Báo chí lá cải tiếng Việt xưa nay, khi viết về đàn ông Tây, thường chỉ nói một giọng – đàn ông Tây hơn đàn ông Việt thế nào.

Khoan nói chuyện cá nhân mỗi người mỗi khác (dân Tây cũng lắm tên mất dạy, lừa dối, vũ phu…) thì nhìn theo stereotype, đàn ông phương Tây cũng chẳng giống nhau – Châu Âu và Mỹ chắc chắn khác, còn ở Châu Âu, cũng tùy quốc gia. Các nước Bắc Âu có thể tương tự, nhưng sẽ khác Anh, Anh có thể có vài điểm giống Pháp, nhưng sẽ khác Ý, v.v…

Thế đàn ông Na Uy và đàn ông Anh khác nhau thế nào?

Bài viết chỉ dựa theo kinh nghiệm cá nhân, quan sát chung về người dân ở hai nơi, và nhận định của vài người quen.

  1. Đàn ông Na Uy ít tán tỉnh hơn

Ðây tất nhiên là stereotype, không phải ai cũng như nhau, nhưng thông thường người ta vẫn nói, đàn ông Na Uy thường ít tán tỉnh. Ở Na Uy, thường phụ nữ là người tấn công.

  1. Đàn ông Na Uy ít gallant hơn

Ðàn ông Na Uy lẫn đàn ông Anh, hay ít nhất, phần lớn những người tôi biết, đều bị dị ứng với chủ nghĩa nữ quyền (feminism), và thường tránh xa những phụ nữ tự nhận là feminist, vì chủ nghĩa nữ quyền ở phương Tây hiện nay đi càng lúc càng xa, đôi khi trở thành cực đoan (chủ đề này có lẽ tôi sẽ viết trong bài khác). Tuy nhiên, như mọi người vẫn thường nói, so với đàn ông Việt, đàn ông phương Tây nhìn chung được dạy từ nhỏ nên chịu khó làm việc nhà hơn, không đùn đẩy hết cho vợ, và tôn trọng phụ nữ hơn.

Ở góc độ chính sách, Na Uy được xem là quốc gia có bình đẳng giới hơn – Na Uy xếp hạng thứ 2 (sau Iceland), trong khi Anh đứng thứ 151.

Ai sống ở Na Uy một thời gian cũng sẽ thấy Na Uy là một quốc gia rất bình đẳng, thậm chí quá bình đẳng: phụ nữ và đàn ông có cùng tuổi nghỉ hưu, phụ nữ cũng nhận được thư gọi đi nhập ngũ… Trong đời sống bình thường, đàn ông Na Uy cũng không gallant – chẳng bao giờ mở cửa hay nhường ghế cho phụ nữ, lúc trước khi tôi sống ở Kristiansand lẫn Oslo, hình ảnh một cặp đi với nhau, người đàn ông cứ thế ngồi cho người phụ nữ đứng cả nửa tiếng đồng hồ, dù trên xe buýt hay dù có giày cao gót, là bình thường. Hình ảnh người đàn ông đi tay không còn người phụ nữ xách túi này túi nọ ở Na Uy tôi cũng thấy hoài.

Ở Na Uy, bình đẳng có cả hai hướng.

  1. Đàn ông Na Uy biết nhiều về thế giới hơn

Vì Na Uy là nước nhỏ, và người Na Uy biết nước họ là nước nhỏ, nên ngoài tiếng Na Uy, và hiểu được Ðan Mạch và Thụy Ðiển, đa phần nói lưu loát tiếng Anh, và có thể biết thêm một thứ tiếng khác như Pháp, Ðức, hoặc Tây Ban Nha.

Không chỉ vậy, dân Na Uy thường chịu khó xem tin tức để nắm tình hình thế giới, và biết nhiều về lịch sử, địa lý, và chính trị thế giới (dù tất nhiên, đôi khi có thể ngây thơ vì lý tưởng).

Trong khi đó, dân Anh thường chỉ nói được mỗi tiếng Anh, hiếm khi có người nói được ngôn ngữ thứ hai, và cũng như người Mỹ, thường không quan tâm đến thế giới. Như tôi từng viết, cách đây vài năm tôi đi chơi Vienna, và có khoảng 7-8 đứa bạn Anh tưởng Vienna ở Ý.

