Nếu chương trình học của tôi chẳng may lùi một năm, ngày 23/3 vừa rồi khi Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố phong tỏa toàn nước Anh, tôi vẫn đang hì hụi dựng và sửa film tốt nghiệp.

Nếu chương trình lùi một năm, tôi đã phải tung hứng vừa film tốt nghiệp vừa luận văn vừa vài essay khác nhau giữa đại dịch.

Trong khi bị nhốt trong nhà. Trong khi trường đại học đẩy mọi thứ online. Trong khi thư viện trường lẫn thư viện công cộng tới khoảng tháng 8 đều đóng cửa. Trong khi các hiệu sách như Waterstones hay WHSmith suốt vài tháng không hoạt động. Trong khi rạp chiếu film, bảo tàng, quán café, cửa hàng… và những thứ khác giúp giải tỏa đều tạm ngừng. Trong khi mọi thứ lộn nhào và hàng hóa thiếu hụt do thiên hạ hoảng loạn mua sắm. Trong khi việc làm thêm bị ảnh hưởng. Trong khi mọi người lo lắng về Covid, không biết tương lai ra sao.

Ðã thế sinh viên năm 2020 lại còn không có lễ tốt nghiệp.

Nhìn lại 2020, chỉ thấy may không còn đi học, không vướng phải năm cuối.

Năm học mới cũng chẳng có vẻ khá hơn. Ngày bắt đầu ở trường film đẩy từ tháng 9 sang tháng 10, đa phần lớp bị đẩy lên mạng—sinh viên học film nhưng đa phần học online, ít khi được thọc vào máy móc. Lockdown ở Anh bắt đầu dãn dần trong mùa Hè, tới đầu tháng 7 cho mở pub dù số người chết vì Covid-19 vẫn cao ngất.

Dần dần với nhiều người ở Anh, hình như số lượng ca nhiễm hay số người chết gần như không còn là bi kịch hay cái gây lo ngại mà chỉ là một số thống kê hư ảo. Hình như với nhiều người ở Anh, coronavirus là cơn ác mộng đã qua hay một thứ mơ hồ không tác động tới mình hay thậm chí hoàn toàn không có thật. Vì luật, tôi thấy mọi người ở Leeds mang mặc nạ vào cửa hàng hoặc lên xe buýt, nhưng đi ngoài đường chẳng nhiều người còn quan tâm đến giãn cách xã hội.

Theo Sky News ngày 29/9, số lượng ca nhiễm ở Anh trong 24 tiếng đồng hồ trước là 7,143 với 71 người chết, cao nhất từ ngày 1/71. Tổng cộng số tử vong ở Anh tính tới ngày 30/9 là 42,0722. Dân số toàn vương quốc Anh là khoảng 66 triệu người.

Theo Dailymail, ở Anh tỷ lệ nhiễm coronavirus của nhóm tuổi 15-44 tăng 35% từ ngày 1/7, sau khi một loạt nhà hàng, quán pub… mở trở lại và một số lượng lớn quay trở lại đi làm3. Theo The Guardian, tỷ lệ tăng cao nhất là nhóm tuổi 10-29, hơn mọi nhóm tuổi khác4. Một mặt giới trẻ bị trách là vô tâm và ích kỷ, ỷ y có dính coronavirus cũng không chết, nên ở trường học có thể vẫn theo luật giãn cách xã hội nhưng sau đó cứ thế đi tiệc đi pub lây lẫn nhau rồi truyền sang người khác.

