Năm rồi, cuối năm, ngày áp lễ Giáng Sinh, hai thằng ‘cu’ con của tui nghỉ cày, cao hứng lấy xe chở tui và em yêu cùng 4 đứa cháu nội của tui quánh một vòng từ  phía Tây, Queenscliff  trên bán đảo Bellarine xuống phà qua Sorrento trên bán đảo Mornington về phía Ðông của thủ phủ Melbourne.

Hải trình của chiếc phà ngoài cửa Vịnh Port Phillip, tiểu bang Victoria, Úc Châu nầy dài 10 cây số, mất 40 phút.

Từ 7 giờ sáng, hai chiếc phà biển nầy luân phiên chạy qua chạy lại tới 6 giờ chiều thì nghỉ.

Một chiếc xe tốn 62 đô. Người lớn 12 đô, thẻ giảm giá 10 đô. Con nít từ 4 đến 15 tuổi 8 đô; nhỏ hơn nữa thì được miễn.

Xe xuống phà đậu, hành khách phải rời xe, leo lên lầu thượng ngắm cảnh trời mây nước.

Từng đàn cá heo (dolphins) hụp lặn bơi theo phà như biểu diễn tài bơi lội. Mấy đứa cháu nội của tui chỉ chỏ, cười hi hi vì khoái quá trời hè!

(Ở nước Úc tư bản nầy đây kinh tế thị trường không có lòng thòng cái đuôi xã hội chủ nghĩa gì ráo, khi ngân sách của chính phủ Liên bang và Tiểu bang không kham nổi thì để công ty tư nhân nó làm.

Qua phà là trả tiền, không qua thì phải chịu khó chạy xa hơn, mất thời giờ hơn, tốn xăng hơn. Quyền chọn lựa là của mình chớ không có thằng cha căng chú kiết nào nhào vô nắm đầu mình trấn lột; không đi cũng phải trả như những đường ăn cướp trên quốc lộ Một ở Cai Lậy rùm beng mấy bữa nay đâu.)

o O o

Ðêm nay, đêm tháng Chạp cuối năm, tui nhớ chuyến phà xứ người năm ngoái; lòng tui lại nhớ những chuyến phà của quê mình năm cũ!

Ôi! Tháng của những ngày ly biệt, rồi ra đi biền biệt, dẫu quê lòng tha thiết nhớ… nhưng làm sao biết tới ngày nào mà về quê cũ?

Ðúng là Lục tỉnh Nam Kỳ mình sông rạch chằng chịt! Nào là đò dọc, đò ngang, xuôi dòng hay băng ngang qua bến khác, rồi lại quay về bến cũ.

Thủ đô Sài Gòn muốn qua bên Thủ Thiêm thuở ấy là mình phải đi đò. “Bắp non mà nướng lửa lò/Ðố ai ve được con đò Thủ Thiêm.”

Như vậy chiếc ghe trọng trọng một chút để đưa hành khách từ bên nầy sông qua bên kia sông gọi là đò, đò ngang.

Xem thêm:   Kế Sách

Ðể chở được nhiều người, xe đạp, xe gắn máy, tàu có tài công, thì gọi là phà.

Còn bự kinh hơn nữa, chở cả chục chiếc xe hơi mỗi lần, trọng tải tới 100, 200 tấn thì mình gọi là bắc.

Như vậy theo ngu ý của tui, là xếp từ nhỏ tới lớn, từ thô sơ chèo tay đến chạy máy diesel hiện đại. Mình có đò ngang, rồi phà và ‘number one’ là chiếc bắc (âm tiếng Tây là Bac).

Nhưng sau 75, thì gọi búa xua bắc là phà. Sao vậy cà? Vì các nhà thơ, nhà nhạc ưa chữ phà hơn, vì vần điệu dễ hát; dẫu đã làm mất dần sự trong sáng của tiếng Việt đi! Hi hi!

(Chẳng hạn như xưa giờ, tui chỉ nghe trai cưới vợ; gái lấy chồng. Vậy mà báo chí quốc doanh trong nước dám viết là: em người mẫu chân dài đầu ngắn nầy ‘cưới’ chồng (?!)

