Như đã viết trước đây, tôi cho rằng vấn đề lớn nhất ở các nước dân chủ phương Tây là mâu thuẫn giá trị. Diversity (sự đa dạng) cũng là một trong những vấn đề gây nhức đầu hiện nay.
Diversity là gì?
Là đa dạng – về màu da, sắc tộc, tín ngưỡng, giới tính (gender), khuynh hướng tình dục (sexual orientation), tầng lớp, và thể chất (tức là bao gồm người lành lặn bình thường lẫn người tàn tật và chậm phát triển).
Diversity không chỉ có nghĩa là đối xử với mọi người bình đẳng, không phân biệt, mà phải bảo đảm mọi nơi có đủ mọi người từ nhiều màu da, sắc tộc, giới tính… khác nhau, và không dùng ngôn ngữ gây xúc phạm với bất kỳ nhóm nào.
Diversity trong trường học và công sở
Ai ở Mỹ cũng biết đến affirmative action – chính sách ưu tiên những nhóm người bị thiệt thòi hoặc từng bị phân biệt đối xử. Ví dụ, các trường đại học có điểm nhận vào thấp hơn với học sinh gốc da đen.
Ở Anh có 2 khái niệm tương tự là positive action và positive discrimination.
Những người ủng hộ cho rằng affirmative action là tất nhiên – nếu so sánh giữa 2 đứa trẻ, một là da trắng, trung lưu, một là da đen, tầng lớp lao động, điều kiện không bằng, làm sao có thể xét ngang nhau? Ðứa trẻ thứ nhì tất nhiên phải được tạo cơ hội ở đại học.
Những người không ủng hộ lại nghĩ, như thế thật ra có công bằng không? Tại sao học sinh gốc Châu Á phải có điểm cao hơn rất nhiều để được vào đại học? Và affirmative action của Mỹ có phù hợp ở Anh và các nước Châu Âu không, khi ở Anh điều kiện học hành ở trung học rất khác và khoảng cách phân biệt không nhiều như ở Mỹ?
Một khái niệm liên quan là tokenism – đưa vào vài gương mặt da màu để ra vẻ cũng ủng hộ diversity.
Diversity trong giải thưởng
Dễ thấy nhất là giải Oscar. Năm nào cũng vậy, cứ mỗi lần đề cử được công bố, khắp nơi trên mạng xã hội và báo chí lại nói những câu như nhau: Oscars are so male, Oscars are so white.
Gần đây, nhà văn Stephen King bị chỉ trích vì viết trên Twitter là không nhìn vào diversity, chỉ quan tâm đến giá trị (quality)1.
Cũng gần đây, Claire Fallon viết một bài về National Book Foundation của Mỹ, để nói trước đây giải National Book Awards chủ yếu trao cho nhà văn nam da trắng, từ khoảng 2010, điều này đã thay đổi, đặc biệt khi Lisa Lucas đứng đầu foundation – các nhà văn được đề cử và được giải thưởng sau này đa dạng hơn nhiều, có nhiều nhà văn nữ, nhà văn da màu v.v.
Tuy nhiên trong bài trả lời, Kevin Mims phân tích những người được đề cử và đoạt giải sau này có thể đa dạng về giới tính và màu da, nhưng đều có lý lịch như nhau, thường có bằng thạc sĩ về viết lách ở trường đại học có tiếng, đều có đi dạy, và có quan điểm chính trị như nhau, trong khi một loạt các nhà văn trước đó đoạt giải National Book Awards có thể đa phần là nam và da trắng, nhưng thuộc tầng lớp và điều kiện học vấn khác nhau, và có quan điểm chính trị rất khác nhau2. Quan trọng hơn hết, những cuốn đoạt giải trước đây đều được công nhận là tác phẩm lớn và tạo bước ngoặt văn hóa (cultural landmark), trong khi các tác phẩm đoạt giải gần đây không ai biết tới và sẽ bị quên lãng.
Diversity trong văn học nghệ thuật và cuộc chiến chống dead white male
Những người chỉ trích phong trào đa dạng (diversity movement) chỉ trích vì hai lý do.
Thứ nhất, phong trào này chỉ nói tới đa dạng về những thứ bên ngoài như màu da, tôn giáo, khuynh hướng tình dục… chứ không quan tâm tới đa dạng về suy nghĩ (diversity of thought). Những người suy nghĩ khác bị gọi là racist, thậm chí tân phát xít (neo-Nazi).