Mặt khác giới trẻ cũng phản ứng lại, nhà nước và Matt Hancock của Bộ Sức khỏe chỉ đổ thừa cho người trẻ để trốn tránh trách nhiệm vì vừa kêu gọi mọi người trở lại đi học đi làm vừa “khuyến khích” ăn ngoài để giúp nhà hàng và cứu kinh tế (Eat Out to Help Out scheme) trong khi hệ thống test and trace (kiểm tra và theo dõi) thiếu hiệu quả. Ðó là chưa kể, một số mặt giới trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn vì đại dịch—khả năng mất việc giữa mùa dịch hoặc không kiếm được việc cao hơn, chương trình học nghề bị đình trệ, lương có thể bị thấp hơn bình thường trong 3 năm sau đại dịch, cơ hội mọi thứ khó khăn hơn…5

Bảo Huân

Riêng Leeds là một trong các điểm nóng hiện nay ở Anh. Có một điểm đáng chú ý khi tôi nhìn vào so sánh số nhiễm Covid-19 ở các khu vực khác nhau của Leeds: để so sánh, trong tuần 19/9 đến 25/9, số ca ở Chapel Allerton là 3 hoặc ở Kirstall là 8, những nơi có số lượng nhiễm cao nhất ở Leeds, ngoài khu vực trung tâm (32), là Headingley (28), Hyde Park (40), University & Little Woodhouse (41), Woodhouse & Little London (44), Hyde Park Corner & Woodhouse Cliff (88)6. Ðây đều là những khu vực nhiều sinh viên.

Vì sao ở Leeds, ngoài khu vực trung tâm, các khu vực nhiều sinh viên đứng đầu những nơi có số lượng nhiễm Covid-19 cao nhất?

Trong thời gian đó, học kỳ mới vừa bắt đầu, khoảng 40 trường đại học khác nhau ở Anh đã tuyên bố nhiễm, bắt buộc hàng ngàn sinh viên phải tự cách ly7. Cùng lúc, đùng một cái không cho ai chuẩn bị, ngày 25/9 báo chí Leeds tuyên bố từ nửa đêm thành phố tôi ở bị phong tỏa địa phương. Nhưng không chỉ Leeds mà còn nhiều thành phố khác, hơn ¼ nước Anh. Báo chí cũng bắt đầu cho mọi người chuẩn bị tinh thần (dù cố gắng tránh) lockdown lần hai cho cả quốc gia.

Ðóng rồi lại mở rồi lại đóng. Luật ở Anh thì thà thì thụt trong thời gian đại dịch, lúc thế này lúc thế khác, mơ mơ hồ hồ không biết đâu vào đâu.

Nhiều sinh viên cảm thấy bị lừa, hỏi tại sao bị khuyến khích rời nhà tới ở nhà sinh viên và phải trả tiền nhà trong khi chương trình học toàn online, còn bản thân bị kẹt cứng trong nhà không đi đâu được, cũng chẳng thể gặp gia đình. Có sinh viên cũng hỏi tại sao phải trả học phí cao ngất ngưởng để học online—học qua mạng chẳng khác Youtube tutorials.

Giới trẻ, đặc biệt sinh viên, vừa phải chật vật chuyện học hành giữa mùa dịch vừa lo tài chính vừa e ngại về tương lai. Bất công nhất là cho những người trẻ cẩn thận tuân thủ luật pháp, vừa phải lo tỷ lệ nhiễm tăng cao và lo những đứa khác xung quanh vô tâm lây bệnh cho mình, vừa phải mang tiếng xấu giới trẻ nói chung gây lây lan virus.

DN

1: https://news.sky.com/story/coronavirus-uk-records-highest-number-of-confirmed-cases-since-start-of-outbreak-12085306

2: https://www.theguardian.com/world/2020/sep/30/covid-cases-and-deaths-today-coronavirus-uk-map

3: https://www.dailymail.co.uk/news/article-8615423/Coronavirus-infection-rates-rising-age-groups-65-Public-Health-England-data-shows.html

4: https://www.theguardian.com/world/2020/sep/07/coronavirus-young-people-urged-to-follow-rules-as-uk-cases-rise

5: https://www.bbc.co.uk/news/explainers-54005156

6: Bản đồ nằm ở đây: https://www.arcgis.com/apps/webappviewer/index.html?id=47574f7a6e454dc6a42c5f6912ed7076 Tuy nhiên con số được update thường xuyên.

7: https://www.youtube.com/