Ðọc xong, tui cũng tự mình vò đầu bứt tai tự hỏi: “Ủa trong nước theo chế độ mẫu hệ hồi nào vậy cà?” Té ra không phải mà là dùng chữ tầm bậy tầm bạ, đụng đâu xắn đấy mà thôi!)

Tiếng Việt mình dĩ nhiên không ai hoàn hảo cả, nhưng làm cái nghề bán chữ thì cũng nên kỹ kỹ chút đi kẻo chúng nó khi!

Trước 75, khi viết về thời VNCH mình, mà dùng chữ phà thay cho chữ bắc là trật lất rồi! Bằng cớ là soạn giả Viễn Châu trong bài vọng cổ: ‘Người Ðánh Ðàn Trên Sông Mỹ Thuận’, toàn là chữ bắc Mỹ Thuận không hè, tui tìm đỏ con mắt mà hổng thấy chữ phà Mỹ Thuận nó nằm ở đâu?

o O o

Ôi nhớ xưa! Xe đò đi miền Tây như: Ðức Hiệp chạy Cần Thơ, rồi Thuận Thành, Lộc Thành, Nhan Nhựt, Quang Minh, Ðại Hưng, Thuận Hiệp, Vĩnh Phát, Thuận Lợi, Liên Hiệp, Nhơn Hòa, Phi Long, Hiệp Hưng, Kim Long, Nam Thành, Hữu Phước, Quang Minh, Hiệp Thành, Tam Hữu chạy tới Bạc Liêu, Cà Mau.

Tất cả các hãng xe nầy phải chờ qua cầu Bến Lức và cầu Tân An (chỉ cho chạy một chiều) rồi xuống tới Bắc Mỹ Thuận quẹo về tay phải đi Sa Ðéc qua Bắc Vàm Cống để về Long Xuyên và Rạch Giá.

Qua Bắc Mỹ Thuận, quẹo tay trái trước khi vô chợ Vĩnh Long là bà con mình phải qua cái quận Long Hồ. Nằm ép bên chân cầu là một cái chợ nhỏ tên là Trường An thuộc làng Tân Ngãi.

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Trường An và Long Hồ là tên hai nhân vật trong tuồng cải lương ‘Tuyệt Tình Ca’ mà bà con mộ điệu cải lương đặt tên tuồng lại là ‘Ông Cò Quận Chín’ (do Út Trà Ôn đóng) của soạn giả Hoa Phượng và Ngọc Ðiệp. Trường An, vai chị, do Bạch Tuyết; Long Hồ, vai em, do Thanh Sang đóng!

Ðó là thời hoàng kim của sân khấu cải lương, của đoàn Dạ Lý Hương của bầu Xuân dù đất nước vẫn còn chìm đắm trong cuộc chiến tranh bảo vệ Miền Nam trước cuộc xâm lược của quân CS Bắc Việt.

Sau nầy, mất miền Nam, sân khấu cải lương cũng bị lụi tàn theo vận nước!

o O o

Tui vốn là dân “vưỡn”, dân miệt vườn, lớn lên một chút đã lội nát nước Nam Kỳ Lục Tỉnh! Ðã qua biết bao lần Bắc Mỹ Thuận, Bắc Cần Thơ và Bắc Vàm Cống.

Cái bắc cuối cùng tui qua là Bắc Rạch Miễu (nối Mỹ Tho với Bến Tre) và Bắc Hàm Luông về Mỏ Cày để đêm vừa xuống, leo lên thuyền xuôi Ba Ðông vượt biên cuối năm 1988; vì tháng Tư năm 1989 các trại tỵ nạn khắp vùng Ðông Nam Á sẽ bị đóng cửa.

Tui đi nhưng trong lòng vẫn thương nhớ những chiếc bắc ngày xưa cũ!

