Điện ảnh, so với đa phần các loại hình nghệ thuật khác, là rất mới, nhưng theo nhiều nghĩa đã gần như thay thế một số thứ khác như sân khấu, và cũng phần nào lấn át sách/ văn chương. Tuy nhiên hiện nay điện ảnh càng ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh mới.

TV

Từ khi TV ra đời đã có suy nghĩ rằng TV dần dần sẽ thay thế điện ảnh: tiện lợi, có thể ngồi nhà, có nhiều lựa chọn, có thể chuyển kênh, không bị người lạ làm phiền… Ngoài film truyền hình, TV còn có nhiều loại chương trình khác nhau và đặc biệt có cái lợi hơn film chiếu rạp là film truyền hình dài tập, theo từ ngày này sang ngày khác tới hàng chục hàng trăm tập.

Với người mê điện ảnh, tất nhiên TV không thể thay thế—xem TV là vẫn biết hết mọi thứ diễn ra xung quanh, vẫn thấy người khác qua lại, vẫn nghe âm thanh bên ngoài, vẫn lâu lâu ngó điện thoại; trong khi cảm giác ngồi rạp đắm chìm trong bộ film trên màn ảnh lớn, hoàn toàn cắt đứt với thế giới bên ngoài và không bị những thứ khác phân tán tâm trí, vẫn hơn hẳn cảm giác xem film trên màn ảnh nhỏ. Ðó là chưa kể, xem màn ảnh rộng vẫn khác—“1917” hay “2001: A Space Odyssey” trên cái TV bé tí không thể so được khi xem ở rạp. Có nhiều thứ film ra rạp có thể làm được trong khi film TV bị hạn chế.

Tuy nhiên, TV có góp phần thay đổi điện ảnh, trong đó rõ nhất là video ca nhạc của MTV tác động tới tiết tấu và tốc độ cắt trong điện ảnh—do ảnh hưởng MTV, film ảnh ngày nay cắt nhanh, cắt liên tục, hoặc liên tục chuyển động camera, chứ không để máy tĩnh và kéo dài như trong film của Ozu hoặc Bergman trước kia nữa.

Bảo Huân     

Dịch vụ streaming

Phổ biến nhất là Netflix, nhưng ngoài ra còn có hằng hà sa số các dịch vụ streaming khác như Disney+, Now TV, Amazon Prime, Sky Store, Apple TV+, Britbox, Mubi, The Criterion Channel v.v.

Ngoài ra các kênh truyền hình lớn cũng có dịch vụ streaming như BBC có BBC iPlayer, Channel 4 có All 4  v.v.

Nếu lúc trước xem TV bị bó chân bó cẳng, có gì đang chiếu thì coi nấy hoặc phải canh đúng giờ để xem cái mình muốn, hoặc nếu đang xem cần vào toilet phải đợi tới quảng cáo để đi rồi sau đó cuống cuồng trở lại cho kịp, với dịch vụ streaming người ta không cần khốn khổ thế nữa. Mọi chương trình có sẵn đó, đôi khi có thể giới hạn thời gian nhưng gần như muốn coi lúc nào thì coi, coi cái gì thì coi.

Các dịch vụ streaming thay đổi thói quen xem TV và cũng phần nào tác động tới điện ảnh, đặc biệt khi những dịch vụ như Netflix có film riêng.

Ðặc biệt trong 2020, khi rạp chiếu film đa phần đóng cửa hoặc nếu có mở cũng không có người xem vì lo ngại Covid, khán giả hướng tới các dịch vụ streaming như Netflix hay Amazon Prime. Thậm chí có người hỏi, liệu có nhiều người trở lại với rạp sau đại dịch không sau cả năm quen với Netflix?

Bảo Huân

Truyền hình thực tế

Một đối thủ khác của film ảnh là truyền hình thực tế (reality TV), như “Keeping Up with the Kardashians”, “Love Island”, “Jersey Shore”, “Hell’s Kitchen”, “The Bachelor”, “The Bachelorette”, “Project Runway”, “RuPaul’s Drag Race”, “The Real Housewives of New York City”, “Hoarders”, “Tidying Up with Marie Kondo”  v.v. Ngoài ra còn có những chương trình hẹn hò cũng tương tự như truyền hình thực tế, ví dụ “Naked Attraction”, “Five Guys a Week”, “Love Is Blind”…

Các chương trình thực tế vừa có đủ thứ drama, hỉ nộ ái ố, vừa tạo cảm giác đó là thực tế, kiểu người thật việc thật—không phải diễn viên làm theo kịch bản, khán giả cứ cuốn vào coi từ tập này sang tập khác (dù thực tế là những chương trình này cũng có sắp xếp chứ không hoàn toàn tự nhiên như film tài liệu).