Thứ hai là phong trào này, đặc biệt khi áp dụng cho văn học nghệ thuật, ưu tiên identity của tác giả hơn giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Theo nghĩa nào đó, phong trào đa dạng chống dead white male – đàn ông da trắng đã chết. Các tác phẩm kinh điển lớn đều bị xem là có vấn đề, là biểu hiện của thuộc địa vì tác giả là dead white male.
Diversity trong trường học
Vì các tác phẩm kinh điển ở Châu Âu đa phần là của dead white male, cái phong trào Diversity làm là tấn công tác phẩm kinh điển, đặc biệt văn chương Tây Phương. Ðiều này thấy rõ nhất trong trường học, đặc biệt cách dạy văn chương – thay các tác phẩm kinh điển phương Tây bằng tác phẩm của tác giả nữ và da màu, đặc biệt những người hiện đại. Chỉ cần google “decolonialise your bookshelf” và “decolonialise the curriculum”, có thể thấy rất nhiều kết quả.
Ðây là chủ đề được tranh luận hàng chục năm nay. Phe ủng hộ nói đa dạng tất nhiên là tốt, đâu chỉ nhà văn dead white male mới viết hay. Hơn nữa, mỗi người cần đọc rộng để mở mang kiến thức và tầm nhìn, và hiểu được những thứ mình chưa từng trải qua.
Phe chống nói tất nhiên mỗi người nên đọc rộng, nhưng trong trường lớp tại sao phải thay những tác phẩm kinh điển đã tồn tại hàng trăm năm bằng những cuốn mới chỉ mới ra vài chục năm và không biết có giá trị qua thời gian không? Ðặc biệt khi, có nhiều trường hợp cụ thể, một tác phẩm nào đó được đưa vào không thực sự có giá trị nghệ thuật mà chủ yếu được chọn vì tác giả là một phụ nữ da màu.
Hơn nữa, phong trào diversity không dừng lại ở chuyện thêm diversity và mở rộng tầm nhìn. BookRiot từng có bài viết của một người bảo sẽ không còn đọc sách của đàn ông da trắng3. Bản thân BookRiot là một trang web ủng hộ diversity nhiệt liệt, và luôn chống các danh sách tác phẩm lớn nhất mọi thời đại và văn chương Tây Phương (Western canon), thay bằng những tác phẩm của dân thiểu số và dân da màu.
Cũng không ít người chỉ nhìn thấy màu da, và không cảm được nhân vật nếu mình là da màu còn nhân vật da trắng. Một ví dụ là bài viết về cái gọi là whiteness trong tác phẩm của Jane Austen – tác giả bị ám ảnh bởi chủng tộc tới mức không thể thấy được giá trị nghệ thuật và tài năng của Jane Austen, chỉ thấy màu da trắng4.
Một trường hợp đáng chú ý gần đây là đại học Yale của Mỹ sẽ bỏ khóa học về lịch sử hội họa phương Tây vì lịch sử hội họa không chỉ có phương Tây, còn dạy tất cả thì không thể. Nhưng tước mất cơ hội cho sinh viên học về lịch sử hội họa phương Tây có phải là giải pháp không?
Tự do ngôn luận và nỗi sợ bị gọi phân biệt chủng tộc
Trong đời sống bình thường, phong trào diversity và nỗi sợ bị gọi là phân biệt chủng tộc cũng khiến nhiều người không e ngại khi mở miệng. Ví dụ lớn nhất ở Anh là hàng loạt các đường dây lạm dụng tình dục khắp quốc gia với đa phần thủ phạm có gốc Pakistan và theo đạo Hồi.
MP Sarah Champion nói, nỗi sợ bị gọi là phân biệt chủng tộc khiến nhiều người không dám lên tiếng về vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em. Champion viết một bài trên The Sun, nói “British Pakistani men are raping white girls…” (đàn ông Anh gốc Pakistan đang cưỡng hiếp con gái da trắng). Chuyện gì xảy ra sau đó? Sarah Champion bị buộc từ chức.
Kết
Mâu thuẫn ở các nước dân chủ phương Tây là: làm sao để tôn trọng đa dạng, bình đẳng, không phân biệt đối xử nhưng không chà đạp lên những giá trị khác như tự do ngôn luận, sự thật, giá trị nghệ thuật văn hóa, và lịch sử?
DN
1 https://www.theguardian.com/books/2020/jan/14/stephen-king-oscars-diversity-criticism
2 https://quillette.com/2020/01/07/the-national-book-foundation-defines-diversity-down/
3 https://bookriot.com/2019/06/05/why-im-no-longer-reading-books-by-white-men/
4 https://lithub.com/recognizing-the-enduring-whiteness-of-jane-austen/