Từ năm 2018 tới nay, tôi làm thông dịch viên mặt đối mặt (face-to-face interpreter) cho Language Line. Gần đây, đến khi tiếp xúc với hai công ty khác là The Big Word và Language Empire, tôi mới nhận ra mình may mắn thế nào.

Làm phiên dịch cho mảng y tế có thể nhẹ nhàng, không nặng nhọc, nhưng như đã viết trước đây, không phải lúc nào cũng dễ dàng. Làm phiên dịch là làm cầu nối giữa bác sĩ và bệnh nhân, nhưng làm thế nào để thông báo với một phụ nữ là thai nhi không còn thấy khi siêu âm, cô ấy đã bị sẩy thai? Làm gì khi phải nói với một bệnh nhân là ung thư thời kỳ cuối, chữa nhiều cách không hiệu quả, bây giờ chỉ là chăm sóc giảm nhẹ (palliative care)? Hoặc làm thế nào để bảo vệ mình, không bị ảnh hưởng, nếu phải đi dịch cho mảng sức khỏe tâm thần và gặp người bị trầm cảm nặng?

Nghề phiên dịch cho mảng y tế có áp lực và khó khăn của nó, không mấy người biết tới khi đã thử qua—đặc biệt khi thông dịch viên có thể được chuẩn bị nhưng không được qua huấn luyện như bác sĩ và y tá để báo tin xấu và biết cách cư xử với bệnh nhân, và cũng không được hỗ trợ.

Nói như thế không có nghĩa là than phiền về nghề phiên dịch, mà để nói nghề phiên dịch có áp lực của nó và đôi khi có thể ảnh hưởng xấu đến tâm trạng, nhưng thông dịch viên thường không được quan tâm, và các công ty khác nhau, với các chính sách và cách đối xử khác nhau, sẽ làm mọi thứ tốt hơn hay tệ đi.

Ở Language Line, thông dịch viên không được trả tiền đi lại (trừ lúc đi xa, ra khỏi thành phố), nhưng luôn được trả ít nhất một tiếng đồng hồ, ngay cả khi cuộc hẹn chỉ có 5 phút. Tôi vẫn được trả một tiếng đồng hồ nếu bệnh nhân không tới, hoặc bệnh viện hủy hẹn trong vòng 48 tiếng trước cuộc hẹn.

Ngoài ra, ở Language Line tôi còn được huấn luyện—nguyên tắc đi phiên dịch, safeguard training (cách giúp đỡ và bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của trẻ em và người lớn dễ bị tổn thương, khỏi bạo lực, lạm dụng, và bỏ bê), và đào tạo để dịch cho vấn đề sức khỏe tâm thần.

Tôi không nhận ra mình may mắn thế nào khi làm việc với Language Line, cho tới khi tiếp xúc với hai công ty dịch khác.

The Big Word liên hệ tôi, đi tuyển thông dịch viên. Tôi từ chối vì trả mức thấp hơn hiện có, và vì chính sách của họ.

Ở The Big Word, khi bệnh viện hủy hẹn trong vòng 24 tiếng, thông dịch viên được trả 50%, và được trả 100% nếu đã bắt đầu đi hoặc đã tới bệnh viện. Nếu thông dịch viên hủy hẹn trong vòng 24 tiếng, phải trả 50% phí phiên dịch; trong 24-48 tiếng, trả 25%; và phải trả 10% nếu hủy hẹn bất kỳ lúc nào nếu trên 48 tiếng trước cuộc hẹn; nếu không báo, sẽ bị áp dụng chính sách phí hủy như trên và có thể bị loại khỏi database. Nhưng điều khoản về 10%, nói cách khác, nếu hôm nay tôi nhận một cuộc hẹn trong 2 tuần, nhưng giả sử ngày mai có chuyện gì đó xảy ra khiến tôi phải hủy hẹn, tôi sẽ vẫn phải đền 10% dù đã báo trước 2 tuần.

Bảo Huân

Language Empire là một công ty khác liên hệ với tôi khi đi tìm thông dịch viên, và làm mọi thứ rất gấp rút vì sắp có hai cái hẹn cần thông dịch viên tiếng Việt. Vì đang muốn tìm thêm việc, tôi chấp nhận Language Empire trước khi đọc qua chính sách của họ.

Sau đó tôi mới nhận ra, Language Empire có chính sách rất vô nhân đạo và không tôn trọng thông dịch viên. Khi bệnh viện hủy hẹn, thông dịch viên được trả 100% chỉ khi cuộc hẹn bị hủy trong vòng 30 phút, không có tiền đi lại, được trả 50% nếu hủy trên 30 phút nhưng trong vòng 2 tiếng đồng hồ, và không được gì nếu bệnh viện hủy hẹn trước 2 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, nếu bệnh viện hủy hẹn trong vòng 30 phút nhưng trong cùng ngày thông dịch viên đã có 4 cuộc hẹn khác hoặc hơn, thông dịch viên cũng không được trả đồng nào.