Khi tôi học trường film, trong khi tôi thường xem film kinh điển và chịu khó xem film từ Mỹ sang Châu Á và Châu Âu, nhiều đứa trong lớp không bao giờ xem film kinh điển và không bao giờ ngó tới film có phụ đề. Không ít đứa tốt nghiệp trường film dù chưa bao giờ xem qua Kurosawa, Mizoguchi, Bergman, Fellini, Tarkovsky, Ozu, Antonioni, Bunuel…Thay vào đó lại xem “Love Island” hay “Keeping up with the Kardashians” hay “Naked Attraction”, kéo từ ngày này sang ngày khác.

Dạo gần đây bản thân tôi vì nhiều lý do khó tập trung xem film, cũng chuyển sang xem “Top Gear” (phiên bản cũ với Jeremy Clarkson, không phải “Top Gear” hiện tại).

Bảo Huân

Youtube và TikTok

Video dần dần lấn át—camera film dần dần bị thay thế bằng camera kỹ thuật số và smartphone, film nhựa dần dần bị thay thế bởi video. Film ảnh phải cạnh tranh với video và đặc biệt khi công nghệ càng ngày càng phát triển, với smartphone, bất kỳ ai cũng có thể tự quay video quăng lên mạng. Film ảnh không chỉ cạnh tranh với TV và video của dân chuyên nghiệp mà còn cạnh tranh với video của dân amateur, đặc biệt trên những dịch vụ như Youtube và TikTok.

Khi khắp nơi là video, khắp nơi là hình, film ảnh phải cạnh tranh hơn, phải bắt mắt hơn, đặc biệt thời nay khi người ta có khả năng tập trung chú ý ngắn hạn. Kiểu film như Tarkovsky trước đây đã kén khán giả, hiện nay sẽ còn kén hơn khi xung quanh là đủ thứ ồn ào nhấp nháy khác làm xao nhãng.

Bảo Huân

Video games

So với film, video games là thứ rất khác, nhưng có vài điểm tương tự—cũng có một thế giới riêng, cũng có câu chuyện và nhân vật, cũng có visual effects (hiệu ứng hình ảnh) và CGI… Cụm từ “video games are better than movies” có trên 2 tỷ kết quả trên Google. Không nói tới giá trị nghệ thuật và không so sánh với các thể loại film nghệ thuật hoặc film drama, điểm khác biệt chính giữa video games và các thể loại film bom tấn, film superhero… là chơi game là trực tiếp, chủ động tham gia, còn xem film là bị động. Nhiều video games có chất lượng graphics (đồ họa) không kém các thể loại film superhero hay fantasy.

Ngành công nghệ games có cái gọi là streaming videos—tức là dân game thu lại mình chơi, đặc biệt trên Twitch, và khán giả ngồi xem người đó chơi game và nghe bình luận hoặc coi phản ứng, tức là cũng bị động như xem film.

Các thể loại film nghệ thuật tất nhiên không cần quan tâm, nhưng các loại film bom tấn theo nhiều nghĩa có đối thủ cạnh tranh là video games.

Pinterest.com

Interactive videos

Interactive videos hay video tương tác có thể xem là cái ở giữa video và video games—thay vì xem video thụ động, khán giả có thể chọn cho nhân vật đi hướng nào, mặc gì, làm gì  v.v. tức là có thể quyết định câu chuyện đi theo hướng nào. Một video tương tác đơn giản có thể phát triển hàng chục hàng trăm hướng khác nhau, và trở thành một dạng kể chuyện hoàn toàn khác với một bộ film thông thường.

Bản thân tôi vẫn mê film và vẫn tin vào sức mạnh của điện ảnh, nhưng thực tế là film ảnh ngày nay phải cạnh tranh với rất nhiều thứ. Film ảnh sẽ tồn tại, sẽ sống sót, như sẽ phải thay đổi thế nào để thích nghi?

Bảo Huân

DN