Nhớ Bắc Mỹ Thuận, ngang sông Tiền mênh mông, vàng quạch phù sa như màu của chè sương sa mình ăn hồi nhỏ vậy, mà Tây đặt tên là “les bacs de My Thuan”.

Nhớ Bắc Cần Thơ, ngang sông Hậu dài 1,840m! Phía Cần Thơ, cầu Bắc tại Cái Khế! Phía Vĩnh Long, cầu Bắc tại Cái Vồn, quận Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Tài công của chiếc bắc ngồi trong buồng lái trên cao cho dễ quan sát thuyền bè qua lại hay lúc cặp vào bờ, giựt dây, chuông kêu leng keng, nắm cây ‘cần’ giảm tốc độ để Bắc từ từ ráp vào gờ phao nổi.

Rồi một nhân viên trên chiếc Bắc kéo một cái dây cáp móc vào cái trụ trên ‘ponton’ để ngăn không cho chiếc Bắc tuột ra, để xe đang ‘đề pa’ không rớt tuốt xuống sông!

Ðêm quê người, trong cơn mơ về quê cũ, trong tiếng mưa rơi lộp độp ở hiên nhà tui vẫn nghe văng vẳng tiếng:“Tới Bắc Cần Thơ rồi, bà con xuống xe đi bộ, qua Bắc”.

Tui tuột xuống giường cái rột làm em yêu giựt mình hỏi tui đi đâu đó: “Lẹ lẹ lên em ơi! Trễ Bắc, làm sao mình về lại Úc cho được! Hu hu!”

Em yêu đợi tui tỉnh ngủ, bình tâm lại, bèn vỗ về an ủi: “Mai anh phải đi khám bác sĩ tâm thần mới được!”

“Bắc Mỹ Thuận, nay đã nghỉ chạy; vì Úc đã giúp xây xong cầu Mỹ Thuận.

Bắc Cần Thơ, nay đã nghỉ chạy; vì Nhựt đã giúp xây xong cầu Cần Thơ.

Thì còn chiếc Bắc nào đâu mà anh sợ trễ chớ?”

“Phần hai vợ chồng mình đã bỏ xứ đi luôn rồi việc gì phải sợ trễ Bắc, trễ máy bay, kẹt lại ở Việt Nam đó anh yêu?”

o O o

Từ Cần Thơ đi Sài Gòn chỉ có 171 cây số bây giờ xe chỉ chạy mất 3 giờ 24 phút. Chớ hồi xưa cũng khoảng đường ấy qua sông nên phải lụy đò, phải qua hai lần bắc! Rồi VC đào đường, đắp mô nên mình rời Cần Thơ lúc tuổi thanh xuân vô tới cầu An Lạc ở Sài Gòn đầu muốn bạc.

Xem thêm:   Đầu dê; thịt chó?

Mất 8, 9 tiếng đồng hồ là thường. Cùng khoảng thời gian đó, bây giờ bằng mình leo lên máy bay ở phi trường Tullamarine, Melbourne đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhứt để đi uống bia ôm như thằng bạn nhậu (mất nết) của tui hay làm vào những ngày cuối năm giáp Tết.

Nó rủ tui về hoài hè. Nhưng tui lắc đầu quầy quậy, bà con mình đang đói khổ mà mình ỷ rủng rỉnh chút tiền đô, về để du hí thì thiệt là tệ hơn con khỉ.

Tỉnh cơn mộng du, trời chưa sáng (như quê mình vậy). Tui lui cui rót ra ly rượu đỏ làm một hơi để nhớ về người chiến hữu thương binh ngày cũ trên Bến Bắc Cần Thơ: “Chiều qua phà Hậu Giang tiếng ai hát dạo buồn thay/ Tiếng ca sầu mênh mang như khơi niềm đau năm tháng xưa/ Chân nạng gỗ thấp cao kéo lề đời theo dòng nhạc đưa/ Mảnh chiến y phai màu khúc ca nào gợi sầu khôn nguôi!”

Ðêm cuối năm về sáng quê người sao buồn quá Má ơi?!

Phiem - DXT

ĐXT Melbourne