Có thể so sánh chính sách của Language Empire với Language Line để thấy sự khác biệt. Language Line làm thông dịch viên cảm thấy, nếu tôi sắp xếp giờ để đi dịch, tôi vẫn được trả tiền một tiếng đồng hồ nếu bị hủy trong vòng 48 tiếng. Trong khi đó, chính sách của Language Empire để bảo vệ và tiết kiệm cho công ty—khi cuộc hẹn bị hủy trong vòng 30 phút, có lẽ tôi đã bắt đầu ra khỏi nhà, hoặc ít nhất đang chuẩn bị đi, lẽ ra thời gian dùng làm việc khác, nhưng chỉ được trả 50%.

Bóc lột hơn là chính sách khi thông dịch viên là người hủy hẹn: ở Language Empire, thông dịch viên không phải trả tiền phạt nếu hủy trước 7 ngày; trong vòng 2-7 ngày, phải trả £10; nhưng trong vòng 2 ngày, phải trả £25, tức cao hơn mức tiền trả theo giờ, ngay cả khi bị bệnh. Nếu bệnh, phải có giấy bác sĩ (bác sĩ thường chỉ cho giấy nếu bệnh vài ngày), nên thông dịch viên phải chọn giữa vác xác đi dịch khi đang bệnh, hoặc phải trả tiền cao hơn mức tiền sẽ được trả cho một tiếng đồng hồ.

Cần nói thêm là, vì có nhu cầu cao cho người biết tiếng Việt và tôi đã qua huấn luyện và có kinh nghiệm, tôi thương lượng được mức trả cao hơn (dù chưa tới £20/ giờ), nhưng mức trả thông thường của Language Empire cho thông dịch viên là £10 cho thực tập sinh (trainee), £12 cho trung cấp (intermediate), và £14 cho nâng cao (advanced). Một thông dịch viên thông thường không có bằng chuyên ngành và không thương lượng, nếu nhận £12 và phải hủy hẹn vì bệnh, sẽ phải trả tiền phạt hơn gấp đôi.

Một người làm thông dịch viên thế này, cần phải chú ý chính sách phí hủy của công ty là gì—ai cũng biết, không ai có thể sống chỉ bằng nghề dịch, nên không thể ưu tiên nó trên mọi thứ khác. Bản thân tôi có thể không định hủy hẹn, nhưng với tôi, nếu có cơ hội ngành film, tất nhiên tôi sẽ bỏ hẹn phiên dịch để ưu tiên cơ hội ngành film (dù tất nhiên sẽ không hủy quá sát ngày).

Ðó là chưa kể, Language Empire còn rất nhiều tiền phạt khác: nếu không xuất hiện, bị phạt £50; nếu tới trễ, bị phạt £7; nếu đưa jobsheet trễ, cũng bị phạt với các mức khác nhau tùy trễ bao nhiêu ngày v.v.

Tôi chỉ nhận ra chính sách bóc lột của Language Empire sau khi đã đồng ý hai cuộc hẹn (cho sức khỏe tâm thần) vào cuối tháng 2.

Thời gian này, với đại dịch Covid-19, nhiều người bị ảnh hưởng, trong đó có thông dịch viên mặt đối mặt. Làm thông dịch viên là làm freelance, không được lương, không được tiền bệnh, và tất nhiên không được hỗ trợ nếu phải ngồi nhà tự cách ly, nhưng cũng không được hỗ trợ thu nhập nếu tiếp tục đi dịch ở bệnh viện, bị nhiễm và đổ bệnh.

Vài ngày trước, tôi gọi điện thoại cho Language Empire để hỏi khi nào được trả tiền. Chính sách với thông dịch viên mới là phải qua 50 ngày làm việc—tức là cho hai ngày đi dịch cuối tháng 2, tôi không được nhận tiền cho tới đầu tháng 5, không ngoại lệ.

Cũng không có thay đổi hoặc ngoại lệ về phí hủy trong thời gian có đại dịch—thông dịch viên có triệu chứng sẽ không có giấy bác sĩ vì không được gặp bác sĩ gia đình (GP), sẽ phải chọn giữa trả tiền phạt £25 (nếu hủy trong vòng 2 ngày) hoặc tiếp tục đi dịch và, nếu bị coronavirus, lây cho cả bác sĩ và bệnh nhân và nhiều người khác. Sức khỏe và sự an toàn của thông dịch viên và mọi người khác, với Language Empire, rõ ràng không quan trọng, và càng thấy rõ trong mùa dịch.

DN