗi.

Pleasure marriage là bất hợp pháp theo luật pháp Iraq, nhưng theo các vị giáo sĩ, không vi phạm luật Sharia (của Hồi giáo). Một số giáo sĩ không chỉ làm lễ cho pleasure marriage mà còn cho vài bí quyết để dễ dàng lạm dụng phụ nữ mà không lãnh hậu quả. Film tài liệu Undercover with the Clerics có một phóng viên undercover giả làm khách hàng đi hỏi về vợ tạm thời, và được một vị giáo sĩ khuyên nhủ, nếu được thì làm hợp đồng miệng thôi, càng tốt, không có chữ viết cũng chẳng có dấu vân tay. Và cũng đừng nói văn phòng ở Kadhimiya, để khỏi tới tìm đòi hỏi quyền lợi.

Ở Iraq, ‘hôn nhân khoái lạc’ là bình phong cho mại dâm trẻ em – nguồn thereference-paris.com

Một cuộc hôn nhân ngắn hạn ở đây có thể là một tuần, có thể vài ngày, thậm chí có thể chỉ một tiếng đồng hồ. Một giáo sĩ còn nói, vừa xong một hôn nhân tạm thời với cô này có thể làm lễ ngay với cô khác.

Ðáng chú ý hơn, những dạng pleasure marriage thế này không chỉ cho phụ nữ mà cả trẻ vị thành niên và các bé gái. Còn trinh? OK. 12-13 tuổi? OK. Chỉ cần trên 9 tuổi là được. Người phóng viên undercover vờ hỏi hai giáo sĩ khác nhau là muốn cưới một con bé 12 tuổi nhưng không muốn lâu dài, chỉ muốn hôn nhân tạm thời, thế thì có thể làm gì, không được làm gì. Câu trả lời của hai vị như nhau, với 12-13 tuổi, chỉ cần cẩn thận không để mất trinh, còn muốn làm gì cũng được. Sex đường phía sau cũng được, miễn là còn trinh. Nếu làm đau thì sao? “Ðó là chuyện giữa anh và cô ấy”.

Nhưng nếu lỡ làm mất trinh thì sao? Một trong hai giáo sĩ bảo, đấy là không chấp nhận được, gia đình cô dâu sẽ lùng theo đòi hỏi trách nhiệm. Thế thì làm sao trốn? Vị giáo sĩ hỏi lại, “thế gia đình bên kia có biết nhà anh ở đâu không?”. “Không”. “Thế thì cứ bỏ đi thôi.”

Một trong những nạn nhân được Nawal Al-Maghaf phỏng vấn bị dụ vào pleasure marriage khi chỉ mới 14 tuổi, vẫn còn đi học—vị giáo sĩ biết là 14 tuổi, biết là còn trinh, nhưng vẫn làm lễ và lấy tiền và nói không cần hỏi ý kiến gia đình vì cả hai đều là người lớn.

Bé gái mới 9 tuổi bị bán cho đàn ông để có ‘cuộc hôn nhân khoái lạc’ kéo dài 1 giờ theo luật Hồi giáo – nguồn neonnettle.com

Ðể xem thử một pleasure marriage với trẻ con có gì khó khăn không, chương trình BBC đi xa hơn và làm thử—trên thực tế, vị giáo sĩ kia chẳng cần gặp “cô dâu 13 tuổi”, chỉ cần hỏi vài câu và làm lễ qua điện thoại. Thế là xong. Hôn lễ chỉ xoẹt xoẹt vài phút trên điện thoại, vị giáo sĩ cầm tiền rồi đi.

Còn tương lai của những phụ nữ và bé gái bị lừa và bỏ rơi trong những “cuộc hôn nhân” như vậy?

Có thể bị đàn ông trong họ hàng giết chết để bảo vệ danh dự gia đình. Nhẹ hơn, có thể bị gia đình từ, bị đuổi khỏi nhà và phải tự kiếm sống. Có thể trở thành gái điếm. Phụ nữ trong xã hội này luôn phải trả giá và chịu trừng phạt, dù không có lỗi. Phụ nữ mất trinh là không còn tương lai. Phụ nữ bị lừa vào pleasure marriage và bỏ rơi chỉ hoặc là chết, hoặc là cuốn vào con đường làm “cô dâu” không thể thoát ra—bị đẩy từ pleasure marriage này đến pleasure marriage khác, từ “ông chồng” này đến “ông chồng” khác.

Một số vị giáo sĩ, như thấy trong chương trình, không chỉ làm lễ cho pleasure marriage và bày cách cho một số đàn ông dễ dàng lạm dụng phụ nữ và không bị tóm, mà còn “cung cấp cô dâu”, dắt mối—trở thành một dạng ma cô khoác áo giáo sĩ và núp dưới khái niệm hôn nhân.

DN