Quận Kế Sách thời VNCH thuộc tỉnh Ba Xuyên. Huyện Kế Sách thời CS thuộc tỉnh Sóc Trăng. Kế Sách vùng đất xa cạ 3 sắc dân: Việt, Khmer, Hoa. Kế Sách bắt nguồn từ tiếng Miên ‘Khsach’ là Giồng cát. Giồng cát chạy dài từ ấp Tập Rèn qua chợ Kế Sách đến tận xã Phú Tâm rồi ngã ba An Trạch. Từ Sóc Trăng về Kế Sách bằng đường bộ phải theo quốc lộ 4 về hướng Cần Thơ. Chạy khoảng 6 km đến ngã ba An Trạch, quẹo phải vô Phú Tâm, còn gọi là Phú Nổ hoặc Vũng Thơm. (Vũng Thơm nổi tiếng về lạp xưởng, mè láo và bánh Pía xuất qua tới tận Hong Kong). Sau đó tới ‘Khna Tưng’, tên Sóc Miên, rồi mới tới Kế Sách.
Viết về Kế Sách tui nhớ Cồn Mỹ Phước nằm gần cuối hạ lưu sông Hậu, cách biển 45 km (thời Pháp là Cù lao Công Điền (đất công của nhà nước), thời VNCH là Cù lao Quốc gia). Đến cuối thập niên 50, thế kỷ XX, lại nổi lên một cái cồn Bùn gần Cù lao Quốc Gia. Theo không ảnh, mặt cồn giống như một chiếc xuồng giữa sông hướng ra Biển Đông. Lúc VC vô; dân cồn vượt biển rất nhiều.
Mới đầu mặt cồn là bãi bùn năn lác, cỏ dại và cây bần, cây tạp cùng thú hoang và chim muông sinh sống. Dân tình được phép đến đây để ăn ong và cưa bần đấu giá tính bằng xuồng để làm củi.
Là cù lao nằm giữa sông nên thời 9 năm ít có Việt Minh. Thời Đệ nhứt, Đệ nhị Cộng Hoà rất an ninh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng có về thăm. VC không dám léo hánh về, sợ lính VNCH hành quân thì chạy đi đâu? Chui xuống hầm bí mật thì sợ lính khui hầm. “Lội sông chém vè” thì sợ bị Hà Bá rước. Bà con miệt cồn an cư lạc nghiệp trồng chuối, cam, quýt, bưởi, sa bô chê, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng. Ghe chở trái cây lên Cần Thơ rồi tuốt lên chợ Cầu Ông Lãnh Sài Gòn. Nhà khấm khá nên con trai lẫn con gái được cho đi học ở trường quận trong chợ Kế Sách. Hết lớp ra Sóc Trăng hoặc lên Cần Thơ học tiếp.
Về Kế Sách, vô Chùa Miên đốt nhang nhớ những người quốc gia như Trung tá Phan Khánh-quận trưởng Kế Sách; Xã trưởng Thới An Hội; Xã trưởng Xuân Hòa; Trung sĩ Có – Cảnh sát đặc biệt bị Bí thư huyện ủy Hai Tịch, xử tử sau tháng Tư năm 1975. ‘Lest we forget!’ Sợ chúng ta quên. Lịch sử mãi mãi không quên các chiến sĩ đã anh dũng đem thân mình đền nợ nước.
Nhớ thầy Nguyễn Văn Chính, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kế Sách, là Ba của 2 chị em học trò của tui là Nguyễn Thị Thanh Tâm và Nguyễn Thị Thanh Tuyển rất đẹp. Thầy Chính được Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu thân tặng cho một cái hộp quẹt Zippo. Sau, bọn cách mạng mật báo chuyện nầy nên Huỳnh Kim Cương tức Hai Cương, Trưởng phòng Thông tin và Văn hóa và Dương Văn Phòng tức Sáu Phòng, Trưởng phòng Giáo dục, (hai tay VC nầy giờ quá già, chắc đi chầu bác, đảng hết cả rồi) không cho thầy Nguyễn Văn Chính đi dạy nữa. VC đưa Thầy Ký Ba (gốc người Tiều lai Miên), vốn là thư ký trường, là Ba của 2 trò Ký Văn Lệ và Ký Thành Long lên thay để khuyến dụ người Miên vì Lê Duẩn theo Nga, Pol Pot theo Tàu sửa soạn đánh nhau.
Năm 1974 tốt nghiệp Đại học Sư phạm Cần Thơ do em yêu xúi; tui chọn về Kế Sách dù tui không biết nơi đó mặt tròn méo ra sao? 23 tuổi đầu khờ căm, dân chợ vì Ba tui làm công chức, chuyện ruộng vườn, uống rượu đế tui bù trất. Trong khi học trò trai lớp 10, 11, 12 nhậu quá cha tui. Chủ Nhựt có đứa nhà ngoài Cồn Mỹ Phước xách vỏ lãi gắn máy Kubota của Nhựt chạy vô chợ chở thầy ra nhà em chơi. Dân đất cồn khá giả nên rất hiếu khách, chân tình, muốn gả con gái của mình cho thằng rể nào có học chút đỉnh như thầy giáo chẳng hạn. Dân quê xưa giờ coi thầy giáo như nhà nho hồi xưa. Nên muốn cưới con họ là dắt ba má thầy xuống đây nói một tiếng. Nghĩa là thấy là chớp liền, chớp lẹ. Không chớp thì thôi xê ra kẻo chết duyên con gái của người ta. Không có cái vụ dắt nhau ra ngoài vườn tìm hiểu em nhe. Chìa đâu mở khoá cửa lòng em cho được?
Dạy chưa hết 1 năm học, tháng Tư 75, Dương Văn Minh đầu hàng, giao VNCH cho CSBV. Là thầy giáo gốc sĩ quan biệt phái thuộc cấp số của Trung tâm Quản trị Trung ương thuộc Bộ Quốc Phòng ở đường Tô Hiến Thành Sài Gòn. VC không hỏi nên tui không khai. Chắc nó thấy mặt tui còn con nít, mặt búng ra sữa; chắc tui chưa gây “nợ máu” với nhân dân. Phần mới về quận, tui chưa giành gái với thằng nào nên chưa bị nó tố cáo với chánh quyền cách mạng. Chớ giáo sư có chồng sĩ quan VNCH là nó nắm đầu đuổi ngay lập tức. Còn tui được nó cho ‘lưu dụng’ 2 năm. CS lùa sinh viên Luật, Văn khoa qua học Sư phạm. Khi đủ giáo viên (CS gọi là giáo viên cấp 2, cấp 3 như ngoài Bắc; chúng khai tử chức giáo sư trung học rồi); tụi nó đuổi tới tui. Đuổi thì tui đi và đi luôn cho ra biển. Ngày ấy và bây giờ đã 49 năm, gần nửa thế kỷ.
Melbourne, quê người viễn xứ, tháng Tư lần nữa lại về tui nhớ tới Cù lao Quốc Gia ngày cũ. Ôi! Tui thương 2 chữ Quốc Gia của chúng ta biết bao nhiêu mà kể. VC hoang tưởng nhìn ai cũng thấy kẻ thù, kẻ muốn giết hại mình nên chúng gài điềm chỉ viên khắp nơi. Sự sợ hãi đến mức bịnh hoạn hết thuốc chữa của VC làm tình tội người Miền Nam sống chất phác, thật thà với nhau tan rã hết; không ai còn tin ai nữa. Kế Sách một lần tui qua đã gần 50 năm xin để trái tim mình ở lại trong bùi ngùi thương nhớ.
ĐXT