Tuy nhiên, cả dân Anh và Na Uy, nhìn chung, đều không biết gì nhiều về Việt Nam, chỉ biết sơ sơ về chiến tranh Việt Nam.

  1. Đàn ông Na Uy có tinh thần dân tộc cao hơn

Trên bề mặt, Na Uy được xem là một trong những nước bình đẳng và đáng sống nhất trên thế giới – khi nói chuyện phân biệt chủng tộc, người ta thường nghĩ tới Mỹ, có thể Anh hoặc Pháp, nhưng chẳng bao giờ nghĩ tới Na Uy và các nước Bắc Âu.

Tuy nhiên, người Na Uy có khuynh hướng bài ngoại hơn, không quen người nước ngoài – xét ra, vương quốc Anh đã có xen kẽ đủ mọi chủng tộc từ hàng thế kỷ nay, trong khi Na Uy chỉ thật sự nhận dân nhập cư từ khoảng thập niên 70.

Ai sống ở Na Uy một thời gian đều có thể thấy, người dân có khuynh hướng rất nationalistic, rất hài lòng với xã hội, rất tự hào là Viking, tự hào là Nordic, tự hào với danh hiệu là quốc gia bình đẳng nhất, đáng sống nhất, tự do nhất, hạnh phúc nhất, hay ho nhất… Người Anh có thể thản nhiên như không, thậm chí đồng ý, khi người nước ngoài chê bai xã hội hay hệ thống Anh, nhưng người Na Uy khi hỏi dân nhập cư có thích Na Uy không, chỉ muốn nghe có, và tỏ vẻ khó chịu khi ai đó không thích khía cạnh nào đó của Na Uy.

  1. Đàn ông Na Uy khác người Việt hơn

Na Uy thật ra là một đất nước rất khác Việt Nam, về điều kiện, khí hậu, văn hóa, lịch sử… Con người bởi vậy cũng có thói quen, lối sống, và quan niệm sống rất khác.

Người Na Uy thích yên tĩnh, thích sống đơn giản và biệt lập, thích tham gia thể thao và sống với thiên nhiên, thích mùa Hè ra biển nướng thịt, mùa Ðông lên núi ở cabin, Giáng sinh lại lên núi trượt tuyết. Ðây là lý do tôi không thể hợp với đàn ông Na Uy – tôi là dân Sài Gòn, dân thành phố, quen ồn ào tấp nập, thích vui, thích hoạt động văn hóa, không muốn ở giữa rừng giữa núi cô lập, không thích trượt tuyết, không định vào cabin ở không điện không internet, cũng không có nhu cầu leo núi…

Nhưng không chỉ tôi. Nếu nhìn vào người Việt là thuyền nhân hoặc con cháu thuyền nhân, họ mang cảm giác mang ơn vì được Na Uy cưu mang, và buộc phải thích nghi, phải sống theo kiểu Na Uy. Nhưng những người Việt trẻ sau này sang du học, đa phần đều như nhau, cảm thấy không hợp – Na Uy quá chán, quá yên tĩnh, chẳng có gì vui. Ở Na Uy, đặc biệt khi không quen, rất dễ bị trầm cảm. Mấy người bạn du học sinh của tôi, trừ một trường hợp, đều không hợp trai Na Uy.

Người Na Uy và người Việt (không tính người Việt lớn lên ở Na Uy) thật ra rất khác và rất khó hợp.

Với đàn ông Anh, khác biệt văn hóa chắc chắn có, đôi khi có thể có hiểu lầm, nhưng khác biệt không phải quá lớn như giữa phụ nữ Việt và đàn ông Na Uy.

Ðây là cái người Việt nên biết khi định sang du học Na Uy và muốn ở lại – ở lại bằng cách lấy chồng Na Uy, theo tôi, sẽ chẳng dễ.

Bảo Huân

DN

1 https://www.msn.com/en-us/lifestyle/did-you-know/the-best-countries-for-gender-equality/ar-BBTz11H